Lưu bài Bỏ lưu bài
Chia sẻ

 

Những phát ngôn gây chú ý của tỷ phú Elon Musk về xung đột Nga - Ukraine

Những phát ngôn của người giàu nhất thế giới thường thu hút được sự chú ý, nhất là về cuộc xung đột ở Ukraine.

Phát ngôn

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, tỷ phú Elon Musk một mặt vẫn hỗ trợ Ukraine bằng cách cho Kiev sử dụng miễn phí mạng lưới vệ tinh Starlink. Mặt khác, ông Musk vẫn đưa ra ý kiến thẳng thắn về cuộc xung đột.

Ngày 3/10/2022, ông Musk đăng bản “kế hoạch hòa bình” cho Ukraine lên trang cá nhân Twitter (nay là mạng xã hội X). Theo tỷ phú Mỹ, để chấm dứt xung đột với Nga, Ukraine cần chính thức công nhận Crimea thuộc về Nga và cam kết trung lập. 

Ông Musk cũng đề xuất tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới ở 4 khu vực thuộc Ukraine bao gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia, dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc. Kết quả cuộc bỏ phiếu lại sẽ quyết định xem liệu người dân ở các khu vực này ủng hộ Nga hay Ukraine.

Khi nhận một số chỉ trích về "kế hoạch hòa bình", ông Musk vẫn giữ nguyên lập trường. Theo tỷ phú Mỹ, Ukraine khó có thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến tổng lực với Nga.

“Moscow có thể huy động toàn bộ quân dự bị nếu Crimea gặp rủi ro. Xung đột có thể rất tàn khốc. Nga có dân số đông gấp 3 lần Ukraine. Vì vậy, Kiev khó có thể thắng trong một cuộc chiến tổng lực. Nếu quan tâm đến Ukraine, các bạn hãy cổ vũ cho hòa bình”, ông Musk viết vào thời điểm đó.

Phát ngôn

Ngày 17/10/2022, ông Musk tiếp tục nhận định về mức độ Nga bảo vệ bán đảo Crimea. Theo tỷ phú Mỹ, Nga coi bán đảo Crimea là một phần của nước này. Nỗ lực của Ukraine nhằm giành lại bán đảo sẽ gây ra hậu quả khó lường, theo ông Musk.

"Nếu phải chọn giữa việc đánh mất quyền kiểm soát Crimea hoặc phải sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường, tôi cho rằng Moscow sẽ chọn điều thứ hai", ông Musk nói.

Ngày 23/10/2022, ông Musk kêu gọi thúc đẩy một lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine, theo Ukrainska Pravda. Tỷ phú giàu nhất thế giới nói về việc không có làn sóng phản đối Nga ở các vùng lãnh thổ Nga sáp nhập của Ukraine. Ông Musk gợi ý ranh giới giao tranh ở thời điểm đó có thể trở thành đường ranh giới ngừng bắn hoặc được xem là đường biên giới mới giữa 2 nước.

Theo tỷ phú Musk, thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga và Ukraine là điều hoàn toàn có thể đạt được vì không thể ép các vùng lãnh thổ "muốn trở thành một phần của Nga" ở lại với Ukraine. 

Tỷ phú Mỹ cho rằng Nga sẽ không từ bỏ các vùng lãnh thổ kiểm soát còn Ukraine thì không thể giành lại toàn bộ các vùng lãnh thổ đó chỉ với một đội quân hạn chế và còn nhiều thiếu thốn như hiện tại.

Tháng 9/2023, ông Musk nói cuộc phản công mà Ukraine phát động vào mùa hè “dẫn đến thương vong lớn mà mục tiêu đạt được quá ít ỏi”.

Hơn 2 tháng sau, tỷ phú Mỹ đưa ra lời kêu gọi Tổng thống Ukraine không gửi binh sĩ tới chiến trường để "đối mặt cái chết”. “Bên nào có những nỗ lực phản công sẽ dẫn đến tổn thất lớn về sinh mạng và lịch sử sẽ không tha thứ cho họ”, ông Musk nói.

Phát ngôn

Trong năm 2024, tỷ phú Mỹ đã đưa ra lập trường về việc Mỹ có nên tiếp tục hỗ trợ Ukraine hay không vào ngày 26/3. Ông Musk cho rằng Kiev nên cung cấp cho Washington "kế hoạch sử dụng nguồn lực hỗ trợ một cách rõ ràng" trước khi nghĩ đến việc tiếp tục nhận hỗ trợ từ Washington.

Tỷ phú Mỹ cũng lập luận, các khoản hỗ trợ trong tương lai của Mỹ cần được "hạch toán rõ ràng và Ukraine cần đưa ra giải pháp chấm dứt xung đột".

Phát ngôn

Trong bài đăng trên mạng xã hội X ngày 30/3, ông Musk viết: "Bất cứ ai cũng có thể đoán trước, cuộc phản công được truyền thông rầm rộ của Kiev vào mùa hè năm ngoái sẽ thất bại". 

"Đó là một sự lãng phí nhân lực khi Ukraine tấn công một đội quân lớn hơn, có hệ thống phòng thủ sâu, với bãi mìn và pháo binh mạnh hơn. Trong khi đó, Kiev thiếu xe tăng hoặc ưu thế trên không", tỷ phú Mỹ lập luận.

Ông Musk cho rằng, ngay cả khi Kiev làm theo khuyến nghị của ông là "cố thủ và huy động mọi nguồn lực để phòng thủ", Ukraine "vẫn khó giữ được các vùng đất không có địa thế tự nhiên hỗ trợ phòng thủ".

Theo ông Musk, vị thế của Ukraine đang suy yếu sau mỗi ngày chiến sự trôi qua. Tỷ phú Mỹ cảnh báo, "câu hỏi thực sự" là Kiev sẽ mất bao nhiêu lãnh thổ và nhân lực trước khi ngồi vào bàn đàm phán với Moscow.

Phát ngôn

Tỷ phú Elon Musk nhiều lần lên tiếng về xung đột Nga - Ukraine. Ảnh: Getty

Ngày 5/4, ông Musk so sánh ý tưởng Ukraine gia nhập NATO với viễn cảnh "ngày tận thế hạt nhân", hãng thông tấn TASS đưa tin.

"Đây thực sự là cách bộ phim về ngày tận thế hạt nhân bắt đầu", ông Musk bình luận dưới một bài đăng trên mạng xã hội X. Bình luận của ông Musk có đính kèm link dẫn đến bộ phim "The Day After" (1983), trong đó có cảnh quay về một cuộc chiến hạt nhân giả tưởng giữa Liên Xô và Mỹ.

Sau khi Hạ viện Mỹ duyệt ngân sách hỗ trợ 61 tỷ USD cho Ukraine ngày 21/4, ông Musk đã đưa ra bình luận, bày tỏ lo ngại rằng cuộc xung đột sẽ "không có hồi kết".

"Mối quan ngại lớn nhất của tôi là không có chiến lược rõ ràng nào nhằm chấm dứt xung đột. Đây sẽ mãi là một cuộc xung đột không hồi kết, khiến nhiều người thiệt mạng hơn", tỷ phú Mỹ viết trên mạng xã hội X.

Ukraine thường tỏ ra không đồng tình hoặc không đưa ra bình luận về các tuyên bố của ông Musk.

Thứ Ba, ngày 23/04/2024 16:00 PM (GMT+7)
Theo Nguyễn Thái - (t/h) ([Tên nguồn])
Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN