Những tài sản vô giá, hiếm thấy có thể giúp Việt Nam nâng cao vị thế
Việt Nam chúng ta cũng đang sở hữu những tài sản vô giá thuộc “sức mạnh mềm”, hiếm dân tộc nào có được.
Nếu tận dụng tốt và phát huy, những tài sản vô giá này có thể giúp tạo thêm xung lực mới để chúng ta gia tăng “sự nhận diện Việt Nam” trên phạm vi toàn cầu, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế đất nước... Đó là nhận định của Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc trong bài phỏng vấn với báo chí nhân dịp năm mới 2023, nhìn lại những gì đã đạt được trong công tác ngoại giao văn hóa trong năm vừa qua và xác định phương hướng cho thời gian tới.
Thế giới càng phức tạp, khó lường, càng cần sức mạnh mềm
Theo Thứ trưởng Ngọc, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; đặc biệt cuộc cách mạng khoa học - công nghệ sẽ tạo ra những tác động mạnh mẽ, nhiều chiều, thì các nước ngày càng coi trọng vai trò của ngoại giao trong quảng bá hình ảnh quốc gia, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế.
Mỹ xác định ngoại giao công chúng hay ngoại giao văn hóa là quan trọng thứ 3 trong 4 mục tiêu chính của chính sách đối ngoại, góp phần củng cố an ninh quốc gia, tăng cường vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc. Ảnh - Bộ Ngoại giao cung cấp
Trung Quốc nỗ lực xây dựng hình ảnh quốc gia đáng tin cậy, coi trọng ngoại giao văn hóa không chỉ trong cạnh tranh tổng thể sức mạnh quốc gia mà còn trong đoàn kết, thúc đẩy tự tôn dân tộc.
Pháp duy trì 140 trung tâm văn hóa trên toàn thế giới. Đức có hệ thống Viện Goethe, Anh có hệ thống Hội đồng Anh. Hàn Quốc nổi tiếng với "làn sóng Hàn" đã tạo nên cả một nền công nghiệp văn hóa, trị giá tới 114 tỷ USD. Indonesia coi trọng ngoại giao văn hóa để thúc đẩy công nghiệp văn hóa cũng như công nghiệp sáng tạo, v.v…
Đối với Việt Nam, Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 đã xác định ngoại giao văn hóa thông qua các công cụ văn hóa trong ngoại giao góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế, tôn vinh trí tuệ, phẩm chất, cốt cách, lý tưởng cao đẹp của người Việt Nam và nâng tầm giá trị văn hóa Việt; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế đất nước.
Việt Nam đang sở hữu những tài sản vô giá
Thứ trưởng Ngoại giao nhận định, Việt Nam chúng ta cũng đang sở hữu những tài sản vô giá thuộc “sức mạnh mềm”, hiếm dân tộc nào có được.
Các nước châu Phi, Mỹ La-tinh ngưỡng mộ, coi Việt Nam “2 lần Anh hùng” - Anh hùng trong Đấu tranh giải phóng dân tộc và Anh hùng trong Đổi mới và phát triển. Nhiều Lãnh đạo quốc tế trong trao đổi với Lãnh đạo ta đều nêu: Việt Nam đang nổi lên như một nhân tố tích cực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác; Việt Nam chính là câu trả lời cho nhiều vấn đề phức tạp của thế giới hiện nay.
Đây là những thuận lợi mới, tạo thêm xung lực mới để chúng ta gia tăng “sự nhận diện Việt Nam” trên phạm vi toàn cầu.
Chỉ rõ những thành tố tạo nên nét đặc sắc của ngoại giao văn hóa Việt Nam, Thứ trưởng Ngọc cho biết, đó chính là từ lịch sử hào hùng với tinh thần anh dũng, không khất phục trước áp bức, cường quyền, luôn đấu tranh vì hòa bình, công bằng, tiến bộ xã hội.
Khoảnh khắc tuyên bố Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026. (Ảnh - Nguyễn Thu Hà/TTXVN)
Đó là từ những giá trị văn hóa phong phú, độc đáo hình thành bởi 54 dân tộc anh em chung sống gắn bó, thuận hòa; từ đất nước tươi đẹp, sức sống với danh lam, thắng cảnh kỳ vĩ, nên thơ và từ chính con người Việt Nam nhân ái, khoan dung, đoàn kết, sáng tạo, trí tuệ, hiếu khách.
Ông nêu rõ, hiện Việt Nam đã có 8 di sản thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản văn hóa tư liệu, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 công viên địa chất toàn cầu UNESCO và các danh hiệu khác như thành phố sáng tạo, thành phố học tập toàn cầu, Nghị quyết liên quan đến việc vinh danh các danh nhân.
Việc đạt được các danh hiệu/di sản cho thấy sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với giá trị di sản, văn hóa của dân tộc Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành điểm đến văn hóa hấp dẫn.
Từ đây, các địa phương sở hữu di sản khai thác phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Bên cạnh đó, Việc tiếp cận với các quy định, cam kết mà UNESCO đặt ra đã giúp Việt Nam nâng cao tiêu chuẩn của công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, gắn kết việc bảo vệ di sản trong xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển địa phương, cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, hướng tới phát triển bền vững.
Nắm rõ những lợi thế này, vai trò của ngoại giao văn hóa được xác định cụ thể trong “Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030”. Đó là đưa quan hệ Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định; bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động nguồn lực bên ngoài, biến điều kiện thuận lợi, vị thế đất nước thành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời tôn vinh các giá trị, vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế quốc gia.
Vai trò của ngoại giao văn hóa tiếp tục được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII, cụ thể là “đóng góp thiết thực vào quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước”.
Người Việt Nam ở nước ngoài sẽ là những “Đại sứ văn hoá Việt Nam”
Để gia tăng “sự nhận diện Việt Nam” trên phạm vi toàn cầu, Thứ trưởng Ngọc cho rằng Việt Nam cần tập trung vào một số giải pháp: tiếp tục nghiên cứu, đổi mới hình thức quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam với thế giới; lồng ghép các hoạt động quảng bá văn hoá với các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu địa phương…
Tiếp tục quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Các hoạt động ngoại giao văn hóa phải được triển khai ngày càng sáng tạo, bài bản theo phương châm “lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”. Trong đó, người Việt Nam ở nước ngoài sẽ là những “Đại sứ văn hoá Việt Nam” trong việc quảng bá văn hoá Việt Nam ở sở tại.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngoại giao văn hóa cần tiếp cận nhanh với tri thức mới của nhân loại, tranh thủ tối đa các nguồn lực để phục vụ phát triển bền vững đất nước…
Cần tăng cường kết hợp sức mạnh mềm của văn hóa với chiến lược truyền thông để gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia.
Trong đó cần chú ý tận dụng thế mạnh của các sản phẩm kỹ thuật số đi cùng với chiến lược xây dựng hệ thống các sản phẩm ngoại giao có chất lượng tốt, đáp ứng đặc điểm và nhu cầu thụ hưởng đa dạng của công chúng quốc tế, đặc biệt là giới trẻ, người dân trong và ngoài nước.
Những kết quả nổi bật của ngoại giao văn hóa trong năm 2022: Sau một năm triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 11/2021, công tác ngoại giao văn hóa của Việt Nam có nhiều điểm sáng. - Chú trọng đưa nội hàm văn hóa vào các hoạt động của Lãnh đạo cấp cao thăm các nước và trong việc đón tiếp lãnh đạo các nước tới Việt Nam; đăng cai tổ chức các hội nghị, sự kiện khu vực, quốc tế lớn ở trong nước, tiêu biểu như SEA Games 31 hay ở nước ngoài, tiêu biểu như Chương trình Ngày Việt Nam tại Hàn Quốc, Áo, Ấn Độ. - Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất vào Uỷ ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về di sản văn hóa phi vật thể, lần đầu tiên cùng một lúc đảm nhiệm vai trò thành viên 3 cơ chế quan trọng của UNESCO. - Việt Nam vui mừng có thêm 4 danh hiệu/di sản được quốc tế ghi danh gồm nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; Bia ma nhai Ngũ Hành Sơn và Hệ thống văn bản làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689 – 1943) được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu Châu Á – Thái Bình Dương; Thành phố Sa Đéc được chính thức trở thành thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Nhiều địa phương tổ chức thành công các sự kiện văn hóa, ngoại giao văn hóa lớn, qua đó vừa tăng cường bảo tồn vừa phát huy các giá trị di sản, văn hóa vùng miền, góp phần khơi dậy tự hào, đoàn kết dân tộc, thu hút đầu tư, du lịch, tạo nguồn lực cho mục tiêu phát triển bền vững. |
Tạp chí Mỹ US News & World Report vừa công bố danh sách các quốc gia quyền lực thế giới: Mỹ, Trung Quốc, Nga là 3 cường quốc dẫn đầu, Việt Nam xếp hạng 30.
Nguồn: [Link nguồn]