Những điểm nóng xung đột thế giới trong năm 2023

Năm 2023 chứng kiến hàng loạt căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực leo thang và bùng nổ thành xung đột vũ trang.

Chiến tranh, xung đột, khủng hoảng,... chính là những cụm từ phủ sóng các mặt báo trong năm 2023 khi cuộc chiến này chưa kết thúc thì cuộc chiến khác xuất hiện, một số căng thẳng âm ỉ từ nhiều năm cũng bùng nổ thành xung đột vũ trang.

Hãng tin AP dùng tiêu đề “năm chiến tranh” để mô tả năm 2023 cùng dòng đánh giá: “Thế giới đang phải đối mặt với xung đột trải dài trên địa cầu và trải dài trong bảng chữ cái từ Afghanistan đến Yemen”.

Cùng điểm lại một số cuộc xung đột đáng chú ý trong năm nay.

Xung đột Israel-Hamas: Điểm nóng nhất của thế giới trong năm

Cuộc chiến đẫm máu nhất năm 2023 chính là xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine). Sau hơn 2 tháng bùng phát, cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn 20.000 dân thường, theo số liệu từ các cơ quan y tế Israel và Gaza.

Binh sĩ Israel hoạt động tại quận Shajaiya (TP Gaza) ngày 8-12. Ảnh: REUTERS

Binh sĩ Israel hoạt động tại quận Shajaiya (TP Gaza) ngày 8-12. Ảnh: REUTERS

Ngày 7-10, nhóm Hamas bất ngờ phóng hơn 5.000 quả rocket và triển khai lực lượng vào lãnh thổ Israel để bắt con tin và giải thoát những người Palestine đang bị giam giữ trong các nhà tù Israel.

Vụ việc đã làm khoảng 1.200 người Israel thiệt mạng và 200 người bị bắt làm con tin, gây choáng váng cho người dân Israel - những người vốn tin rằng bức tường biên giới của đất nước họ là bất khả xâm phạm.

Đáp lại, Israel phát động chiến dịch đổ bộ vào Dải Gaza lần đầu tiên sau nhiều năm, với mục tiêu loại bỏ hoàn toàn Hamas khỏi dải đất. Chiến dịch của Israel đến nay làm khoảng 20.000 người Palestine ở Gaza thiệt mạng, đẩy hơn 2 triệu người vào tình cảnh mất nhà ở, thiếu thức ăn và nước uống.

Thương vong của dân thường Israel và Palestine dấy lên làn sóng biểu tình từ khắp nơi trên thế giới.

Cuộc xung đột Israel-Hamas cũng đang cho thấy những dấu hiệu lan rộng khi các nhóm vũ trang Hồi giáo được Iran hậu thuẫn như Hezbollah (Lebanon), Houthis (Yemen),... liên tục tấn công Israel để thể hiện sự ủng hộ với Hamas.

Nga, Ukraine vẫn đang kẹt trên chiến trường

Theo AP, những tháng gần đây, chiến trường Nga-Ukraine không có nhiều thay đổi.

Diễn biến đáng chú ý của cuộc chiến trong năm qua chính là việc Ukraine mở chiến dịch phản công mùa hè sau khi nhận được xe tăng, vũ khí và sự huấn luyện của phương Tây.

Tuy nhiên, đối mặt với quân Nga đang cố thủ bằng nhiều phòng tuyến, bãi mìn,... lực lượng Ukraine đạt được rất ít tiến bộ.

Binh sĩ Ukraine di chuyển gần TP Bakhmut, tỉnh Donetsk (miền đông Ukraine) ngày 13-12. Ảnh: REUTERS

Binh sĩ Ukraine di chuyển gần TP Bakhmut, tỉnh Donetsk (miền đông Ukraine) ngày 13-12. Ảnh: REUTERS

Bên cạnh đó, dù vẫn nhận được cam kết ủng hộ từ các nước phương Tây nhưng viện trợ thực tế cho Kiev đã lung lay đáng kể trong năm qua, một phần do Mỹ và châu Âu bị xung đột Israel-Hamas chi phối.

Về phần Nga, nước này cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có cuộc binh biến ngắn do lãnh đạo tập đoàn quân sự tư nhân Nga Wagner - ông Yevgeny Prigozhin khởi xướng hồi tháng 8.

Tình trạng bất ổn ở châu Phi

Vào tháng 4, Sudan - một quốc gia Đông Phi rộng lớn, rơi vào nội chiến, theo AP.

