Những thảm họa thiên tai ghê gớm cứu mạng hàng trăm ngàn người

Lịch sử đã ghi lại những trận thiên tai khủng khiếp khiến hàng triệu người oán trách. Ít ai biết rằng, cũng có lúc thiên tai đã cứu giúp con người khỏi cảnh chết chóc tang thương.

Bão biển đập tan hàng loạt cuộc đánh chiếm Nhật Bản của Mông Cổ trong thế kỷ 13

Những thảm họa thiên tai ghê gớm cứu mạng hàng trăm ngàn người - 1

Nguồn ảnh: Kikuchi Yoosai

Năm 1274, Mông Cổ điều khoảng 900 tàu chiến với hơn 40.000 binh lính tiến đánh Nhật Bản. Số tàu chiến khổng lồ này đã cập cảng Hakata, Nhật Bản và sẵn sàng cho một cuộc đổ bộ lớn chưa từng có. Tuy nhiên, đội quân chưa kịp lên bờ thì gặp bão. 1/3 số tàu chiến bị bão đánh chìm, khiến 13.000 binh lính thiệt mạng. Mông Cổ buộc phải rút lui.

Năm 1281, với quyết tâm phục thù trận thua khi chưa đánh 7 năm trước đó, Mông Cổ trở lại đánh chiếm Nhật Bản với một đội quân hùng hậu: 4.400 tàu chiến và 140.000 binh lính. Lúc này, Nhật Bản chỉ có 40.000 binh lính. Lịch sử đã lặp lại. Một cơn bão lớn nổi lên ngay trong đêm trước ngày Mông Cổ đổ bộ vào đất Nhật.

Những thiệt hại mà đội quân xâm chiếm phải hứng chịu lớn hơn trước kia bội phần. Một nửa số tàu chiến - khoảng 2.200 chiếc - bị đánh chìm, gần 100.000 binh lính thiệt mạng. Đội quân Mông Cổ rút chạy trong sợ hãi.

Trận bão biển năm đó đã đi vào lịch sử nước Nhật với tên gọi Gió thần. Cũng từ đó, người Nhật dùng từ Gió thần để nói về bão biển. Họ tin rằng các thần linh đã đem bão đến cứu giúp đất nước mình.    

Bão biển che chở nước Anh khỏi quân xâm lược trong nhiều thế kỷ

Những thảm họa thiên tai ghê gớm cứu mạng hàng trăm ngàn người - 2

Nguồn ảnh: James Gillray

Năm 1588, vua Philip đệ nhị của Tây Ban Nha quyết định trừ khử nữ hoàng Elizabeth của nước Anh. Ông điều động 130 tàu chiến với 30.000 binh lính chuẩn bị cho cuộc xâm lược Anh.

Lường trước được hiểm họa nếu đội quân hùng hậu của vua Philip đệ nhị đổ bộ, quân đội Anh tiến hành chặn đánh ngay ngoài khơi Plymouth. Hai bên xác định sẽ có nhiều trận đánh trực diện. Nhưng điều này không xảy ra khi một cơn bão đột nhiên xuất hiện, đẩy toàn bộ hơn 100 tàu chiến của nhà vua Tây Ban Nha ra xa khỏi Plymouth.

Lo sợ dịch bệnh và thiếu lương thực do bão, đội quân của vua Philip đệ nhị quyết định rút lui về Tây Ban Nha. Tuy nhiên, trận bão sắp tan bỗng mạnh lên kinh hoàng, nhấn chìm 70 chiếc thuyền, khiến 15.000 binh lính vĩnh viễn nằm lại dưới đáy biển. Kể từ đó, vua Philip đệ nhị không cử thêm bất kỳ đội quân nào đi gây chiến với nữ hoàng Elizabeth.

Năm 1796, để trả thù cho thế trận thù trong giặc ngoài mà nước Anh gây ra, hoàng gia Pháp đã quyết định lật đổ nước Anh. Pháp liên kết với giới yêu nước Ireland vốn luôn muốn lật đổ hoàng gia Anh tại Britain (Vương quốc Anh và xứ Wales). Nếu kế hoạch đánh chiếm thành công, Ireland sẽ trở thành đồng minh và khiến tên gọi Britain vĩnh viễn chỉ là cái vịnh ven biển.   

Ngày 15/12/1796, một đội quân 15.000 lính Pháp lên tàu tiến đến Ireland. Nửa đường, đội tàu bị bão đánh lạc và cuốn đi chệch hướng. Khi tàu của chỉ huy tìm đến được điểm hẹn tập kết thì ông bàng hoàng không thấy bóng dáng chiếc tàu nào của hạm đội. Về đến Pháp, ông mới hay biết rằng đội tàu của mình đã đến được điểm tập kết trước, nhưng vì đợi mãi không thấy tàu chỉ huy nên tất cả đã rút lui.

Ngay sau thất bại của hoàng gia Pháp, Cộng hòa Batavian cũng đã lên kế hoạch tấn công trực diện vào vùng trung tâm hoàng gia Anh tại Britain. Thế nhưng, kế hoạch đánh chiếm này cũng đã bị thời tiết xấu đánh bật. Người ta tin rằng vương quốc Anh đã được các vị thần ở biển bảo hộ.    

Bão giúp 15 kỵ binh Pháp bắt gọn 14 tàu chiến, chấm dứt cuộc chiến Pháp - Hà Lan

Những thảm họa thiên tai ghê gớm cứu mạng hàng trăm ngàn người - 3

Nguồn ảnh: Smithsonian Magazine

Tháng 1/1795, Pháp nhận được mật báo có tàu chiến của Hà Lan gặp nạn tại một cửa sông vùng ven đảo Texel, thuộc Hà Lan. Pháp cử ngay một đội kỵ binh 15 người đi thám thính. Đến nơi, đội kỵ binh phát hiện thấy cả một một hạm đội của Hà Lan đang bị kẹt trong sông băng. Thì ra, hạm đội này phải neo đậu tránh bão tại đây nhưng không may, bão tan thì nước đã đóng băng. 

Chỉ có kiếm và không có cả thang để leo lên tàu tấn công, đội kỵ binh tách nhau và dàn hàng ngang đi đốt thật nhiều lửa trại để nghi binh. Thấy quân Pháp (có vẻ) quá đông, để tránh bị bắt giữ, đội lính thủy Hà Lan định phá hủy toàn bộ các tàu chiến của mình. Ngay lúc chuẩn bị đập phá tàu thì những người lính thủy được tin từ đội kỵ binh rằng cuộc cách mạng Pháp đã toàn thắng.

Cả hạm đội đã đầu hàng đội kỵ binh không súng với yêu cầu được ở nguyên trên tàu. Kết quả, ngày 23/1/1795, đội kỵ binh Pháp đã bắt giữ được tất cả 14 tàu chiến của Hà Lan cùng 3 tàu hàng, 850 khẩu súng và hàng nghìn lính thủy. Chiến thắng này đã giúp Pháp chấm dứt được cuộc chiến với Hà Lan. Cuộc cách mạng Pháp cũng kết thúc 7 năm sau đó, năm 1802.     

Thời tiết xấu ngăn cản Hitler hủy diệt hơn 300.000 quân đồng minh  

Những thảm họa thiên tai ghê gớm cứu mạng hàng trăm ngàn người - 4

Nguồn ảnh: Wikipedia

Tháng 5/1940, quân đồng minh gồm Anh, Pháp, Bỉ gặp thất bại dồn dập tại Pháp. Số lượng quân đồng minh lúc này chỉ còn hơn 338.000 người. Họ quyết định di chuyển về phía cảng Dunkirk để rút lui đến Anh. 

Trước tình hình chiến sự căng thẳng, nhà vua nước Anh, George VI đã yêu cầu toàn dân cầu nguyện vào ngày Chủ nhật 26/5. Người ta tin rằng Chúa đã nghe thấy lời người dân nguyện cầu nên đã ban phép màu để cứu thoát hơn 338.000 người lính anh hùng.

Phép màu thứ nhất của ngày hôm đó là việc Hitler không đồng ý cho cấp dưới đuổi đánh đoàn quân đồng minh đang rút lui đến Dunkirk. Đây là cơ hội để quân đồng minh có thời gian đến được Dunkirk. Ngày hôm sau, tức 27/5, Hitler đồng ý việc đuổi đánh, tận diệt quân đồng minh tại Dunkirk. Tại đây, phép màu thứ 2 đã xảy ra. 

Khi quân Đức quốc xã tấn công quân đồng minh tại Dunkirk, thời tiết đột ngột chuyển xấu. Mây mù, mưa và sấm sét xuất hiện khiến quân Đức quốc xã không thể tiến đánh mục tiêu. Cho tới khi thời tiết bình thường trở lại, thì quân đồng minh đã rút lui an toàn bằng đường biển. Ngày 4/6, hơn 338.000 quân đồng minh đã đến được nước Anh.

Mùa đông lạnh nhất 500 năm tại nước Nga đặt dấu chấm hết cho Kỷ nguyên đế quốc của Thụy Điển 

Những thảm họa thiên tai ghê gớm cứu mạng hàng trăm ngàn người - 5

Nguồn ảnh: Nationalinterest

Khi được hỏi về việc tấn công nước Nga, bất kỳ một vị chiến lược gia quân sự nào cũng sẽ đưa ra lời khuyên: Không tấn công trong mùa đông, nếu tấn công thì phải rút hoàn toàn trước khi mùa đông đến.  Ít ai biết rằng có một quốc gia đã bất chấp lời cảnh báo này. Đó là đế quốc Thụy Điển.

Năm 1708, trong cuộc Đại chiến Bắc Âu, Thụy Điển đã điều 40.000 quân tiến đánh nước Nga. Thời điểm này, quân đội Thụy Điển được biết đến là đội quân bất bại trên mọi mặt trận. Xác định có khả năng thua trận, người Nga rút sâu vào vùng trung tâm. Rút đến đâu, họ đốt hết làng mạc đến đó.

Mùa đông đến, quân Thụy Điển vẫn mải miết đuổi theo những đội quân và dân làng rút lui vào sâu lãnh thổ Nga mà không thu hoạch được gì. Cùng lúc, quân đội Nga chặn đánh nguồn tiếp tế của quân Thụy Điển. Mùa đông nước Nga cũng bất ngờ lạnh hơn thường lệ: Đạt ngưỡng lạnh nhất trong vòng 500 năm. Đội quân Thụy Điển trở nên kiệt quệ.

Có đêm, có tới 2.000 người lính Thụy Điển bị chết vì lạnh giá. Thế nhưng, Thụy Điển vẫn nán lại nước Nga để chuẩn bị cho cuộc tấn công vào mùa hè năm sau. Mùa hè đến, số quân Thụy Điển sống sót qua mùa đông giá rét kỷ lục không thể nào đọ nổi với đội quân 80.000 binh lính của Nga. Kết quả, chỉ có 543 lính Thụy Điển trở về nước. Kỷ nguyên đế quốc siêu cường của Thụy Điển chấm dứt.

Sắp hết thời gian để cứu Trái đất khỏi thảm họa khủng khiếp

Chính phủ các nước trên thế giới cần phải hành động “nhanh chóng, lâu dài và tạo ra thay đổi chưa từng có” để giúp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Thảo (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN