Những thách thức Trung Quốc đang đối mặt hậu đại dịch Covid-19
Phó Giáo sư Nicholas Thomas cho rằng, lựa chọn của Trung Quốc lúc này là một lựa chọn an toàn nhưng không bền vững.
Trung Quốc đã ứng phó đại dịch hiệu quả nhờ vaccine
Ngày 30/9, hãng tin CNA của Singpore đăng tải lại bài bình luận của ông Nicholas Thomas, Phó Giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Châu Á và Quốc tế tại Đại học Thành phố Hồng Kông. Bài viết này lần đầu tiên xuất hiện trên Diễn đàn Đông Á.
Mở đầu bài viết, ông Nicholas Thomas nêu ra một số câu hỏi dẫn dắt như: Điều gì là bình thường trong một thế giới hậu đại dịch? Làm thế nào ý tưởng về việc trở lại trạng thái bình thường của nền kinh tế có thể được một nhà nước chính thức công bố và hiện thực hóa?
Theo Phó Giáo sư Nicholas Thomas, câu trả lời cho những câu hỏi này phụ thuộc vào quốc gia bạn đang nói đến.
Hiện tại, với Trung Quốc, nước này được đánh giá đã trở lại trạng thái bình thường mà không có nhiều ca mắc Covid-19 mới.
Tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 ở Phúc Kiến - ảnh tư liệu Reuters.
Trung Quốc cũng là nơi an toàn trước các trường hợp nhiễm Covid-19 nhập cảnh và là nơi dân số của họ được bảo vệ khỏi sự lây lan trong cộng đồng.
Để đạt được điều này, Trung Quốc đã tự phong tỏa đất nước mình khỏi phần lớn thế giới và đưa dân số của nước này vào một chiến dịch tiêm chủng rộng rãi.
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, vào tuần đầu tiên của tháng 9, các nhà chức trách Trung Quốc đã triển khai được hơn 2 tỷ liều của ba loại vaccine Trung Quốc hiện có.
Mặc dù không rõ có bao nhiêu người đã nhận được đủ liều vaccine, nhưng đó là cũng là một nỗ lực ấn tượng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Trung Quốc đã hoàn toàn thành công trong việc quay trở lại trạng thái bình thường.
Hiệu quả của vaccine tự sản xuất là trở ngại lớn nhất mà chính phủ phải đối mặt trong việc tiến tới bình thường hóa nền kinh tế sau đại dịch.
Trung Quốc đã thực hiện một chiến dịch tiêm chủng lớn và bất kỳ loại vaccine nào cũng là một loại vaccine tốt nếu nó ngăn ngừa sự khởi phát của các triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong dù không phải tất cả các loại vaccine đều hiệu quả như nhau.
Thiếu dữ liệu về vaccine
Các nhà sản xuất vaccine Trung Quốc là Sinopharm và Sinovac đã không công bố dữ liệu toàn diện giai đoạn ba về các loại vaccine của họ để đánh giá đồng cấp.
Có một nghiên cứu hồi tháng 5 về hai loại vaccine của Sinopharm, nhưng đáng chú ý là báo cáo này không bao gồm các dữ liệu về các nhóm dân số dễ bị tổn thương cũng như những nhóm cư dân bên ngoài các nước Tây Á.
Sinovac vẫn chưa công bố dữ liệu giai đoạn ba về vaccine của mình, nhưng ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - được công bố khi nó được phê duyệt khẩn cấp - cho biết vaccine của Sinovac chỉ ngăn ngừa được các triệu chứng bệnh ở khoảng 51% dân số được tiêm chủng.
Cả hiệu quả của vaccine và tính minh bạch của dữ liệu hỗ trợ chúng đều thấp hơn nhiều so với các nhà sản xuất vaccine khác trên thế giới.
Đây là một vấn đề vì hầu hết thế giới đã chọn một con đường khác để bình thường sau đại dịch.
Hiện nay, phần lớn thế giới đều đang phải sống chung với virus và hậu quả của nó.
Do đó, Covid-19 có thể sẽ trở thành dịch bệnh đặc hữu trên toàn cầu chứ không thể bị tiêu diệt tận gốc. Sự khác biệt giữa các con đường này là rào cản lớn đối với Trung Quốc, về mặt y tế, kinh tế và chính trị.
Về mặt kinh tế, sự trở lại bình thường sẽ đòi hỏi Trung Quốc phải mở cửa biên giới của mình. Tuy nhiên, làm như vậy sẽ khiến xã hội Trung Quốc phải đối mặt với các nguy cơ lây nhiễm mới, tất cả đều không có kiểu phong tỏa chặt vốn là đặc điểm của những phản ứng trước đó của Trung Quốc đối với đại dịch.
Trong giai đoạn đầu của đại dịch, những đợt phong tỏa hàng loạt như vậy đã đem lại hiệu quả để nhanh chóng tiêu diệt virus, tránh được những chi phí kinh tế và xã hội lâu dài hơn.
Tuy nhiên, phong tỏa hàng loạt không còn là một phản ứng tiết kiệm chi phí vì hầu hết phần còn lại của thế giới đã chấp nhận sống chung với sự hiện diện lâu dài của virus.
Người dân Trung Quốc đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19.
Nếu Trung Quốc chuyển sang hướng bình thường sau đại dịch, nước này sẽ phải chấp nhận khả năng lây lan từ cộng đồng lớn hơn so với hiện nay.
Không có dấu hiệu nào cho thấy một kịch bản như vậy hiện có thể được chính phủ Trung Quốc chấp nhận.
Cái giá để bảo vệ công dân
Sự khác biệt về tỷ lệ hiệu quả giữa vaccine Trung Quốc và phương Tây và những thách thức kinh tế liên quan tạo thành một thách thức đáng kể đối với chính phủ Trung Quốc.
Tất cả các hành động được thực hiện cho đến nay phần lớn được chấp nhận là hành động của một chính phủ đã làm hết sức để bảo vệ công dân của mình.
Thông điệp này đã được củng cố bởi một bài tường thuật trên các phương tiện truyền thông, trong đó nêu bật những vấn đề mà các quốc gia khác phải đối mặt khi không tuân theo một chiến lược tương tự như chiến lược của Trung Quốc.
Nếu phần còn lại của thế giới chuyển sang trạng thái bình thường sau đại dịch thành công, nơi những rủi ro và sự gián đoạn lớn hơn có thể được hấp thụ bởi các nền kinh tế đang mở cửa trở lại, thì chiến lược tách mình ra khỏi “dòng dịch vụ toàn cầu và nhân loại” của Trung Quốc có thể bị đặt câu hỏi.
Năm 2019, ước tính có khoảng 155 triệu công dân Trung Quốc đi du lịch nước ngoài, với 145 triệu người nhập cảnh vào Trung Quốc từ nước ngoài.
Hai năm hạn chế vì đại dịch đã tạo ra các tổn thất lớn về lĩnh vực du lịch và làm tê liệt các ngành công nghiệp địa phương vốn phụ thuộc vào lượng khách nước ngoài.
Nếu những hạn chế này là không cần thiết hoặc không hiệu quả, sẽ có tác dụng ngược.
Đối mặt với thực tế này, chính phủ Trung Quốc khó có thể tìm kiếm một biện pháp bình thường mới sau đại dịch là sớm mở cửa nền kinh tế.
Trước tiên, nó cần phải đối phó hoặc giảm thiểu đáng kể các mối đe dọa về y tế, kinh tế và quan trọng nhất là các mối đe dọa chính trị do mở cửa biên giới và quay trở lại thế giới.
Theo nhận định của Phó Giáo sư Nicholas Thomas, hiện tại Trung Quốc có thể đang đứng bên trên trong bong bóng của chính mình.
Cuối cùng, Phó Giáo sư Nicholas Thomas cho rằng, lựa chọn của Trung Quốc lúc này là một lựa chọn an toàn nhưng không bền vững cho bất kỳ quốc gia nào đang tìm cách trở lại bình thường.
9 quan chức địa phương ở tỉnh Hắc Long Giang ngày 28.9 đã bị kỷ luật vì thiếu sót trong việc phòng chống dịch, quản...
Nguồn: [Link nguồn]