Những người Ukraine tìm trăm phương nghìn kế trốn nhập ngũ
Để không phải ra trận, nhiều thanh niên Ukraine lẩn trốn hoặc vượt biên, song đối mặt với nhiều rủi ro, có thể mất hết tiền, thậm chí thiệt mạng.
Dmytro, nhiếp ảnh gia 31 tuổi đến từ Kharkov, thành phố lớn thứ hai Ukraine, nhiều tháng qua trốn trong căn hộ, hầu như không ra ngoài để tránh bị bắt đi lính. "Tôi muốn rời khỏi đất nước. Tôi không chịu được việc bị mắc kẹt ở đây thêm nữa", anh nói.
Nhiếp ảnh gia này mong mùa thu đến càng sớm càng tốt vì đó là thời điểm các tay cò hứa đưa anh rời khỏi Ukraine.
Kể từ khi xung đột bùng phát cuối tháng 2/2022, hàng nghìn người Ukraine đã vượt biên trái phép để trốn nghĩa vụ quân sự. Họ tìm đến biện pháp này vì Tổng thống Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh cấm đàn ông 18-60 tuổi rời khỏi đất nước.
Số lượng người tìm cách vượt biên dự kiến gia tăng trong thời gian tới, sau khi giới chức Ukraine vừa thông qua đạo luật huy động quân mới, giúp quân đội nước này có thể tuyển thêm nhiều binh sĩ và áp đặt các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi trốn nhập ngũ.
"Trước khi luật huy động quân mới được ban hành, tôi chưa từng nghĩ đến việc rời khỏi đất nước. Nhưng tôi không thể chui nhủi trong nhà mãi được", Dmytro cho hay.
Tân binh của Lữ đoàn Xung kích Độc lập số 3 Ukraine trong buổi huấn luyện tại Kiev ngày 18/6. Ảnh: AFP
Thông qua những người bạn đã trốn ra nước ngoài trước đó, Dmytro liên hệ được với một số tay cò trên mạng. Những người này hứa giúp Dmytro bỏ trốn nếu anh đồng ý chi một khoản phí lớn, khởi điểm là 8.000 euro (8.600 USD).
"Tôi không sinh ra để tham gia chiến sự. Tôi không thể giết người, ngay cả khi đó là người Nga. Tôi sẽ không thể sống sót lâu trên tiền tuyến", Dmytro nói. "Tôi muốn xây dựng gia đình và quan sát thế giới. Tôi chưa sẵn sàng để chết".
Dmytro không chắc có thể tin tưởng những tay cò này hay không, đặc biệt sau khi họ thông báo nâng giá dịch vụ để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng. Tuy nhiên, anh không có lựa chọn nào khác.
Quân đội Ukraine hiện đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực, trong bối cảnh cuộc xung đột đã bước sang năm thứ ba mà chưa có dấu hiệu kết thúc.
Kể từ đầu chiến sự, hàng trăm nghìn người dân Ukraine đã xung phong ra tiền tuyến để bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ đã thiệt mạng, bị thương hoặc kiệt sức, khiến quân đội Ukraine buộc huy động thêm lực lượng từ nhóm người cảm thấy do dự hơn với việc cầm súng.
Để đáp ứng nhu cầu tuyển quân, Tổng thống Zelensky hồi tháng 4 ký thông qua đạo luật gây tranh cãi về việc hạ tuổi huy động quân từ 27 xuống 25. Ngoài ra, những người trốn nhập ngũ sẽ bị tước bằng lái, đóng băng tài khoản ngân hàng và tịch thu tài sản.
Trong hơn hai năm qua, khoảng 20.000 đàn ông Ukraine được cho là đã rời khỏi đất nước để tránh phải ra chiến trường. Một số chết đuối trong lúc bơi qua sông Tysa để vượt biên sang nước láng giềng Romania.
Andriy Demchenko, người đứng đầu lực lượng biên phòng Ukraine, hồi tháng 6 cho biết 40 người đã thiệt mạng khi vượt sông kể từ đầu chiến sự, song thương vong thực tế có thể cao hơn do một số thi thể nhiều khả năng đã bị nước cuốn trôi.
Matviy, 24 tuổi, là một trong những người may mắn sống sót khi vượt sông Tysa. Dòng nước lạnh giá ở đây gây khó khăn lớn hơn nhiều so với tưởng tượng của anh và ba người đi cùng. Có thời điểm dòng nước xiết đã cuốn người bơi giỏi nhất trong số họ đi xa hơn 200 mét về phía hạ lưu. Hai người khác bị cuốn đi xa gấp đôi con số đó, song họ vẫn may mắn đến được bờ bên kia.
"Chúng tôi gần như không thể thở khi nổi lên được khỏi mặt nước. Mọi người suýt nữa đã chết chìm", Matviy kể.
Sông Tysa nằm giữa biên giới Ukraine và Romania trong bức ảnh đăng tháng 11/2023. Ảnh: BBC
Ukraine đang tăng cường nỗ lực ngăn tình trạng vượt biên và trốn nhập ngũ, bao gồm việc xử lý nạn tham nhũng trong tuyển quân. Tổng thống Zelensky tháng 8 năm ngoái đã sa thải toàn bộ quan chức tuyển quân cấp tỉnh, sau khi xuất hiện thông tin các sĩ quan nhận hối lộ để giúp thanh niên trốn nghĩa vụ. Tuy nhiên, việc loại bỏ triệt để vấn nạn này được đánh giá là rất khó khăn.
Andrei, nhân viên công nghệ thông tin ở thành phố cảng Odessa, chia sẻ tin nhắn anh nhận được từ một tay cò hồi tháng 5, trong đó nêu hai phương pháp giúp Andrei có thể trốn ra nước ngoài. Cách đầu tiên là sử dụng hộ chiếu giả để vượt biên sang Moldova, còn phương pháp thứ hai là giúp anh đóng giả thành nghệ sĩ, ngành nghề có thể được phép rời khỏi đất nước với danh nghĩa đi biểu diễn. Cả hai phương án đều có mức phí 8.000 euro.
Hè năm ngoái, Andrei từng thử vượt biên sang Moldova bằng cách sử dụng giấy chứng nhận y tế giả, trong đó nêu anh không đủ điều kiện sức khỏe để nhập ngũ. Nỗ lực của Andrei đã thất bại do lực lượng biên phòng nghi ngờ tính xác thực của giấy chứng nhận. Anh nhanh chóng bị đưa tới văn phòng tuyển quân, nhưng được thả sau khi đưa hối lộ cho sĩ quan phụ trách.
"Hành trình vượt biên đang ngày càng khó khăn do lực lượng biên phòng đã làm nghiêm hơn. Tôi không nghĩ mình sẽ gặp may mắn như vậy lần thứ hai nếu mọi chuyện vẫn diễn ra không như kế hoạch", Andrei cho hay.
Anh cho biết đang cân nhắc phương án thứ hai, thêm rằng khoản phí tay môi giới đưa ra tương đương toàn bộ số tiền anh đã tiết kiệm được. "Trong khi chờ đợi, tôi phải nhốt mình trong nhà", anh nói thêm.
Theo Andrei, một số người bạn của anh đã nhập ngũ, được điều ra tiền tuyến và thiệt mạng, khiến anh càng cảm thấy nhụt chí hơn.
Hiện không có thống kê chính xác về số lượng đàn ông Ukraine đang lẩn trốn hoặc tìm cách rời khỏi đất nước. Dù vậy, con số này có thể không nhỏ, do các kênh Telegram "báo chốt", chuyên chia sẻ thông tin vị trí của các sĩ quan tuyển quân ở những thành phố lớn, thường có tới hàng nghìn thành viên.
Có nhiều lý do khiến đàn ông Ukraine trốn nhập ngũ. Giống như Dmytro và Andrei, một số người nói họ sợ phải bỏ mạng trong những cuộc giao tranh khốc liệt trên chiến hào.
Binh sĩ Ukraine tham gia khóa huấn luyện tại Anh trong bức ảnh đăng ngày 2/7. Ảnh: Quân đội Ukraine
Số khác cho biết họ cảm thấy quân đội Ukraine không huấn luyện đầy đủ cho tân binh trước khi đưa họ ra tiền tuyến, nên không muốn nhập ngũ. Một vài người lấy hoàn cảnh gia đình phức tạp làm lý do trốn gia nhập quân đội.
Mykhailo, huấn luyện viên thể hình hiện làm việc ở thủ đô Kiev, cho biết bố mẹ của anh vẫn đang sống ở thành phố Mariupol, nơi lực lượng Nga kiểm soát từ tháng 5/2022.
"Gia đình của tôi ở Mariupol sẽ gặp nguy hiểm nếu người Nga phát hiện tôi đang chiến đấu. Tôi yêu đất nước và muốn cầm súng, song gia đình vẫn quan trọng nhất. Đây là tình thế hết sức khó khăn với tôi", Mykhailo cho biết.
Giống như nhiều người khác, Mykhailo luôn gọi đồ ăn về nhà và tránh ra ngoài, trừ những lúc phải đến phòng tập thể hình gần nhà để làm việc.
"Tôi mới đây đã không thể tham dự bữa tiệc sinh nhật của người bạn thân nhất vì không dám ra ngoài. Cuộc sống hiện tại thật sự bí bách", anh nói.
Mykhailo cho biết một vài người bạn của anh đã trốn khỏi Ukraine và anh cũng đang cân nhắc phương án này.
Về tổng thể, sự ủng hộ của người dân Ukraine dành cho quân đội vẫn ở mức cao. Các cuộc khảo sát cũng cho thấy vẫn còn một lượng đáng kể nam giới nước này sẵn sàng nhập ngũ. Dù vậy, các nỗ lực huy động quân gần đây của Kiev có nguy cơ gây chia rẽ xã hội Ukraine, vốn đã hết sức mệt mỏi vì chiến sự kéo dài.
Các binh sĩ Ukraine ở tiền tuyến hoặc những người đã giải ngũ do bị thương chỉ trích những người trốn quân dịch, cho rằng điều này sẽ khiến quân đội Ukraine suy yếu, đặc biệt trong bối cảnh lực lượng Nga đang đạt bước tiến trên nhiều mặt trận.
Roman, người đã phải rời quân ngũ do trúng mảnh đạn pháo vào chân phải, tỏ ra thất vọng khi nghe chuyện một số đàn ông Ukraine đang lẩn trốn hoặc tìm cách rời khỏi đất nước để thoát nghĩa vụ quân sự.
"Tôi hiểu mọi người đang sợ hãi, nhưng chúng ta cần tân binh để có thể tiếp tục chiến đấu", Roman nói trong lúc đứng chống nạng bên ngoài một quán cafe ở Kiev. "Nếu không phải chúng ta, ai sẽ bảo vệ đất nước này?".
Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: RYV
Việc lực lượng Nga triển khai chiến thuật đào đường hầm trên chiến trường được lực lượng Ukraine báo cáo lần đầu tiên vào mùa thu năm 2023.
Nguồn: [Link nguồn]