Những điều chưa từng thấy trong một tháng ông Trump nắm quyền
Ông Trump đã trải qua tháng đầu tiên nắm quyền Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2 với những thay đổi chưa từng có. Tổng thống Mỹ ban hành một loạt sắc lệnh hành pháp cũng như có nhiều phát ngôn, động thái ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của đời sống từ trong nước đến quốc tế.
Một số chuyên gia nhận định, ông Trump tỏ ra quyết liệt và hiệu quả hơn ở nhiệm kỳ tổng thống lần 2. Ảnh: NBC News
Nhiệm kỳ khác biệt
Theo Business Standard, vài tháng sau khi nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump giận dữ vì cuộc điều tra “Nga can thiệp bầu cử” ngày càng mở rộng. Ông ra lệnh cho Luật sư Nhà Trắng Don McGahn đảm bảo rằng công tố viên đặc biệt Robert Mueller bị sa thải.
Nhưng McGahn đã không làm theo, và ông Trump cũng không nhắc lại chuyện này. Những sự việc như vậy xảy ra thường xuyên trong nhiệm kỳ đầu của ông, khi các quan chức cố gắng làm dịu đi hoặc phớt lờ những quyết định gây tranh cãi nhất của ông, và vị Tổng thống xuất thân từ doanh nhân dường như không muốn thúc ép để thực thi ý chí của mình.
Khó có thể tưởng tượng điều tương tự sẽ xảy ra trong nhiệm kỳ hai của ông Trump. Tổng thống Mỹ giờ đây đang khẳng định quyền kiểm soát trong mọi việc, với sự hậu thuẫn từ những người trung thành ở tất cả các cấp chính phủ.
Lần này, Trump dường như đang muốn nhấn mạnh rằng mệnh lệnh của ông sẽ không bị phớt lờ, mọi việc sẽ được thực hiện đến cùng.
Timothy Naftali, một nhà sử học tại Đại học Columbia, nhận định ông Trump tỏ ra quyết liệt và hiệu quả hơn so với nhiệm kỳ đầu.
Những quyết sách đối nội quan trọng
Nhập cư và an ninh biên giới
Trump đặt trọng tâm lớn vào cải cách nhập cư, ban hành hơn một chục sắc lệnh hành pháp nhằm thắt chặt an ninh biên giới. Chính quyền của ông đã khôi phục các biện pháp mạnh mẽ để trục xuất người nhập cư không phép và thu hồi các biện pháp bảo vệ dành cho người xin tị nạn.
Đáng chú ý, ông đã cho phép Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) tiến hành các chiến dịch tại các địa điểm nhạy cảm như trường học và bệnh viện, những nơi trước đây bị hạn chế dưới thời ông Biden.
Ông Trump ký nhiều sắc lệnh hành pháp trong 10 ngày đầu tiên hơn bất kỳ tổng thống nào gần đây ký trong khoảng 100 ngày đầu nắm quyền. Ảnh Việt hóa từ nguồn NBC News
Cắt giảm bộ máy quan liêu
Hiện tại, ông Trump đang nhanh chóng cắt giảm bộ máy quan liêu liên bang với sự giúp đỡ của tỷ phú Elon Musk, người được giao làm lãnh đạo Bộ Hiệu quả chính phủ (DOGE) - một ủy ban tư vấn với mục tiêu cắt giảm chi tiêu và cải cách bộ máy hành chính Mỹ.
Các cơ quan như Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) - một tổ chức hàng đầu trong việc phân phối viện trợ nhân đạo nước ngoài - đã bị đóng cửa.
Ông Trump cũng thực hiện một cuộc cải tổ quy mô lớn đối với lực lượng lao động liên bang, cắt giảm hàng nghìn nhân sự tại các cơ quan trọng yếu. Những vị trí bị ảnh hưởng bao gồm các nhà nghiên cứu y tế, nhân viên ngoại giao, đặc vụ FBI, nhà phân tích kinh tế và nhà khoa học khí hậu.