Nguyên nhân nội chiến bắt nguồn từ việc mâu thuẫn giữa Tướng Abdel-Fattah Burhan của quân đội Sudan và Tướng Mohammed Hamdan Dagalo của Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) ngày càng lớn liên quan việc phân chia quyền lực dẫn đến bùng phát giao tranh giữa quân đội Sudan và RSF.

Trước đó, hồi tháng 10-2021, Tướng Abdel-Fattah Burhan và Tướng Mohammed Hamdan Dagalo đã cùng tiến hành một cuộc đảo chính quân sự để lật đổ chính phủ chuyển tiếp do phương Tây hậu thuẫn.

Quân đội Sudan tuần tra ở miền đông Sudan hôm 18-12. Ảnh: AFP

Quân đội Sudan tuần tra ở miền đông Sudan hôm 18-12. Ảnh: AFP

Tính đến nay, các cuộc giao tranh giữa hai bên đã khiến 9.000 người thiệt mạng và nhiều nước phải sơ tán công dân khỏi Sundan.

Bên cạnh đó, làn sóng đảo chính quân sự tiếp tục lan rộng khắp châu Phi. Vào tháng 7, tại Niger (một quốc gia Tây Phi), quân đội nổi dậy lật đổ Tổng thống dân cử Mohamed Bazoum và bắt giam ông này.

Chỉ một tháng sau đó, quân đội Gabon (một nước Trung Phi) cũng tuyên bố lên nắm quyền ở nước này sau khi lật đổ Tổng thống đương nhiệm Ali Bongo, chỉ vài giờ sau khi ông Bongo giành được nhiệm kỳ thứ ba.

Cuộc chiến với ma túy ở Mỹ Latinh

Bạo lực giữa các băng đảng bán ma túy tiếp tục bùng phát khắp các vùng của Mexico khi các băng đảng này tranh giành lãnh thổ và tuyến đường cung cấp ma túy vào Mỹ.

Người dân Mexico di dời do bạo lực của các băng đảng ma túy ở nước này xin tị nạn ở bang Arizona (Mỹ) ngày 11-11. Ảnh: REUTERS

Người dân Mexico di dời do bạo lực của các băng đảng ma túy ở nước này xin tị nạn ở bang Arizona (Mỹ) ngày 11-11. Ảnh: REUTERS

Hồi tháng 9, một vụ thanh trừng giữa các băng đảng khiến 12 người chết tại nhiều địa điểm khác nhau ở TP Monterrey (Mexico), làm người dân vô cùng lo sợ.

Đáng ngại hơn nữa, bạo lực có liên quan ma túy đã gia tăng ở các quốc gia Trung Mỹ khác, như Honduras và thậm chí ở Costa Rica - một quốc gia từng rất yên bình. Theo AP, Costa Rica hiện tại được cho là điểm lưu trữ và trung chuyển ma túy lớn đến châu Âu.

Ngoài ra, Colombia cũng vừa ghi nhận mức cao nhất mọi thời đại về sản lượng lá coca - nguyên liệu thô để sản xuất một số loại ma túy.

Bế tắc ở một số nơi khác

Tại Đông Nam Á, Myanmar những tháng vừa qua chứng kiến các cuộc giao tranh giữa chính quyền quân sự và các nhóm sắc tộc thiểu số khiến hàng trăm nghìn dân thường phải di dời.

Afghanistan, 2 năm sau khi phong trào Hồi giáo Taliban lật đổ chính quyền do phương Tây hậu thuẫn, đang phải đối mặt với số lượng cuộc tấn công ngày càng tăng từ các chi nhánh của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Hiện trường một vụ đánh bom ở phía tây thủ đô Kabul (Afghanistan) ngày 27-10. Ảnh: AP

Hiện trường một vụ đánh bom ở phía tây thủ đô Kabul (Afghanistan) ngày 27-10. Ảnh: AP

Trong khi đó, tại Yemen, dù giao tranh giữa phong trào Hồi giáo vũ trang Houthis và liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu (ủng hộ chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen) đã lắng xuống đáng kể trong năm 2023, nhưng hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận hòa bình lâu dài.

Những tuần gần đây, ​​các chiến binh Houthis bắt đầu đẩy mạnh trở lại các cuộc tấn công.

Đánh giá xung đột Nga - Ukraine trong năm sau

Xung đột Nga - Ukraine vẫn sẽ tiếp tục với cường độ cao khi hai bên không muốn đàm phán. Kiev gặp rủi ro về viện trợ do biến động chính trị từ phương Tây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THẢO VY ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN