Những người sinh ra đã bị săn lùng chặt tay chân ở châu Phi
10 ngày sau khi một bé gái 25 tháng tuổi bị bắt cóc ở Malawi, gia đình em tìm được những mảnh sọ, răng, xương và quần áo, tã lót ở gần đó.
Trẻ em bạch tạng ở châu Phi là mục tiêu của những kẻ săn người lấy xương
Tại nhiều quốc gia châu Phi, người bạch tạng đang bị săn lùng và giết hại dã man vì bộ phận cơ thể của họ được cho là có tác dụng ma thuật. Người bạch tạng do đó luôn sống trong sợ hãi, không biết đến bao giờ nạn săn người man rợ này mới thực sự chấm dứt. |
"Tôi rất muốn bảo vệ con nhưng không biết phải làm thế nào", Martha Phirim, một người phụ nữ ở Malawi nói và nhìn vào đứa con gái 9 tuổi Esther. Đứa trẻ bạch tạng đang mải mê đọc sách, không để ý tới nỗi lo của mẹ. Martha lo ngại Esther có thể bị bắt cóc thậm chí giết hại bất cứ lúc nào.
Người bạch tạng bị phân biệt đối xử rõ rệt ở Malawi, Đông Phi, nơi tồn tại nhiều mê tín dị đoan về căn bệnh này. Nhưng trong khoảng 3 năm qua, phân biệt đối xử đã dần biến thành các vụ tấn công chết người. Ngày 23.5.2016, Fletcher Masina, 38 tuổi, đã trở thành người bạch tạng thứ 18 bị giết ở Malawi kể từ cuối năm 2014. Các vụ giết người man rợ khiến nạn nhân bị chặt tay, chân, thậm chí lột xương.
Enelesi Nkhata, 21 tuổi, là một trong những nạn nhân bị cắt hết chân tay. Người phụ nữ bạch tạng 21 tuổi biến mất ở làng Kumtumba, quận Dedza hồi tháng 4 năm 2016. Nông dân tìm thấy xác cô trong một cái hố nông, đang phân hủy. Cả hai tay và chân của cô đều đã bị cắt. Cơ thể cũng có một vết đâm vào ngực.
Người bạch tạng bị phân biệt đối xử rõ rệt ở Malawi, Đông Phi, nơi tồn tại nhiều mê tín dị đoan về căn bệnh này
Enelesi bị lừa bởi một người họ hàng. Enelesi tin anh ta tìm được việc làm cho cô. Ít nhất 10 người đàn ông, bao gồm cả người họ hàng, đã bị cảnh sát bắt giữ vì nghi có liên quan đến vụ giết Enelesi. Sau đó, người họ hàng và một người đàn ông khác đã bị kết án âm mưu giết người và bắt cóc. Họ nhận án tù 17 năm tù với lao động nặng.
Enelesi không phải là nạn nhân duy nhất trong một vụ án có liên quan đến họ hàng thân thích. Đêm 3.4.2016, một bé gái bạch tạng 23 tháng tuổi, Whitney Chilumpha, cũng bị bắt cóc khi đang ngủ với mẹ tại nhà ở làng Chiziya, quận Kasungu. Mẹ của em, Madalitso Lemani, 25 tuổi, tỉnh dậy lúc 4 giờ sáng và phát hiện con đã biến mất.
10 ngày sau, khi hai phụ nữ đang tìm củi ở đồi Balantha gần đó thì phát hiện nhiều mảnh sọ, răng và quần áo, tã lót. Mẹ Madalitso xác định đây là đồ con gái mình mặc khi bị bắt cóc.
Vài tuần sau, 4 xương được cho là của Whitney đã được tìm thấy trong một khu vườn. Liên quan đến vụ việc, cảnh sát bắt giữ 5 người, bao gồm cả bố của Whitney vì nghi ngờ tham gia vào vụ bắt cóc và giết đứa trẻ.
Ngay cả trẻ sơ sinh cũng bị săn lùng để lấy xương
Người hói đầu bắt đầu bị săn
Trong khi nạn giết người bạch tạng trở thành vấn đề nhức nhối chưa được giải quyết, mới đây, một “xu hướng” săn người mới vừa được phát hiện ở Đông Phi.
Tại Mozambique, những người đàn ông hói đầu đang là mục tiêu săn lùng của những kẻ tin vào nghi lễ mê tín địa phương. Họ tin rằng các bộ phận cơ thể như nội tạng, đầu của người hói có thể đem lại may mắn.
Tháng trước, hai người đàn ông hói bị giết hại tàn nhẫn tại tỉnh Zambezia của Mozambique. Trong đó, một người bị chặt đầu và moi nội tạng. Các bộ phận cơ thể của hai người này được cho là đã bị lấy đi để thực hiện nghi lễ lấy may.
Phát ngôn viên cảnh sát nước này, ông Inacida Dina, nói với các phóng viên rằng hai nghi phạm trong độ tuổi 20 đã bị bắt giữ. “Cộng đồng địa phương tin rằng những người đàn ông hói là những người giàu có”, Dina nói.
Người hói đầu đang là mục tiêu săn lùng của những kẻ tin rằng các bộ phận cơ thể như nội tạng, đầu của người hói có thể đem lại may mắn
Chết cũng không được yên
Bạch tạng là một rối loạn bẩm sinh khiến người bệnh thiếu sắc tố trong da, tóc và mắt, ảnh hưởng đến khoảng 1/20.000 người trên toàn thế giới. Tại một số vùng phía nam và đông châu Phi, bộ phận cơ thể của người bạch tạng được cho là có khả năng ma thuật, mang lại may mắn và giàu có. Chính vì vậy, họ bị săn lùng và giết bởi những thợ săn bạch tạng. Kẻ tấn công bán bộ phận cơ thể của người bạch tạng cho các phù thủy để lấy tiền.
Phụ nữ và trẻ em đặc biệt dễ bị tấn công vì hai lý do. Thứ nhất, nhiều người tin rằng quan hệ tình dục với một người bạch tạng có thể chữa được HIV/AIDS. Thứ hai, trẻ em được chọn vì sự ngây thơ trong trẻo được cho là khiến nghi lễ của phù thủy hiệu nghiệm hơn, theo Mirror.
Người bạch tạng đã chết cũng không được yên nghỉ. Xương của họ bị cướp khỏi mộ để đem bán.
Từ tháng 11.2014 đến cuối tháng 5.2016 ở Malawi, ít nhất 18 người bạch tạng đã bị giết. Ít nhất 5 người khác bị bắt cóc và vẫn còn mất tích.
Đây là con số đáng báo động nằm trong báo cáo “Bạo lực và phân biệt đối xử người bạch tạng ở Malawi” của Tổ chức Ân xá Quốc tế, công bố năm 2016. Theo báo cáo, kể từ năm 2009, số vụ bắt cóc, giết người và khai quật mộ của người bạch tạng gia tăng mạnh ở Malawi.
Tại một số vùng phía nam và đông châu Phi, bộ phận cơ thể của người bạch tạng được cho là có khả năng ma thuật, mang lại may mắn và giàu có
Tổ chức Ân xá Quốc tế tin rằng số người bị giết và bắt cóc có thể cao hơn vì không có giám sát hay thống kê tổng hợp của các nhà chức trách. Việc thu thập thông tin chủ yếu được thực hiện bởi các nhà hoạt động từ thiện thiếu năng lực và nguồn lực để có thể ghi nhận tất cả các tội ác chống lại người bạch tạng.
Tổng thống Malawi, ông Peter Mutharika, từng công khai lên án các vụ giết người bạch tạng và thành lập một ủy ban để giải quyết vấn đề này. "Bất cứ ai nghĩ rằng có thể giàu lên bằng cách sử dụng xương hoặc một cái gì đó tương tự của người bạch tạng vì bác sĩ phù thủy nói như vậy, đó là sự ngu ngốc", Mutharika nói.
Không chỉ tại Malawi, hiện tượng này cũng xảy ra ở nhiều quốc gia láng giếng như Mozambique hay Tanzania. Liên Hợp Quốc cho biết gần 80 người bạch tạng ở Tanzania đã thiệt mạng kể từ năm 2000. Tổ chức này thậm chí cảnh báo rằng người bạch tạng ở Malawi có nguy cơ "tuyệt chủng toàn bộ", theo CNN.
Trước nguy hiểm rình tập từ những “thợ săn”, người hói đầu và bạch tạng đang phải sống một cuộc đời chui lủi và đầy sợ hãi. Vậy các nhà chức trách, tổ chức nhân quyền và xã hội đã và đang làm gì để ngăn chặn nạn săn người man rợ này? Những thông tin này sẽ được đề cập đến trong các bài viết tiếp theo. |
Người bạch tạng ở Malawi có nguy cơ bị tuyệt chủng vì ngày càng nhiều người "bị săn như động vật" lấy xương đem bán.