Những lần Mỹ làm mất bom hạt nhân, đến nay chưa tìm thấy
Nhiều quả bom hạt nhân bị “mất tích” đầy tai tiếng, Mỹ muốn thế giới quên đi nhưng không thể.
Thảm họa có thể xảy ra trong các vụ rơi bom hạt nhân của Mỹ (ảnh: The Sun)
1. Vụ thả rơi bom hạt nhân tai tiếng nhất
Đây là vụ “đánh rơi” bom hạt nhân tai tiếng nhất của quân đội Mỹ, theo Grunge.
Mọi chuyện xảy ra vào ngày 5/2/1958, trong cuộc huấn luyện của Không quân Mỹ, khi lỗi hệ thống radar khiến máy bay F-86 va chạm với oanh tạc cơ B-47. Vụ va chạm xảy ra trên bầu trời bang Georgia (Mỹ). Điều đáng nói là máy bay B-47 khi đó đang chở theo một quả bom hạt nhân, theo Grunge.
Phi công của chiếc tiêm kích F-86 hạ cánh an toàn, nhưng phi công của máy bay B-47 gặp khó khăn vì cánh máy bay hỏng khá nặng.
Oanh tạc cơ B-47 của Mỹ (ảnh: CNN)
Howard Richardson – phi công lái máy bay B-47 – đã cố gắng hạ cánh vài lần xuống căn cứ Không quân Georgia nhưng không thành công. Một quả bom hạt nhân chứa trong khoang chiếc B-47 bị hỏng khiến Richardson không thể liều lĩnh. Nếu cú đáp không thành công, quả bom có thể phát nổ.
Đối mặt với tình thế nguy hiểm, Richardson quyết định hướng máy bay ra biển và thả quả bom hạt nhân xuống từ độ cao 2.195 mét. Chiếc B-47 sau đó hạ cánh an toàn.
Trong nhiệm vụ kéo dài hơn 2 tháng sau vụ va chạm máy bay, các thợ lặn của Không quân và Hải quân Mỹ không thể tìm thấy quả bom hạt nhân bị mất tích trong khu vực rộng 62 km2 ở gần đảo Tybee, thuộc vịnh Wassaw Sound, thành phố Savannah, bang Georgia. Vì điều này nên quả bom hạt nhân mất tích được gọi là “bom Tybee”.
Vụ việc quả bom hạt nhân mất tích khiến người dân thành phố Savannah lo sợ.
Theo Grunge, nếu bị “quấy rầy”, quả bom có thể phát nổ. Nhưng ngay cả khi không phát nổ, quả bom cũng có thể bị nước biển ăn mòn. Những chất độc hại trong quả bom có thể rò rỉ ra môi trường nước.
Không quân và chính phủ Mỹ đã nhiều lần khẳng định quả bom mất tích ở Savannah không chứa lõi plutonium (lõi chứa nhiên liệu của bom hạt nhân). Điều này nghĩa là một vụ nổ hạt nhân sẽ không xảy ra.
Tuy nhiên, trong một bức thư được giải mật vào năm 1994, ông Jack Howard – trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – cho biết, quả bom rơi gần đảo Tybee là một vũ khí hạt nhân hoàn chỉnh, nghĩa là nó chứa lõi plutonium.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2004, phi công Howard Richardson cho biết, ông hối hận vì đã thả quả bom xuống biển vì tất cả những rắc rối mà nó gây ra. Tuy nhiên, an toàn của phi hành đoàn trên chiế B-47 được đặt lên hàng đầu.
Quả bom hạt nhân được cho là cùng loại với quả bom quân đội Mỹ bị rơi gần đảo Typee (ảnh: Airforcetimes)
Cùng năm 2004, ông Derek Duke – cựu trung tá Không quân Mỹ – đã dẫn đầu một nhóm tìm kiếm quả bom hạt nhân Tybee. Nhóm của ông Duke phát hiện nồng độ phóng xạ cao gấp 4 lần bình thường ở vùng nước nông ngoài khơi Savannah.
Giới chức Mỹ sau đó tổ chức tìm kiếm quả bom nhưng không phát hiện được gì.
Theo Daily Mail, quân đội Mỹ gọi những vụ tai nạn hạt nhân tương tụ vụ “quả bom Tybee” mất tích là “mũi tên gãy”. Từ năm 1950, Mỹ ghi nhận 32 vụ “mũi tên gãy”.
Binh sĩ Mỹ chụp ảnh cạnh một vũ khí hạt nhân (ảnh: BI)
2. Bí ẩn vụ mất vũ khí hạt nhân đầu tiên
Theo Business Insider, ngày 10/3/1956, một chiếc máy bay ném bom chiến lược B-47 Stratojet của Mỹ mang theo 2 đầu đạn hạt nhân cất cánh từ Căn cứ không quân MacDill (bang Florida) đến Maroc.
Theo kế hoạch, chiếc B-47 Stratojet được tiếp liệu trên không 2 lần. Tuy nhiên, trong lần tiếp liệu thứ 2, B-47 Stratojet đột ngột mất tín hiệu và “biến mất” trên radar trước khi được tiếp liệu.
Quân đội Mỹ không tìm ra bất kỳ dấu vết nào của chiếc B-47 Stratojet, dù chỉ là mảnh vỡ. Cuối cùng, quân đội Mỹ quyết định ngừng tìm kiếm.
Theo Business Insider, đây là vụ mất tích vũ khí hạt nhân bí ẩn nhất mà quân đội Mỹ gặp phải.
Quả bom rơi ở quận Goldsboro, xuyên sâu xuống lòng đất (ảnh: Airforcetimes)
3. Hai quả bom hạt nhân suýt biến Bắc Carolina thành vịnh biển
Ngày 24/1/1961, một máy bay ném bom B-52 thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên vùng trời quận Goldsboro, bang Bắc Carolina (Mỹ) thì bất ngờ gặp sự cố. Máy bay phát nổ trên không khiến 2 quả bom hạt nhân chở trong khoang rơi tự do, theo American Home Front.
Một quả bom hạt nhân có cơ chế mở dù tự động nên hạ cánh từ từ, mũi bom đã va chạm với mặt đất.
Theo American Homefront, quả bom này đã trải qua 3/4 bước kích hoạt. Quả bom mạnh gấp 260 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ từng thả xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản). Nếu phát nổ, nó có thể khiến hàng chục nghìn người chết và bụi phóng xạ bay đến tận New York.
“Giờ đây, các bạn sẽ có vịnh Bắc Carolina rất rộng lớn nếu quả bom đó phát nổ”, ông Jack Revelle – chuyên gia tìm kiếm và dỡ bỏ vũ khí Mỹ – nói.
Một quả bom hạt nhân khác không mở dù nên rơi xuống cánh đồng và chui sâu vào lòng đất nhão hơn 15m. Một số bộ phận của quả bom này đến nay vẫn chưa được tìm thấy.
4. Bom hạt nhân chìm xuống đáy Thái Bình Dương
Ngày 5/12/1965, tiêm kích A-4 “Sky Eagle” trên tàu sân bay Ticonderoga của Mỹ bị trượt từ dàn nâng xuống biển. Vụ việc xảy ra cách quần đảo Ryukyu (Nhật Bản) khoảng 130km và cách đảo Okinawa (nơi Mỹ đóng quân) khoảng 320km, theo Daily Mail.
Khi bị trượt xuống biển, tiêm kích A-4 của Mỹ mang theo một quả bom hạt nhân B-43 trong khoang. Quân đội Mỹ xác định quả bom hạt nhân cùng máy bay đã chìm xuống độ sâu 4.850 mét nên việc trục vớt gần như là không thể. Vụ việc đã gây ra một số cuộc biểu tình phản đối ở Nhật Bản.
Ở độ sâu gần 5.000 mét dưới đáy biển, không rõ quả bom đã bị sức ép của nước biển làm cho phát nổ hay chưa. Ngay cả khi bom chưa nổ thì với công nghệ ngày nay, việc trục vớt hay thăm dò quả bom vẫn là không thể.
Các thùng băng nhiễm phóng xạ được vận chuyển khởi Greenland (ảnh: Uphere)
4. Máy bay Mỹ chở 4 quả bom hạt nhân lao xuống biển Đan Mạch
Ngày 21/1/1968, máy bay B-52G Stratofortress của Mỹ, chở theo 4 quả bom hạt nhân đã lao xuống biển băng Wolstenholme Fjord, gần Greenland (Đan Mạch) – một trong những khu vực lạnh nhất trên Trái đất.
Không có vụ nổ hạt nhân nào, tuy nhiên, vụ tai nạn khiến 4 quả bom hạt nhân bị vỡ và rò rỉ chất phóng xạ ra môi trường biển, theo Airforce Times.
Đan Mạch nổi giận sau vụ việc. Giới chức Đan Mạch yêu cầu Mỹ bồi thường và dọn dẹp hiện trường tai nạn ngay lập tức. Tất cả mảnh vỡ bom hạt nhân và băng nhiễm phóng xạ phải được thu thập và chuyển tới Mỹ để xử lý. Washington đồng ý với yêu cầu của Copenhagen.
Theo Airforce Times, hầu hết bộ phận của 4 quả bom hạt nhân được thu thập, trừ một bộ phận chứa uranium (nhiên liệu được sử dụng để chế tạo bom hạt nhân). Tuy nhiên, nhiều đồn đoán cho rằng chỉ có 3 quả bom hạt nhân bị vỡ, một quả bom mất tích dưới đáy biển Greenland.
Năm 2008, BBC World Service (báo Anh) dẫn nguồn “tài liệu mật của Mỹ” đưa tin về vụ việc ở Greenland: “Tin đồn về một quả bom bị mất tích là đúng”. Theo BBC World Service, Mỹ từng điều một tàu ngầm để tìm kiếm vũ khí hạt nhân mất tích ở Greenland.
Tin tức của BBC World Service làm “rúng động” dư luận Đan Mạch, khiến Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch phải vào cuộc điều tra.
Năm 2009, Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch ra báo cáo kết luận. Theo đó, vùng biển Greenland “không có bom hạt nhân và người Mỹ cũng không tìm kiếm bom hạt nhân ở đó”.
Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch cho biết, có “bằng chứng rõ ràng” cho thấy 4 quả bom hạt nhân đều bị vỡ sau khi rơi xuống biển.
Tàu ngầm hạt nhân USS SSN-589 Scorpion của Mỹ trước khi bị chìm (ảnh: Daily Mail)
5. Chìm tàu ngầm hạt nhân của Mỹ
Ngày 22/5/1968, tàu ngầm hạt nhân USS SSN-589 Scorpion của Mỹ chìm ở phía bắc Đại Tây Dương, cách đảo Azores của Tây Ban Nha khoảng 400 hải lý về tây nam. Nguyên nhân vụ chìm tàu đến nay vẫn là bí ẩn.
99 người thiệt mạng trong vụ chìm tàu ngầm Scorpion, bao gồm cả một nhóm nhà nghiên cứu người Nga. Điều này khiến Hải quân Mỹ gặp rắc rối lớn, theo Weare The Mighty.
Tàu ngầm Scorpion chìm dưới độ sâu khoảng 3.000 mét dưới đáy biển nên không thể trục vớt. Lõi phản ứng hạt nhân của con tàu và 2 ngư lôi Mark 45 mang đầu đạn hạt nhân W34 trên tàu bị kết luận là mất tích.
Mãi tới tháng 10/1968, người ta mới tìm thấy một số mảnh vỡ của tàu ngầm Scorpion.
Theo Weare The Mighty, Hải quân Mỹ đến nay vẫn theo dõi mức độ phóng xạ ở khu vực tàu ngầm Scorpion chìm. Hai quả ngư lôi Mark 45 được cho là vẫn nằm trong khoang chứa và chưa có dấu hiệu rò rỉ hạt nhân.
Ông Stephen Schwartz – chuyên gia nghiên cứu vũ khí hạt nhân ở Mỹ – cho hay, hầu hết các sự cố “mũi tên gãy” của quân đội Mỹ đều không dẫn tới vụ nổ hạt nhân.
“Vì điều đó, chúng ta nên biết ơn các kỹ sư vì đã thiết kế ra những hệ thống an toàn”, ông Schwartz nói.
“Nhưng chúng ta cũng nên ghi nhận công lao của thần may mắn”, ông Schwartz nói thêm.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 13/3 nói Nga luôn sẵn sàng sử dụng bất cứ vũ khí nào "từ phương diện kỹ thuật quân sự", và nếu Mỹ triển khai quân đến Ukraine, Nga sẽ coi đó là sự can thiệp.