Những tín hiệu tích cực trước cuộc gặp giữa 2 lãnh đạo Mỹ - Trung
Những tín hiệu lạc quan trước cuộc gặp giữa ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình tác động thế nào đến quan hệ Mỹ - Trung là điều dư luận hết sức chú ý.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình bên lề Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30, diễn ra từ ngày 11 đến 17-11 tại TP San Francisco, Mỹ. Nhiều chuyên gia đánh giá cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo là một trong những tâm điểm đáng chú ý nhất của kỳ APEC này, theo hãng tin Reuters.
Nhiều tín hiệu tích cực
Bà Colleen Cottle, Phó Giám đốc Trung tâm toàn cầu về TQ của tổ chức nghiên cứu Atlantic Council (Mỹ), cho rằng cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập diễn ra khi quan hệ Mỹ - Trung mềm dịu hơn so với khoảng thời gian này năm ngoái. Lúc đó căng thẳng hai bên dâng cao và các kênh liên lạc, đặc biệt là quân sự đã đóng băng sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan vào tháng 8-2022.
Cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo lần này là kết quả của kỳ “ngoại giao mùa hè thành công”, gồm một loạt chuyến thăm cấp cao của quan chức hai nước kể từ tháng 6, theo tờ Politico. Các quan chức Mỹ (bao gồm ngoại trưởng, bộ trưởng Bộ Tài chính; bộ trưởng Bộ Thương mại; đặc phái viên khí hậu) đã thăm TQ và bộ trưởng Bộ Ngoại giao TQ cũng đã thăm Mỹ hồi tháng 10.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia vào tháng 11-2022.
Chỉ trong sáu ngày qua, các quan chức hai nước đã gặp nhau ở nhiều nơi, từ TP San Francisco đến thủ đô Washington, D.C. để thảo luận nhiều vấn đề. Hôm 9-11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã gặp Phó Thủ tướng TQ Hà Lập Phong và nói rằng Washington muốn có một cuộc thảo luận “cởi mở và thực chất” về mối quan hệ kinh tế Mỹ - Trung, các hoạt động trợ cấp của Bắc Kinh cũng như những thách thức toàn cầu.
Một sự kiện đáng chú ý nữa là hôm 6-11, TQ và Mỹ đã nối lại tham vấn về kiểm soát và không phổ biến vũ khí hạt nhân vốn bị “đóng băng” trong nhiều năm qua. Tờ Global Times cho rằng sự kiện này “mang ý nghĩa đặc biệt” vì là nỗ lực mới nhất nhằm giảm bớt căng thẳng và xây dựng lòng tin trước cuộc gặp giữa ông Tập và ông Biden vào tuần tới, cũng như nhằm duy trì các kênh liên lạc mở, giảm nguy cơ tính toán sai lầm giữa hai bên.
Hai nước cũng liên tục phát đi những thông điệp thể hiện thiện chí đối thoại. Phó Chủ tịch TQ Hàn Chính hôm 8-11 khẳng định TQ “sẵn sàng tăng cường liên lạc và đối thoại với Mỹ ở mọi cấp độ, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, quản lý hợp lý những khác biệt và cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu”. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng việc quản lý quan hệ Mỹ - Trung “bắt đầu và kết thúc bằng sự dàn xếp ở cấp lãnh đạo”.
Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden, cùng những nỗ lực chung của cả hai bên, chúng tôi đã thấy một số dấu hiệu tích cực về mối quan hệ Trung - Mỹ ổn định hơn trong thời gian gần đây. Hai bên đã tiến hành một loạt hoạt động trao đổi cấp cao. Tất cả điều này đã gửi đi một tín hiệu tích cực về việc ổn định quan hệ Trung - Mỹ.
Đại sứ TQ tại Mỹ Tạ Phong
Khó tạo ra đột phá
Dù bày tỏ lạc quan về những tín hiệu tích cực trước cuộc gặp của ông Tập và ông Biden, các chuyên gia cũng nói rằng không nên kỳ vọng nhiều về sự đột phá cho quan hệ song phương trong cuộc hội đàm.
Ông Li Mingjiang, Giáo sư dự bị ngành quan hệ quốc tế Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), cho biết ông “lạc quan một cách thận trọng” về cuộc gặp giữa ông Tập và ông Biden. Ông Li Mingjiang nói: “Mặc dù TQ và Mỹ vẫn chia sẻ nhiều lợi ích chung, nhất là liên quan đến các vấn đề toàn cầu nhưng có rất ít cơ hội đạt được tiến bộ đáng kể và nếu có thì có thể chỉ đạt được sự đồng thuận về mặt nguyên tắc”.
Chuyên gia này lập luận rằng Washington khó có thể thay đổi chính sách về thương mại, chiến tranh công nghệ cao hay kiềm chế TQ, đến lượt mình, TQ cũng khó thay đổi lập trường ở Biển Đông, vấn đề Đài Loan hay trở nên minh bạch và hợp tác hơn trong vấn đề hạt nhân. Tuy nhiên, ông Li Mingjiang cho rằng quan hệ Trung - Mỹ sẽ ổn định trong một thời gian và tập trung nhiều hơn vào hợp tác, theo tờ South China Morning Post.
Cùng ý kiến, ông Sourabh Gupta, chuyên gia chính sách cấp cao của Viện Nghiên cứu TQ - Mỹ (Mỹ), cũng cho rằng sẽ khó có đột phá trong các vấn đề lớn hoặc nhạy cảm như Biển Đông, xung đột Nga - Ukraine, cuộc chiến Hamas - Israel, kiểm soát công nghệ... Theo ông Sourabh Gupta, điều tốt nhất có thể hy vọng là một bên sẽ không tạo ra một sự bất ngờ khó chịu cho bên kia và hai bên sẽ thông báo cho nhau những quyết định quan trọng mà mình đưa ra.
Ông Lu Xiang, nhà nghiên cứu về Mỹ tại Viện Khoa học xã hội TQ, cho rằng từ quan điểm của Bắc Kinh, số phận của Hội nghị thượng đỉnh APEC phần lớn phụ thuộc vào việc Washington sẵn sàng chú ý đến những lo ngại của TQ đến mức nào và mang lại những kết quả có ý nghĩa ra sao trước chuyến thăm sắp tới của ông Tập, theo tờ South China Morning Post.
Ông Lu Xiang cho rằng “không có vấn đề gì khi TQ mở cửa với Mỹ” nhưng điểm mấu chốt là “Mỹ cần thể hiện sự chân thành của mình và làm điều gì đó để xoa dịu mối quan hệ”. Theo ông Lu Xiang, mặc dù khó có bước tiến lớn trong quan hệ nhưng giữa hai nước vẫn có thể đạt được những kết quả nhất định trên thực tế. Ví dụ, Mỹ có thể dỡ bỏ dần thuế quan đối với TQ, vốn được áp đặt kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa hai nước bắt đầu vào năm 2018 và đây là điều mà Bắc Kinh đã đòi hỏi trong nhiều năm.•
Tín hiệu từ chiếc vé tham dự bữa ăn tối ngàn USD Sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình dự kiến sẽ phát biểu trước các giám đốc doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ trong bữa tối, theo tờ The New York Times. Vé tham dự bữa tối và tiệc chiêu đãi, do Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ - Trung và Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung chủ trì, có giá 2.000 USD (hơn 48 triệu đồng) mỗi vé. Ông Jude Blanchette, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), cho rằng những sự giao thiệp và gắn kết giữa các quan chức TQ và doanh nghiệp Mỹ sẽ gửi tín hiệu rằng TQ vẫn là một nơi hấp dẫn để kinh doanh, bằng chứng là các công ty này hào hứng đến gặp và ăn tối cùng ông Tập. Hiện tại, một số doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Mỹ đang lo ngại về các quy định khắt khe của TQ khi đầu tư và bán hàng trong một số lĩnh vực nhất định, cũng như ngần ngại khi rót vốn vào TQ trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của TQ đang chậm lại. |
Nguồn: [Link nguồn]
Nhóm công tác kinh tế Mỹ - Trung thảo luận về các chính sách và tình hình kinh tế vĩ mô, quan hệ kinh tế song phương và việc hợp tác ứng phó các thách thức toàn cầu