Những nhân tố khu vực có thể xoay chiều ngọn lửa Trung Đông
Cuối tháng 10, Israel bắt đầu thực hiện chiến dịch đổ bộ hạn chế và có kiểm soát vào Dải Gaza, với sự hỗ trợ của xe tăng, xe thiết giáp và các cuộc không kích. Giao tranh diễn ra đồng nghĩa với nguy cơ đổ máu và thiệt hại đáng kể cho người dân, cảnh báo nguy cơ thảm họa nhân đạo.
Tiến trình hòa giải giữa Israel và các nước Hồi giáo Arab bắt đầu cách đây 3 năm đã mang lại động lực và hy vọng về một nền hòa bình lâu dài cho Trung Đông, thậm chí người ta đã mơ về một Trung Đông mới sau các tín hiệu đặc biệt tích cực hơn 1 năm trở lại đây, song cuộc chiến đã đe dọa tiến trình này. Những diễn biến và xu thế mới có thể khiến các quốc gia khác đang có ý định hâm nóng quan hệ với nhà nước Do Thái trở nên e dè và thậm chí là tạm dừng.
Màu sắc chính trị
Trước sự phản đối của dư luận quốc tế, đặc biệt là các nước trong khu vực, Israel vẫn bảo vệ quyền được tự vệ - điều cũng có thể hiểu được phần nào - và bày tỏ quyết tâm trả đũa đến cùng. Trong khi Hamas cũng khẳng định quyết tâm không để Israel giành chiến thắng. Tất nhiên, mọi chuyện cần phải nhìn từ vị thế của hai phía, nhất là bởi cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas được cho là thảm kịch tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới 2.
Chưa ai có thể khẳng định kết cục của cuộc chiến và những ngã rẽ mà "Trung Đông mới" sẽ đi. Khi cuộc chiến bùng phát, đã có rất nhiều bàn luận về vai trò, ảnh hưởng và những gì các nhân tố khu vực có thể làm trong cuộc xung đột gay gắt giữa Israel và Hamas. Để hiểu những khía cạnh này, có lẽ sẽ dễ dàng hơn nếu nhìn nhận từ góc độ những quan ngại mà cuộc xung đột đặt ra cho chính những chủ thể ấy.
Cuộc chiến Israel-Hamas ẩn chứa rất nhiều rủi ro với hòa bình, ổn định thế giới.
Leo thang xung đột giữa Israel và Hamas thực sự có thể thay đổi hoàn toàn tình hình ở Trung Đông, đặc biệt, nếu Hezbollah, Iran và các bên liên quan khác tham gia đối đầu. Khi đó một cuộc chiến tranh khu vực lớn có thể sẽ bùng phát. Tuy nhiên, cho đến nay, dường như những điều kiện tiên quyết để một kịch bản như vậy có thể xảy ra chưa thực sự hiện hữu.
Các nước láng giềng như Ai Cập, Jordan, Liban và Syria không muốn xung đột leo thang và đang cẩn trọng để không kích động tình hình dưới bất kỳ hình thức nào. Syria, quốc gia có các sân bay bị Israel tấn công thường xuyên, cũng không tuyên chiến. Nhiều quốc gia như Qatar, Ai Cập,... thúc đẩy mạnh mẽ nỗ lực ngoại giao để giải cứu con tin và tránh tình hình thêm leo thang. Lực lượng Hezbollah tại Liban tự giới hạn các đợt tấn công Lực lượng phòng vệ Israel mà không vượt qua biên giới. Đáng chú ý, trong các nhân tố khu vực, vị thế của hai quốc gia có quân đội mạnh là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran khá đặc biệt.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có những chỉ trích gay gắt nhằm vào Israel trước một cuộc biểu tình rầm rộ ủng hộ Palestine một ngày trước lễ kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ.
Thực tế cuộc chiến tại Dải Gaza đang đẩy Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào tình thế tiến thoái lưỡng nan sâu sắc. Sự đoàn kết với người Palestine là nguyên tắc lâu đời trong chính sách đối ngoại của ông, song cũng là yếu tố góp phần gây rạn nứt kéo dài hàng thập kỷ với Israel và nhiều đồng minh của nước này trong khu vực sau vụ biệt kích Israel tấn công tàu viện trợ Mavi Marmara năm 2010. Cùng lúc, các cử tri vốn ủng hộ ông Erdogan nhìn nhận phản ứng quân sự của Israel đối với các cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10 ở miền Nam Israel là không phù hợp. Trong khi đó, chính bản thân nhà lãnh đạo này đang đặt cược việc tái thiết các mối quan hệ trong khu vực và với phương Tây thông qua hòa giải với Israel và chắc chắn không sẵn lòng từ bỏ hoàn toàn tiến trình đó.
Chỉ một tháng trước, ông Erdogan đã gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York - một cuộc gặp mà các nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã phải mất nhiều công sức để dàn xếp.
Sau khi xung đột bùng phát, Tổng thống Erdogan chọn giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan này thông qua cách tiếp cận 3 hướng. Một mặt hỗ trợ nhân đạo và sử dụng những ngôn từ rõ ràng, cương quyết nhưng thận trọng khi bình luận về tình hình tại Gaza; cử Ngoại trưởng Hakan Fidan thúc đẩy tìm kiếm đồng thuận với các chủ thể khác trong khu vực; và mặt khác lặng lẽ "tránh xa" Hamas sau các cuộc tấn công. Tuy nhiên, ngày 25/10, Tổng thống Erdogan đã bất ngờ có những chỉ trích gay gắt và rõ ràng nhằm vào Israel, bày tỏ mức độ thông cảm đối với Hamas. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã nói với các quan chức Hamas về vấn đề an toàn, thậm chí có ý kiến còn nhắc đến khả năng đề xuất lưu vong.
Tuyên bố của ông Erdogan khiến Israel không hài lòng và có những động thái trả đũa như yêu cầu tất cả các đại diện ngoại giao tại Thổ Nhĩ Kỳ về nước, làm dấy lên nhiều cảnh báo về nguy cơ trục trặc, thậm chí là đổ vỡ trong mối quan hệ song phương vốn gập ghềnh. Tuy nhiên, cần nhắc lại rằng dù ông Erdogan coi chiến dịch không kích hiện tại của Israel là một vụ thảm sát, song ngay từ đầu ông đã kiềm chế không hợp lý hóa các cuộc tấn công của Hamas. Công bằng mà nói, ông cũng ít có thái độ gay gắt hơn đối với Thủ tướng Netanyahu so với các đợt giao tranh trước đây ở Gaza.
Ngày 1/11, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran kêu gọi tổ chức hội nghị khu vực nhằm ngăn chặn xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel lan rộng. Lời kêu gọi được đưa ra trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan và người đồng cấp Iran Hossein Amir_Abdollahian, diễn ra một ngày sau khi nhà ngoại giao Iran gặp các lãnh đạo phong trào Hamas ở Qatar.
Những lời kêu gọi giảm leo thang căng thẳng của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ phản ánh quan điểm cá nhân Tổng thống Erdogan mà còn là quan điểm sâu sắc của công chúng nước này. Nhiều thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức các buổi cầu nguyện dưới ánh nến và biểu tình ủng hộ người Palestine. Cuộc thăm dò được hãng Areda Survey tiến hành gần đây cho thấy đa số người Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng chấp nhận quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Gaza (nếu lực lượng này được thành lập), đồng thời ủng hộ việc chấm dứt chiến sự.
Mục tiêu cuối cùng của Tổng thống Erdogan là đảm bảo sự hiện diện, vị thế và ảnh hưởng của nước này trong việc giải quyết vấn đề Gaza sau chiến tranh, đồng thời trở thành người đóng vai trò chủ chốt trong quá trình hòa giải và tái thiết. Ông tin Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có vị thế đặc biệt để đóng một vai trò như vậy. Tổng thống Erdogan đã rút ra bài học từ kinh nghiệm trước đó cho thấy rằng chỉ đơn thuần các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine, mà không đi kèm với sự phối hợp, đồng bộ với Cairo và cả Tel Aviv đều khó mang lại tác động cụ thể. Ông đã kêu gọi quay trở lại đàm phán hai nhà nước như con đường duy nhất dẫn đến hòa bình cho Israel - Palestine và đây sẽ vẫn là trọng tâm trong chiến lược ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt cuộc xung đột. Vấn đề nằm ở chỗ liệu Ankara có thể duy trì đủ uy tín với cả người Israel và người Palestine để đóng vai trò như vậy trong tương lai hay không?
Thận trọng trong tính toán
Iran từng là "bạn" rồi trở thành "kẻ thù không đội trời chung" của Israel. Iran được cho là đã thành lập, huấn luyện, tổ chức, trang bị vũ khí và tiếp tục hỗ trợ một loạt nhóm vũ trang trong khu vực. Nổi tiếng nhất trong số đó là Hezbollah tại Liban và vai trò của Iran cũng được cho là có ảnh hưởng nhất định thông qua một số lực lượng ủy nhiệm tại Iraq, Syria và Yemen, những khu vực đã hoặc đang xảy ra xung đột đẫm máu.