Ông cũng có kế hoạch giải thể Bộ Giáo dục và sáp nhập Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) với Bộ Năng lượng.
Một mục tiêu trọng điểm khác là Bộ Tư pháp, nơi đã điều tra Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên và sau khi ông rời nhiệm sở.
Hiện tại, ông Trump đã bổ nhiệm những người trung thành vào các vị trí lãnh đạo, bao gồm Emil Bove, quyền Thứ trưởng Tư pháp, người trước đây từng là luật sư bào chữa cho ông.
Nỗ lực bãi bỏ quy định
Ông Trump cam kết loại bỏ nhiều quy định liên bang mà ông cho là cản trở hoạt động kinh doanh. Điều này bao gồm kế hoạch hủy bỏ các quy định bảo vệ môi trường do chính quyền trước thiết lập, đặc biệt là các quy định liên quan đến khai thác dầu ngoài khơi và tiêu chuẩn khí thải.
Đối ngoại kiểu phi truyền thống
Nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump chứng kiến sự định hình chính sách đối ngoại Mỹ theo cách chưa từng có: tập trung cao độ vào quyết định cá nhân của ông, giảm thiểu vai trò của các định chế truyền thống và đặt quan hệ quốc tế dưới lăng kính “thương lượng trực tiếp”.
Báo cáo từ Trung tâm Arab Washington (ACW) cho rằng, ông Trump xây dựng chính sách đối ngoại dựa trên triết lý “Nước Mỹ trước hết” (America First) một cách quyết liệt hơn. Ông trực tiếp chỉ đạo các chiến lược lớn, thường bỏ qua quy trình tham vấn với Bộ Ngoại giao hay Lầu Năm Góc.
Mô hình “ngoại giao thượng đỉnh” cũng là điểm nhấn. Ông Trump ưu tiên đàm phán trực tiếp với lãnh đạo các nước, coi đó là cách “xóa bỏ rào cản quan liêu”.
Chính sách này phản ánh niềm tin cá nhân của ông Trump vào khả năng thuyết phục đối phương thông qua uy tín và sức ép trực tiếp.
Dưới chính sách này, một số điều cách đây vài tháng là không tưởng nay đã xảy ra:
Hòa hoãn với Nga
Mỹ và Nga hội đàm tại Ả Rập mà không có sự tham gia của Ukraine. Hai bên sau đó dành cho nhau những lời khen ngợi, coi cuộc họp là bước đầu tiến tới những cuộc đàm phán quan trọng hơn và có thể dẫn tới cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Putin. Trước đó, ông Trump nhắc đến việc đưa Nga hòa nhập trở lại với châu Âu, khôi phục nhóm G8 có Nga.
Tổng thống Ukraine Zelensky đã bày tỏ sự bức xúc khi bị “gạt ra rìa” trong cuộc thảo luận có liên quan đến số phận của Kiev. Tuy nhiên, sau đó ông Zelensky bị ông Trump chỉ trích gay gắt, gọi là "độc tài" và cho rằng Tổng thống Ukraine gây ra xung đột với Nga.
“Quay lưng” với châu Âu
Ông Trump thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với các đồng minh châu Âu. Ngoài việc áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) và liên tục chỉ trích các quốc gia châu Âu vì không đáp ứng mức chi tiêu quốc phòng tối thiểu 2% GDP, ông Trump còn sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Nga về Ukraine mà không tham vấn các nhà lãnh đạo châu Âu.
Điều này cho thấy vai trò ngày càng lu mờ của châu Âu trong toan tính chiến lược của Mỹ. Những động thái này đã khiến giới chức châu Âu lo ngại rằng họ có thể bị gạt ra ngoài trong các cuộc thảo luận quan trọng ảnh hưởng đến an ninh và lợi ích kinh tế của mình.
Muốn biến Dải Gaza thành khu bất động sản
Tổng thống Mỹ đề xuất kiểm soát Gaza, biến nơi đây trở thành một khu bất động sản lớn mà người Palestine không có quyền ở lại. Ông nói: “Tôi nghĩ sẽ một sai lầm lớn khi cho phép những người Palestine hoặc những người sống ở Gaza quay trở lại một lần nữa, và chúng tôi cũng không muốn Hamas quay trở lại. Hãy xem đó như một khu bất động sản lớn. Mỹ sẽ sở hữu khu đó và chúng tôi sẽ phát triển nó từ từ, không vội vàng”.
Phát biểu này của ông vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, nhưng dường như ông không quan tâm.
Ngoài ra, ông Trump còn có những phát ngôn gây sốc liên quan đến giành quyền kiểm soát lại kênh đào Panama, mua lại đảo Greenland của Đan Mạch, biến Canada thành bang thứ 51…
Cứng rắn với Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một sự kiện năm 2019. Ảnh: Reuters
Lập trường cứng rắn của chính quyền đối với Bắc Kinh được thể hiện khi ông Trump áp đặt mức thuế bổ sung 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 4/2/2025, một động thái ngay lập tức vấp phải các biện pháp trả đũa từ chính phủ Trung Quốc.
Động thái này khiến quan hệ Mỹ - Trung đang xấu đi nghiêm trọng, gợi nhớ đến căng thẳng thương mại trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump. Các nhà phân tích nhận định cuộc thương chiến mới này có thể mang lại những hệ lụy sâu rộng cho cả hai nền kinh tế cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chính quyền của ông Trump đã bổ nhiệm nhiều nhân vật có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc vào các vị trí chủ chốt trong Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao, cho thấy một sự dịch chuyển rõ rệt sang lập trường đối đầu với Bắc Kinh. Điều này càng được củng cố bởi tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, rằng Mỹ cần ưu tiên tập trung vào Trung Quốc hơn là các vấn đề toàn cầu khác, bao gồm cả xung đột ở Ukraine.
Thiếu tính chiến lược?
Một số nhà quan sát cho rằng, những tuyên bố của ông Trump phản ánh tham vọng rộng lớn hơn của ông trong việc củng cố vị thế của Mỹ trên trường quốc tế, đồng thời đánh dấu một sự rời xa khỏi các chuẩn mực ngoại giao truyền thống. Tuy nhiên, cách tiếp cận chính sách đối ngoại của ông dường như mang tính cá nhân hóa cao, trong đó các quyết định quan trọng được thúc đẩy bởi bản năng hơn là một chiến lược tổng thể.
Sự thiếu vắng chiến lược dài hạn được cho là có thể khiến Mỹ đối mặt với thách thức địa chính trị. Việc Mỹ tập trung vào các thỏa thuận song phương làm lu mờ vai trò của các thể chế đa phương như WTO hay Liên hợp quốc.
Trung Quốc và Nga được cho là có thể tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng tại châu Á, Trung Đông.
Báo cáo ACW kết luận, chính sách đối ngoại nhiệm kỳ hai của Trump phản ánh tư duy “người đàm phán tối cao”, nơi quan hệ quốc tế được thu gọn thành các vụ mặc cả cá nhân. Cách làm này phá vỡ trật tự cũ, nhưng đặt ra câu hỏi về tính bền vững khi thiếu đi hệ thống đồng thuận và chiều sâu chiến lược.
Tuy vậy, cũng có một số nhà quan sát cho rằng sự khó đoán của ông Trump là một chiến lược có chủ đích.
Jacob Shively, phó giáo sư chuyên giảng dạy về quan hệ quốc tế ở Đại học Tây Florida, lập luận rằng chiến lược đối ngoại của ông Trump, mặc dù có vẻ hỗn loạn, nhưng thực chất được định hướng bởi một chương trình nghị sự theo chủ nghĩa dân tộc.
Jake McGwire, tác giả của một bài luận trên tạp chí Student Economic Review cho rằng các chính sách thương mại của ông Trump, chẳng hạn như áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, là những quyết định mang tính chiến lược nhằm đưa việc làm trở lại Mỹ.
Các chính sách của ông Trump nhận được ủng hộ từ nhóm cử tri coi trọng chủ nghĩa dân tộc. Việc rút quân khỏi “các cuộc chiến vô tận” và cắt giảm viện trợ quân sự đồng thuận với tâm lý bài ngoại gia tăng trong nước.
Những thách thức pháp lý
Việc ông Trump công bố nhanh chóng các sắc lệnh hành pháp đã tác động đến nhiều tầng lớp chính trị. Những đối tượng bị ảnh hưởng, bao gồm nhân viên liên bang, các cơ sở giáo dục đại học và người nhập cư, đều bày tỏ sự lo lắng.
Về nguyên tắc, sắc lệnh hành pháp có hiệu lực pháp lý bắt buộc, có sức mạnh tương đương với các đạo luật do quốc hội ban hành. Tuy nhiên, chúng có thể bị giới hạn nếu mâu thuẫn với Hiến pháp hoặc luật do Quốc hội thông qua.
Yêu cầu rằng các sắc lệnh hành pháp phải phù hợp với Hiến pháp và luật hiện hành trở nên đặc biệt quan trọng khi công chúng phản ứng với quyết định của tổng thống. Những sắc lệnh này thường phải đối mặt với sự xem xét pháp lý, khi có cá nhân hoặc tổ chức đệ đơn lên tòa án liên bang để xác định liệu tổng thống có lạm quyền hay không. Trong lịch sử đã có những trường hợp tương tự.
Đầu nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống George W. Bush đã ban hành một sắc lệnh hạn chế quyền tiếp cận công khai đối với hồ sơ của các tổng thống tiền nhiệm. Một thẩm phán tòa án quận liên bang đã bác bỏ sắc lệnh này, cho rằng nó vi phạm Đạo luật Hồ sơ Tổng thống.
Năm 2012, Tổng thống Obama ban hành một sắc lệnh hành pháp cho phép 5 triệu người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp được nộp đơn xin hoãn trục xuất nếu họ vượt qua kiểm tra lý lịch, đóng thuế và đã sinh sống tại Mỹ hơn năm năm. Một tòa án liên bang đã ra lệnh ngăn chặn việc thực thi sắc lệnh này. Khi vụ việc được đưa lên Tòa án Tối cao, phán quyết bị bế tắc do số phiếu chia đều, khiến sắc lệnh của Tổng thống Obama không thể thực thi.
Một số sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump cũng có thể bị đưa ra xem xét tư pháp. Gần đây nhất, vào ngày 10 tháng 2 năm 2025, một tòa án liên bang ở New Hampshire đã chặn sắc lệnh hành pháp của ông Trump về việc không trao quyền công dân cho một số trẻ em sinh ra tại Mỹ. Quan điểm của thẩm phán khẳng định rằng sắc lệnh này rõ ràng vi phạm Hiến pháp Mỹ.
Những chính sách liên quan kinh tế, thương mại của ông Trump được cho là nguyên nhân khiến giá cả ở Mỹ tăng 0,5% trong tháng 1/2025, một phần do chi phí sản xuất cao hơn, sản lượng công nghiệp giảm 0,1%, sản xuất ô tô giảm 5,2%.Trang U.S. News & World Report hôm 28/1/2025 cho rằng có sự sụt giảm đáng kể trong cách người Mỹ cảm nhận về nền kinh tế. Nhiều người lo ngại giá thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác có thể sẽ không giảm trong thời gian sớm. Theo Reuters, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump suy giảm nhẹ trong những ngày gần đây khi công chúng Mỹ lo ngại về vấn đề kinh tế. |
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện sự kiềm chế đáng kể khi đối mặt với lãnh đạo EU từng chỉ trích ông...
Nguồn: [Link nguồn]
-21/02/2025 10:06 AM (GMT+7)