Những điểm mấu chốt trong đề xuất thay đổi học thuyết hạt nhân của Nga
Nga cần sửa đổi học thuyết hạt nhân để xác định rõ các tình huống khiến Moscow có thể tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân. Đây là khẳng định của Tổng thống Vladimir Putin trong bài phát biểu khai mạc tại cuộc họp Hội đồng An ninh Nga hôm 25/9, nhấn mạnh rằng việc này nhằm giải quyết tình hình quân sự đang thay đổi cũng như sự xuất hiện của các mối đe dọa mới đối với nước này.
Thời gian qua, có rất nhiều thông tin xoay quanh việc Nga sẽ xét lại học thuyết hạt nhân của nước này trong bối cảnh hiện nay, khi mà tình hình xung đột với Ukraine đã kéo dài hơn hai năm, các cuộc hoà đàm vẫn đang bế tắc cũng như những mâu thuẫn với các nước phương Tây ngày một rõ rệt. Và trong một cuộc họp cấp cao của Hội đồng An ninh Nga hôm 25/9 (giờ địa phương), Tổng thống Vladimir Putin đã làm rõ vấn đề này.
Theo đó, ông Putin khẳng định: “Ngày nay, bộ ba hạt nhân (bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân và máy bay ném bom chiến lược), vẫn là sự đảm bảo quan trọng nhất cho an ninh của nhà nước và người dân chúng ta, là công cụ để duy trì sự ngang bằng chiến lược và cân bằng quyền lực trên thế giới”.
Ông Putin nhấn mạnh, Nga cần sửa đổi học thuyết hạt nhân để xác định rõ các tình huống có thể khiến Moscow tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân, đồng thời đề xuất một danh sách mở rộng các tình huống bị coi là mối đe dọa với Nga cũng như với các đồng minh.
Thứ nhất, Moscow sẽ coi hành động khiêu khích chống lại Nga của bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân là một cuộc tấn công chung vào Nga và vượt ngưỡng hạt nhân. Các chuyên gia nhận định, dù không nêu cụ thể tên nước nhưng đề xuất này rõ ràng nhắm tới việc Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Mỹ hoặc các đồng minh hạt nhân thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cung cấp. Thứ hai, Moscow đang xem xét việc hạ ngưỡng hạt nhân.
Cụ thể, Tổng thống Putin nêu rõ: “Chúng ta sẽ xem xét khả năng này (việc sử dụng vũ khí hạt nhân) ngay khi nhận được thông tin đáng tin cậy về một cuộc tấn công quy mô lớn bằng các phương tiện tấn công hàng không vũ trụ và sự xâm nhập qua biên giới đất nước, bao gồm của các máy bay chiến lược hoặc chiến thuật, tên lửa hành trình, UAV, tên lửa siêu thanh và các loại phương tiện hàng không khác”.
Tổng thống Vladimir Putin chủ trì cuộc họp cấp cao Hội đồng an ninh Nga hôm 25/9. Nguồn: EPE.
Thời gian qua, Ukraine đã nhiều lần tiến hành các cuộc tấn công hàng loạt bằng UAV nhằm vào các căn cứ chiến lược của Nga. Thứ ba, Moscow có khả năng mở rộng ô hạt nhân tới đồng minh thân cận Belarus. Đây là lần đầu tiên Nga tuyên bố rằng khả năng răn đe hạt nhân của nước này có thể được triển khai trong trường hợp các hoạt động gây hấn của bên thứ ba nhằm vào đồng minh Belarus, thành viên của Nhà nước Liên minh.
“Chúng ta bảo lưu quyền sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xảy ra hành động xâm lược chống lại Nga và Belarus, với tư cách là thành viên của Nhà nước Liên minh. Những vấn đề này đã được thỏa thuận với Belarus và Tổng thống Belarus, bao gồm cả các trường hợp đối phương sử dụng vũ khí thông thường nhưng gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với chủ quyền của chúng ta”, Tổng thống Putin chỉ rõ.
Tuy nhiên, ông Putin không đề cập tới việc khi nào những thay đổi trong học thuyết hạt nhân của Nga có hiệu lực. Trước đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho hay: “Rõ ràng, mỗi tình huống có thể thúc đẩy chúng ta sử dụng vũ khí hạt nhân đều phải được đánh giá kết hợp với các yếu tố khác và quyết định cuối cùng sẽ do tổng tư lệnh đưa ra”.
Theo TASS, học thuyết này đang được điều chỉnh trên cơ sở các phân tích do chuyên gia từ Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Hội đồng An ninh và các cơ quan chính phủ khác thực hiện. Bản dự thảo mà TASS tiếp cận được chỉ ra rằng, dù học thuyết sẽ được sửa đổi nhưng Nga vẫn có trách nhiệm đối với vấn đề vũ khí hạt nhân và tìm cách ngăn chặn sự phổ biến của chúng trên toàn cầu.
Được biết, phiên bản hiện tại của học thuyết hạt nhân Nga được phê duyệt vào tháng 6/2020,vạch ra bốn tình huống chính có thể khiến Nga sử dụng vũ khí hạt nhân. Một là, khi nhận được thông tin đáng tin cậy về vụ phóng tên lửa đạn đạo chống lại chính mình và/hoặc đồng minh. Hai là, khi vũ khí hạt nhân hoặc các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác được sử dụng để chống lại Nga và/hoặc các đồng minh. Ba là, khi đối phương hành động chống lại các cơ sở quân sự hoặc nhà nước quan trọng có thể làm gián đoạn phản ứng của lực lượng hạt nhân Nga. Bốn là, khi Nga bị tấn công bằng vũ khí thông thường nhưng vẫn đe dọa đến sự tồn vong của nhà nước.
Giới chuyên gia đánh giá, quyết định thay đổi học thuyết hạt nhân chính thức của Nga được coi là câu trả lời của Điện Kremlin trước các cuộc thảo luận ở Mỹ và Anh về việc có nên cho phép Ukraine dùng tên lửa của phương Tây tấn công vào lãnh thổ Nga hay không. Hiện vẫn có những rào cản nhất định về phạm vi Ukraine được phép sử dụng vũ khí viện trợ trong giao tranh với Nga. Ukraine là một quốc gia phi hạt nhân, song nước này đã nhận được sự hỗ trợ quân sự lớn từ Mỹ và các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác kể từ đầu cuộc xung đột. Gần đây, truyền thông Mỹ đưa tin rằng Washington dự kiến công bố khoản viện trợ khoảng 6 tỉ USD cho Ukraine trước thời hạn giải ngân vào cuối tháng này. Trong một bài phân tích mới đây, nhà phân tích Maxim Starchak cho rằng Moscow thường dùng đến các mối đe doạ hạt nhân mỗi lần Kiev được phương Tây viện trợ khí tài và điều này gần như trở thành thông lệ. Tuy nhiên, các quan chức và học giả Nga đã nhanh chóng phản bác. Phát biểu với phương tiện truyền thông nhà nước Nga, ông Andrey Kartapolov, lãnh đạo Ủy ban Quốc phòng tại Hạ viện Nga lý giải, những thay đổi được đề xuất sẽ giúp học thuyết này trở nên linh hoạt và hiệu quả, phù hợp với thực tế hơn”.
Ông Sergei Karaganov, một nhà khoa học chính trị và là người có quan điểm cứng rắn về chính sách đối ngoại của Nga, trả lời tờ Kommersant rằng, Nga có thể tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân cục bộ vào một quốc gia NATO mà không cần phải gây ra một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện. Ông Karaganov nhấn mạnh: “Mục tiêu chính của học thuyết hạt nhân Nga là đảm bảo rằng Moscow sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân khi cần thiết”.
Hồi cuối tháng 7, Nga đã bắt đầu giai đoạn ba của cuộc tập trận nhằm thực hành triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật. Giai đoạn đầu của cuộc tập trận đã bắt đầu vào tháng 5 và đồng minh Belarus tham gia giai đoạn hai hồi tháng 6. Tại các cuộc tập trận, các binh sĩ từ các quân khu miền Nam và miền Trung Nga được huấn luyện cách triển khai đầu đạn giả cho các hệ thống tên lửa chiến thuật và tác chiến Iskander-M, sau đó bí mật di chuyển chúng đến bãi phóng.
Theo Điện Kremlin tuyên bố, cuộc tập trận này được tổ chức nhằm làm dịu đi những cái đầu nóng ở các Thủ đô phương Tây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Nga nên cập nhật học thuyết hạt nhân theo hướng mở rộng các tình huống có thể kích hoạt phản ứng hạt nhân từ...
Nguồn: [Link nguồn]