Những di sản lớn của Giáo hoàng Francis

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Trong 12 năm trên cương vị giáo hoàng, Giáo hoàng Francis đã để lại những di sản lớn trong việc thúc đẩy hòa bình, bảo vệ quyền của người di cư, nâng cao nhận thức về môi trường.

Trong lần xuất hiện trước cuối cùng trước các tín đồ hôm 20-4, Giáo hoàng Francis đã nhắc lại khẩu hiệu đã trở thành biểu tượng trong triều đại giáo hoàng của ông, đó là lời kêu gọi đối thoại và dừng xung đột. Dù lời nói của ông khi ấy có phần yếu hơn bình thường nhưng vẫn vang vọng khắp Quảng trường Thánh Peter ở Vatican và vang lên từ các màn hình trực tiếp tại nhiều nơi trên thế giới.

Theo trang tin Vatican News, từ những ngày đầu đảm nhận vai trò giáo hoàng, Giáo hoàng Francis đã không ngừng thúc đẩy phong trào Công giáo vì hòa bình trên toàn cầu. Thông qua lời nói, hành động của mình, ông đã chứng minh niềm tin không lay chuyển vào sức mạnh của sự hòa giải, tầm quan trọng của đối thoại và tính cấp thiết của việc chấm dứt bạo lực dưới mọi hình thức.

Và đó là một trong những di sản lớn mà Giáo hoàng Francis để lại.

Giáo hoàng Francis vẫy tay chào đám đông từ ban công trung tâm của Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Vatican vào tháng 3-2013, sau khi ông được bầu làm Giáo hoàng. Ảnh: GETTY IMAGES

Giáo hoàng Francis vẫy tay chào đám đông từ ban công trung tâm của Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Vatican vào tháng 3-2013, sau khi ông được bầu làm Giáo hoàng. Ảnh: GETTY IMAGES

Liên tục đấu tranh cho hòa bình

Được mệnh danh là “Giáo hoàng của những vùng ngoại vi”, Giáo hoàng Francis dành nhiều thời gian để hướng về những người bị xung đột ảnh hưởng. Khi cầu nguyện tại những địa điểm nổi tiếng, ông vẫn thường dành thời gian cầu nguyện cho những nơi bị xung đột ảnh hưởng nặng nề nhất.

Gần đây, ông cũng kêu gọi các bên trong xung đột Nga-Ukraine, xung đột Israel-Hamas đối thoại và hướng đến hòa bình lâu dài.

Lời kêu gọi hòa bình của Giáo hoàng Francis cũng hướng đến di sản của các cuộc chiến tranh trong quá khứ, những vết sẹo do các hành động bạo lực gây ra giữa các quốc gia và mong muốn những sai lầm trong quá khứ sẽ không bao giờ lặp lại. Trong chuyến thăm Hiroshima và Nagasaki (Nhật) vào tháng 11-2019, Giáo hoàng Francis đã ra lời kêu gọi mạnh mẽ chống lại vũ khí hạt nhân.

"Việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích chiến tranh là vô đạo đức, cũng giống như việc sở hữu vũ khí hạt nhân là vô đạo đức" – giáo hoàng nói.

Giáo hoàng Francis thường xuyên lên án nạn buôn bán vũ khí, những kẻ hưởng lợi từ chiến tranh. Phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào ngày 24-9-2015, ông đã đặt ra một câu hỏi khiến nhiều người suy ngẫm: "Tại sao vũ khí chết người lại được bán cho những kẻ có ý định gây ra đau khổ không kể xiết cho con người và xã hội? Thật đáng buồn, câu trả lời, như chúng ta đều biết, chỉ đơn giản là vì tiền: tiền thấm đẫm máu, thường là máu của những người vô tội".

Vào tháng 3-2021, Giáo hoàng Francis đã đi vào lịch sử khi là vị giáo hoàng đầu tiên đến Iraq. Tại đây, ông đã gửi đi thông điệp đoàn kết và hy vọng.

Giáo hoàng Francis tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima (Nhật) vào tháng 11-2019. Ảnh: VATICAN NEWS

Giáo hoàng Francis tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima (Nhật) vào tháng 11-2019. Ảnh: VATICAN NEWS

Đặc biệt, cuộc gặp gỡ giữa Giáo hoàng Francis với Đại giáo chủ Ali al-Sistani đã thể hiện sức mạnh của đối thoại liên tôn giáo và sự tôn trọng lẫn nhau.

"Hòa bình không đòi hỏi người chiến thắng hay kẻ thua cuộc, mà là những anh chị em – bất chấp những hiểu lầm và vết thương trong quá khứ – đã chọn con đường đối thoại" – Giáo hoàng Francis nói.

Đấu tranh vì môi trường

Trong 12 năm trên cương vị giáo hoàng, Giáo hoàng Francis là một trong những nhân vật chủ chốt trong phong trào khí hậu toàn cầu, theo tạp chí Time.

“Cần phải hành động một cách cấp bách, từ bi và quyết tâm, vì không thể có sự đe dọa nào cao hơn thế nữa” – Giáo hoàng Francis phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Vatican năm 2024. Ông cũng gọi việc phá hủy môi trường là một “tội lỗi mang tính cấu trúc”.

“Chúng ta thấy mình đang phải đối mặt những thách thức mang tính hệ thống, vừa riêng biệt vừa có mối liên hệ với nhau. Biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, suy thoái môi trường, chênh lệch toàn cầu, thiếu an ninh lương thực và đe dọa đến phẩm giá của những người dân bị chúng ảnh hưởng” – ông nói.

Năm 2015, Giáo hoàng Francis công bố lá thư gửi cho các giám mục, nêu rõ bản chất đan xen của những thách thức về biến đổi khí hậu và công lý xã hội.

Trong thư, Giáo hoàng Francis đặc biệt lưu ý tác động không cân xứng của biến đổi khí hậu đối với những người nghèo nhất thế giới.

“Chúng ta không phải đối mặt hai cuộc khủng hoảng riêng biệt, một là môi trường và một là xã hội. Mà đúng hơn là một cuộc khủng hoảng phức tạp vừa mang tính xã hội vừa mang tính môi trường” – ông viết.

Giáo hoàng Francis cũng từng có nhiều cuộc gặp với các nhà hoạt động khí hậu. Ông đã gặp nhà hoạt động khí hậu người Thụy Điển Greta Thunberg trong giai đoạn đỉnh cao hoạt động của cô nhằm kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới quan tâm hơn đến môi trường.

Năm 2018, ông đã gặp đại diện những công ty dầu khí lớn thế giới, bao gồm ExxonMobil, BP và Shell để thảo luận về vấn đề khí hậu. Sau cuộc họp, một số công ty trong nhóm này đã đưa ra tuyên bố thừa nhận tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu.

Cảm tình lớn cho người nhập cư

Thời gian làm giáo hoàng của Giáo hoàng Francis trùng với thời điểm làn sóng di cư toàn cầu gia tăng. Trong thời gian này, ông đã tích cực đấu tranh vì quyền của người nhập cư.

Một tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, Giáo hoàng Francis đã có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ phản đối những quan điểm chống nhập cư của ông Donald Trump – khi đó là ứng viên tổng thống Mỹ.

Giáo hoàng Francis gặp người nhập cư tại một trại tị nạn ở Hy Lạp vào năm 2016. Ảnh: AFP

Giáo hoàng Francis gặp người nhập cư tại một trại tị nạn ở Hy Lạp vào năm 2016. Ảnh: AFP

“Chúng tôi, những người dân của lục địa này, không sợ người nước ngoài, vì hầu hết chúng tôi đã từng là người nước ngoài. Tôi nói điều này với các bạn với tư cách là con trai của những người nhập cư, biết rằng rất nhiều người trong số các bạn cũng là hậu duệ của những người nhập cư" – ông nói.

Giáo hoàng Francis cũng đề nghị các nhà lãnh đạo châu Âu hành động nhiều hơn nữa để giúp đỡ những người tị nạn thực hiện hành trình nguy hiểm qua Địa Trung Hải.

"Thật là đạo đức giả khi tự nhận mình là một Cơ đốc nhân nhưng lại xua đuổi một người tị nạn hoặc một người đang tìm kiếm sự giúp đỡ, một người đang đói hoặc khát, đuổi một người đang cần sự giúp đỡ” – Giáo hoàng Francis phát biểu tại một cuộc họp của các tín đồ Đức tại Vatican vào tháng 10-2016.

Quan điểm bảo vệ người di cư của ông không chỉ dừng lại ở các bài phát biểu.

Trong chuyến thăm đảo Lesbos, Hy Lạp năm 2016, ông đã nói với những gia đình di cư rằng "các bạn không đơn độc". Ông đã đưa 12 người di cư, trong đó có 6 trẻ em, trở về Rome cùng ông, theo tờ USA Today.

Cởi mở hơn với người thuộc cộng đồng LGBTQ

Trong một cuộc họp báo trên chuyến bay trên máy bay đến Rome vào tháng 7-2013, khi một phóng viên đặt câu hỏi về các linh mục thuộc cộng đồng LGBTQ, Giáo hoàng Francis đã nói đùa: "Nếu một người đồng tính và tìm kiếm Chúa và có thiện chí, thì tôi là ai mà phán xét". Theo đài NBC News, với tuyên bố đơn giản đó, Giáo hoàng Francis đã đặt nền tảng cho cách tiếp cận đầy lòng trắc ẩn đối với cộng đồng LGBTQ.

Dưới triều đại của Giáo hoàng Francis, Tòa thánh Vatican đã có những thay đổi quy định quan trọng như cho phép những người chuyển giới được rửa tội và làm cha mẹ đỡ đầu, cho phép các linh mục ban phước lành cho các cặp đôi đồng giới.

"Những người đồng tính có quyền được ở trong một gia đình. Họ là con của Chúa. Bạn không thể đuổi ai đó ra khỏi gia đình, cũng không thể khiến cuộc sống của họ trở nên khốn khổ vì điều này" – Giáo hoàng Francis nói trong một bộ phim tài liệu vào năm 2020.

Túc trực bên linh cữu Giáo hoàng Francis là thành viên Đội Cận vệ Thụy Sĩ, lực lượng bảo vệ Giáo hoàng và Vatican hơn 500 năm qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo KHOA ĐIỀM ([Tên nguồn])
Giáo hoàng Francis qua đời Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN