Những loại tên lửa được Nga sử dụng trong xung đột ở Ukraine
Hai trong số những loại vũ khí quan trọng nhất được Nga sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine là tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tên lửa hành trình.
Một tòa nhà bị phá hủy sau khi trúng tên lửa Nga ở Mykolaiv, Ukraine.
Các tên lửa dẫn đường được cho là có thể đánh trúng bất kì mục tiêu nào trong lãnh thổ Ukraine, đặc biệt là các kho vũ khí và đạn dược mà phương Tây hỗ trợ Kiev.
Kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2.2022, Nga đã phóng hàng ngàn quả tên lửa ở Ukraine. Trong số đó, có những tên lửa hiện đại với khả năng tấn công cực kỳ chính xác, cũng có những tên lửa đời cũ, ít chính xác hơn nhưng vẫn tạo ra hiệu quả nhất định, theo báo Mỹ Business Insider.
Tên lửa phóng từ trên biển
Nhiều tên lửa được Nga sử dụng ở Ukraine là loại phóng từ tàu chiến hoặc tàu ngầm, trong đó tên lửa hành trình 3M-14 Kalibr là phổ biến nhất.
Tên lửa Kalibr có khả năng tấn công chính xác mục tiêu nhờ hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh, tầm bắn tối đa 2.400km. Mỗi quả tên lửa mang theo đầu đạn nặng 450kg, thường được so sánh với mẫu tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ.
Tàu ngầm Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr.
Kalibr là một trong những loại tên lửa mới nhất được Nga bổ sung vào kho vũ khí. Mẫu tên lửa này lần đầu tham gia chiến đấu vào tháng 10.2015.
Các tàu chiến Nga ở biển Caspian phóng 26 tên lửa Kalibr nhằm vào các mục tiêu khủng bố IS ở Syria.
Ngoài ra, các tàu chiến Nga cũng phóng tên lửa P-800 Oniks trong xung đột ở Ukraine. Tên lửa có tầm bắn 320km, ban đầu được thiết kế với mục đích chống hạm, nhưng cũng có thể tấn công các mục tiêu trên mặt đất.
Năm 2015, hải quân Nga chính thức biên chế các tổ hợp tên lửa Oniks phóng từ đất liền. Các hệ thống Oniks của Nga từng phóng tên lửa từ bán đảo Crimea, nhằm vào mục tiêu của Ukraine ở Odessa.
Khả năng tấn công chính xác mục tiêu của tên lửa Kalibr là điều mà các tư lệnh NATO quan ngại. Tên lửa Kalibr có độ chính xác dưới 6 mét trong khi với tên lửa Oniks là 1,5 mét.
Tên lửa phóng từ đất liền
Các hệ thống tên lửa phóng từ đất liền của Nga có vai trò quan trọng trong cuộc xung đột, phải kể đến tên lửa đạn đạo tầm ngắn Tochka-U và tên lửa Iskander-M.
Tochka-U lần đầu xuất hiện năm 1989, là phiên bản nâng cấp của mẫu Tochka có từ những năm 1975. Tên lửa được khai hỏa từ xe phóng di động, tầm bắn 120km, mang đầu đạn nổ mạnh nặng 450kg.
Xe phóng tên lửa đạn đạo Iskander-M của Nga.
Một xe phóng Tochka-U cần 16 phút để chuyển sang trạng thái sẵn sàng khai hỏa. Thời gian nạp đạn là 20 phút. Kíp điều khiển xe ngồi trong khoang kín, được bảo vệ khỏi các tác nhân từ bên ngoài như phóng xạ, hóa học và sinh học.
Iskander-M là mẫu tên lửa đạn đạo tầm ngắn thay thế Tochka-U từ năm 2006. Tên lửa Iskander có tầm bắn giới hạn 500 km, mang theo đầu đạn tối đa nặng 700kg.
Iskander-M cũng có thể được trang bị đầu đạn nhiệt hạch, đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn phân mảnh.
Tên lửa Tochka-U có độ chính xác 91 mét còn với Iskander-M là từ 1,8 – 4,8 mét.
Tên lửa phóng từ trên không
Tên lửa hành trình phóng từ trên không là một trong những vũ khí chiến thuật được Nga sử dụng ở Ukraine. Các tên lửa thế hệ mới nhất phải kể đến Kh-101 và Kh-47M2 hay còn gọi là tên lửa siêu vượt âm Kinzhal.
Kh-101 lần đầu xuất hiện vào năm 2012, tầm bắn tối đa 2.700km, mang theo đầu đạn nặng 450kg. Tên lửa được tích hợp máy tính cỡ nhỏ với hệ thống định vị vệ tinh, giúp tấn công mục tiêu với độ chính xác dưới 6 mét.
Tên lửa nga rơi xuống Kremenchuk, Ukraine, vào tháng 6.
Kinzhal là tên lửa mới nhất và hiện đại nhất của Nga được thực chiến. Mẫu tên lửa siêu vượt âm này có thể được phóng từ tiêm kích MiG-31 hoặc oanh tạc cơ chiến lược Tu-22M3.
Tầm bắn và đầu đạn của Kinzhal gần tương tự Kh-101, nhưng đạt tốc độ tối đa lên tới Mach 10 (12.000 km/giờ). Tên lửa cũng có thể thay đổi hành trình sau khi phóng, khiến các hệ thống phòng thủ hiện nay không thể đánh chặn.
Kinzhal lần đầu được Nga sử dụng vào ngày 18.3, phá hủy một kho đạn ngầm dưới lòng đất ở phía tây Ukraine. Tên lửa này cũng được sử dụng trong đợt không kích ở Odessa vào ngày 9.5.
Ngoài ra, Nga còn sử dụng mẫu tên lửa cũ hơn như Kh-22 và Kh-55, xuất hiện lần đầu tiên lần lượt vào năm 1968 và 1984.
Tên lửa Kh-22 nặng 5,8 tấn, trang bị đầu đạn nặng 900kg và có tầm bắn 650km. Cả hai đều có độ chính xác không tệ, với Kh-22 là 91 mét và Kh-55 là 24 mét. Nga còn có phiên bản Kh-32 nâng cấp của Kh-22, cải thiện tầm bắn và có thể mang theo đầu đạn lớn hơn.
Đánh giá về mức độ hiệu quả
Theo Business Insider, các đợt không kích ở Ukraine bằng tên lửa Nga đã tạo hiệu ứng rất lớn. Các tên lửa như Kalibr không gặp khó khăn trong việc đánh trúng mục tiêu.
Những mục tiêu hàng đầu mà tên lửa Nga nhắm tới phải kể đến sân bay và căn cứ quân sự của Ukraine.
Các đợt không kích dồn dập khiến không quân Ukraine gần như không thể đưa máy bay cất cánh. Ukraine cũng tránh tập trung các đơn vị ở một khu vực, phải đưa binh sĩ sang tận Anh để huấn luyện nhằm đảm bảo an toàn.
Ukraine nhiều lần cáo buộc Nga dùng tên lửa tấn công các cơ sở dân sự, nhưng Moscow đã lên tiếng bác bỏ.
Theo báo Mỹ, việc Nga sử dụng các tên lửa thời Liên Xô như Kh-22 và Kh-55 giúp giải phóng kho vũ khí, cũng như giảm bớt sự lệ thuộc vào nguồn cung tên lửa hiện đại, vốn được sản xuất tương đối hạn chế vì các nguyên vật liệu nằm trong phạm vi cấm vận của phương Tây.
Nguồn: [Link nguồn]
Phát biểu trong lễ kỷ niệm Ngày Hải quân, Tổng thống Nga Putin tuyên bố, quân đội nước này có đủ sức mạnh để đánh bại bất kỳ kẻ thù nào.