Những điểm giống nhau khiến nhiều người lo ngại giữa ông Trump và thủ tướng Anh

Vào giai đoạn của phân cực và hỗn loạn chính trị, nước Mỹ đang và nước Anh sắp được dẫn dắt bởi 2 nhà lãnh đạo có rất nhiều điểm tương đồng.

Ông Borris Johnson và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp ở Liên Hợp quốc năm 2017. (Ảnh: AP)

Ông Borris Johnson và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp ở Liên Hợp quốc năm 2017. (Ảnh: AP)

Hôm 23/7, đảng Bảo thủ Anh chọn ông Boris Johnson trở thành người chủ mới của số 10 phố Downing. Ông bắt đầu nhậm chức từ ngày 24/7.

Giống như ông Trump, ông Johnson là một chính trị gia dân túy đề cao nhiệm vụ hạn chế nhập cư và khôi phục hình ảnh của đất nước trên thế giới.

Ông Johnson cũng bị cáo buộc  có quan hệ ngoài hôn nhân, và dính dáng tới một số cáo buộc nói không đúng sự thật. 

Tuần trước, ông Trump dự báo ông Johnson sẽ “làm rất tốt công việc của mình” và hai người sẽ phối hợp ăn ý. “Không ấy là một người khác biệt, nhưng mọi người cũng nói tôi là người khác biệt”, ông Trump nói. Giới phân tích cho rằng cách hai nhà lãnh đạo này dẫn dắt đất nước nói lên nhiều điều về các lực lượng chính trị đang áp đảo ở phương Tây trong những năm gần đây. Năm 2016, Mỹ và Anh trải qua những cơn địa chấn chính trị. Các nhóm cử tri chủ chốt ở cả hai nước bất mãn với chính trị truyền thống, khó chịu với những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa và lo lắng người nước ngoài sẽ thay đổi cộng đồng của họ. 

Ông Johnson và ông Trump đáp ứng lo lắng đó. Trong thời gian vận động tranh cử, ông Trump luôn nhấn mạnh lời hứa sẽ xây một bức tường dọc biên giới với Mexico để chặn người nhập cư trái phép. Ông nói rằng người Mexico “mang ma túy đến. Đưa tội phạm đến. Họ là những kẻ cưỡng hiếp”. 

Tại Anh, ông Johnson đi đầu trong phong trào Brexit, thề sẽ giành lại quyền kiểm soát biên giới đất nước bằng cách rời khỏi EU, một liên minh kinh tế và chính trị cho phép con người và hàng hóa di chuyển tự do giữa 28 quốc gia thành viên. Lực lượng ủng hộ phong trào Brexit cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham gia EU và trở thành cửa ngõ để người tị nạn từ Syria vào Anh. 

“Đó chỉ là một kiểu hù dọa, Boris, và ông nên thấy xấu hổ”, Thị trưởng London Sadiq Khan nói trong cuộc tranh luận vài ngày trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. 

“Theo tôi được biết, chính phủ đang muốn thúc đẩy để Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên EU”, ông Johnson đáp trả. 

Giống như Trump, ông Johnson cũng nhấn mạnh cảm giác bất an trước sự thay đổi của đất nước, sử dụng ngôn ngữ thỏa mãn người da trắng nhưng gây khó chịu cho người thiểu số và dân tự do thành thị. Một ví dụ là trong bài viết đăng trên báo The Daily Telegraph năm 2017, ông Johnson nói rằng phụ nữ trùm khăn Hồi giáo trông giống như những hòm thư hay kẻ cướp ngân hàng. 

Ông Paul Whiteley, một giáo sư về chính trị tại ĐH Essex, nói rằng thông điệp của ông Johnson rất rõ ràng: “Những người khác họ là một mối đe dọa”, ông Whiteley nói. 

Nhà nghiên cứu này cho rằng thông điệp đó có thể cộng hưởng ở một số vùng của nước Anh vì những người nhập cư từ Đông Âu đã ảnh hưởng đến các dịch vụ công, tạo ra những hàng người dài chờ khám chữa bệnh và những phòng học quá đông sinh viên không nói tiếng Anh thành thạo. 

“Có một nỗi sợ hại trong những cộng đồng nghèo rằng người nhập cư sẽ lấy mất công việc của họ, nhưng cũng có một sự thay đổi về văn hóa khi xuất hiện các yếu tố họ cảm thấy xa lạ và không thể nhận ra”, ông Whiteley nói. 

Cả ông Johnson và ông Trump đều hứa sẽ đưa đất nước trở lại thời kỳ huy hoàng xưa kia. Ông Trump nói một cách tự hào về “những ngày xưa” khi Detroit thống trị ngành ô-tô, khi hầu hết người dân đều hát bài “Merry Christmas” trong dịp lễ. 

Còn những người ủng hộ Brexit coi những ngày xưa tốt đẹp là kỷ nguyên của Thế chiến 2, khi Anh chống lại Đức Quốc xã, hay thậm chí sớm hơn thế. Ông Johnson gọi Brexit là cơ hội để Vương quốc Anh có được một tương lai độc lập, không chịu ảnh hưởng của EU.

Ông Brian Klaas, một trợ lý giáo sư về chính trị toàn cầu tại ĐH London, cho rằng cả ông Trump và ông Johnson đều mang hoài niệm về thời gian 2 nước gồm chủ yếu là người da trắng và đồng chủng hơn. Trong trường hợp của Anh, ông Klaas nói rằng còn có một sự hoài niệm nữa với thời kỳ Anh là một cường quốc toàn cầu. 

Chiến thắng vang dội, cựu thị trưởng London chính thức thành tân Thủ tướng Anh

Với tỷ lệ phiếu bầu áp đảo lên tới 92.153 so với 46.656 phiếu của đối thủ Jeremy Hunt trong cuộc bầu cử nội bộ của...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang - NPR ([Tên nguồn])
Tin tức Anh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN