Nhóm hacker Anonymous đang tấn công IS là ai (Kì 1)
Tổ chức kỳ lạ và khét tiếng này từng lọt vào top 100 nhân vật ảnh hưởng nhất toàn cầu của Time, gần đây tuyên bố sẽ "tìm bằng được hang ổ IS".
Anonymous đã hoạt động kéo dài tới hơn một thập kỷ cùng hàng loạt chiến dịch lớn tấn công vào mọi thành trì của các chính phủ, doanh nghiệp, cá nhân. Mới đây nhất, Anonymous tuyên chiến với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), dọa sẽ “tìm bằng được hang ổ IS”, sau khi nhóm khủng bố này gây ra vụ thảm sát liên hoàn đẫm máu ở Paris đêm 13.11.
Trong đoạn video đăng tải trên Youtube, Anonymous cho biết sẽ tìm cách để “kết nối cộng đồng” và đe dọa bọn khủng bố “cứ chờ đấy”.
Không thể "chặt đầu" Anonymous
Anonymous là ai? Chẳng là ai cả. Bản thân từ Anonymous (Ẩn danh) cũng đã nói lên tính bí ẩn của tổ chức này. Trong khi đa số các tổ chức được hình thành có cấp bậc, phân quyền thì Anonymous có kết cấu lỏng lẻo, ngang hàng và không có thủ lĩnh ra lệnh cho các thành viên còn lại. Phương châm của Anonymous là: "Bạn không thể chặt đầu một con rắn không đầu".
Câu khẩu hiệu nổi tiếng ““We are Legion – chúng ta là những quân đoàn”.
Câu khẩu hiểu của nhóm Anonymous là : “We are Legion – chúng ta là những quân đoàn”.
Theo định nghĩa của từ điển tiếng Anh Merriam-Webster, thuật ngữ “quân đoàn” là để chỉ một lực lượng binh lính hùng mạnh hơn khi chiến đấu trong tập thể thay vì cá nhân đơn lẻ. Nếu bạn vẫn cảm thấy mơ hồ thì đấy chính là giải thích rõ ràng nhất về Anonymous. Đây là tổ chức không thể định nghĩa và vô định hình.
Báo Wired gọi Anonymous là một dạng văn hóa, có đầy đủ “thẩm mỹ, nghệ thuật, văn học, quy tắc xã hội, giá trị riêng bằng ngôn ngữ hoàn toàn riêng biệt”.
Các thành viên Anonymous không hề biết tổ chức này có bao nhiêu người. Họ đến từ nhiều cộng đồng khác nhau nhưng đều giữ kín thân thế. Nhờ đó, dù một số thành viên bị bắt thì các thành viên còn lại đều có thể âm thầm rút lui mà không lo sợ lộ danh tính.
Để làm thành viên của Anonymous cũng dễ dàng và đơn giản không kém. Có rất nhiều tài khoản Twitter khẳng định có liên hệ với mạng lưới Anonymous. Nhiều website khác cũng đăng tải rất nhiều thông tin về Anonymous. Những người là thành viên Anonymous có thể là bất kì ai trong chúng ta, chỉ cần họ ngồi sau một màn hình vi tính. Đó có thể là ở một quán café xập xệ ở Malaysia hay một vùng ngoại ô đầy gió ở Michigan (Mỹ).
Anonymous dường như không có người lãnh đạo và cũng không có phát ngôn viên. Ai cũng có thể tham gia vào mạng lưới này dù chỉ là một vài phút rồi vĩnh viễn không bao giờ quay trở lại.
Anonymous ra đời năm 2003 sau lời kêu gọi trên diễn đàn 4chan. Chiếc mặt nạ Guy Fawkes bí ẩn được dùng làm biểu tượng chính của Anonymous.
Mặt nạ Guy Fawkes là hình ảnh nổi tiếng nhất của Anonymous
100 nhân vật có ảnh hưởng toàn cầu
Năm 2008, một video về giáo phái Scientology (diễn viên Tom Cruise là một thành viên) rò rỉ trên YouTube. