Những vũ khí nào của Mỹ có thể giúp Ukraine đánh chặn tên lửa tối tân Oreshnik?
Tuần trước, Nga lần đầu sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik mang 6 đầu đạn, mỗi đầu đạn chứa 6 quả đạn nhỏ hơn để tấn công mục tiêu ở Ukraine. Trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nói không có hệ thống phòng không nào trên thế giới có thể đánh chặn Oreshnik thì Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lại khẳng định ngược lại.
Ukraine công bố các mảnh vỡ đầu đạn tên lửa Oreshnik của Nga hôm 24/11. Ảnh: AFP.
Trong bài phát biểu mới nhất, ông Zelensky nói Ukraine đang tích cực hợp tác với các đồng minh, đặc biệt là Mỹ, để tìm kiếm các giải pháp đối phó hiệu quả.
Ông Zelensky: Tên lửa Oreshnik của Nga có thể bị đánh chặn
Ngày 21/11/2024, Nga đã sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik để tấn công một nhà máy sản xuất vũ khí của Ukraine ở thành phố Dnipro. Đây là lần đầu tiên một loại tên lửa chiến lược sử dụng nhiều đầu đạn dẫn đường độc lập (MIRV) được sử dụng trong một cuộc xung đột.
Theo ông Putin, Oreshnik là loại tên lửa "không thể bị đánh chặn" và để ngỏ khả năng sẽ tiếp tục sử dụng tên lửa này trong xung đột ở Ukraine.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu ngày 24/11, ông Zelensky nhấn mạnh: “Thế giới có những hệ thống phòng không đủ sức đối phó với các mối đe dọa này".
Mô phỏng cơ chế hoạt động của tổ hợp phòng không THAAD.
Theo ông Zelensky, các chuyên gia Ukraine đang phân tích mảnh vỡ của tên lửa Oreshnik và phối hợp cùng các đồng minh để đưa ra phương án đáp trả. Ông Zelensky đã chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine làm việc với các đối tác quốc tế nhằm hối thúc các đồng minh nhanh chóng trang bị các hệ thống phòng không tiên tiến. Một số hệ thống phòng không có thể đánh chặn tên lửa Oreshnik được truyền thông Ukraine đề cập bao gồm tổ hợp phòng thủ THAAD và hệ thống Aegis. Đây đều là các hệ thống phòng không do Mỹ sản xuất.
Tổ hợp THAAD
Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) là một trong những hệ thống phòng thủ hiện đại nhất hiện nay do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ phát triển. Được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo ở độ cao lớn, THAAD sử dụng phương pháp "va chạm động năng" để tiêu diệt mục tiêu ngay trong môi trường không gian.
Tuy nhiên, phạm vi đánh chặn của tổ hợp THAAD tương đối hạn chế, chỉ vào khoảng 200km. Theo các chuyên gia, trong trường hợp tên lửa Oreshnik phóng ra các đầu đạn con, tổ hợp THAAD chỉ có thể đánh chặn từng đầu đạn nhưng không đảm bảo xác xuất 100%.
Một xe phóng tên lửa đánh chặn thuộc tổ hợp THAAD. Ảnh: Không quân Mỹ.
Mỗi tổ hợp THAAD cũng khá đắt đỏ, có giá lên tới 2,3 tỷ USD. Mỹ chưa từng bán THAAD mà chỉ triển khai ở lãnh thổ các nước đồng minh, do quân nhân Mỹ trực tiếp vận hành. Cách đây vài tháng, Mỹ đã đưa một tổ hợp THAAD tới Israel để hỗ trợ nước này đối phó nguy cơ Iran thực hiện thêm các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo.
Theo trang United24 của Ukraine, Kiev kì vọng Mỹ cung cấp tổ hợp THAAD thông qua NATO, bao gồm các nước giáp biên giới Ukraine như Ba Lan và Romania để mở rộng phạm vi bảo vệ.
Tuy nhiên, NATO sẽ cần phải bắn hạ tên lửa Nga trong không phận Ukraine. Đây là điều mà liên minh vẫn tỏ ra chưa sẵn sàng trước nguy cơ Nga đáp trả mạnh mẽ hơn.
Hệ thống phòng không Aegis
Aegis là một hệ thống phòng không đa năng do Lockheed Martin phát triển, ban đầu thiết kế để trang bị cho tàu chiến của Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng, Aegis hiện đã được chuyển đổi sang sử dụng trên đất liền, cung cấp khả năng phòng thủ trước nhiều loại mối đe dọa, từ tên lửa đạn đạo đến máy bay không người lái.
Aegis được coi là hệ thống phòng thủ hữu hiệu nhất của Mỹ để đối phó với tên lửa đạn đạo tầm trung như Oreshnik mà Nga mới sử dụng để tập kích Ukraine. Hệ thống tập trung đánh chặn mục tiêu ở giữa hành trình, nghĩa là trước khi tên lửa đưa đầu đạn hồi quyển.
Tổ hợp phòng không Aegis trên đất liền sử dụng tên lửa đánh chặn SM-3 tương tự như trên tàu chiến. Ảnh: United24.
Về cơ bản hệ thống, Aegis được Mỹ triển khai trên đất liền gồm radar tối tân SPY-1 và các xe phóng tên lửa đánh chặn SM-3. Các thông số cụ thể của hệ thống hiện chưa được tiết lộ, nhưng tên lửa SM-3 mà Mỹ trang bị cho các tàu chiến từng đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo Iran.
Theo United24, Kiev mong muốn được Mỹ cung cấp các thành phần của hệ thống Aegis gồm radar SPY-1 và tên lửa đánh chặn SM-3 để tích hợp vào cơ sở hạ tầng hiện có. Tuy nhiên, việc triển khai toàn bộ hệ thống Aegis sẽ yêu cầu thời gian và đào tạo chuyên sâu, đồng thời cần sự hợp tác chặt chẽ với Mỹ và NATO.
Thông qua NATO, Mỹ đã triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên đất liền ở Romania (năm 2016) và Ba Lan (năm 2024).
Những căn cứ này được thiết kế với mục đích phòng thủ. Tuy nhiên, chúng đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ Nga. Moscow cho rằng các hệ thống Aegis Ashore có thể được sử dụng để phóng tên lửa hành trình Tomahawk, làm thay đổi cán cân an ninh khu vực.
Hôm 21/11, Nga cảnh báo đưa căn cứ tên lửa Aegis của Mỹ ở thị trấn Redzikowo, Ba Lan vào tầm ngắm. Cơ sở tên lửa này mới được khánh thành hôm 13/11, nằm trong chương trình phòng không quy mô lớn của NATO ở khu vực.
Nguồn: [Link nguồn]
Mỹ nhận định loại vũ khí bắn vào Ukraine hôm 21-11 được thiết kế dựa trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm xa của Nga và có thể mang đầu đạn hạt...