Những thách thức của Tổng thống Joe Biden

Sự kiện: Joe Biden Tin tức Mỹ

Khi cuộc bầu cử vào tháng 11 đang đến gần, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden phải vật lộn với những thách thức ngày càng leo thang trong cả chính sách đối nội và đối ngoại. Ở trong nước là vấn đề nhập cư trái phép và an ninh biên giới. Còn ở hải ngoại, các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria đã làm phức tạp thêm lập trường của Mỹ trong khu vực. Chưa hết, ông Joe Biden còn đang phải lên kế hoạch để một lần nữa đánh bại người tiền nhiệm Donald Trump.

Thách thức đối nội và đối ngoại

Liên quan tới vấn đề di cư và an ninh biên giới, theo báo cáo của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ, trong năm tài chính 2023, tổng cộng hơn 2,4 triệu người đã vào Mỹ từ Mexico bằng các phương tiện trái phép. Con số này thể hiện mức tăng hơn 40% so với năm tài chính 2021 và cao hơn 4% so với năm tài chính 2022.

Sau những chỉ trích gay gắt và bê bối nhân đạo xung quanh chính sách nhập cư trái phép của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, ông Joe Biden tuyên bố mình là ứng cử viên sẽ khôi phục danh dự và sự tôn trọng với tổng thống bằng cách xây dựng một phần hệ thống nhập cư công bằng và nhân đạo. Tuy nhiên, kể từ khi ông nhậm chức, chính sách nhập cư và an ninh biên giới của ông đã dẫn đến thêm 7,5 triệu người nhập cư trái phép trên toàn quốc. Đặc biệt, dọc theo tuyến đường Ciudad Juarez – El Paso, một trong những tuyến đường được người nhập cư ưa thích nhất, việc di cư trái phép đến bang Texas đã gây ra lạm phát, khủng hoảng nhà ở và lo ngại về an ninh.

Tổng thống Joe Biden phát biểu tại lễ khai mạc Văn phòng chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông ở Wilmington, Delaware, Mỹ ngày 3/2. Ảnh: Reuters

Tổng thống Joe Biden phát biểu tại lễ khai mạc Văn phòng chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông ở Wilmington, Delaware, Mỹ ngày 3/2. Ảnh: Reuters

Theo báo cáo tháng 6/2023 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, gần 47% người Mỹ coi nhập cư bất hợp pháp là một vấn đề nghiêm trọng ở nước này. Khả năng đảng Cộng hòa coi nhập cư bất hợp pháp là một vấn đề rất lớn của quốc gia cao hơn nhiều, ở mức 70%, so với đảng Dân chủ, ở mức 25%. Điều này đặt chính quyền Tổng thống Joe Biden vào thế bất lợi về vấn đề nhập cư khi cuộc bầu cử đến gần đề dọa mối quan hệ luật pháp liên bang - tiểu bang và có khả năng củng cố cơ sở của đảng Cộng hòa. Tác động của vấn đề này đã báo động đảng Dân chủ và Tổng thống Joe Biden buộc phải thỏa hiệp hơn, tuyên bố rằng ông sẵn sàng đóng cửa biên giới nếu Quốc hội thông qua dự luật lưỡng đảng cấp cho ông quyền như vậy.

Còn ở hải ngoại, bất chấp những nỗ lực ban đầu nhằm tập trung vào các đối thủ lớn như Nga và Trung Quốc, cuộc chiến của Israel nhằm vào Hamas ở Gaza đã khiến Mỹ tái can dự vào Trung Đông. Trước đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden tập trung vào việc kiềm chế đối thủ tiềm tàng là Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine và đang theo đuổi chiến lược tương tự để kiềm chế Trung Quốc. Những chính sách như vậy cho phép Mỹ duy trì ưu thế toàn cầu mà không cần tích cực tham gia chiến tranh. Việc Mỹ tái can dự vào Trung Đông mang lại sự đảm bảo cho Israel. Đối với Nga, điều đó có nghĩa là chuyển sự chú ý và quan tâm của công chúng Mỹ ra khỏi cuộc xung đột ở Ukraine. Căng thẳng ở Trung Đông có thể sẽ kéo dài đến tận cuộc bầu cử, làm giảm cơ hội của chính quyền Biden, vốn thường được phe Cộng hòa tận dụng mô tả là “yếu đuối”.

Trong khi đó, việc chính quyền Tổng thống Joe Biden ủng hộ Israel trong vụ kiện diễn ra tại Tòa án Công lý Quốc tế đặt ra một vấn đề nan giải, khi nhiều người trẻ không tán thành cách ông xử lý tình hình ở Gaza. Theo một cuộc thăm dò của New York Times/Siena College, khoảng 3/4 số người từ 18 đến 29 tuổi bày tỏ sự không đồng tình với cách đương kim chủ nhân Nhà Trắng xử lý cuộc tấn công dữ dội của Israel vào Gaza. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang điều hướng một bối cảnh phức tạp về các vấn đề nhập cư trong nước và các thách thức chính sách đối ngoại ở Trung Đông, với cuộc bầu cử tổng thống sắp tới sẽ tập trung vào những lĩnh vực quan trọng này. Các chiến lược của Nhà Trắng, đặc biệt là thu hút cử tri trẻ tuổi và quản lý căng thẳng địa chính trị, sẽ rất quan trọng trong việc định hình triển vọng tái cử và định hướng chính sách.

Và thách thức để một lần nữa đánh bại người tiền nhiệm

Với những gì đang diễn ra trên chính trường Mỹ, tính đến thời điểm hiện tại, nhiều khả năng cuộc bầu cử Tổng thống ở xứ cờ hoa vào tháng 11 tới sẽ là trận “tái đấu” giữa đương kim chủ nhân Nhà Trắng và người tiền nhiệm của ông. Đây sẽ là trận tái đấu thứ bảy trong lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ, nhưng là lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống đảng Cộng hòa Dwight Eisenhower đối mặt với ứng cử viên đảng Dân chủ Adlai Stevenson lần thứ hai liên tiếp trong cuộc bầu cử năm 1956.

Các cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden thừa nhận cuộc đua năm nay sẽ rất sít sao. Tuy nhiên, họ tin rằng, ông sẽ giành chiến thắng, ngay cả khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đương kim Tổng thống Mỹ có tỷ lệ ủng hộ ngang bằng với người tiền nhiệm. Để đánh bại ông Donald Trump một lần nữa, như đã làm vào năm 2020, nhóm của ông Joe Biden tập trung vào việc công kích đối thủ, cảnh báo rằng cựu Tổng thống gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền dân chủ Mỹ, quyền phá thai và các quyền tự do cá nhân khác. Họ đang dựa vào cách tiếp cận này để lôi kéo sự ủng hộ của các cử tri độc lập ngoài những cử tri trung thành với đảng Dân chủ.

Đội ngũ chiến dịch tranh cử năm 2024 của ông Joe Biden đã bổ sung thêm các thành viên kỳ cựu từng tham gia chiến dịch năm 2020. Đầu tháng này, điều phối viên cơ sở hạ tầng của Nhà Trắng và cựu Thị trưởng New Orleans Mitch Landrieu đã trở thành đồng Chủ tịch quốc gia của chiến dịch tranh cử. Một thành viên kỳ cựu khác trong chiến dịch tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ, ông Dan Kanninen, đã quay trở lại với nhiệm vụ ở các bang chiến trường.

Ngày 23/1, Phó Chánh Văn phòng Nhà Trắng Jen O'Malley Dillon và cố vấn cấp cao Mike Donilon, cũng tham gia chiến dịch tranh cử năm 2024 của ông Joe Biden. Cả hai đều là những thành viên có đóng góp quan trọng cho thành công của chiến dịch năm 2020. Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris trong những tuần tới sẽ đến thăm các bang quan trọng có nhiều khả năng quyết định cuộc bầu cử nhất. Chiến dịch của ông Joe Biden hiện cũng có đội ngũ ở từng bang trong số 7 bang đang cạnh tranh gay gắt mà họ coi là chiến trường, trong đó có Pennsylvania, Michigan và Wisconsin.

Ông Joe Biden sẽ tập trung chủ yếu vào các vấn đề kinh tế và cũng sẽ có những bài phát biểu nảy lửa hơn về mối đe dọa mà ông cho rằng cựu Tổng thống Donald Trump có thể đặt ra cho nền dân chủ. Bà Kamala Harris đã bắt đầu chuyến thăm tới bang chiến trường Wisconsin vào ngày 22/1, tập trung vào quyền phá thai. Bên cạnh đó, bà cũng được giao nhiệm vụ thu hút sự ủng hộ từ các cử tri trẻ và da đen, trong bối cảnh sự ủng hộ của nhóm này dành cho ông Biden đang suy yếu.

Chưa hết, sau chiến thắng của ông Donald Trump ở hai bang Iowa và New Hamsphire, hoạt động gây quỹ của ông Joe Biden đã ngay lập tức bắt đầu. “Cuộc bầu cử này luôn luôn diễn ra giữa các bạn và tôi với những thành viên MAGA (Make America Great Again – Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) cực đoan của đảng viên Cộng hòa. Điều đó đã đúng vào ngày hôm qua và nó sẽ đúng vào ngày mai. Vì vậy, nếu các bạn ủng hộ chúng tôi, hãy tham gia ủng hộ ngay bây giờ”, ông Joe Biden đăng tải trên mạng xã hội ngay sau cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa ở Iowa.

Nguồn: [Link nguồn]

Ngoài thông điệp gửi tới Tổng thống Ukraine, ông Biden cũng cảnh báo Quốc hội Mỹ về hậu quả nếu không nhanh chóng phê duyệt viện trợ bổ sung cho Kiev.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khổng Hà (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Joe Biden Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN