Những công ty nào ‘dính đòn’ của Tổng thống Trump?
Có thể ban đầu là chiến tranh thương mại nhưng xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc đã dần trở thành một cuộc chiến công nghệ.
Những quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối đầu với Bắc Kinh xoay quanh những chính sách ông cho là phân biệt đối xử công ty nước ngoài và “bóp méo” thị trường toàn cầu nay đã trở thành chiến trận giành quyền kiểm soát các công nghệ truyền thông và điện toán tiên tiến. Tờ Politico ngày 23-5 đưa tin Washington chuẩn bị đưa ra những luật nghiêm ngặt hơn để hạn chế việc xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao sang Trung Quốc (TQ).
Việc Mỹ đưa một trong những tập đoàn hàng đầu của TQ là Huawei vào danh sách đen và những động thái còn gây áp lực hơn lên TQ trong thời gian tới báo hiệu tình hình “chiến sự” ngày càng căng thẳng trước khi lãnh đạo hai nước gặp nhau trong tháng tới. Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình có kế hoạch gì để đạt được thỏa thuận song phương vẫn là một câu hỏi khó trả lời.
Những đòn đánh phủ đầu của Washington
Chính quyền Washington nói rằng việc gây áp lực lên các công ty TQ là để ngăn chặn việc họ theo dõi người Mỹ và toan tính phá vỡ các dịch vụ thiết yếu. Và các động thái gia tăng căng thẳng này đang bắt đầu gây tổn thất cho Bắc Kinh, tờ The Washington Post cho hay.
Một hội đồng do Bộ Tài chính Mỹ đứng đầu đang xem xét kỹ lưỡng các khoản đầu tư của TQ vào các công ty công nghệ của Mỹ. Đồng thời, Bộ Thương mại đang soạn thảo các quy định mới để hạn chế xuất khẩu sang TQ 14 loại công nghệ tiên tiến, bao gồm máy tính lượng tử, robot và trí tuệ nhân tạo.
Trong những tuần tới, Washington còn dự kiến sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Công ty kỹ thuật số Hikvision của TQ. Hikvision là nhà cung cấp các sản phẩm giám sát video lớn nhất thế giới, có trụ sở tại Hàng Châu, TQ. Đây được xem là một phần của kế hoạch gây áp lực lên các doanh nghiệp TQ và có thể quan chức chính phủ liên quan đến chính sách của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương, theo ông Paul Triolo, người đứng đầu bộ phận pháp lý trong chính sách công nghệ toàn cầu của Tập đoàn Eurasia.
Hơn nữa, các công ty TQ khác liên quan đến việc cung cấp camera và máy tính cho hệ thống giám sát ở tỉnh này cũng có thể bị ảnh hưởng bởi một loạt trừng phạt của Mỹ. Tập đoàn Dahua, vốn là nhà sản xuất camera giám sát lớn thứ hai thế giới với doanh thu 3,4 tỉ USD năm ngoái, cũng có thể trở thành mục tiêu tiềm năng của chính sách từ Washington.
Mới đây, hai công ty viễn thông của Anh, Vodafone và một đơn vị của BT Group, thông báo họ sẽ dừng việc sử dụng điện thoại thông minh Huawei trên các mạng lưới mới nhất của họ. Trong khi đó, Arm Holdings, nhà thiết kế chip máy tính điện thoại di động, tuyên bố sẽ tuân thủ các luật mới được đặt ra bởi chính phủ Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: REUTERS
Cũng trong tuần này, đội chuyên trách an ninh quốc gia của ông Trump, vốn được giao nhiệm vụ tìm kiếm các biện pháp cứng rắn hơn chống lại TQ hơn một năm qua, vừa xuất kích. Đầu tháng này, Ủy ban Truyền thông Liên bang đã nhất trí bỏ phiếu cấm China Mobile cung cấp dịch vụ viễn thông tại Mỹ. Chủ tịch ủy ban trên, ông Ajit Pai, cho biết cũng đang điều tra các giấy phép được cấp cho hai nhà mạng TQ là China Unicom và China Telecom.
Theo ông David Hanke, cựu nhân viên Ủy ban Tình báo Thượng viện, đây chỉ mới là đòn đánh phủ đầu. Ông Hanke khẳng định Washington không hề bị đẩy lùi trước cuộc chiến của Bắc Kinh chống lại công nghệ Mỹ. Hơn nữa, chính phủ đang tiến hành trận chiến trên nhiều mặt trận khác để hạn chế mối quan hệ thương mại giữa hai nước.
Cố vấn cấp cao về TQ tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Scott Kennedy cho rằng Nhà Trắng vẫn muốn một thỏa thuận thương mại. “Bây giờ chúng ta đang rơi tự do và hy vọng rằng chúng ta sẽ tìm được một số điểm cân bằng” - ông Kennedy phát biểu.
Chiến tranh thương mại bây giờ đã xoáy sâu vào lĩnh vực công nghệ hơn là thương mại. Cảm giác của giới quan sát là hai bên đã không còn dè dặt và thân thiện với nhau nữa. |
Vũ khí tiềm năng của Bắc Kinh
Đứng trước những thương vong tài chính tăng cao, Chủ tịch Tập không hề tỏ ra e ngại. Trong một chuyến thăm tới miền Nam TQ, ông Tập khuyến cáo người dân chuẩn bị cho những trở ngại mà ông ví von là “Vạn lý trường chinh mới”. Trong khi đó, đại sứ TQ tại Mỹ đã cực lực bác bỏ các cáo buộc về cái mà Washington gọi là “trại tập trung”, đồng thời khẳng định người dân Tân Cương tự nguyện tham gia các trung tâm dạy nghề. Hơn nữa, ông Tập chắc chắn sẽ đưa ra những biện pháp đáp trả chống lại những hành động của Washington mà Bắc Kinh cho là can thiệp chính sự nội bộ của họ.
Theo tờ The Washington Post, các công ty TQ phụ thuộc rất nhiều vào nhà cung cấp Mỹ cho nhiều thành phần quan trọng, bao gồm chất bán dẫn. Việc Bộ Thương mại năm ngoái cấm các công ty Mỹ cung cấp thiết bị cho Công ty viễn thông ZTE (TQ) được xem là bản án tử cho công ty này. Sau đó, ông Trump đã dỡ bỏ lệnh cấm khi ông Tập đích thân kháng cáo và ZTE đồng ý trả khoản tiền phạt 1 tỉ USD.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng có thể đáp trả với nhiều đòn gây thương tích cho các công ty công nghệ Mỹ nếu họ muốn. TQ chiếm hơn 90% sản lượng vật liệu đất hiếm toàn cầu được sử dụng trong điện thoại thông minh, pin, tên lửa dẫn đường và các sản phẩm khác.
Ông Rob Atkinson, Chủ tịch Quỹ Sáng tạo và Công nghệ thông tin (ITIF), cho biết điều này có thể là một vũ khí mạnh vì đất hiếm là đầu vào quan trọng của nhiều sản phẩm tiên tiến. Trong khi Úc sản xuất đất hiếm và Mỹ có tài nguyên đất hiếm đáng kể, việc gia tăng sản lượng của vật liệu này sẽ mất thời gian, ông Atkinson khẳng định.
Bên cạnh đó, TQ cũng có thể trả đũa Mỹ thông qua các biện pháp hành chính khác nhau. Theo một khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại TQ, có khoảng một trong năm công ty Mỹ hoạt động ở TQ chịu nhiều cuộc kiểm tra của chính phủ hơn hoặc các thủ tục hải quan kéo dài trong giai đoạn chiến trận thuế quan giữa hai nước.
Viễn cảnh xấu nhất của thương chiến Mỹ-Trung Cuộc chiến thương mại đã không còn “ngắn và dễ dàng chiến thắng” như ông Trump từng nói. Nếu cuộc đàm phán bị đình trệ và không có thỏa thuận nào đạt được, Mỹ áp thuế 25% đối với 300 tỉ USD hàng nhập khẩu còn lại từ TQ thì suy thoái kinh tế toàn cầu có thể xảy ra, theo các nhà phân tích của Ngân hàng Morgan Stanley. Theo viễn cảnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ phải cắt giảm lãi suất dần về 0 và TQ sẽ cần những kích thích kinh tế quan trọng hơn. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo sự leo thang chiến sự sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ nói riêng và toàn thế giới nói chung. Cụ thể, nó sẽ làm giảm 0,7% tăng trưởng toàn cầu vào năm 2021, tương ứng với xấp xỉ 600 tỉ USD, theo đài CNN. OECD còn dự đoán những rào cản thương mại sẽ gia tăng giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), cùng những bất ổn xoay quanh việc Anh rời EU. |
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hôm 14-5 đặt tỉ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ (NDT) là 6,8365 NDT đổi 1 USD, mức thấp...