Những sự kiện được quan tâm nhất trong năm 2021
Hàng loạt sự kiện năm nay đã làm thay đổi sâu sắc thế giới mà đại dịch COVID-19 là biến cố xuyên suốt, khiến cuộc sống người dân toàn cầu bị đảo lộn.
Thế giới đang hy vọng vào năm 2021 với những chuyển biến tích cực chấm dứt những bất đồng còn tồn đọng từ năm 2020 và tạo cơ hội cho các nước hoàn thành những mục tiêu đã bị trì hoãn do dịch COVID-19.
1. Kết quả chính thức bầu cử Mỹ
Ngày 20-1-2021, gần như chắc chắn Nhà Trắng sẽ có chủ nhân mới thay thế đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo kết quả sơ bộ từ cử tri đoàn, ứng viên Dân chủ Joe Biden sẽ trở thành tân tổng thống Mỹ, song đến ngày 6-1 Quốc hội Mỹ mới chính thức kiểm phiếu đại cử tri. Trong khi đó, ông Trump vẫn đang theo đuổi cuộc chiến pháp lý cho đến những giây phút cuối cùng.
Ông Biden đã cam kết sẽ tăng cường nguồn nhân lực và vật lực cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Mỹ, cũng như đảo ngược quyết định của ông Trump về việc rời khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ông Biden sẽ điều chỉnh lại chính sách thuế, buộc những người giàu phải nộp thuế cao hơn trong khi mức thuế đối với tầng lớp trung lưu hoặc có thu nhập thấp sẽ được giữ nguyên hoặc giảm.
Về chính sách đối ngoại, lập trường của Washington đối với Bắc Kinh được cho là sẽ ít thay đổi do tâm lý chống Trung Quốc (TQ) đang chiếm ưu thế trong chính trường Mỹ. Ông Biden cũng có thể cứng rắn hơn với Nga, song vẫn để ngỏ khả năng đàm phán lại thỏa thuận về kiểm soát vũ khí. Các ưu tiên khác của chính quyền đảng Dân chủ là cải thiện quan hệ với các đồng minh, nhất là các nước châu Âu và tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Tổng thống tân cử Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP
2. Nước Anh chính thức bước vào kỷ nguyên hậu Brexit
Từ ngày 31-1-2020, Anh đã chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu EU (còn được gọi là Brexit) song giai đoạn chuyển tiếp còn kéo dài tới ngày 31-12-2020. Vấn đề được quan tâm nhất là thỏa thuận thương mại hậu Brexit với hy vọng không tạo ra sự biến động lớn trong giao thương giữa hai bờ eo biển Manche.
Tín hiệu tích cực hiện tại là vào ngày 24-12-2020, Anh và EU đã thống nhất một số điều khoản cho thỏa thuận hậu Brexit với kỳ vọng được cả nghị viện Anh và nghị viện châu Âu phê chuẩn. Tuy nhiên, Văn phòng Trách nhiệm ngân sách (OBR) của Anh dự báo rằng dù có thỏa thuận hậu Brexit, trong vòng 15 năm tới, sản lượng nền kinh tế nước này sẽ giảm 4% so với kịch bản không có Brexit. Còn nếu không có thỏa thuận, con số này sẽ là 6%.
Cũng bắt đầu từ năm 2021, các quy tắc của EU sẽ không được áp dụng ở Anh. Trong đó, người dân Anh cũng không được hưởng các ưu đãi về cư trú, đi lại, việc làm, học tập… từ châu Âu lục địa.
3. Những cuộc bầu cử quan trọng ở một số nước lớn
Sớm nhất vào ngày 23-3-2021, Israel sẽ tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ tư trong vòng hai năm với hy vọng giải quyết được cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có tại quốc gia này. Thủ tướng Benjamin Netanyahu và đảng Likud được dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi đối mặt với hàng loạt cáo buộc tham nhũng.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải). Ảnh: THE JERUSALEM POST
Trong tháng 9-2021 hoặc thậm chí sớm hơn, Nga sẽ tổ chức bầu cử để chọn ra 450 ghế trong Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga). Đảng Nước Nga thống nhất của Thủ tướng Dmitry Medvedev đang giữ hơn một nửa số ghế trong Duma Quốc gia, bỏ xa các đối thủ là đảng Cộng sản Nga, đảng Dân chủ tự do, đảng Nước Nga công bằng…
Ngày 26-9-2021, Đức sẽ tổ chức cuộc bầu cử liên bang để chọn ra 598 đại biểu trong Bundestag (tức nghị viện Đức). Sau khi có nghị viện mới, các nhà lập pháp sẽ họp và xem xét, thông qua đề cử thủ tướng Đức. Nếu không có sự xáo trộn lớn trong Bundestag, đề cử này sẽ là đại diện của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU).
Muộn nhất vào tháng 10-2021, Nhật Bản cũng tổ chức bầu cử Hạ viện. Đảng Dân chủ tự do của tân Thủ tướng Yoshihide Suga được cho là sẽ tiếp tục giành chiến thắng áp đảo trước các đảng đối lập, qua đó củng cố vị trí lãnh đạo của ông Suga.
4. Những bước tiến mới của châu Á về chinh phục không gian
Ngày 23-7-2020, trung quốc (TQ) đã phóng tên lửa đẩy Trường Chinh 5 mang theo tàu thăm dò Thiên Vấn 1 (Tianwen-1) hướng về sao hỏa. Đây là tàu thăm dò sao hỏa đầu tiên do TQ tự phát triển. Theo kế hoạch, tàu Thiên Vấn 1 sẽ đến sao hỏa vào tháng 2-2021 và bắt đầu quá trình thăm dò từ tháng 4-2021.
Cũng trong tháng 2-2021, tàu thăm dò Amal (tạm dịch là Hy vọng) của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) dự kiến cũng sẽ tới sao hỏa. Tàu Amal được phóng đi vào ngày 20-7-2020, đánh dấu sứ mệnh chinh phục sao hỏa đầu tiên của một quốc gia Ả Rập.
Cuối năm 2021, Ấn Độ dự kiến sẽ trở thành quốc gia thứ tư, sau Nga, Mỹ và TQ, thực hiện được sứ mệnh đưa con người vào vũ trụ. Đây cũng là một trong những sự kiện đã bị dời lịch do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ngoài ra, vào ngày 31-10-2021, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ phóng kính viễn vọng không gian James Webb. James Webb có nhiều ưu điểm vượt trội so với kính viễn vọng không gian Hubble vốn đã hoạt động từ năm 1990.
Những sự kiện thể thao bị dời lại từ năm 2020 Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Thế vận hội (Olympic) Tokyo năm 2020 đã bị hoãn. Thời gian dự kiến tổ chức Olympic là từ ngày 23-7đến 8-8-2021. Sau đó, Tokyo sẽ tiếp tục đăng cai Thế vận hội người khuyết tật (Paralympic). Giải vô địch bóng đá châu Âu (uEFA Euro), một sự kiện cũng bị dời lại do dịch COVID-19, được lên kế hoạch diễn ra tại 12 thành phố thuộc 12 nước châu Âu, kéo dài từ ngày 11-6 đến 11-7-2021. |
Nguồn: [Link nguồn]
Nhà tiên tri mù Baba Vanga còn được biết đến là “Nostradamus vùng Balkan”. Bà qua đời cách đây 20 năm nhưng được cho là...