Nhóm nghiên cứu Bắc Kinh đánh giá mối đe dọa của F-35, B-1, B-2 Mỹ với phòng không Trung Quốc
Chuyên gia gợi ý cách đối phó với tiêm kích F-35 và máy bay ném bom B-2 và B-1B của Mỹ, vốn là các mối đe dọa với hệ thống phòng không Trung Quốc.
Các nhà khoa học quân sự Trung Quốc đã so sánh các loại máy bay chiến đấu của Mỹ để xem đâu là mối đe dọa lớn hơn ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, cũng như cách khắc chế chúng.
Nhóm nghiên cứu do ông Bao Tuấn Thần tại ĐH Công nghệ Quốc phòng ở Hợp Phì, tỉnh An Huy (Trung Quốc) và Đơn vị 31649 của quân đội Trung Quốc đóng tại tỉnh Quảng Đông dẫn dắt.
Nghiên cứu này phân tích mức độ đe dọa của các loại máy bay quân sự Mỹ trong các giai đoạn khác nhau của chiến dịch xâm nhập đường không ở một khoảng cách xa bờ biển Trung Quốc được đăng trên tạp chí Công nghệ Quốc phòng hiện đại (Trung Quốc).
So sánh F-22 và F-35
Theo nghiên cứu, chiến đấu cơ F-22 và F-35 đều gây ra mối đe dọa đáng kể đối với hệ thống phòng thủ của Trung Quốc ở tất cả các giai đoạn của chiến dịch xâm nhập, tờ South China Morning Post đưa tin.
Tuy nhiên, F-35A dường như là máy bay linh hoạt và khả năng tác chiến nhanh hơn trong bất kỳ cuộc xung đột tiềm tàng nào ở trên các vùng biển của Trung Quốc. Nói cách khác, F-35 là mối đe dọa lớn hơn ở Biển Đông và eo biển Đài Loan so với tiêm kích F-22.
Mô hình tiêm kích tàng hình F-35. Ảnh: Raytheon Missiles & Defense
Các chuyên gia cho rằng: “F-35A gây ra mối đe dọa lớn hơn F-22A do hệ thống điện tử trên máy bay tiên tiến hơn và khả năng đa năng của nó”. F-35 có thể được sử dụng “vừa làm cảm biến để thu thập thông tin tình báo vừa là máy bay hộ tống chính cho các cuộc tấn công phía trước”.
F-22, được phát triển trong Chiến tranh Lạnh, là máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không với khả năng tấn công mặt đất hạn chế. Nó nhanh hơn F-35 và với thiết kế và chất liệu độc đáo, khả năng tàng hình của F-22 được coi là vượt trội.
Ngược lại, F-35 được thiết kế như một máy bay chiến đấu đa năng, có khả năng thực hiện một loạt nhiệm vụ từ không đối không, không đối đất và thu thập thông tin tình báo. F-35 cũng rẻ hơn so với F-22, với giá khoảng 80 triệu USD so với giá bán của F-22 khoảng 150 triệu USD mỗi chiếc.
Làm sao đối phó F-35?
Để đối phó với tiêm kích Mỹ F35, Trung Quốc nên nên tập trung phát triển các hệ thống radar tiên tiến và khả năng tác chiến điện tử kết hợp các phương pháp tấn công “tiêu diệt mềm” và “tiêu diệt cứng”.
Các biện pháp tiêu diệt mềm bao gồm các phương pháp vô hiệu hóa hoặc gây nhiễu hệ thống của máy bay, chẳng hạn như gây nhiễu điện tử hoặc tấn công mạng. Nghiên cứu cho thấy cần có các khả năng mới để phá vỡ các cảm biến và hệ thống liên lạc của F-35.
Tiêm kích tàng hình F-22. Ảnh: Military.com
Theo các chuyên gia, Trung Quốc cũng nên phát triển các hệ thống phòng không tiên tiến, chẳng hạn như tên lửa HQ-9 – để bắn hạ chiếc F-35A nào xâm phạm, như một phần của các biện pháp tiêu diệt cứng rắn, tức là sử dụng vũ khí vật lý để tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa máy bay.
Hệ thống tên lửa HQ-9 và máy bay chiến đấu tàng hình J-20 nằm trong hệ thống phòng không tiên tiến do Trung Quốc phát triển để ngăn chặn hoặc đánh bại chiến lược của Mỹ, dựa trên việc xuyên thủng hệ thống phòng không và tấn công các mục tiêu có giá trị cao, chẳng hạn như sân bay hoặc các trung tâm chỉ huy và kiểm soát.
Bắc Kinh đang đầu tư mạnh mẽ để phát triển khả năng quân sự nhằm chống lại sức mạnh của Washington ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hiện tại, hiện diện quân sự của Mỹ được duy trì đáng kể trong khu vực, bao gồm các căn cứ ở Nhật, Hàn Quốc và đảo Guam, cũng như các nhóm tấn công tàu sân bay hoạt động ở phía tây Thái Bình Dương.
Đối phó với máy bay ném bom
Nghiên cứu cũng đề xuất một chiến lược đánh chặn và cảnh báo phối hợp đa mặt trận để chống lại các máy bay ném bom B-2 và B-1B của Mỹ vì các máy bay này sẽ gây ra mối đe dọa gia tăng đáng kể khi chúng xâm nhập sâu hơn vào lãnh thổ Trung Quốc, theo South China Morning Post.
Các chuyên gia nhận thấy cả hai máy bay ném bom đều là mối đe dọa đáng kể từ khoảng cách 300 km và tăng lên ở mức 100 km do khả năng phát hiện và tấn công mục tiêu được nâng cao hơn khi đến gần.
Chiến lược đa mặt trận sẽ tấn công các máy bay ném bom đang bay tới từ trên không, trên bộ, trên biển và trong không gian bằng cách sử dụng nhiều loại vũ khí cùng một lúc.
Các nhà nghiên cứu cũng xem xét máy bay không người lái (UAV) MQ-9 của Mỹ, vốn được cho là ít đe dọa hơn, xét về tổng thể. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng không nên bỏ qua các UAV tiên tiến hơn, chẳng hạn như XQ-58A và RQ-180.
Hai oanh tạc cơ chiến lược siêu thanh B-1B của Mỹ sẽ xuất hiện trong giai đoạn cuối của cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Ấn Độ. Cuộc tập trận diễn ra cách không...
Nguồn: [Link nguồn]