Những phát súng bắn vào một châu Âu rạn nứt
Vụ ám sát Thủ tướng Slovakia, ông Robert Fico hôm 15/5 cho thấy bạo lực chính trị và sự phân cực đang rình rập châu Âu, có thể khiến chính trường cựu lục địa dấn sâu hơn nữa vào xu thế cực đoan.
Gợi nhớ kẻ châm ngòi thế chiến I
Ông Dmitri Medvedev, cựu Tổng thống Nga và là nhà dự báo thường xuyên về Thế chiến thứ ba, đã không ngần ngại so sánh kẻ ám sát Thủ tướng Robert Fico của Slovakia với chàng trai trẻ đã châm ngòi cho Thế chiến thứ nhất. Ông gợi ý rằng, châu Âu một lần nữa lại đứng trên bờ vực của một cuộc chiến.
Vụ việc của Thủ tướng Slovakia là lần đầu tiên sau 21 năm, một nguyên thủ quốc gia tại châu Âu bị ám sát. Ảnh: Nova News.
Người bắn Thủ tướng Fico, một nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc ủng hộ quan hệ hữu nghị với Nga, là “một phiên bản lộn xộn của Gavrilo Princip”, ông Medvedev nói trên mạng xã hội X.
Princip là một kẻ theo chủ nghĩa dân tộc người Serbia gốc Bosnia, 19 tuổi, đã ám sát Thái tử Franz Ferdinand ở Sarajevo vào ngày 28/6/1914, bắt đầu cuộc thế chiến mà cố Thủ tướng Anh Winston Churchill gọi là “tàn khốc nhất” trong mọi cuộc chiến.
Châu Âu của các đế chế tan rã từ năm 1914 đến năm 1918 đã không còn nữa, cũng như một châu Âu khác đã thay thế nó và tạo ra Auschwitz. Giờ đây, Liên minh châu Âu gồm 27 thành viên được xây dựng một cách tỉ mỉ, bao gồm cả Slovakia, đã được thành lập với mục tiêu quan trọng nhất là khiến chiến tranh không thể xảy ra trên một lục địa từng bị tàn phá lâu dài.
Tuy nhiên, khi cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu chỉ còn 3 tuần nữa, những dấu hiệu đáng ngại về bạo lực đang gia tăng vượt xa vụ bắn ông Fico. Động cơ đằng sau vụ nổ súng vẫn chưa rõ ràng, nhưng nó diễn ra trong bối cảnh một môi trường chính trị độc hại mà vụ ám sát sẽ chỉ khiến mọi thứ trở nên độc hại hơn, ít nhất là ở Slovakia và có khả năng vượt ra ngoài biên giới nước này.
Châu Âu ngày càng bị chia rẽ và thật nguy hiểm. Giống như ở Slovakia, sự chia rẽ đó khiến những người theo chủ nghĩa dân tộc phản đối việc nhập cư chống lại những người theo chủ nghĩa tự do, những người coi phe cực hữu là mối đe dọa đối với nền pháp quyền, nền báo chí tự do và nền dân chủ. Trong thế giới chính trị này không còn đối thủ nữa, chỉ còn kẻ thù. Mọi phương tiện công kích nhau đều có thể được huy động, bao gồm cả bạo lực.
Cảnh sát Slovakia bắt giữ kẻ nổ súng ám sát Thủ tướng Fico. Ảnh: TASS.
Trao đổi với Báo New York Times, Karolina Wigura - nhà sử học về tư tưởng người Ba Lan, cho rằng vụ ám sát ông Fico phản ánh sự phân cực ngày càng tăng trên khắp lục địa và quan điểm trung dung đang ngày càng ít chỗ đứng trong các cuộc đụng độ chính trị ở châu Âu. “Bạn có thể bị tấn công về mặt tâm lý, lời nói hoặc thể chất vì những gì bạn làm hoặc nói. Trong xã hội của chúng ta, việc chấp nhận rằng người khác nhìn nhận hoặc định nghĩa điều gì đó theo một cách hoàn toàn khác đã trở nên không thể chấp nhận được”, bà Wigura nói.
Đồng quan điểm, Eric Maurice - nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách châu Âu cho biết: “Đúng là một mặt, chúng ta có thể thấy trong kết quả bầu cử có sự gia tăng các lực lượng cực đoan, với ngôn ngữ chính trị ngày càng phóng khoáng, nhuốm màu bạo lực. Và, sự cực đoan hóa, sự phân cực trong xã hội cùng với những khó khăn trong việc tranh luận cuối cùng biến các đối thủ chính trị trở thành kẻ thù của nhau”.
Hồ sơ bạo lực chính trị thêm dày
Vụ việc của Thủ tướng Slovakia là lần đầu tiên sau 21 năm, một nguyên thủ quốc gia tại châu Âu bị ám sát. Trước đó, ông Zoran Dindic - Thủ tướng Serbia bị ám sát ngày 12/3/2003, tại thủ đô Belgrade. Một tay súng bắn tỉa đã hạ gục nhà lãnh đạo này khi ông đang ra khỏi xe bên ngoài lối vào phía sau của trụ sở Chính phủ Serbia.
Chỉ còn 3 tuần nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Ảnh: The Guardian.
Bạo lực chính trị không chỉ giới hạn ở Slovakia. Tại Đức trong tháng này, 4 người đã hành hung Matthias Ecke, một chính trị gia nổi tiếng của đảng Dân chủ Xã hội, người đang treo áp phích tranh cử ở thành phố Dresden, khiến ông bị gãy xương gò má và hốc mắt cần phải phẫu thuật khẩn cấp. Ông Ecke đang tái tranh cử vào Nghị viện châu Âu.
4 nghi phạm, 17 và 18 tuổi, sau đó đã bị bắt giữ. Cảnh sát tìm thấy tài liệu cực hữu tại nhà của một trong những nghi phạm, trong khi truyền thông Đức đưa tin 2 người khác có liên hệ cực đoan. Cùng tuần đó, ở Lower Saxony, một người đàn ông ném trứng vào một nghị sĩ rồi đấm ông ta; một người hưu trí đánh vào đầu một thượng nghị sĩ bằng một chiếc túi "chứa đầy đồ cứng" ở Berlin; Vào đêm Ecke bị tấn công, bọn côn đồ đã đấm vào mặt một nhà vận động của đảng Xanh và vật ngã ông này xuống đất trong cùng khu phố Dresden.
Matthias Ecke - chính trị gia nổi tiếng của Đảng Dân chủ Xã hội Đức, bị hành hung gãy xương đùi hồi tháng 4 vừa qua. Ảnh: Euroactive.
Năm 2019, Walter Lubcke, một chính trị gia của Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU), người từng ủng hộ việc chào đón người tị nạn của Thủ tướng Angela Merkel, đã bị một kẻ theo chủ nghĩa phát xít mới bắn chết ở cự ly gần - vụ ám sát chính trị đầu tiên bởi một kẻ cực đoan cực hữu ở Đức kể từ Thế chiến II. Hay trước đó, Ngoại trưởng Thụy Điển Anna Lindh bị đâm chết tại một trung tâm mua sắm ở Stockholm năm 2003.
Người Thụy Điển cũng từng chứng kiến nguyên thủ nước mình, ông Olof Palme - thủ tướng và là chính trị gia của đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển, bị ám sát ở Stockholm năm 1986.
Xu hướng cực đoan leo thang
Trở lại với bức tranh địa chính trị châu Âu, những cuộc chiến bên ngoài và các cuộc chiến chính trị bên trong châu lục đang tiếp sức cho nhau để đào sâu thêm sự phân cực. Chẳng hạn, những tiến bộ của Nga trên chiến trường, cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea và khả năng NATO triển khai các chuyên gia quân sự tới Ukraine huấn luyện binh sĩ nước này... đều là những lời nhắc nhở rằng leo thang luôn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Những đảng cực hữu tại châu Âu ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ. Ảnh: Reuters.
Vụ bắn ông Fico cũng chứng tỏ điều đó. Ông Fico phản đối sức mạnh áp đặt của Liên minh châu Âu với các nước như Slovakia, phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine, nhập cư hàng loạt và quyền của cộng đồng LGBTQ+.
Ông bị những người theo chủ nghĩa tự do ghét và đôi khi không được yêu thích ở Slovakia, nhưng lại nổi tiếng ở bên ngoài. Về mặt này, vận mệnh chính trị của ông phù hợp với sự rạn nứt ở các xã hội bao gồm Pháp, Đức và Hà Lan, nơi cuộc chiến cốt lõi hiện nay là giữa lợi ích quốc gia và toàn cầu.
Nhưng, yếu tố chính dẫn đến xu hướng đối đầu bạo lực có lẽ là sự gia tăng nhanh chóng về số lượng người nhập cư - khoảng 5,1 triệu người nhập cư vào Liên minh châu Âu trong năm 2022, nhiều hơn gấp đôi so với năm trước - điều này đã gây chia rẽ mạnh mẽ quan điểm trên khắp lục địa. Jacques Rupnik, một nhà khoa học chính trị người Pháp chuyên nghiên cứu Trung Âu, nói: “Liên minh châu Âu được coi là không thể bảo vệ biên giới của chính mình. Nó đã khiến các quốc gia nói rằng, được rồi, chúng ta phải tự mình làm điều đó”.
Thực tế kể trên đã dẫn đến sự lớn mạnh của các đảng cực hữu bài ngoại. Các đảng này dự kiến sẽ hoạt động mạnh mẽ trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu ngày 9/6. Đây là một thể chế tương đối thiếu quyền lực nhưng vẫn quan trọng vì là cơ quan được bầu trực tiếp duy nhất có đại diện từ tất cả các nước thuộc Liên minh châu Âu. Và, sự thắng thế nếu có của những đảng cực hữu trong cuộc bầu cử sắp tới, sẽ chỉ càng làm dày thêm mối quan ngại.
Châu Âu thời hậu chiến có nền văn hóa hòa bình. Châu lục này không quen với việc các nhà lãnh đạo của mình bị ám sát theo cách mà ông Fico vừa hứng chịu. Nhưng, với bối cảnh hiện tại, người châu Âu có lẽ phải thích nghi dần với những câu chuyện như vậy, khi mà sự phân cực chính trị cực đoan đang lan nhanh trong xã hội của họ.
Mạng xã hội góp phần đẩy nhanh “cơn gió” cực hữu Catherine De Fries, Giáo sư Chính trị tại Đại học Bocconi ở Milan, nói trong một Podcast với báo Politico: “Các đảng phái cực hữu đang có được sự chú ý rộng rãi hơn trong số các cử tri so với những gì chúng ta từng thấy trong quá khứ nhờ tận dụng sức mạnh của mạng xã hội”. Đồng quan điểm, Tanya O'Connell - người sáng lập The People v Big Tech, một mạng lưới các tổ chức xã hội dân sự, cho biết: “Rất nhiều sự cực đoan hóa, sự phân cực sâu sắc có liên quan trực tiếp đến việc mọi người ngày càng nhận được nhiều thông tin hơn qua mạng xã hội, trong đó có rất nhiều thông tin sai lệch và gây hiểu lầm. Các thông tin loại này không chỉ được phản ánh trên mạng xã hội mà còn được nó thúc đẩy và khuếch đại rất nhiều nhờ những thuật toán tinh vi”. |
Nguồn: [Link nguồn]
Sau các lệnh trừng phạt liên quan đến việc nhập khẩu khí đốt, dầu và than đá Nga, nền kinh tế của quốc gia thuộc EU bị ảnh hưởng nặng nề hơn các thành viên khác trong khối.