Những vũ khí Triều Tiên có thể đem ra tiền tuyến “nắn gân” Hàn Quốc
Triều Tiên có thể đưa hàng loạt hệ thống pháo tự hành và tổ hợp rocket đa nòng đến hai địa điểm quan trọng nằm trong khu vực phi quân sự (DMZ), các chuyên gia nhận định.
Cuộc tập trận pháo binh lớn nhất của Triều Tiên năm 2017.
Theo Yonhap, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên hôm 17.6 đã công khai ý định đưa lực lượng quân đội ở cấp trung đoàn đến khu công nghiệp Kaesong ở biên giới phía tây và khu du lịch núi Kumgang ở biên giới phía đông với Hàn Quốc.
Ở cấp trung đoàn, Triều Tiên có điều động khoảng 2.000 binh sĩ. Các lực lượng này sẽ không được huy động một cách đơn thuần, mà được đảm bảo hỏa lực bằng các tổ hợp pháo tự hành và rocket đa nòng.
Lựa chọn khả dĩ nhất là quân đội Triều Tiên đưa pháo tự hành cỡ nòng 170mm và tổ hợp rocket đa nòng 240mm đến khu công nghiệp Kaesong.
Pháo tự hành 170mm của Triều Tiên có thể khai hỏa 2 phát/phút, tầm bắn 54km, rất phù hợp để uy hiếp thủ đô Seoul cửa Hàn Quốc. Tổ hợp rocket đa nòng có thể khai hỏa 40 đạn tên lửa/phút, tầm bắn 60km hoặc xa hơn.
“Đây là các vũ khí thông thường, sử dụng bệ phóng di động nên rất khó để phát hiện. Một khi đồng loạt khai hỏa với số lượng lớn, các vũ khí này sẽ tạo nên đòn tấn công phủ đầu bất ngờ”, Shin Jong-woo, nhà phân tích quân sự Hàn Quốc đánh giá.
Kaesong cách thủ đô Seoul khoảng 40km. Khi chưa thành lập khu công nghiệp Kaesong, Triều Tiên từng có sư đoàn 6, sư đoàn 64 và lữ đoàn pháo binh 62 đóng quân ở khu vực.
Các tổ hợp rocket đa nòng của Triều Tiên đồng loạt khai hỏa.
Ngày nay, các lực lượng này đã lui sâu về lãnh thổ Triều Tiên khoảng 16km. Lữ đoàn 62 được trang bị pháo 170mm và các bệ phóng 240mm.
Sư đoàn 6 là lực lượng chủ chốt, tiến vào Seoul trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Ngày nay, lực lượng này được trang bị xe tăng Thiên Mã Hổ - mẫu xe tăng nội địa của Triều Tiên dựa trên nguyên mẫu T-62 từ thời Liên Xô và nhiều xe bọc thép khác.
Triều Tiên còn có tên lửa đạn đạo tầm ngắn, phiên bản nội địa chế tạo từ nguyên mẫu Iskander của Nga, nhưng nhiều khả năng sẽ không được đưa ra tiền tuyến vì có thể tấn công từ xa. Tên lửa Iskander phiên bản Triều Tiên có tầm bắn khoảng 600km.
Ở khu vực núi Kumgang, Triều Tiên có thể huy động lực lượng hải quân và tàu ngầm đến cảng Jangjon. Đây từng là cảng quân sự của Triều Tiên cho đến khi trở thành cửa ngõ dẫn vào khu nghỉ mát.
Hoạt động du lịch ở khu vực này đã đóng băng hoàn toàn, kể từ vụ một du khách Hàn Quốc bị lính Triều Tiên bắn chết khi bước vào khu vực cấm vào năm 2008.
“Rất có khả năng Triều Tiên sẽ xóa bỏ hoàn toàn các công trình phục vụ du lịch ở núi Kumgang để làm chỗ cho xe tăng trú và lực lượng tên lửa”, ông Shin nhận định.
Một chiếc chuyên cơ của Chủ tịch Kim Jong-un đã thực hiện chuyến bay từ thủ đô Bình Nhưỡng tới phía đông Triều Tiên...
Nguồn: [Link nguồn]