Những bước đi kín kẽ và tuyên bố chiến thắng của Taliban
Từ tuyên bố chiến thắng của Taliban, cùng nhìn lại hàng loạt bước đi kín kẽ, thận trọng của lực lượng này trong suốt thời gian qua.
Ngày 15-8 (giờ địa phương), lực lượng Taliban đã chính thức tiến vào thủ đô Kabul của Afghanistan và kiểm soát thành công nhiều tuyến đường, địa điểm quan trọng, trong đó có cả phủ tổng thống. Tổng thống Ashraf Ghani đã rời khỏi đất nước trước đó cùng ngày vì không muốn giao tranh nổ ra; các nguồn tin của hãng tin Reuters cho hay nhiều khả năng ông bay đến nước láng giềng Tajikistan. Nhà lãnh đạo này cũng đã có phát biểu công nhận chiến thắng của phe Taliban với nhiều ngôn từ tỏ ý đặt lòng tin vào khả năng lãnh đạo của họ.
“Phe Taliban đã giành chiến thắng bằng gươm và súng của họ và bây giờ sẽ là người chịu trách nhiệm chăm lo cho danh dự, tài sản và sinh mạng của người dân Afghanistan. Họ đang đứng trước thách thức lịch sử, hoặc là họ sẽ làm rạng danh Afghanistan, hoặc họ sẽ ưu tiên cho những mục tiêu khác” - ông Ghani cho hay.
Tay súng Taliban xuất hiện trên đường phố thủ đô Kabul của Afghanistan ngày 15-8. Ảnh: REUTERS
Sẽ “không phải là Taliban của thế kỷ trước”
Trả lời phỏng vấn độc quyền của hãng tin Al Jazeera ngay từ phủ tổng thống, phát ngôn viên của Taliban - ông Mohammad Naeem tuyên bố chiến tranh đã kết thúc và nhấn mạnh Taliban đã đạt được mục tiêu giải phóng đất nước và giành lấy độc lập cho người dân.
“Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với tất cả đại diện ở Afghanistan và sẽ đảm bảo cho họ sự bảo vệ cần thiết, sẽ không có sự trả thù nào hết. Chúng tôi sẽ hành xử có trách nhiệm, tất cả vì mục tiêu đem lại hòa bình, ổn định cho quốc gia. Chúng tôi cũng nghĩ rằng các lực lượng nước ngoài sẽ không lặp lại trải nghiệm thất bại của họ tại Afghanistan một lần nữa” - ông Naeem nhấn mạnh. Người phát ngôn Taliban nêu rõ rằng trong tương lai sẽ không để bất kỳ ai sử dụng lãnh thổ của Afghanistan để tấn công nước khác, đồng thời cũng tuyên bố Taliban “không muốn làm hại người khác”.
Theo hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin riêng, trước khi mở đợt tổng tấn công chớp nhoáng trong tuần qua, Taliban được cho là đã cử các phái đoàn cao cấp tới Iran, Nga và Trung Quốc - ba nước ngoài Mỹ có ảnh hưởng lớn ở Trung Đông - để trấn an và tìm kiếm sự đảm bảo không can thiệp quân sự vào Afghanistan của các nước này sau khi Mỹ rút đi. Trong các cuộc tiếp xúc đó, Taliban đều cố gắng thể hiện họ “không phải là Taliban của thế kỷ trước”.
“Họ được cho là đã cam kết không đe dọa các nước xung quanh, không để tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan như Al-Qaeda dùng lãnh thổ Afghanistan làm địa bàn hoạt động, không chấp chứa người Duy Ngô Nhĩ hoạt động tại Afghanistan chống Trung Quốc. Nói chung, họ tỏ thiện chí muốn quan hệ với tất cả quốc gia trên thế giới. Họ có thể cũng muốn giữ quan hệ tốt với cả Mỹ nếu hai bên sau này gác bỏ được quá khứ” - nguồn tin của Bloomberg chia sẻ.
