Những ‘quả dưa hấu’ quay lưng với chính quyền quân sự Myanmar

Trong khoảng 2 năm, Yan chấp nhận rủi ro bằng cách giả vờ phục vụ cho chính quyền quân sự Myanmar với vai trò cảnh sát, để bí mật do thám cho lực lượng nổi dậy.

Các thành viên lực lượng nổi dậy ở Myanmar. (Ảnh: Al Jazeera)

Các thành viên lực lượng nổi dậy ở Myanmar. (Ảnh: Al Jazeera)

“Tôi chấp nhận tuân theo những mệnh lệnh mà tôi không muốn”, cựu cảnh sát 24 tuổi nói với Reuters trong một căn phòng gần biên giới Myanmar, nơi anh đang tị nạn sau khi chạy khỏi đất nước từ tháng 4.

Yan từ chối tiết lộ tên thật vì sợ nguy hiểm.

Chính quyền quân sự Myanmar đang đối mặt với mối đe dọa lớn nhất kể từ khi lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2021, khi liên minh các nhóm đối lập triển khai đợt tấn công chưa từng có.

Chính quyền quân sự không phản hồi đề nghị bình luận về câu chuyện do thám trong hàng ngũ.

Các nhóm đối lập nói rằng rất khó để xác định có bao nhiêu người trong lực lượng vũ trang của chính quyền cung cấp thông tin cho phe nổi dậy. Con số có thể ít, nhưng đóng vai trò rất quan trọng.

Họ cung cấp thông tin tình báo, bao gồm thông tin về vận chuyển binh lính và thiết bị quân sự, giúp các nhóm đối lập lên kế hoạch tấn công, phát ngôn viên của People’s Goal, một nhóm hỗ trợ những người bỏ hàng ngũ, nói với Reuters.

“Chúng tôi nhận được thông tin có thể giúp cứu mạng sống”, phát ngôn viên nói về những manh mối giúp phe nổi dậy tránh các cuộc không kích của chính quyền.

Yan gia nhập lực lượng cảnh sát từ cuối năm 2020, nhưng cảm thấy bất mãn vì cuộc đảo chính.

“Người dân đối xử với chúng tôi như ma. Họ ghét chúng tôi”, Yan nói.

Yan cho biết, anh trai của anh đã rời khỏi đất nước và kết nối Yan với các nhóm đối lập chuyên gài người vào lực lượng an ninh. Họ được gọi là những “quả dưa hấu”, với vỏ xanh nghĩa là vẫn trung thành với quân đội, nhưng ruột đỏ là màu của chính phủ Liên minh dân chủ quốc gia.

Yan thường lẻn ra khỏi đồn cảnh sát để gửi tin nhắn đi, bao gồm thông tin về tuyến đường mà các sĩ quan cấp cao, cảnh sát di chuyển qua, cũng như các tuyến vận chuyển nhiên liệu và vũ khí. Yan không biết phe đối lập sử dụng những thông tin anh cung cấp như thế nào.

Một người đào tẩu nói với Reuters rằng hiếm khi các thành viên của lực lượng vũ trang do thám cho các nhóm nổi dậy, nhưng nhiều người “nhắm mắt làm ngơ” khi thấy hoạt động của phe đối lập.

Theo các nhà phân tích, những người bất mãn trong hàng ngũ là vấn đề nghiêm trọng đối với chính quyền quân sự Myanmar. Viện Nghiên cứu hòa bình tại Washington, Mỹ ước tính đã có khoảng 8.000 người rời khỏi lực lượng an ninh Myanmar.

Yan và anh trai Ye nói rằng chính quyền quân sự đang gặp khó khăn với việc tuyển người, trong khi lực lượng cảnh sát được trang bị và huấn luyện thiếu thốn, khiến họ không muốn chiến đấu và dễ đầu hàng.

Trước đây, mỗi đồn quân sự thường có vài trăm thành viên, nhưng giờ chỉ còn khoảng 130, cựu chỉ huy quân đội Htet Myat nói với Reuters.

Ông Htet Myat giờ đang giúp đỡ những người đào tẩu. Ông nói rằng chiến dịch tấn công gần đây của các nhóm đối lập càng khiến nhiều người bỏ hàng ngũ.

Nguồn: [Link nguồn]

Phe nổi dậy Myanmar giành địa bàn quan trọng sau khi Trung Quốc thông báo thoả thuận ngừng bắn

Lực lượng nổi dậy của người dân tộc thiểu số Myanmar cho biết vừa chiếm được một trung tâm thương mại ở bang Shan. Tuyên bố được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Loan - Reuters ([Tên nguồn])
Tin tức Myanmar Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN