Những tương đồng giữa ICBM Hwasong-18 Triều Tiên và Topol-M Nga
Chuyên gia chỉ ra tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-18 của CHDCND Triều Tiên và Topol-M của Nga giống nhau về kích thước, cách thức hoạt động.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-18 của Triều Tiên và vụ phóng thử thành công tên lửa này vào ngày 12-7 vừa qua dường như là kết quả của sự hợp tác kỹ thuật giữa Bình Nhưỡng và Moscow. Đây là nhận định của ông Theodore Postol, cựu cố vấn về các vấn đề hạt nhân chiến lược cho Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ và hiện là Giáo sư danh dự về Khoa học, Công nghệ và Chính sách An ninh Quốc gia tại Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ).
Trong bài viết đăng trên trang phân tích Beyond Parallel, ông Postol cho rằng việc Triều Tiên trình làng ICBM dùng nhiên liệu rắn là một điều bất ngờ.
Ông cho rằng trước nay, Triều Tiên luôn khoe ICBM dùng nhiên liệu lỏng, thậm chí chỉ vài tháng trước, Bình Nhưỡng còn thử nghiệm động cơ nằm ngang phục vụ cho loại tên lửa nhiên liệu lỏng này.
“Sự xuất hiện đột ngột của những khả năng tiên tiến này khó có thể giải thích nếu không có sự hợp tác từ chính phủ Nga và các nhà khoa học nước này… Như vậy, không thể coi sự xuất hiện bất ngờ của Hwasong-18 ở Triều Tiên chỉ đơn giản là việc thường lệ” - chuyên gia Postol nhận định.
Theo ông Postol, Hwasong-18 của Triều Tiên và Topol-M của Nga có sự tương đồng về kích thước và khả năng hoạt động.
Đường kính tầng thứ nhất (first stage) của tên lửa là khoảng 2,2 m (xem hình). Số đo này được xác định qua xem xét, nghiên cứu về các đoạn phim ghi lại các cuộc thử nghiệm trên mặt đất ở Triều Tiên vào ngày 15-12-2022 về giai đoạn đầu tiên của tên lửa.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Topol-M của Nga (trái) và Hwasong-18 của Triều Tiên có những điểm tương đồng về kích thước, quỹ đạo hoạt động. Ảnh: BEYOND PARALLEL
Giả sử ước tính đường kính 2,2 m ở tầng thứ nhất là chính xác thì tỉ lệ chiều dài được xác định sau khi xem xét các bức ảnh từ cuộc phóng thử nghiệm Hwasong-18 ngày 12-7 cho thấy Hwasong-18 nhỉnh hơn 22 m một chút, nhưng về cơ bản là tương đương chiều dài với Topol-M.
Mô phỏng quỹ đạo bay gần thẳng đứng của Hwasong-18 cho thấy khả năng của tên lửa này rất giống Topol-M của Nga.
Vào ngày 12-7, Triều Tiên phóng một ICBM Hwasong-18 theo quỹ đạo gần như thẳng đứng, đạt đến độ cao hơn 6.000 km.
Toàn bộ thời gian bay từ khi phóng đến khi lao xuống vùng biển phía đông nước này được cho là là 74 phút.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-18 của Triều Tiên được phóng vào ngày 12-7. Ảnh: KCNA/REUTERS
Có một điều đặc biệt trong chuyến bay này là “hộp mồi nhử” - trong trường hợp này có thể chứa rơm để che giấu đầu đạn khỏi bị radar cảnh báo sớm phát hiện, được thả ở độ cao khoảng 460 km đến 480 km, ngay sau khi nấc thứ ba (stage 3) cháy hết.
Tuy vậy, việc thả hộp đựng này có thể dễ dàng bị các radar tình báo băng tần X có độ phân giải cao của Hàn Quốc, Nhật và Mỹ theo dõi. Điều này sẽ báo hiệu cho các nước kích hoạt các biện pháp phòng thủ tên lửa để đối phó.
Vì toàn bộ trọng tải của Hwasong-18, cũng giống như Topol-M, là khoảng 1.130 kg nên nó có thể dễ dàng mang theo nhiều đầu đạn có sức công phá hàng trăm kiloton (1 kiloton = 1 triệu tấn TNT).
Topol-M có thể phóng nhiều quả bom nhiệt hạch tới lục địa Mỹ. Còn Triều Tiên đã chứng minh trong các cuộc thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất rằng họ có vũ khí nhiệt hạch nên giờ đây nước này được cho có khả năng phóng những quả bom nhiệt hạch này tới lục địa Mỹ bằng cách sử dụng Hwasong-18.
Hơn nữa, Hwasong-18 hoàn toàn có khả năng mang và triển khai nhiều quả bom cũng như các biện pháp đối phó mồi nhử như đã nói ở trên để đánh bại bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào hiện đang được Mỹ sử dụng.
Như vậy, những đặc điểm được quan sát thấy này của Hwasong-18 rất khớp với các đặc điểm của Topol-M được mô tả trong các tài liệu mở, chuyên gia này kết luận.
Nguồn: [Link nguồn]
Triều Tiên nói đã phóng 2 tên lửa hành trình chiến lược tầm xa mang đầu đạn hạt nhân giả trong cuộc diễn tập mô phỏng tấn công hạt nhân chiến thuật.