Những điều cần biết về vaccine phòng Covid-19 đầu tiên trên thế giới của Nga
Hôm 11/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga đã đăng ký loại vaccine phòng Covid-19 đầu tiên trên thế giới có tên gọi "Sputnik V". Vậy loại vaccine mới này khi nào "ra mắt" công chúng và được phân phối ra sao? Người được tiêm có thể miễn dịch với Covid-19 trong bao lâu?
Video: Vaccine phòng Covid-19 của Nga. Nguồn: RDIF
Tên gọi Sputnik V
Theo RT, để thể hiện sự tôn trọng với Sputnik, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Trái đất, Nga đã đặt tên cho loại vaccine phòng Covid-19 được đăng ký đầu tiên trên thế giới với tên gọi Sputnik V.
"Năm 1957, việc Liên Xô phóng thành công vệ tinh đầu tiên vào vũ trụ đã khuyến khích hoạt động nghiên cứu vũ trụ trên toàn thế giới. Để ghi nhận điều đó, loại vaccine mới của Nga được gọi với cái tên Sputnik V", trang web chính thức của loại vaccine này đăng tải.
Vaccine mới do cơ quan nào phát triển?
Sputnik V được phát triển bởi Viện nghiên cứu Dịch tễ và vi sinh vật học Gamaleya (có trụ sở tại thủ đô Moscow, Nga), Bộ Quốc phòng Nga và Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF). Loại vaccine mới này được xây dựng dựa trên nền tảng đã sử dụng cho 6 loại vaccine khác, theo Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko.
Theo The Moscow Times, RDIF và các đối tác đã chi 4 tỷ rúp (550.000 USD) cho dự án phát triển vaccine Sputnik V.
Giai đoạn và số người thử nghiệm Sputnik V
Một tình nguyện viên được tiêm vaccine Sputnik V. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Loại vaccine phòng Covid-19 của Nga đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm vào tháng 6 và tháng 7/2020. Giai đoạn 1 có 76 tình nguyện viên tham gia, một nửa trong số này là người dân, nửa còn lại là binh sĩ quân đội. Giai đoạn 2 có sự tham gia của 100 người.
Thử nghiệm giai đoạn 3, với hàng nghìn người tham gia, vẫn chưa diễn ra. Hôm 11/8, quá trình đăng ký thử nghiệm giai đoạn 3 mới được tiến hành. Giai đoạn 3 thử nghiệm cũng được tiến hành ở nhiều nước khác như Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất UAE và Philippines, theo RDIF.
Cơ chế hoạt động của Vaccine Sputnik V
Sputnik V còn được gọi là vaccine virus vector - sử dụng một loại virus khác để phân phối các phần nhỏ của mầm bệnh và kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Sputnik V sử dụng các chủng adenovirus thích nghi, một loại virus gây cảm lạnh thông thường để kích hoạt phản ứng miễn dịch, theo BBC. Công ty CanSino của Trung Quốc cũng phát triển một công nghệ tương tự với nguyên mẫu vaccine của họ.
Mức độ hiệu quả và thời gian miễn dịch tồn tại
Bộ Y tế Nga đăng ký Sputnik V là vaccine dạng tiêm. Theo các kết quả thử nghiệm lâm sàng, loại vaccine này cho thấy hiệu quả và độ an toàn cao. Toàn bộ tình nguyện viên thử vaccine Sputnik V đều có nồng độ kháng thể cao trong cơ thể, ông Murashko cho hay. Bộ trưởng Y tế Nga cũng nhấn mạnh "không một ai trong số các tình nguyện viên bị biến chứng nghiêm trọng" sau khi tiêm vaccine. Bộ Y tế Nga cho biết sau khi tiêm vaccine Sputnik V, khả năng miễn dịch với Covid-19 của người được tiêm có thể kéo dài trong 2 năm.
Điều kiện để được tiêm vaccine Sputnik V
Theo Sputnik, những người từ 18 đến 60 tuổi, không bị dị ứng với các thành phần của vaccine và không mang thai sẽ đủ điều kiện để tiêm vaccine Sputnik V.
Vaccine sẽ không được tiêm với những người đang mắc các bệnh về đường hô hấp. Những người này phải chờ tới khi khỏi bệnh mới được tiêm phòng.
Sputnik V được phân phối như thế nào?
Vaccine phòng Covid-19 "Sputnik V" của Nga. Ảnh: RDIF
Tổng thống Putin kỳ vọng việc sản xuất hàng loạt vaccine Sputnik V sẽ bắt đầu trong tương lai gần. Loại vaccine này sẽ được sản xuất tại 2 địa điểm, Viện Gamaleya và Công ty dược phẩm sinh học Binnopharm.
Nhiều nước đã thể hiện sự quan tâm tới việc mua Sputnik V. Tại sự kiện công bố đăng ký vaccine, Giám đốc điều hành của RDIF, Kirill Dmitriev thông báo đã nhận được đơn đặt hàng cho một tỷ liều vaccine từ 20 quốc gia.
Khi nào vaccine mới được sản xuất đại trà?
Theo RT, Sputnik V sẽ "ra mắt" công chúng vào ngày 1/1/2021. Nhân viên y tế, người già và giáo viên là những người được ưu tiên tiêm vaccine. Các nhân viên y tế có thể được tiêm phòng vào cuối tháng 8 hoặc tháng 9 năm nay. Việc tiêm vaccine Sputnik V ở Nga sẽ được thực hiện dưới hình thức tự nguyện.
RDIF và Viện Gamaleya vừa ra mắt một trang web chính thức để đăng tải thông tin về Sputnik V.
Sputnik V chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thừa nhận vì các quan chức WHO đang phối hợp chặt chẽ với giới chức y tế Nga để xác định mức độ hiệu quả, an toàn của loại vaccine này. Theo Tarik Jasarevic, phát ngôn viên của WHO, cho biết việc đánh giá bất kỳ loại vaccine nào đều cần xem xét nghiêm ngặt các dữ liệu về an toàn và hiệu quả.
Ngoài con gái Tổng thống Putin, còn những người nổi tiếng nào đã tiêm vaccine Sputnik V?
Tổng thống Putin hôm 11/8 tiết lộ một trong các con gái của ông đã được tiêm loại vaccine mới. Tác dụng phụ duy nhất mà con gái của ông Putin gặp phải là việc tăng thân nhiệt lên 38 độ C ở ngày đầu tiên sau khi tiêm, theo The Moscow Times.
Alexander Gintsburg, người đứng đầu Viện Gamaleya, và các nhà khoa học trong viện này cũng tự tiêm thử nghiệm Sputnik V trên cơ thể họ. Kirill Dmitriyev, người đứng đầu RDIF cho biết ông và gia đình cũng đã tiêm phòng vaccine mới.
Nguồn: [Link nguồn]
Bình luận về việc Nga là quốc gia phê duyệt vắc xin Covid-19 nhanh nhất thế giới, bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar cho rằng,...