Câu hỏi lớn hiện nay là liệu Iran có trực tiếp tham gia cuộc chiến ở Gaza hay không. Xét nhiều khía cạnh cho thấy Tehran sẽ mất nhiều hơn là được nếu tham gia vào một cuộc chiến lớn. Nếu xung đột xảy ra, các cuộc tấn công từ Iran có thể diễn ra trên bộ hoặc bằng vũ khí đạn đạo.
Trên đất liền, Iran sẽ phải băng qua lãnh thổ Iraq và Syria. Cả hai đều là đồng minh của Iran nhưng không sẵn lòng cho phép sử dụng lãnh thổ của mình, ngay cả khi động thái này là hợp lý về mặt quân sự. Mỹ, quốc gia vẫn duy trì sự hiện diện an ninh và có lợi ích ở Iraq, sẽ không mấy hài lòng. Chính phủ ở Damascus hiểu rõ ngay cả sự hiện diện tạm thời của quân đội Iran cũng có thể dễ dàng khơi dậy cuộc xung đột ở Syria mà họ đã vật lộn kiểm soát suốt nhiều năm qua.
Một cuộc hành quân mạo hiểm qua sa mạc không hợp lý về mặt quân sự - nó có nghĩa là vượt qua 1.000 km từ Iran đến Israel, dưới bầu trời mà Mỹ và các đồng minh có ưu thế.
Lựa chọn khác của Iran có thể là sử dụng vũ khí đạn đạo tầm xa đáng gờm để nhằm vào Israel, quốc gia đang phải triển khai hệ thống Vòm Sắt một cách triệt để. Tất nhiên, hiệu quả của hệ thống này - được chứng minh qua nhiều diễn biến và xung đột, với khả năng đánh chặn liên tục hơn 90% số đạn đang bay tới - là điều khó phủ nhận.
Israel đang tiến hành chiến dịch trên bộ ở Dải Gaza, có thể là giai đoạn thứ hai. Tuy nhiên, cho đến nay, chiến dịch này chưa thể nói là một cuộc tổng tấn công toàn diện. Nhiều nguồn tin nhận định đây thực chất mới chỉ là chiến dịch mang tính thăm dò. Để chuẩn bị cho một cuộc tấn công, các đơn vị nhỏ hơn tấn công để thăm dò vị trí, sức mạnh, chiến thuật và mức độ sẵn sàng hoạt động của đối phương. Kế hoạch chiến đấu ban đầu sau đó sẽ được điều chỉnh theo những gì thu được.
Nhiều nhận định cho rằng chiến dịch trên bộ của Israel có vẻ nhỏ hơn và chậm hơn so với những tuyên bố và lời kêu gọi của giới tướng lĩnh cùng giới chức trước đó. Bước tiến chậm chạp của Israel có thể là có chủ ý, nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động ngoại giao, đàm phán bí mật và thỏa thuận. Một phần lý do được cho từ tác động của các nhân tố bên ngoài, cả ở phạm vi khu vực và xa hơn nữa - từ đồng minh Mỹ hoặc các cường quốc cũng có lợi ích tại đây.
Cuộc xung đột Hamas - Israel đi kèm nhiều biến số đặc biệt gây lo ngại, không phải chỉ vì số dân thường đã thiệt mạng, nguy cơ thảm họa nhân đạo và làn sóng di cư, mà còn bởi chưa ai dám chắc liệu các bên có thể sớm đạt được một lệnh ngừng bắn, ít nhất là vì lý do nhân đạo, tôn trọng thỏa thuận ấy để tạo cơ hội cho những kiến tạo hòa bình, hay kế tiếp sẽ là một cuộc chiến lớn với những hệ quả khó lường cho nền kinh tế toàn cầu vốn đã quá nhiều gánh nặng.
Căng thẳng ở Trung Đông có vẻ như chưa bao giờ biến mất. Trung Đông sẽ bước vào ngã rẽ nào, chắc chắn không thể thiếu vai trò và ảnh hưởng từ những tính toán của các nhân tố khu vực.
Nhóm phóng viên CNN ở Sderot (Israel) báo cáo những cuộc pháo kích dữ dội do lực lượng Israel tiến hành nhằm vào phần phía bắc Dải Gaza tối 10/11. Đáng chú ý, nhóm này cũng nhìn...
Nguồn: [Link nguồn]