Hiện phản ứng của các bên liên quan nói trên cũng chủ yếu tập trung vào đề phòng làn sóng tị nạn từ Afghanistan tràn qua chứ không có dấu hiệu sẽ can thiệp quân sự để ngăn khả năng Taliban lên nắm quyền.
Trả lời tạp chí Vox, Giám đốc chương trình châu Á của Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (Bỉ) - bà Laurel Miller cho biết những động thái như vậy là nhằm tránh cho Taliban một tương lai bị quốc tế cô lập. Bà cho biết khi chính quyền Taliban cũ cầm quyền thời gian 1996-2001, chỉ có ba nước công nhận chính quyền Taliban là Pakistan, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Từ sau khi bị lật đổ, Taliban vẫn giữ mối quan hệ mật thiết với Pakistan. Tuy nhiên, trong một thập niên qua, Taliban nỗ lực giảm phụ thuộc vào Pakistan và dần dần chuyển mình từ lực lượng bị quốc tế đề phòng thành một bên đối thoại chính thức trong xung đột Afghanistan trong cuộc đàm phán thỏa thuận hòa bình ở Qatar hồi năm 2020 với Mỹ. Theo bà Miller, “việc tạo dựng sự chính danh như vậy trong mắt các nước lớn trong khu vực và cả các nước tại vùng Vịnh sẽ giúp Taliban giải quyết mặt trận ngoại giao dễ dàng để chuyển hướng sang giải quyết vấn đề nội bộ vốn phức tạp hơn”.
Cựu tổng thống Donald Trump ngày 15-8 đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Joe Biden từ chức, khẳng định việc rút quân khỏi Afghanistan là thất bại lớn nhất của người kế nhiệm. |
Vẫn nhiều lo ngại
Dù Taliban đã hứa hẹn rất nhiều và cam kết quá trình chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra trong hòa bình, người dân Afghanistan phần đông vẫn tỏ ra nghi ngại và lo lắng. Một trong những vấn đề mà họ lo ngại là Taliban sẽ trở lại chế độ Hồi giáo cực đoan và áp dụng giáo luật Shariyah hà khắc. Trên thực tế, Taliban không hề giấu giếm ý định này kể từ đầu năm đến nay, và ngay trong ngày 15-8 Taliban cũng thông báo sẽ sớm có thông tin về việc thành lập “Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan”, thay thế cho chính thể Cộng hòa Hồi giáo hiện tại.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Foreign Policy hồi tháng 6, phát ngôn viên Zabihullah Mujahid của Taliban tuyên bố Taliban muốn toàn bộ phụ nữ đều phải được đảm bảo có quyền nhưng phải phù hợp với quy tắc và luật pháp địa phương. Theo ông Mujahid, mục tiêu của Taliban là tạo ra “một chính quyền Hồi giáo dành cho toàn bộ người Afghanistan”. Ông Mujahid lúc đó mô tả Afghanistan thời hậu chiến sẽ là đất nước tuân thủ luật pháp, là một thành viên của cộng đồng quốc tế và hòa thuận cả bên trong lẫn với láng giềng và thế giới.
Dù Taliban cam kết sẽ không trả thù tuy nhiên nhiều người trong đó có một số phóng viên AP nghi ngờ khả năng thực hiện cam kết này của Taliban, vì quang cảnh lúc này rất hỗn loạn, dù giới lãnh đạo Taliban có muốn không trả thù thì cũng không thể đảm bảo cấp dưới sẽ nghe theo. Họ cho biết những phóng viên từ báo đài quốc tế khác đang hoạt động ở Afghanistan cũng như những người từng hợp tác với quân đội Mỹ và đồng minh cũng có cảm giác bất an tương tự.
Hồi cuối tháng 5, đài CNN từng đưa tin một phiên dịch viên người Afghanistan cho quân đội Mỹ ở tỉnh Khost bị các tay súng Taliban đe dọa rồi sát hại dã man ngay trên đường phố. Taliban đến nay vẫn từ chối có dính líu tới vụ việc này. Đến cuối tháng 7, trên mạng xã hội Twitter xuất hiện nhiều video quay cảnh các tay súng Taliban xử bắn 22 đặc nhiệm Afghanistan ở tỉnh Faryab. Nhóm đặc nhiệm này sau gần 2 giờ đấu súng đã giơ tay đầu hàng vì hết đạn thì bị các tay súng bắn hạ tại chỗ.
“Afghanistan 20 năm qua dù còn nhiều bất cập nhưng đã cũng không thể phủ nhận những thành tựu đã đạt được, trước hết là trao quyền bình đẳng cho phụ nữ, cho phép họ giữ vị trí lãnh đạo và phổ cập được công nghệ thông tin xuống mọi người dân. Không thể biết được liệu một nhóm Hồi giáo bảo thủ như Taliban đã sẵn sàng và đủ khả năng điều hành một cộng đồng đã thay đổi như vậy hay không” - chuyên gia Robert Crew thuộc ĐH Stanford (Mỹ) đặt câu hỏi.
Việt Nam sẵn sàng bảo hộ công dân tại Afghanistan Liên quan đến tình hình công dân Việt Nam tại Afghanistan, Bộ Ngoại giao có thông báo cho biết đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan kiêm nhiệm Afghanistan theo dõi tình hình công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại đây và chuẩn bị biện pháp bảo hộ công dân khi cần thiết. Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan, cho đến thời điểm này chưa ghi nhận còn công dân Việt Nam tại Afghanistan. Vào ngày 3-8, Đại sứ quán đã phối hợp đưa một công dân Việt Nam làm việc cho cơ quan của Liên Hợp Quốc tại Afghanistan về nước an toàn. Giáo luật Shariyah, nỗi khiếp sợ của phụ nữ Afghanistan Vấn đề của giáo luật Shariyah nằm ở hàng loạt nội dung vi phạm nghiêm trọng quyền con người và quyền của những nhóm dễ bị tổn thương, nhất là phụ nữ và trẻ em. Đơn cử, luật có quy định các hình phạt như tử hình bằng cách ném đá cho tội ngoại tình hoặc đồng tính luyến ái, hay chặt chân tay cho tội trộm cắp và quật roi cho tội báng bổ. Phụ nữ cũng không được ra đường mà không có một đàn ông đi kèm và không được đảm nhận các chức vụ cho bộ máy công quyền, thậm chí ở nhiều nước Hồi giáo thì phụ nữ còn không được đi học hoặc không được học cao như nam giới. Phóng viên của hãng tin AP tác nghiệp tại các vùng đã bị Taliban kiểm soát từ nhiều ngày trước ghi nhận hiện tượng các tay súng Taliban đã cho đóng cửa các trường học nữ sinh, cấm điện thoại thông minh ở một số nơi và buộc các nam thanh niên phải gia nhập hàng ngũ của họ. Phụ nữ đã đi làm cũng bị yêu cầu về nhà nhờ người thân là nam giới tới làm việc thay. Các cửa hàng có treo ảnh quảng cáo in hình phụ nữ mặc đồ hiện đại cũng phải bị gỡ bỏ. Xuất hiện một số thông tin về việc người dân bắt đầu bị áp dụng các hình phạt như quật roi công cộng khi vi phạm các lỗi trong giáo luật Shariyah trong vùng Taliban kiểm soát. Chia sẻ với tờ The Guardian, một nữ sinh viên giấu tên chia sẻ đang rất hoảng sợ vì vào sáng 15-8, khi cô đang tới trường đại học thì một nhóm nữ sinh từ ký túc xá hoảng sợ chạy ra. Họ bảo với cô cảnh sát đang sơ tán vì Taliban đã vào đến Kabul và họ sẽ đánh đập những phụ nữ không mặc đồ burqa - trang phục trùm kín đầu và người của phụ nữ Hồi giáo. Nữ sinh viên này sau đó tìm cách về nhà nhưng không kiếm được chiếc xe nào. Các nữ sinh viên sống trong ký túc xá thậm chí còn hoảng loạn hơn vì không biết phải đi đâu. |
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày 15-8, Taliban làm chủ thủ đô Kabul của Afghanistan. Trước đó, các cánh quân Taliban tiến về thủ đô từ tất cả các...