Những bước đi bài bản của các nước khi mở cửa

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Nhiều nước tiến hành các bước đi thận trọng để vừa mở cửa mà vẫn đảm bảo an toàn, không chao đảo trước dịch COVID-19.

Từng bước một, nhiều nước đang dần mở cửa, sống chung với COVID-19 - một diễn biến mang tính bước ngoặt sau hai năm đại dịch đầy khó khăn. Các chuyên gia cảnh báo rằng càng mở cửa càng phải thận trọng với dịch. Vậy hãy cùng tham khảo các nước thận trọng thế nào.

Bám vào tiêm chủng

Một trong những yêu cầu cơ bản mà các nước không thể bỏ qua là quá trình mở cửa phải luôn theo sát chương trình tiêm chủng. Chẳng hạn, Úc chia bốn giai đoạn mở cửa tùy theo tỉ lệ tiêm chủng, theo trang thông tin của chính quyền Úc australia.gov.au.

Học sinh trung học ở Anh được yêu cầu đeo khẩu trang khi trở lại lớp học. Ảnh: AL AZEERA

Học sinh trung học ở Anh được yêu cầu đeo khẩu trang khi trở lại lớp học. Ảnh: AL AZEERA

Giai đoạn 1, khi tiêm chủng chưa đạt tỉ lệ an toàn, mục tiêu là tiếp tục trấn áp virus giảm thiểu ca nhiễm trong cộng đồng. Thời điểm này, Úc duy trì đóng cửa biên giới song song tập trung phủ vaccine. Về du lịch, Úc mở cửa du lịch trong nước ở mức hạn chế và yêu cầu các điểm tham quan giới hạn số khách đến, thí điểm cách ly tại nhà cho khách đã tiêm chủng, áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại trong nước tùy vào tình hình dịch.

Giai đoạn 2 được tiến hành khi 70% dân số trên 16 tuổi được tiêm đủ hai liều vaccine. Úc gỡ bỏ dần các biện pháp phòng chống dịch song song duy trì tỉ lệ tiêm chủng cao, khuyến khích người dân tiếp tục tiêm vaccine. Úc vẫn giữ các biện pháp phòng chống dịch ở cấp độ thấp để giảm thiểu nhiễm trong cộng đồng, tránh phải lặp lại việc phong tỏa và giãn cách xã hội. Úc cũng bắt đầu mở cửa khẩu quốc tế, song chỉ đón một lượng ít du khách quốc tế và đảm bảo kiểm dịch an toàn để giảm thiểu nguy cơ virus xâm nhập.

Giai đoạn 3 bắt đầu khi 80% số người trên 16 tuổi được tiêm đủ hai liều. Lúc này Úc vẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cơ bản, có điều chỉnh phù hợp để giảm thiểu số ca nhiễm mà không cần phong tỏa hoặc chỉ phong tỏa cục bộ ổ dịch có nguy cơ lây nhiễm cao, đồng thời tìm cách tối đa hóa tỉ lệ bao phủ vaccine. Người đã được tiêm chủng đầy đủ không cần tuân theo các biện pháp phòng chống dịch nữa. Ở giai đoạn này, Úc bãi bỏ việc cách ly đối với công dân từ nước ngoài về đã được tiêm chủng đầy đủ, dỡ bỏ tất cả hạn chế xuất cảnh đối với người Úc đã được tiêm chủng. Úc tập trung mở rộng “bong bóng du lịch” (“hành lang du lịch an toàn” thời COVID-19) đến các quốc gia ở Thái Bình Dương, mở cửa biên giới dần dần để khuyến khích hoạt động du lịch trong và ngoài nước. Với các quốc gia an toàn và có mức độ kiểm dịch tương xứng, Úc sẽ giảm yêu cầu đối với khách đã được tiêm phòng đầy đủ.

Giai đoạn cuối cùng, sau khi 100% người dân trưởng thành được tiêm hai mũi vaccine, Úc chính thức mở cửa biên giới, quản lý tình hình COVID-19 giống các bệnh truyền nhiễm khác. Người dân cả nước sống chung với COVID-19 như với bệnh cúm hay các bệnh truyền nhiễm khác trong khi tiếp tục tiêm mũi tăng cường. Người nước ngoài đã tiêm vaccine được nhập cảnh mà không phải cách ly. Với người chưa tiêm vaccine, phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính trước chuyến bay đến Úc.

Phải giữ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cơ bản

Cách làm này thấy rõ nhất ở Nhật, nước có tỉ lệ phủ vaccine khá cao - hơn 79% dân số được tiêm đủ hai mũi và đang tiêm mũi tăng cường. Theo trang thông tin japan-guide.com, để vừa trở lại cuộc sống bình thường vừa kiểm soát được dịch, Nhật xác định phải giữ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cơ bản: Hạn chế sử dụng không gian kín với hệ thống thông gió kém tạo điều kiện cho virus lây lan, hạn chế tụ tập không cần thiết, hạn chế tiếp xúc gần, tiếp tục giữ khoảng cách tối thiểu 2 m, duy trì xếp hàng, đeo khẩu trang, rửa tay, tránh nói lớn nơi công cộng, tránh dùng bữa bên ngoài theo nhóm đông người… Các địa điểm công cộng duy trì việc đo nhiệt độ cơ thể người đến. Người dân cần có ý thức theo dõi sức khỏe của bản thân và tránh ra ngoài nếu cảm thấy không khỏe.

Song song với việc duy trì các biện pháp phòng chống dịch cơ bản ở trên, Nhật cũng đang xem xét rút ngắn thời gian cách ly cho người nhập cảnh xuống còn ba ngày hoặc ít hơn bảy ngày như quy định hiện nay. Để đủ điều kiện nhập cảnh, người nước ngoài lẫn công dân Nhật phải được tiêm ít nhất một liều vaccine tăng cường và làm xét nghiệm COVID-19. Nhật cũng đang tính cách đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ cần thiết và quy trình khám sàng lọc.

Đảm bảo hệ thống y tế mạnh và sẵn sàng

Với hơn 66% dân số từ 12 tuổi trở lên và hơn 93% số người từ 70 tuổi trở lên đã được tiêm mũi tăng cường, Anh đang hướng đến mục tiêu “sống cùng COVID-19” theo bốn hướng hành động chính.

Thứ nhất là học cách sống chung với dịch, loại bỏ một số quy định như yêu cầu người đi làm xét nghiệm hai lần mỗi tuần. Người tiếp xúc gần với ca nhiễm nhưng đã tiêm đủ vaccine chỉ cần cách ly bảy ngày. Người lớn và trẻ em có kết quả dương tính được khuyến cáo tự cách ly ở nhà, tránh tiếp xúc với người khác ít nhất năm ngày và có thể trở lại cuộc sống bình thường khi có kết quả xét nghiệm âm tính hai ngày liên tiếp.

Người dân cũng tiếp tục được khuyến cáo tuân thủ những biện pháp phòng dịch cơ bản, để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm - như tiêm chủng đầy đủ, hạn chế sinh hoạt trong không gian kín, đeo khẩu trang, rửa tay, làm xét nghiệm nếu xuất hiện triệu chứng, ở nhà và tránh tiếp xúc với người khác nếu dương tính, không ra ngoài nếu cảm thấy không khỏe.

Thứ hai, theo sát chuyện tiêm vaccine cho dân, bảo vệ những nhóm người dễ bị tổn thương bằng cách tập trung tiêm chủng đúng lịch. Đảm bảo người nhiễm được tiếp cận sớm với các phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả.

Thứ ba, tập trung tăng cường và duy trì năng lực y tế quốc gia cũng như tăng cường hỗ trợ các trung tâm chăm sóc xã hội, giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe. Để có thể đạt được mục tiêu này, Anh sẽ giám sát liên tục tình hình dịch, lập kế hoạch dự phòng chuẩn bị sẵn sàng cho các đợt bùng phát tiếp theo và khả năng xuất hiện các biến thể mới, duy trì việc tiêm chủng hàng loạt và xét nghiệm trong trường hợp khẩn cấp.

Hướng hành động cuối cùng trong kế hoạch “sống cùng COVID-19” của Anh chính là đảm bảo phương hướng đổi mới và tạo cơ hội phát triển từ việc sống chung với COVID-19, bao gồm đầu tư vào lĩnh vực khoa học đời sống, đặc biệt trong việc sáng chế ra vaccine mới và đầu tư phát triển khoa học y tế. Anh cũng sẽ kết hợp học hỏi và hợp tác quốc tế trong công tác phòng chống dịch, bao gồm hỗ trợ khôi phục kinh tế - xã hội toàn cầu hậu COVID-19, xây dựng khả năng phục hồi trước các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu khác và cải thiện các chính sách y tế du lịch toàn cầu.

“Vaccine, điều trị, xét nghiệm, khẩu trang - những công cụ này là cách chúng ta tiếp tục bảo vệ mọi người. Chúng cho phép chúng ta tiến lên phía trước một cách an toàn và trở lại với những thói quen bình thường ”- điều phối viên Đội ứng phó với COVID-19 của Nhà Trắng (Mỹ) JEFFREY ZIENTS nói trong cuộc họp báo ngày 2-3.

Mỹ đề ra bốn mục tiêu sống an toàn với dịch

Trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang hôm 1-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề ra bốn mục tiêu chính mà Washington sẽ tập trung vào trong thời gian tới để sống chung an toàn với dịch COVID-19: Bảo vệ và điều trị COVID-19, chuẩn bị đối với các biến thể mới, ngăn chặn tình trạng kinh tế và giáo dục ngừng hoạt động, thúc đẩy việc tiêm chủng bên ngoài nước Mỹ, theo trang web whitehouse.gov.

Mỹ sẽ tăng cường tiêm chủng và sẵn sàng tiêm vaccine cho trẻ nhỏ ngay khi được phép. Mỹ cũng đã đặt hàng 20 triệu liều thuốc điều trị từ Pfizer và sẽ có thêm 1 triệu liều vào tháng 3; 2,5 triệu liều vào tháng 4. Mỹ sẽ cho mở hàng trăm trung tâm cung cấp dịch vụ xét nghiệm COVID-19 miễn phí, cũng như các trung tâm điều trị COVID-19 mới. Mỹ cũng có kế hoạch kêu gọi đầu tư nghiên cứu việc cải thiện sức khỏe tâm thần và chăm sóc người bị ảnh hưởng COVID-19 dài hạn.

Đi kèm với các sáng kiến này là các nỗ lực giám sát và nghiên cứu mới chủ yếu nhằm phát hiện và ứng phó với các biến thể mới. Theo kế hoạch, các cơ quan liên bang như Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) và Viện Y tế Quốc gia (NIH) sẽ liên tục quan sát và nghiên cứu khả năng xuất hiện các biến thể mới, từ đó điều chỉnh vaccine và thuốc cho phù hợp.

Tránh đóng cửa nền kinh tế và giáo dục trong tương lai vốn là trọng tâm chính của ông Biden. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ “cung cấp cho trường học và doanh nghiệp những công cụ họ cần để ngăn chặn tình trạng kinh tế và giáo dục ngừng hoạt động, để học sinh có thể an toàn đến trường, công nhân có thể an toàn làm việc và nền kinh tế có thể tiếp tục phát triển”.

Kế hoạch nhắc lại cam kết của Mỹ tài trợ 1,2 tỉ liều vaccine cho thế giới (475 triệu liều đã được phân phối) và nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì những nỗ lực này cũng như những nỗ lực tương tự khác “vì đó là điều đúng đắn cần làm vì lợi ích tập thể” để giảm nguy cơ xuất hiện các biến thể mới trong tương lai.

Nguồn: [Link nguồn]

Vì sao TQ hứng chịu đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng nhất kể từ Vũ Hán?

Theo chuyên gia dịch tễ học cấp cao của CDC Trung Quốc, có 3 nguyên nhân khiến Trung Quốc phải đối mặt với đợt bùng phát nghiêm trọng như hiện tại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo KHÔI CHƯƠNG ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN