Những bí ẩn trong thảm họa tai nạn đường sắt tại Đài Loan

Sự kiện: Tin tức Đài Loan

Quá trình điều tra vụ tai nạn đường sắt tại Đài Loan đang dần hé lộ một loạt tình tiết đáng ngờ, nhiều vấn đề an toàn đường sắt đã bộc lộ.

Hiện trường vụ tai nạn tàu tại Hoa Liên, Đài Loan

Hiện trường vụ tai nạn tàu tại Hoa Liên, Đài Loan

Người dân Đài Loan vẫn chưa thể nguôi đau buồn và tức giận sau thảm họa tàu điện cao tốc chở khách trật đường ray, khiến ít nhất 50 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương cuối tuần qua. Quá trình điều tra sự việc đang dần hé lộ một loạt tình tiết đáng ngờ, nhiều vấn đề an toàn đường sắt đã bộc lộ.

Tàu có chở quá tải?

“Tàu có chở quá tải hay không?” là câu hỏi đầu tiên dư luận đặt ra trong vụ tai nạn này. Ban đầu, khi thông tin về sự việc, báo chí Đài Loan cho biết, tàu điện Taroko Express trên hành trình từ Thụ Lâm, thành phố Tân Đài Bắc tới Đài Đông, gặp nạn khi đi qua đường hầm Qingshui ở huyện Hoa Liên. Tàu chỉ chở 350 hành khách trên 8 toa, dựa theo công suất tối đa của phương tiện.

Nhưng sau đó 1 ngày, qua thông tin điều tra sơ bộ mới vỡ lẽ, tàu Taroko Express chở tới 494 người, theo số liệu trên báo điện tử Taiwan News. Một số hãng tin khác như CNA, New York Times cho biết, số khách lên tới 498 người. Như vậy, con số thực tế với công suất tối đa của tàu chênh nhau tới hàng trăm người.

Truyền thông Đài Loan và giới chức địa phương cho biết, sở dĩ vậy vì có thêm 122 hành khách mua vé đứng. Khách chấp nhận không được ngồi bởi nhu cầu đi lại tăng vọt trong dịp nghỉ Tết Thanh minh kéo dài 4 ngày theo truyền thống của người Á Đông. Đây là dịp người dân Đài Loan thường về quê để dọn dẹp phần mộ, chuẩn bị đồ lễ cúng, tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên.

Một nữ hành khách sống sót, bàng hoàng kể lại: “Lúc đó, tàu chật như nêm, có rất nhiều khách phải đứng. Khi tai nạn xảy ra, những người phải đứng đã ngã đè lên nhau. Người nọ đè lên người kia. Thật kinh khủng!”.

Hiện tại, giới chức Đài Loan đang xác minh liệu có mối liên quan nào giữa cách sắp xếp chỗ, cho phép khách đứng và con số thương vong rất lớn sau thảm họa hay không. Nếu có, giới chức sẽ cân nhắc đặt giới hạn về số khách có thể đứng trên tàu, ngăn chặn những thảm hoạ tương tự tiếp diễn.

Trớ trêu và bí ẩn

Nghi phạm trong vụ tai nạn là ông Lee Yi-hsiang, quản lý công trình, người lái chiếc xe tải trượt dốc, nằm chắn đường sắt khiến tàu trật đường ray

Nghi phạm trong vụ tai nạn là ông Lee Yi-hsiang, quản lý công trình, người lái chiếc xe tải trượt dốc, nằm chắn đường sắt khiến tàu trật đường ray

Ngoài ra, thảm họa lần này còn ly kỳ ở chi tiết xuất hiện chiếc xe tải gắn cần cẩu trên sườn núi gần đó, không được phanh cẩn thận, trượt xuống và chắn ngang đường ray dẫn đến tai nạn nghiêm trọng nhất trong 7 thập kỷ.

Dư luận đã đặt câu hỏi, tại sao lại không có hàng rào chắn bảo vệ đường tàu và chỉ trích cơ quan quản lý giao thông, cục đường sắt của hòn đảo đã buông lỏng giám sát dự án xây dựng cạnh đó.

Bà Wu Ming-yu, 68 tuổi, là mẹ của một nữ nạn nhân 35 tuổi thiệt mạng trong vụ tai nạn, nghẹn ngào chia sẻ: “Tôi không muốn đổ lỗi cho ai nhưng (cơ quan chức năng) cần phải đảm bảo an toàn công trường xây dựng vì nếu không, chính những công trình này sẽ làm hại tới người khác”.

Nếu không có vụ tai nạn này, con gái bà Wu đã có thể về thăm nhà trong dịp Tết Thanh minh. Trong lúc chia sẻ, bà Wu cùng nhiều thân nhân khác cùng cảnh ngộ, vẫn chờ tại một nhà tang lễ gần Hoa Liên, đợi thi thể của người thân họ được xác nhận, bàn giao về các gia đình.

Thực chất, công trình xây dựng gần nơi xảy ra tai nạn là nhằm nâng cao an toàn tại khu vực vách núi Qingshui, thuộc kế hoạch nâng cấp an toàn tổng thể của đường sắt trên toàn đảo trong vòng 6 năm. Nghi phạm trong vụ tai nạn, ông Lee Yi-hsiang, người lái chiếc xe tải cẩu, chính là quản lý công trình của dự án này.

“Thật đúng là trớ trêu và không may mắn! Đây là bài học nhắc nhở chúng ta rằng, kể cả với những dự án xây dựng hướng tới an toàn, chúng ta cũng phải luôn đặt hai chữ an toàn cho chính những dự án đó lên hàng đầu”, Giáo sư về kỹ thuật dân dụng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đường sắt tại Đại học Cheng Kung ở thành phố Đài Nam, nhấn mạnh.

Ngoài ra, qua tình tiết xe tải cẩu, một số quan chức địa phương nghi ngờ, người quản lý công trình Lee Yi-hsiang đang che giấu điều gì đó.

Trao đổi với New York Times, ông Su Chih-wu, kỹ sư quản lý chất lượng tại hiện trường cho biết, phần việc gia cố một cấu trúc chạy song song với đường hầm nơi xảy ra vụ tai nạn, đã gần hoàn tất. “Đáng lẽ thời điểm xảy ra sự việc (hôm 2/4), sẽ không có công nhân nào của dự án này có mặt tại hiện trường vì đây là ngày đầu tiên trong kỳ nghỉ Tết Thanh minh. Không rõ vì sao ông Lee lại có mặt tại hiện trường lúc đó”, ông Su nói.

Ông Lee hiện đã bị bắt tạm giam trở lại sau phán quyết chớp nhoáng của một tòa án địa phương tại Hoa Liên, cho phép ông tại ngoại với mức bảo lãnh 500.000 Đài tệ (khoảng hơn 400 triệu VNĐ).

Hiện tại, nhóm điều tra đang tập trung xác định thời gian, diễn biến khi chiếc xe cẩu trượt xuống đường ray và người lái xe đã thực hiện thao tác phanh xe như thế nào, để quy rõ trách nhiệm.

Cơ quan Đường sắt Đài Loan (TRA) đang yêu cầu Tập đoàn Tư vấn, Kỹ thuật CECI và một Hiệp hội Kỹ sư Dân dụng địa phương thanh tra đường hầm Qingshui, đưa ra đánh giá toàn diện vào ngày 20/4 tới. Nếu cấu trúc này an toàn, đoạn đường sắt đã được khôi phục, sửa chữa sẽ được mở lại trong cùng ngày. Nếu có vấn đề, giới chức sẽ lùi thời hạn hoạt động trở lại.

Bình luận về vấn đề này, người đứng đầu Cơ quan Giao thông và Liên lạc Đài Loan Lin Chia-lung khẳng định: “An toàn phải được đặt lên hàng đầu. Không an toàn, không tái hoạt động”.

Nguồn: [Link nguồn]

Hình ảnh nghi phạm đứng nhìn tàu tốc hành Đài Loan gặp nạn gây phẫn nộ

Bức ảnh do một hành khách chụp cho thấy Lee Yi-hsiang, nghi phạm chính của vụ tàu tốc hành lật khiến 50 người chết, xuất...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trang Trần ([Tên nguồn])
Tin tức Đài Loan Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN