Những ngôi mộ vô danh trên “con đường tử thần” đến Tây Âu

Nhiều người di cư bỏ mạng trên tuyến đường Balkan của châu Âu mà không được xác định danh tính. Người thân của họ đang tìm kiếm một cách tuyệt vọng, thậm chí phải bỏ một số tiền để được vào nhà xác tìm người nhà.

Những người di cư trên đường đến Tây Âu dọc theo “Con đường tử thần”

Những người di cư trên đường đến Tây Âu dọc theo “Con đường tử thần”

Chia ly vì loạn lạc

Tối 24-9-2023, ông Husam Bibars nghe tin Majd, con trai ông đã mất tích. Ông được kể rằng những người Syria khác đi cùng đã bỏ lại con trai ông, chàng trai 27 tuổi, một mình trong rừng, đâu đó ở Bulgaria. Ông Bibars (53 tuổi), hiện đang ở trung tâm Nakskov, một thị trấn nhỏ ở miền Nam Đan Mạch.

Gia đình ông vốn sống ở Aleppo, miền Bắc Syria, không xa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Ông từng điều hành một công ty sản xuất thảm ở ngoại ô thành phố. Nhưng khi cuộc nội chiến Syria bùng nổ vào năm 2011, cả nhà ông phải đi lánh nạn sang Istanbul. Giờ đây, tại thị trấn Nakskov của Đan Mạch, ông làm nghề giao bánh pizza. Bibars cho biết, Fatima - vợ Majd cùng hai con vẫn ở lại Istanbul, Majd dự định đưa họ đến châu Âu sau.

Hành trình đến Liên minh châu Âu của Majd bắt đầu từ khu vực phía Bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Vào năm 2015, do đã đến tuổi trưởng thành, Majd không đủ điều kiện đoàn tụ với cha và anh trai đang ở Đan Mạch. Vì thế, Majd muốn tới đó qua tuyến đường Balkan. Vào tối định mệnh 24-9 đó, ông Bibars nhanh chóng liên lạc được với kẻ dẫn đường mà Majd đã trả 7.000 Euro. Người đàn ông bảo ông đừng lo lắng, nói rằng Majd bị đau bụng dữ dội nên phải ở lại khu rừng gần hồ. Tuy nhiên, chỗ đó chỉ cách con đường chính 1km.

Ông Bibas đã đăng ảnh của Majd lên các nhóm Facebook và WhatsApp. Sau đó, ông thuê luật sư tìm con trong các trại tị nạn và nhà tù của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông đoán có lẽ Majd đã bị lính biên phòng đưa về. Những ngày đó, ông hầu như không ngủ vì lo lắng cho con mình. 22 ngày sau cuộc gọi, ông Bibars quyết định tự mình bay đến Bulgaria vì sợ có thể không bao giờ gặp lại con trai mình được.

Ông Husam Bibars, người Syria cùng bức ảnh con trai Majd, người đã tử nạn trên biên giới Bulgaria

Ông Husam Bibars, người Syria cùng bức ảnh con trai Majd, người đã tử nạn trên biên giới Bulgaria

Tìm được con trong ngôi mộ vô danh

Tuyến đường Balkan dài hàng nghìn km. Vào mùa hè năm 2015, khi người Đức mở rộng cửa chào đón người di cư, tuyến đường chạy qua Đông Nam châu Âu khá đơn giản. Hầu hết những người xin tị nạn qua Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp và Serbia, từ đó tìm cách đến nước châu Âu giàu có. Tuy nhiên, những năm sau, EU đã dựng lên hàng rào và xây tường biên giới và áp dụng biện pháp mạnh tay, kể cả bằng vũ lực. Vì thế, tuyến đường Balkan hiện giờ có nhiều con đường bí mật. Nhiều người mất hàng tháng, thậm chí hàng năm để luồn lách, cố vượt qua biên giới vào EU.

Đối với nhiều người, họ chọn khởi hành từ Bulgaria, vì muốn tránh mặt lực lượng biên phòng Hy Lạp vốn nổi tiếng hà khắc. Từ Bulgaria, họ qua Serbia hoặc Bosnia và Herzegovina đến Croatia. Những người tị nạn lẻn từ Thổ Nhĩ Kỳ vào lãnh thổ Bulgaria dọc theo những con đường mòn. Sau đó, họ tiếp tục đi về phía Tây, băng qua những cánh đồng rộng lớn của Đồng bằng Thracian. Cứ con đường nào bị chặn thì lại có đường mới mở ra, nguy hiểm hơn. Các thi thể đã nhiều lần được tìm thấy ở đây. Các nhân viên của tổ chức phi Chính phủ gọi nó là “con đường tử thần”.

Cũng bởi thế, không có số liệu chính xác về số người di cư tử nạn trên tuyến đường Balkan. Tuy nhiên, rõ ràng rằng năm nay, số người thiệt mạng nhiều hơn những năm trước, qua con số thống kê ở ít nhất 6 nhà xác dọc theo tuyến đường. Những người tị nạn tử vong trong những khu rừng hẻo lánh, chết đuối trên những dòng sông hoặc chết cóng trong bão tuyết. Nhưng ai để ý đến điều đó? Và ai đảm bảo rằng những người như ông Husum Bibars tìm được người thân và chôn cất một cách đàng hoàng?

Sau khi đến Bulgaria, ông Bibars đi cùng một người Syria khác cũng đang tìm kiếm con trai mình tới trại tị nạn Bumantsi, gần sân bay Sofia. Người ta nói với ông rằng ở đây không có ai đăng ký dưới tên Majd, phiên âm tên tiếng Ảrập khó nên chỉ cần một chữ cái sai, máy tính sẽ không tìm được.

Trong một trại tị nạn mở khác ở Sofia, ông đi từ tầng này sang tầng khác, tìm suốt 7 tầng. Không ai biết Majd, người ta nói ông phải cung cấp số đăng ký của Majd vì tìm theo tên là không thể. “Tôi đã cố gắng nói với họ rằng tôi chỉ muốn biết con trai tôi còn sống hay đã chết, nhưng không có kết quả” - ông Bibars kể.

Cuộc tìm kiếm của ông Husam Bibar kết thúc ở Elkhovo, một thị trấn nhỏ chỉ có 9.000 cư dân trên đồng bằng Thracian. Đây là địa điểm mà kẻ buôn lậu đã chỉ cho ông. Tại đồn cảnh sát, một sĩ quan cho ông xem các bức ảnh trên điện thoại di động cá nhân của mình. Gần đây, anh ấy đã chụp ảnh 3 thi thể người di cư. Khi thấy bức ảnh thứ hai, Bibars bật khóc: “Đó là con trai tôi”.

Ông Bibars cho biết, Majd được một người nông dân tìm thấy trên cánh đồng vào sáng 25-9. Thi thể thanh niên này không có dấu hiệu tác động ngoại lực. 4 ngày sau, nạn nhân được an táng. Điều đó giờ đây đã trở thành tiêu chuẩn ở nhiều vùng của Bulgaria. Công tố viên Milen Bozidarov cho biết, rất khó để xác định danh tính những thi thể này và không gian trong nhà xác bị hạn chế. Đó là lý do tại sao những người di cư được chôn cất càng nhanh càng tốt.

Mộ của Majd nằm trong một nghĩa trang ở ngoại ô Elkhovo, không có bia mộ, không tên và không ngày mất. Có người đã đặt hoa nhân tạo trên gò đất. Majd không được tắm rửa trước đám tang theo phong tục Hồi giáo. Mộ của anh cũng không quay mặt về phía thánh địa Mecca. Nếu có thể, có lẽ ông Bibars sẽ chôn cất Majd ở một nơi khác như Thổ Nhĩ Kỳ nhưng chính quyền Bulgaria sẽ không cho phép điều đó, bởi theo quy định của nước này, họ không thể khai quật mộ vì lý do pháp lý.

Người tị nạn trên tuyến đường Balkan, con đường ngày càng dài hơn và nguy hiểm hơn

Người tị nạn trên tuyến đường Balkan, con đường ngày càng dài hơn và nguy hiểm hơn

Khoảng trống trách nhiệm

Từ lâu đã có tin đồn trong các gia đình người tị nạn rằng chính quyền Bulgaria không giúp được gì nhiều. Phóng viên Der Spiegel của Đức đã chất vấn ban quản lý một nhà xác về thông tin rằng, người tị nạn phải hối lộ nhân viên để họ có thể tìm người thân.

Ban quản lý nhà xác tuyên bố, họ không biết gì về những hoạt động như vậy. Nhưng ông Georgi Voynov thuộc Ủy ban Helsinki của Bulgaria, một tổ chức nhân quyền mà nhiều người tị nạn tìm đến để được giúp đỡ cho biết: “Chúng tôi liên tục nhận được những thông tin như vậy. Các gia đình cho biết họ bị lợi dụng trong mọi bước tìm kiếm người thân của mình”.

Trong khi đó, ở Bulgaria cũng không có nhiều người địa phương thân thuộc địa hình, duy trì liên lạc với chính quyền và lưu giữ hồ sơ về những xác chết không xác định được danh tính như một số nơi khác. Nhưng ở Bosnia và Herzegovina có ông Vidak Simić (65 tuổi), một nhà nghiên cứu bệnh học pháp y, chuyên điều tra những thi thể vô thừa nhận ở nghĩa trang thị trấn Bijeljina, cách biên giới Serbia vài km.

“Con sông ở đây rất nguy hiểm. Nó trông vô hại vào mùa hè, giống như một dòng suối. Nhưng nếu rơi vào xoáy nước thì chỉ có bị chìm”, ông Vidak Simić nói và cho biết, gần như tất cả những người di cư chôn cất trong nghĩa trang đều chết đuối khi qua sông. Simić đã thắp cho mỗi người một ngọn nến trong nhà thờ. Ông nghĩ, họ đều có gia đình ở đâu đó đang lo lắng và tìm kiếm. Chỉ riêng trong năm nay, ông đã khám nghiệm tử thi cho 28 người tị nạn, so với chỉ 5 người vào năm 2022 và 3 người vào năm 2021.

Simić còn lấy mẫu xương từ từng thi thể để sau này người thân có thể đối chiếu DNA vì nó chính xác hơn là mẫu sợi tóc hoặc một món quần áo của người đã khuất. Bởi vậy, Simić đã trở thành niềm hy vọng cuối cùng của nhiều gia đình mất người thân.

Ông thường trò chuyện với người thân và nhân viên đại sứ quán, kiểm tra lại hình xăm hoặc vết sẹo trên thi thể người chết cũng như ngày họ mất tích xem có khớp với hồ sơ của ông hay không. Một lần, sau khi nhận dạng thành công, một gia đình đã gửi cho ông bức ảnh chụp ngôi mộ ở Afghanistan như một lời cảm ơn. Với Simić, tất nhiên đó là một nỗi buồn, nhưng ông cảm thấy được an ủi phần nào.

Ông Vidak Simić đã lưu trữ 40 mẫu xương trong tủ đông của mình. Ông cho biết, hiện nay một cuộc xét nghiệm ADN chỉ tốn khoảng 130 euro. Nếu phân tích tất cả các mẫu đó, chi phí chỉ tầm 5.000 Euro. Simić cho biết, các gia đình ở xa như Algeria, Morocco hoặc Afghanistan có thể thực hiện xét nghiệm ở quê nhà. Họ sẽ không cần thị thực và sẽ không phải mất hàng tuần để tìm kiếm người thân mất tích.

Một hệ thống cơ sở dữ liệu tương tự đã tồn tại ở Tây Balkan, nơi DNA của 40.000 nạn nhân trong các cuộc chiến tranh Balkan đã được thu thập. Kết quả là khoảng 70% số người mất tích đã được xác định danh tính. Nhưng đối với những người mất tích ở biên giới châu Âu, hầu như không ai cảm thấy phải làm việc này và những người chết trên đường di cư trở nên bị lãng quên.

Nguồn: [Link nguồn]

Nữ Thủ tướng Ý cảnh báo vấn đề đe dọa ”tương lai toàn châu Âu”

Lời cảnh báo của nữ Thủ tướng Ý được đưa ra khi bà cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tới thăm một hòn đảo ở vùng Sicily.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Chi - Spiegel ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN