Những điểm đáng lưu ý tại thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ
Thượng đỉnh G20 được đánh giá thành công khi thông qua được tuyên bố chung ngay trong ngày đầu của hội nghị.
Chiều 10-9, tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ), Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu (G20) bế mạc. Hội nghị được đánh giá thành công khi thông qua được tuyên bố chung ngay trong ngày đầu của hội nghị (9-9), theo tờ The Guardian.
Theo tuyên bố chung, các nước G20 đồng ý rằng các cuộc khủng hoảng gần đây đặt ra nhiều thách thức với tăng trưởng kinh tế dài hạn, kêu gọi các nước áp dụng chính sách kinh tế vĩ mô phối hợp để hỗ trợ nền kinh tế thế giới. Tuyên bố chung đề cập các vấn đề gây chia rẽ lớn trên thế giới như thỏa thuận hỗ trợ khí hậu, nợ toàn cầu, cải cách các cơ quan như Ngân hàng Thế giới.
Tuyên bố chung G20 tránh lên án Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine nhưng chỉ rõ tác động tiêu cực của xung đột ở Ukraine đối với chuỗi cung ứng, tài chính vĩ mô, lạm phát và tăng trưởng. Trong tuyên bố chung, các nước G20 thống nhất lên án chủ nghĩa khủng bố, lên án việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, đề nghị các quốc gia phải kiềm chế sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, kêu gọi giải quyết xung đột, khủng hoảng bằng biện pháp hòa bình.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải), Tổng thống Mỹ Joe Biden và các lãnh đạo G20 đặt vòng hoa ở đài tưởng niệm Mahatma Gandhi tại New Delhi (Ấn Độ) ngày 10-9.Ảnh: AP
Tuyên bố chung cũng đề cập đến việc phê chuẩn Liên minh châu Phi trở thành thành viên của G20.
Một thông tin đáng lưu ý, bên lề thượng đỉnh G20 ngày 9-9, Thủ tướng nước chủ nhà Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Mỹ Joe Biden và một số lãnh đạo G20 khác công bố một thỏa thuận về đường sắt và cảng đa quốc gia nối Trung Đông và Nam Á, kênh CNBC đưa tin.
Thủ tướng Modi cho rằng “sáng kiến kết nối lớn” này sẽ “gieo hạt giống cho các thế hệ tương lai có những ước mơ lớn hơn”. Tổng thống Biden cho biết thỏa thuận sẽ giúp kết nối các cảng xuyên suốt hai lục địa và dẫn đến một “Trung Đông ổn định hơn, thịnh vượng hơn và hội nhập hơn”. Thỏa thuận sẽ mở ra “cơ hội vô tận” cho năng lượng sạch, điện sạch và lắp đặt cáp để kết nối cộng đồng.
Theo một số quan chức Mỹ, thỏa thuận nhằm mục đích liên kết các nước Trung Đông bằng đường sắt và kết nối các nước này với Ấn Độ bằng cảng, hỗ trợ dòng năng lượng và thương mại từ vùng Vịnh đến châu Âu bằng cách cắt giảm thời gian vận chuyển, chi phí và sử dụng nhiên liệu.
Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jon Finer nói rằng thỏa thuận này sẽ mang lại lợi ích cho các nước có thu nhập thấp và trung bình trong khu vực, đồng thời tạo điều kiện cho Trung Đông đóng vai trò quan trọng trong thương mại toàn cầu.
Bản ghi nhớ về thỏa thuận này đã được Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Mỹ và một số đối tác G20 khác ký kết.
Sau phiên họp cuối hôm 10-9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chính thức chuyển giao chức chủ tịch G20 cho Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva. Brazil sẽ chính thức nhậm chức chủ tịch G20 vào tháng 12 tới.
Nga đã đưa ra phản ứng tích cực với tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Ấn Độ trong hai ngày 9 và 10/9.
Nguồn: [Link nguồn]