Những người phương Tây đầu tiên đến Triều Tiên hậu Covid-19
Một nhóm nhỏ đại diện các công ty lữ hành đã tới Triều Tiên khảo sát tuần trước, hơn 5 năm sau khi đại dịch bùng phát.
Justin Martell, nhà làm phim người Mỹ sáng lập Pioneer Media chuyên ghi hình các địa phương độc đáo và bí ẩn, cùng bạn đồng hành người Australia Rowan Beard và Gerg Vaczi người Hungary, là những người phương Tây đầu tiên đặt chân đến Triều Tiên sau Covid-19. Họ ở lại Rason, thành phố Triều Tiên gần biên giới Trung Quốc và Nga, trong 5 ngày và qua cầu sông Đồ Môn trở về Trung Quốc ngày 17/2.
Tuần này, Martell dự kiến đưa nhóm nhỏ khách du lịch phương Tây đến Rason, gồm khách từ Đức, Pháp, Anh, Canada, Australia và Jamaica.
Justin Martell tại đặc khu kinh tế Rason giáp biên giới Trung Quốc ngày 16/2. Ảnh: CNN
Martell cho biết tại Rason, các biện pháp y tế nghiêm ngặt như đeo khẩu trang và đo nhiệt độ vẫn được thực hiện thường xuyên. Những điểm du lịch nổi tiếng, trong đó có các khu chợ địa phương, vẫn không mở cửa với người nước ngoài bởi e ngại virus lây lan.
Beard cho biết tài khoản ngân hàng Triều Tiên mà anh mở tại Rason hơn 10 năm trước vẫn duy trì số dư như cũ, khoảng 25 tệ (3,5 USD).
Nhóm của Martell đang cân nhắc thêm vào tour trải nghiệm xem phim ở Triều Tiên. Ngành công nghiệp điện ảnh của nước này đang hồi sinh dưới thời lãnh đạo Kim Jong-un, với những bộ phim mới về chủ đề chiến tranh Triều Tiên như "72 giờ" hay "Một ngày một đêm" đang được chiếu rạp.
Thủ đô Bình Nhưỡng vẫn không đón du khách phương Tây dù đã cho phép du khách Nga đến từ năm ngoái, trong bối cảnh Triều Tiên thắt chặt quan hệ với Nga.
Covid-19 đã ngăn mọi du khách tới Triều Tiên, nhưng thực tế, trước đó từ lâu, người Mỹ đã bị cấm đến Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Mỹ cấm công dân đến Triều Tiên từ 1/9/2017, sau khi Otto Warmbier, sinh viên người Mỹ 22 tuổi bị giam ở Triều Tiên qua đời ít lâu sau khi hồi hương trong tình trạng sống thực vật.
Trước tháng 9/2017, Martell đã tới Triều Tiên 11 lần. Anh đang ở Triều Tiên vào thời điểm lệnh cấm ban hành. "Lúc đấy tôi đang đi qua biên giới Sinuiju - Đan Đông", anh nói. "Lệnh cấm khiến tôi trở thành du khách Mỹ cuối cùng rời Triều Tiên bằng hộ chiếu phổ thông".
Justin Martell đứng trước đài tưởng niệm Mansudae ở Bình Nhưỡng năm 2015. Ảnh: CNN
Martell vẫn quyết tâm trở lại Triều Tiên. Để né lệnh cấm của Mỹ, anh xin quốc tịch Saint Kitts và Nevis, quốc gia vùng Caribe có chính sách cấp quốc tịch theo diện đầu tư. Đóng góp khoản tiền 6 chữ số vào quỹ Đóng góp Bền vững Quốc đảo, Martell được cấp hộ chiếu hợp pháp quay lại Triều Tiên.
"Tôi mất một năm làm giấy tờ", Martell giải thích. "Kiểm tra lý lịch, hồ sơ tài chính".
Từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, chi phí chương trình nhập quốc tịch theo diện đầu tư tăng vọt. "Giá tăng gấp đôi, gấp ba vì số lượng người Nga xin nhập tịch để có hộ chiếu thứ hai", anh nói. "Bây giờ lên tới 250.000 USD. Tôi đã trả ít hơn nhiều con số này".
Anh cho rằng số tiền này là xứng đáng bởi hộ chiếu Saint Kitts không chỉ cho phép Martell vào Triều Tiên, mà còn giúp anh tới Nga không cần thị thực, điều mà hộ chiếu Mỹ không thể.
Hướng dẫn viên người Triều Tiên khá cởi mở khi bàn luận về chính trị Mỹ, nhưng không nhắc tới chủ đề Nga - Ukraine. Vaczi, đại diện công ty Koryo Tours, nhận thấy chủ đề này tương đối nhạy cảm ở Triều Tiên.
"Tôi có một hướng dẫn viên rất hiểu biết về Đông Âu", anh nói. "Nhưng tôi không nhắc đến Ukraine, cảm giác như đây là ranh giới không được vượt qua".
Martell nhận thấy các hướng dẫn viên Triều Tiên đều hiểu biết về những sự kiện thời sự toàn cầu, như đề xuất áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho tới cuộc xung đột Ukraine.
"Chúng tôi thảo luận về địa chính trị, nhưng khi nói đến Ukraine, họ chỉ lắng nghe", anh nói. "Đây là chủ đề họ tỏ ra tương đối thận trọng, dù bày tỏ ủng hộ Nga".
"Họ biết về những sự kiện gần đây ở Hàn Quốc, về đề xuất thuế của ông Trump", anh nói tiếp. "Họ biết thông tin vì là người tiếp xúc với người nước ngoài".
Người Triều Tiên nhảy múa ở quảng trường. Video: CNN
Vaczi cho biết hành trình tham quan ở Rason không có nhiều địa điểm đa dạng, đa phần là nhà máy và trường học. Tuy nhiên, có một số thay đổi đáng chú ý. Các quy tắc chụp ảnh, trước đây rất nghiêm ngặt, hiện thoải mái hơn nhiều.
Martell không gặp bất kỳ người nào tỏ thái độ thù địch với Mỹ. "Tôi không nghe thấy ai phát ngôn tỏ ý chống Mỹ", anh nói. "Có lần chúng tôi đang đi bộ ở công viên Hae'an. Vài đứa trẻ nhìn thấy chúng tôi liền bỏ chạy. Một hướng dẫn viên nói đùa: 'Có lẽ các bé biết các anh là người đế quốc Mỹ nên chạy đấy'. Tôi trả lời: 'Không, trong nhóm chỉ có một người thôi!' Chúng tôi đều bật cười. Tôi cho rằng câu nói này không có ác ý".
Đường phố, hiệu sách, đều không có áp phích mang nội dung chống Mỹ. Trong chuyến tham quan trường học, trẻ em vây quanh, hỏi về âm nhạc, thể thao, cuộc sống ở Mỹ.
"Trẻ con không quan tâm đến chính trị", anh nói. "Chúng muốn kết nối với chúng tôi".
Triều Tiên đã điều trị cho hàng trăm binh sĩ Nga bị thương ở Ukraine, đại sứ Nga tại Bình Nhưỡng nói với truyền thông địa phương, khi ông tiết lộ...
Nguồn: [Link nguồn]
-19/02/2025 15:04 PM (GMT+7)