Những lần "rồng xuất hiện" gây rúng động ở Trung Quốc

Mặc dù rồng là con vật không có thật, nhưng ở Trung Quốc vẫn có một số tài liệu lịch sử ghi chép về rồng, và có một vài lần rồng được cho là "xuất hiện" trước sự chứng kiến của con người, được phương tiện truyền thông ghi lại.

Bức ảnh chụp “xác rồng” ở Doanh Khẩu năm 1934 (ảnh: Sina)

Bức ảnh chụp “xác rồng” ở Doanh Khẩu năm 1934 (ảnh: Sina)

Văn hóa Trung Quốc coi rồng là biểu tượng của thần linh và mỗi khi “rồng xuất hiện” được cho là điềm lành.

Tấn thư (bộ sử ghi chép lại những sự kiện xảy ra vào thời nhà Tấn ở Trung Quốc) có chép, vào tháng 4, năm Vĩnh Hòa thứ nhất (năm 345) triều Đông Tấn, có 2 con rồng, một trắng và một đen, xuất hiện ở núi Long Sơn.

Vua nước Yên là Mộ Dung Hoảng nghe tin đã dẫn các quan tới xem và tổ chức tế lễ. Hai 2 con rồng bay lượn, vờn nhau một lúc lâu mới bay đi. Sau đó, vua Yên cho lập một đền thờ rồng ở núi Long Sơn.

Sách Ký sự về huyện Nghĩa (bộ sử nhỏ thời nhà Thanh ở Trung Quốc) viết, thời Hồng Hi hoàng đế (1378–1425) ở phía bắc cổng thành huyện Nghĩa (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), có 5 con rồng xuất hiện trên không. Lúc này mây mù kéo đầy trời. Khi trời quang mây tạnh thì 5 con rồng biến mất.

Sách Thiên triều Vĩnh Bình (sử nhà Thanh) chép rằng, mùa hè năm Đạo Quang thứ 19 (năm 1839) có một con rồng rơi từ trên trời xuống khu vực hạ lưu sông Luân Hà. Người dân địa phương đã làm mái che cho rồng khỏi nắng và tưới nước lên người nó. 3 ngày sau, con rồng bay đi trong một đêm mưa lớn.

Theo Sohu, các tài liệu lịch sử Trung Quốc còn ghi chép một số lần khác có rồng xuất hiện. Hầu hết chúng đều gắn với các hiện tượng thời tiết như mây mù, giông bão, sấm chớp. Tới thời hiện đại, số lần "rồng xuất hiện" ngày càng ít đi.

Sau đây là 3 lần “rồng xuất hiện" khiến dư luận Trung Quốc xôn xao và đến nay còn gây tranh cãi.

1. Rồng rơi xuống thành phố Doanh Khẩu, tỉnh Liêu Ninh

Cuốn Biên niên sử thành phố Doanh Khẩu (nhà xuất bản Sách Trung Quốc) và cuốn cuốn Lịch sử Doanh Khẩu (nhà xuất bản nhân dân Hắc Long Giang) từng đề cập đến sự kiện “rồng rơi” gây chấn động này.

Theo đó, mùa hè năm 1934, thành phố Doanh Khẩu xuất hiện mưa lớn liên tiếp trong 40 ngày. Mực nước sông Liêu đoạn chảy qua Doanh Khẩu dâng cao nhanh chóng. Vùng đầm lầy nhiều lau sậy ở 2 bên bờ sông bị ngập nước.

Ngày 28/7/1934, có một con rồng rơi từ trên trời xuống Doanh Khẩu, đoạn ven bờ sông Liêu. Vẻ ngoài con rồng giống hệt với mô tả trong các bức tranh cổ và tượng điêu khắc. Con rồng mắt nhắm nghiền, tỏ ra yếu ớt và đau đớn.

Phát hiện con rồng nằm giữa đám lau sậy, người dân thành phố Doanh Khẩu đã làm mái che nắng và đổ nước lên người nó. Bấy giờ, người ta cho rằng rồng xuất hiện là điềm lành.

Sau một đợt mưa lớn dài ngày, con rồng biến mất. Ai cũng nghĩ là nó đã bơi ra biển.

Tuy nhiên, khoảng 20 ngày sau, con rồng lại xuất hiện trong đám lau sậy cách cửa sông Liêu khoảng 10km. Dường như nó muốn bơi ra biển nhưng bị đuối sức, theo Sina.

Trong lần thứ 2 xuất hiện, con rồng đã chết. Thịt bắt đầu thối rữa và bốc mùi khó chịu.

Đồn cảnh sát số 6, thành phố Doanh Khẩu, đã tới thu thập xương con rồng và đem ra trưng bày.

Tờ Thịnh Kinh thời báo (Trung Quốc) có đưa tin và chụp ảnh về sự kiện này. Theo đó, người dân 3 tỉnh Đông Bắc Trung Quốc (Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang) đua nhau tới Doanh Khẩu để xem xác rồng.

Bài viết trên tờ Thịnh Kinh thời báo mô tả, con rồng có 2 sừng trên đầu và chân có 4 móng vuốt. Trong bức ảnh do phóng viên Thịnh Kinh thời báo chụp, có nhiều người đứng vây quanh bộ xương rồng lớn ở Doanh Khẩu.

Theo cuốn Biên niên sử thành phố Doanh Khẩu, con rồng có 2 sừng và xương sống dài tới 29 đốt. Bộ xương rồng hiện được trưng bày tại Trường trung học thủy sản Doanh Khẩu.

Bộ “xương rồng” được cho là xương cá voi tấm sừng hàm (ảnh: Qulishi)

Bộ “xương rồng” được cho là xương cá voi tấm sừng hàm (ảnh: Qulishi)

Niềm tin về câu chuyện “rồng rơi” ở Doanh Khẩu kéo dài hàng chục năm, cho đến khi chuyên mục Tiếp cận khoa học (Into Science) của kênh CCTV 10 (Đài truyền hình Trung Quốc) giải mã về sự kiện này.

Dưới góc nhìn khoa học, năm 2004, kênh CCTV 10 đã giải thích sự kiện “rồng rơi” ở Doanh Khẩu theo nghiên cứu của Viện Khoa học Trung Quốc.

Theo kênh CCTV 10, sinh vật được phát hiện trong đám lau sậy ở ven bờ sông Liêu thực tế là một con cá voi tấm sừng hàm khổng lồ - một loài cá quý hiếm.

Kênh CCTV 10 cho rằng, bộ xương rồng với 2 chiếc sừng trên đầu đã bị sắp xếp sai vị trí. Thứ được cho là sừng rồng thực chất chỉ là xương hàm của con cá voi.

Theo Sohu, kết luận của kênh CCTV 10 được cho là khá thỏa đáng về mặt khoa học, nhưng vẫn gây tranh cãi.

Vào khoảng năm 1934, nhận thức của người dân đã thay đổi rất nhiều. Khi “con rồng” xuất hiện lần đầu tiên vào ngày 28/7/1934, chẳng lẽ người dân Doanh Khẩu không phân biệt nổi nó là cá voi hay rồng?

Video: Sinh vật giống rồng bay ở vùng núi Trung Quốc (nguồn: Daily Mail)

2. Rồng bay ở vùng núi biên giới Trung Quốc

Tháng 10 năm 2016, đoạn video được cho là ghi lại cảnh một con rồng khổng lồ bay ở vùng núi Trung Quốc đã thu hút dư luận không chỉ ở Trung Quốc mà còn cả quốc tế.

Theo Daily Mail, “con rồng” trong video đang bay ở khu vực vùng núi Trung Quốc, giáp biên giới với Lào. Đoạn video nhận được hàng trăm nghìn lượt xem trên Youtube và các trang mạng xã hội.

Khác với loài rồng có sừng trong thần thoại phương Đông, “con rồng” trong đoạn video dường như giống rồng phương Tây hơn.

Trong video, sinh vật giống rồng có lớp da màu nâu xám và có cánh khá giống cánh dơi. Nhìn tổng thể, sinh vật này khá giống loài khủng long bay thời cổ đại, được cho là đã tuyệt chủng hàng chục triệu năm về trước.

Đoạn video sau khi xuất hiện đã gây tranh cãi lớn trên các trang mạng xã hội ở Trung Quốc và quốc tế. Nhiều người cho rằng “con rồng” là sản phẩm của đồ họa máy tính, số khác cho rằng sinh vật đập cánh bay trong đoạn video là một con rồng thứ thiệt.

Đến nay, tính xác thực của đoạn video vẫn chưa được kiểm chứng.

Rồng đá có niên đại khoảng 35.000 năm ở Hàm Đan, Trung Quốc (ảnh: Sohu)

Rồng đá có niên đại khoảng 35.000 năm ở Hàm Đan, Trung Quốc (ảnh: Sohu)

3. “Ổ rồng” 10 con ở đồi Ngọa Long

Ngày 19/03/1988, Khương Diên Phương – nông dân ở thôn Khương Dao, thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) – đi đào cát ở khu đồi Ngọa Long đã đào trúng vật thể lạ, theo trang tin điện tử Zhihu (Trung Quốc).

Theo mô tả của Khương Diên Phương, vật thể này giống như một cột đá nằm, có kích thước rất lớn. Đào sâu thêm, ông Khương thấy vật thể này dường như dài không có điểm cuối.

Thấy chuyện lạ, ông Khương chạy về gọi cả thôn tới xem.

Sau nhiều ngày đào bới, cả thôn Khương Dao thấy phát lộ một con rồng đá dài hơn 360 mét.

Dân làng Khương Dao cho hay, con rồng đá ở Ngọa Long không chỉ to, dài mà trên thân còn có các vết nứt chia thành từng khúc đều nhau, tạo cảm giác như xương sống của sinh vật. Điều trùng hợp là quả đồi có tên “Ngọa Long”, nghĩa là “rồng nằm”.

Có người suy đoán rằng, đây là hóa thạch của một sinh vật thời cổ đại. Có người lại cho rằng, đây chỉ là tượng rồng đá với kích thước “khủng”.

Sự việc đào được rồng đá trong lòng đồi Ngọa Long đã được lãnh đạo thôn Khương Dao báo cho cấp trên.

Chính quyền Hàm Đan nhanh chóng cho phong tỏa hiện trường và mời một nhóm chuyên gia khảo cổ tới làm việc.

Khương Diên Phương – người có công phát hiện rồng đá (ảnh: Sohu)

Khương Diên Phương – người có công phát hiện rồng đá (ảnh: Sohu)

Quá trình khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện thêm 9 con rồng đá ở khu vực đồi Ngọa Long. Theo các nhà khảo cổ, 10 con rồng đá này có niên đại cách đây khoảng 35.000 năm. Họ không tìm thấy dữ liệu sinh học nào trên những con rồng đá. Điều này cho thấy chúng không phải hóa thạch của sinh vật cổ đại nào, theo Zhihu.

Khi quan sát kỹ lưỡng, các chuyên gia phát hiện thêm rằng những con rồng đá này có màu sáng bên ngoài và tối bên trong, giống như kết cấu của xương và tủy động vật. Tuy nhiên, trên Trái đất không có loài động vật nào có xương sống dài hơn 100 mét.

Biểu cảm của những con rồng đá cũng có nét khác biệt, con thì tỏ ra vui vẻ, con lại nghiêm nghị, có con dường như đang tức giận. Vào khoảng 35.000 năm trước, con người có thể tạo tác được 10 con rồng này quả là điều khó tin, theo Sina.

Con rồng đá lớn nhất nằm ở giữa, bên trái có 5 con rồng và bên phải có 4 con rồng nhỏ hơn. Theo các chuyên gia, cách bố trí này được gọi là “thập long quy tụ”.

Ở Hàm Đan, dân gian có lưu truyền câu chuyện về lăng mộ Triệu Vương đầu tựa núi Tử Sơn, chân đạp sông Phụ Dương (2 địa danh ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc), trái phải 2 bên có rồng trấn giữ.

Triệu Vương ở đây là Triệu Hiếu Thành Vương (Triệu Đan) – vua nước Triệu thời Chiến quốc.

Người dân Hàm Đan cho rằng, có một lăng mộ Triệu Vương nằm cách đồi Ngọa Long khoảng 1,5 km. Trải qua thời gian, dấu tích về lăng mộ này đã biến mất.

“Ổ rồng” ở khu vực đồi Ngọa Long (ảnh: Sohu)

“Ổ rồng” ở khu vực đồi Ngọa Long (ảnh: Sohu)

Tuy nhiên, thời Triệu Vương sống cách đây khoảng 2.300 năm, trong khi niên đại của “ổ rồng” ở đồi Ngọa Long lại cách đây khoảng 35.000 năm. Vì vậy, giả thuyết Triệu Vương là người cho tạc tượng 10 con rồng đá là không phù hợp, theo Sohu.

Giáo sư Vương Đại Hữu – chuyên gia nghiên cứu văn hóa rồng ở Trung Quốc – cho rằng, 10 con rồng đá ở Hàm Đan là sản phẩm của tự nhiên. Chúng được hình thành trong quá trình bồi tụ và mài mòn của một con sông cổ. Đó là lý do vì sao ở khu vực đồi Ngọa Long có rất nhiều cát sông.

Giáo sư Vương cũng lập luận thêm rằng, nếu ở Hàm Đan có một công trình nhân tạo quy mô lớn như 10 con rồng đá, thì lẽ ra lịch sử thành phố phải có ghi chép.

Thân rồng đá có những vết nứt tự nhiên, chia thành từng khúc (ảnh: Sohu)

Thân rồng đá có những vết nứt tự nhiên, chia thành từng khúc (ảnh: Sohu)

Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với quan điểm của giáo sư Vương. Việc dòng chảy của một con sông có thể tạo tác ra hình 10 con rồng với đầu, mắt, mũi, sừng, móng vuốt… là điều rất khó tin.

Nguồn gốc 10 con rồng đá ở đồi Ngọa Long đến nay vẫn còn là bí ẩn đối với giới khảo cổ Trung Quốc. Chính quyền Hàm Đan đã đưa địa điểm khai quật này thành khu du lịch.

Nguồn: [Link nguồn]

Trầm tích các hang động ở miền Nam Trung Quốc đã tiết lộ loài linh trưởng to lớn nhất mọi thời đại, là một sinh vật sơ khai thuộc họ Người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN