Những hình ảnh cuối cùng của soái hạm Nga trước khi phát nổ gây hư hại nặng
Một trong những chiến hạm quan trọng nhất của hải quân Nga có thể trôi nổi tự do hoặc đã chìm dưới đáy biển, là tổn thất lớn nhất của Nga trong 50 ngày diễn ra chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tuần dương hạm Moskva neo tại quân cảng Sevastopol, Crimea vào ngày 7.4.2022.
Truyền thông nhà nước Nga ngày 13.4 cho biết, các thủy thủ trên tuần dương hạm tên lửa Moskva đã được sơ tán sau vụ cháy gây nổ lớn ở kho đạn trên tàu.
Bộ Quốc phòng Nga nói tuần dương hạm Moskva bị hư hại nghiêm trọng và đã mở cuộc điều tra tìm hiểu nguyên nhân vụ cháy.
Phía Ukraine nói quân đội nước này đã phóng hai tên lửa chống hạm Neptune từ thành phố cảng Odessa, đánh trúng soái hạm của hạm đội Biển Đen.
Do khu vực Biển Đen hiện đang có bão lớn, che khuất hình ảnh vệ tinh và dữ liệu cảm biến, CNN chưa thể tiếp cận hình ảnh vệ tinh về chiến hạm Nga sau sự cố.
Hai bức ảnh gần nhất mà truyền thông Mỹ thu thập được lần lượt do vệ tinh chụp lại vào ngày 7.4 và 10.4. Trong bức ảnh ngày 7.4, tuần dương hạm Moskva neo ở quân cảng Sevastopol, Crimea. Ảnh vệ tinh còn lại cho thấy soái hạm của hạm đội Biển Đen hoạt động ngoài khơi Crimea.
Tuần dương hạm Moskva hoạt động ở vùng biển ngoài khơi Crimea vào ngày 10.4.2022.
Tuần dương hạm Moskva cùng các tàu chiến và tàu ngầm của hạm đội hiện đang tham gia vào nhiệm vụ phong tỏa vùng biển ngoài khơi thành phố cảng Odessa.
Mặc dù chưa rõ nguyên nhân gây nổ lớn, nhưng sự cố có tác động lớn đến hải quân Nga. Không có nhiều chiến hạm của Nga có uy lực và danh tiếng lớn hơn tuần dương hạm Moskva, Carl Schuster, cựu giám đốc phụ trách hoạt động tại Trung tâm Tình báo Liên hợp của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, nói.
Ngoài Moskva, Nga sở hữu các tàu chiến uy lực khác như tuần dương hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân Pyotr Velikiy, soái hạm của hạm đội phương Bắc, các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo và tàu sân bay Kutznetsov.
Tuần dương hạm Moskva không thường được nhắc tới trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nhưng vai trò của tàu là không nhỏ, khi là tàu chiến mạnh nhất của hạm đội Biển Đen, được trang bị 64 bệ phóng tên lửa phòng không S-300, giống như một pháo đài tên lửa di động.
Tàu cũng được trang bị 16 ống phóng tên lửa chống hạm P-1000, một trong những tên lửa chống hạm mạnh nhất hiện nay được trang bị trên tàu nổi.
Do tàu mang theo hàng trăm tên lửa lớn nhỏ, một vụ nổ ở kho đạn cũng có thể đặt ra thách thức lớn, chuyên gia Schuster nói.
“Thông thường, các thủy thủ chỉ có hai lựa chọn trong tình huống này. Một là làm ngập tàu để dập lửa và hai là bỏ tàu”, ông Schuster nói. “Nếu không, tính mạng của các thủy thủ bị đe dọa bởi hàng trăm tấn thuốc nổ trên tàu”.
Tuần dương hạm Moskva dài 186 mét, có số lượng thủy thủ vào khoảng 500 người. Tàu được hạ thủy vào những năm 1980 với tên gọi là Slava, chiến hạm đầu tiên thuộc lớp tàu cùng tên.
Tàu được đổi tên thành Moksva vào năm 1995 và được tân trang để tái xuất trong biên chế hải quân Nga năm 1998.
Theo nhận định của thiếu tá Jason Lancaster, sĩ quan hải quân Mỹ, đây có thể là lần đầu tiên quân đội Ukraine sử dụng tên lửa chống hạm Neptune trong cuộc xung đột. Mẫu tên lửa hành trình phóng từ ven bờ này “có thể khiến hải quân Nga phải thay đổi phương pháp tác chiến để giảm đến mức tối thiểu nguy cơ”.
“Sự thay đổi ảnh hưởng đáng kể đến năng lực chiến đấu, cũng như cách Nga sử dụng các tàu chiến trong thời gian tới”, Lancaster nhận định.
Lancaster nhắc lại sự kiện Argentina đánh chìm một số tàu hải quân Anh trong cuộc chiến tranh Falkands năm 1982. Tàu ngầm Anh đáp trả bằng việc đánh chìm tàu tuần dương General Belgrano của Argentina. Con tàu này có kích thước tương tự như tuần dương hạm Moskva của Nga.
Nguồn: [Link nguồn]
Tuần dương hạm tên lửa Moskva, soái hạm của hạm đội Biển Đen bị hư hại nặng sau tiếng nổ lớn. Toàn bộ thủy thủ đoàn được sơ tán, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.