Những câu hỏi lớn
Việc ông Kevin McCarthy bị bãi nhiệm đã gây ra những biến động chính trị tại Hạ viện Mỹ, gián tiếp khiến các hoạt động hỗ trợ tương lai cho Ukraine rơi vào tình thế bấp bênh. Tuy vậy, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn đang cố gắng tìm cách tiếp tục cung cấp cho Ukraine.
Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp ở Washington. Ảnh: Reuters.
Tình thế khó khăn
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết, ngay sau khi Hạ viện phế truất ông Kevin McCarthy, người đứng đầu Nhà Trắng nói với các trợ lý rằng, ông muốn có một bài phát biểu về Ukraine để giải thích lý do tại sao việc cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine sẽ giúp bảo vệ lợi ích của Mỹ. Ông cũng bày tỏ lo ngại sự biến động chính trị tại Hạ viện sẽ ảnh hưởng đến cam kết của Mỹ ủng hộ Ukraine trong tương lai.
Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết thêm rằng, Washington cũng có những lựa chọn khác đề tìm nguồn tài trợ nhằm duy trì viện trợ cho Kiev, song không cung cấp thông tin chi tiết. Hiện các nhà lập pháp và nhiều quan chức trong Chính phủ Mỹ đều nhận thức sâu sắc được rằng, thời gian không còn nhiều và Ukraine có thể phải chịu thất bại trên chiến trường nếu dòng chảy vũ khí, thiết bị cùng nhiều loại đạn dược khác bị gián đoạn. Theo đó, họ đang xem xét cách thức chuyển các nguồn quỹ khác cho Ukraine, đồng thời tìm kiếm đồng minh để lấp đầy khoảng trống viện trợ.
Tổng thống Joe Biden cũng đã khẳng định, Washington vẫn giữ vững cam kết giúp đỡ Kiev tự vệ, bất chấp cuộc tranh giành quyền lực gay gắt đang diễn ra tại Quốc hội. Ông kêu gọi các nghị sĩ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ cùng thông qua dự luật cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine, đồng thời khẳng định, dòng viện trợ của Washington cho Kiev vẫn sẽ được duy trì.
Theo các quan chức trong chính quyền Tổng thống Joe Biden, mặc dù một số nhân vật trong Quốc hội phản đối kế hoạch viện trợ bổ sung cho Ukraine, nhưng vẫn có đa số nghị sỹ ở cả hai viện ủng hộ cung cấp vũ khí đạn dược và tài chính cho Kiev. Tuy nhiên, một trợ lý Quốc hội thuộc đảng Cộng hòa cho biết, mọi thứ đều không chắc chắn và không thể dự đoán được điều tiếp theo sẽ diễn ra như thế nào. Bên cạnh đó, nhiệm kỳ Chủ tịch Hạ viện ngắn ngủi của ông Kevin McCarthy cho thấy, một số nghị sỹ có đường lối cứng rắn có thể tác động đến chương trình nghị sự của Quốc hội và làm suy yếu ưu tiên lập pháp của phe đa số. Ngay cả trước khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ bị phế truất, đã có nhiều hoài nghi về các khoản viện trợ trị giá hàng tỷ USD cho Ukraine.
Theo cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ, kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, cơ quan lập pháp nước này đã phê duyệt 113 tỉ USD hỗ trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo cho Kiev. Nhưng bầu không khí chính trị đã dần thay đổi. Ngày càng có nhiều thành viên đảng Cộng hòa phản đối viện trợ bổ sung, cho rằng, Quốc hội nên tập trung bảo vệ biên giới của Mỹ và xử lý các vấn đề nội bộ khác. Bên cạnh đó, các cuộc thăm dò cho thấy, dư luận đang bị chia rẽ và sự ủng hộ của cử tri Mỹ dành cho Ukraine đang giảm dần. Kết quả cuộc thăm dò của ABC News ngày 24/9 cho thấy 41% người Mỹ cho rằng, nước này đang hỗ trợ Ukraine quá nhiều, trong khi vào tháng 2, con số này chỉ chiếm 33%.
Đối với Tổng thống Joe Biden, việc duy trì viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine sẽ mang lại lợi ích chính trị lớn khi ông chuẩn bị tái tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo. Sự đoàn kết của Mỹ và các đồng minh liên quan trong nỗ lực ủng hộ Ukraine là một trong những thành tựu nổi bật nhất của ông kể từ khi lên nắm quyền. Ông từng cảnh báo trật tự thế giới sẽ bị phá vỡ nếu sự ủng hộ này suy yếu và điều đó sẽ mang lại lợi thế cho Nga.
Theo các quan chức Mỹ, vấn đề viện trợ cho Ukraine có thể trở thành chủ đề quan tâm hàng đầu tại cuộc họp của các quan chức châu Âu trong tuần này và lời kêu gọi của Mỹ ngày càng trở nên cấp bách hơn trong bối cảnh tình hình chính trị tại Washington đang có nhiều biến động.
Những câu hỏi lớn
Sự kiện hôm 30/9 đã nêu bật tâm lý miễn cưỡng ngày càng tăng của một số đảng viên Cộng hòa trong việc cung cấp viện trợ cho Ukraine. Các chuyên gia đặt câu hỏi, hiện Chính phủ Mỹ còn bao nhiêu tiền để hỗ trợ Ukraine và Washington liệu có khả năng tiếp tục hỗ trợ Kiev như mức độ hiện tại? Trả lời câu hỏi này, một quan chức Mỹ cho biết, tính đến ngày 2/10, Bộ Quốc phòng nước này còn lại 1,6 tỉ USD để thay thế lượng vũ khí gửi đến Ukraine và không còn quỹ nào theo Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI) cũng như từ quỹ Quyền Giải ngân của Tổng thống (PDA) trị giá 5,4 tỷ USD, cho phép Tổng thống Joe Biden rót tiền vào kho dự trữ quốc phòng của Mỹ để trang bị cho Ukraine.
Tuy vậy, đảng Dân chủ, những người ủng hộ mạnh mẽ viện trợ cho Ukraine, nhấn mạnh rằng, Quốc hội sẽ tiếp tục hỗ trợ. Nhiều thành viên đảng Cộng hòa tại Thượng viện, bao gồm cả những nhân vật có ảnh hưởng như lãnh đạo đảng Cộng hòa Mitch McConnell, cũng nói như vậy. Nhưng bức tranh lại kém rõ ràng hơn nhiều ở Hạ viện, nơi đảng Cộng hòa chiếm đa số và nơi một số thành viên cực hữu vừa thành công lật đổ Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, với lý do ông sẵn sàng thỏa hiệp với đảng Dân chủ về các dự luật chi tiêu, bao gồm cả viện trợ cho Ukraine.
Và, trong bối cảnh tỉ lệ người Mỹ ủng hộ viện trợ cho Ukraine đang dần sụt giảm, vì sao Quốc hội nước này vẫn đang tranh luận về việc có nên tiếp tục công việc nêu trên hay không? Một nhóm đảng Cộng hòa tương đối nhỏ nhưng có tiếng nói, vốn chỉ trích sự hỗ trợ của Ukraine ngay từ đầu, đã cáo buộc chính phủ ở Kiev không chống tham nhũng hiệu quả, điều mà các quan chức Ukraine và Mỹ phủ nhận. Họ cũng lập luận rằng, khi nước Mỹ phải đối mặt với thâm hụt ngân sách nghiêm trọng, chính phủ liên bang nên chi tiền trong nước hoặc để tăng cường khả năng cạnh tranh với Trung Quốc.
Vậy nước Mỹ phải làm gì để giải quyết vấn đề viện trợ cho Ukraine? Theo giới chuyên gia, viện trợ bổ sung cho Kiev có thể được đưa vào một dự luật chi tiêu lớn hơn mà Quốc hội Mỹ phải thông qua vào cuối năm nay để tránh việc đóng cửa. Biện pháp được thông qua hôm 30/9 chỉ cung cấp chi tiêu cho đến giữa tháng 11. Hoặc nó có thể được cung cấp dưới dạng một dự luật chi tiêu riêng biệt hoặc kết hợp với dự luật chi lớn hơn cho an ninh biên giới.
Đã đến lúc đưa ra lựa chọn
Trên thực tế, Ukraine hoàn toàn dựa vào viện trợ nước ngoài để duy trì khả năng chiến đấu và chi trả cho nhân viên nhà nước, bù trừ các chi phí xã hội. Ngay cả khi có các viện trợ đó, quân đội Ukraine vẫn đối mặt các vấn đề to lớn mà họ chưa giải quyết được. Và trong lúc ấy, các nhà tài trợ cho Ukraine đang cạn kiệt nguồn cung. Kiev không thể dựa mãi vào sự viện trợ của phương Tây. Không có gì chắc hàng tỷ USD hứa hẹn dùng cho tái thiết sẽ thực sự đến được Ukraine.
Trong bối cảnh kinh tế nhiều nước phương Tây suy thoái, ngân sách thắt chặt, nếu xung đột tiếp diễn, thì chi phí tái thiết chắc chắn sẽ tăng lên rất cao và hoạt động này sẽ mất hàng thập niên để hoàn thành. Trong bối cảnh đó, Ukraine phải lựa chọn hoặc tiếp tục chiến sự, cố gắng kéo dài xung đột hoặc đạt một thỏa thuận với đối phương khi có thể. Nếu Ukraine trì hoãn quyết định, tình hình có thể diễn biến theo hướng bất lợi hơn cho họ. Giới quan sát đánh giá, Ukraine cần sớm tìm kiếm thỏa thuận với Nga, không nên chần chừ thêm vì càng chần chừ sẽ càng thiệt hại và rơi vào thế bất lợi.
Cụ thể, nếu Ukraine mở các cuộc đàm phán ngoại giao với Nga hôm nay, họ sẽ có khả năng cao giữ được toàn bộ sự kiểm soát đối với 5 thành phố quan trọng nhất của mình, đó là Kharkov, Kiev, Dnipro, Odessa và Lviv, đồng thời duy trì được lực lượng quân đội tồn tại và phát triển. Ngoài ra, nếu đạt được một dàn xếp hòa bình, Ukraine sẽ tiếp tục sản xuất được lượng lớn sản phẩm nông nghiệp, cho cả xuất khẩu, tăng thêm thu nhập quốc gia. Bên cạnh đó, nhiều công dân Ukraine đang tị nạn ở nước ngoài sẽ hồi hương.
Tất cả các yếu tố tích cực trên sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ cơ sở hạ tầng của Ukraine còn duy trì được sau dàn xếp. Xung đột vũ trang mà kéo dài hơn thì sẽ có thêm nhiều cơ sở trọng yếu trong ngành công nghiệp của Ukraine bị tàn phá, cơ hội các kiều dân Ukraine trở về nước sẽ thấp hơn. Nhiều lao động lành nghề hàng đầu của Ukraine sẽ tìm việc ở đất nước khác. Xung đột quân sự mà tiếp diễn thì Ukraine sẽ khó lòng kiểm soát chắc chắn các thành phố trọng yếu, giữ thống nhất lực lượng vũ trang, và khôi phục kinh tế, đồng thời gặp khó khăn trong duy trì một chính phủ độc lập.
Trong thời gian gần đây, các quan chức phương Tây đã cảnh báo về một cuộc giao tranh kéo dài ở Ukraine. Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) dự đoán cuộc...
Nguồn: [Link nguồn]