Những bộ não tạo nên thành công của tên lửa Triều Tiên

Hàng loạt vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên, trong đó có vũ khí mà Bình Nhưỡng gọi là “tên lửa siêu thanh”, cho thấy vai trò của các nhà khoa học và kỹ sư tên lửa của nước này. Họ là một nhóm có vai trò rất cao trong chính phủ, nhưng ít được bên ngoài biết đến.

Bức ảnh thử tên lửa được Triều Tiên công bố ngày 17/1. (Ảnh: KCNA)

Bức ảnh thử tên lửa được Triều Tiên công bố ngày 17/1. (Ảnh: KCNA)

Các nhà khoa học nói rằng nhà lãnh đạo Kim Jong Un dường như đang thực hiện những bước đi để thể chế hóa lực lượng tên lửa, đưa chúng trở thành một phần lâu dài của các kế hoạch quân sự.

Người bên ngoài rất ít nghe đến tên tuổi và chức vụ của các nhà khoa học và kỹ sư tham gia nghiên cứu và phát triển tên lửa của Triều Tiên.

Giới phân tích nói rằng những người đó có vẻ có công việc bảo đảm vì nhà nước dành nhiều nguồn lực để đào tạo, và họ cũng được phân về những đơn vị đặc biệt nên ít có khả năng bỏ trốn hay gây ra những phiền toái về chính trị và xã hội.

“Khác với các quan chức kinh tế và sĩ quan quân đội, các nhà khoa học và kỹ sư hạt nhân là nhóm không dễ thay thế”, ông Michael Madden, một chuyên gia nghiên cứu về lãnh đạo Triều Tiên tại Trung tâm Stimson ở Washington, nói.

Nhiều người trong số họ học tại ĐH Quốc phòng Kim Jong Un, nơi đào tạo các chuyên gia về khoa học quân sự. Cơ sở này được nói là mới thành lập một trường chuyên về “công nghệ tên lửa siêu thanh”.

Các nhà khoa học và kỹ sư thường được chia thành nhiều nhóm cạnh tranh với nhau để thiết kế cùng loại vũ khí, giúp họ có thể tự do thực hiện nhiều cách khác nhau để xem phương pháp nào tốt nhất, ông Ken Gause, giám đốc Nhóm các vấn đề quốc tế tại CNA, một tổ chức nghiên cứu phi chính phủ tại Arlington, bang Virginia (Mỹ), cho biết.

Một nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu chống phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin thực hiện năm 2018 kết luận các nhà khoa học Triều Tiên đã làm việc với các nhà nghiên cứu của một số nước khác để cùng viết ít nhất 100 bài báo được xuất bản về công nghệ lưỡng dụng, vũ khí hủy diệt hàng loạt và những mục đích quân sự khác.

Ông Kim Jong Un được nói là đang dựa vào 3 nhà khoa học hàng đầu trong chương trình vũ khí của nước này.

Nhóm này gồm có ông Ri Pyong Chol, một cựu tướng không quân; ông Kim Jong Sik, một nhà khoa học kỳ cựu về tên lửa; và ông Jang Chang Sa, người đứng đầu một trung tâm mua sắm và phát triển vũ khí.

Một quan chức thứ tư là Pak Jong Chon, tổng tham mưu trưởng, gần đây được đảm nhận vai trò cao hơn trong Cục Công nghiệp quân sự, nơi phụ trách sản xuất các loại vũ khí chiến lược, ông Gause cho biết.

“Chúng ta đã thấy rất nhiều thay đổi trong lĩnh vực công nghiệp quân sự trong vài năm qua”, ông Gause nói.

Ông Pak được nói là người phụ trách nhiều cuộc thử nghiệm tên lửa gần đây khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un vắng mặt.

Năm ngoái, Triều Tiên bổ nhiệm ông Yu Jim là người đứng đầu Cục Công nghiệp quân sự. Ông Yu trước đây được nói là người đại diện cho nhà nước để liên lạc với Iran, ông Madden nói.

Học viện Quốc phòng (NADS), tên gọi khác là Viện Khoa học tự nhiên thứ hai (SANS), là cơ quan giám sát chương trình tên lửa của Triều Tiên.

Ông Madden nói rằng có thể theo dõi mức độ phát triển tên lửa của Triều Tiên qua việc quan sát người nào tham dự sự kiện phóng thử.

Một cuộc phóng thử mà chỉ có người của NADS/SANS giám sát có nghĩa là vũ khí đó vẫn trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển. Nếu một sự kiện có cả người NADS và Ủy ban Kinh tế thứ hai, điều đó có nghĩa là vũ khí đã chuyển từ giai đoạn phát triển sang sản xuất.

Cuối cùng, nếu người của Bộ tổng tham mưu dự sự kiện phóng thử, như cuộc phóng thử tên lửa từ tàu hỏa gần đây, điều đó thường có nghĩa là hệ thống đã hoàn thành và sẽ đưa vào biên chế.

Giới phân tích cho rằng chương trình tên lửa của Triều Tiên bắt nguồn từ công nghệ tiếp nhận từ Liên Xô (cũ) trước đây, và các bệ phóng dùng cho những đầu đạn siêu thanh mới nhất cũng tương tự thiết kế của Liên Xô.

Ông Markus Schiller, một chuyên gia về tên lửa tại châu Âu, cho rằng thành công của Triều Tiên trong thử nghiệm vũ khí gợi ý rằng nước này có ủng hộ từ bên ngoài.

Tuy nhiên, ông Schiller cho rằng dưới thời ông Kim Jong Un, Triều Tiên thử tên lửa thất bại nhiều hơn trước đây, gợi ý rằng nhà lãnh đạo trẻ đang thử nghiệm nhiều thiết kế nội địa hơn hai lãnh đạo tiền nhiệm.

Tiêu chí tuyển vệ sĩ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có sự thay đổi

Ứng viên vệ sĩ Triều Tiên cần ở độ tuổi khoảng 17, cao khoảng 167 cm, cao hơn 4cm so với tiêu chuẩn tối thiểu 163 cm trước...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang - Reuters ([Tên nguồn])
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN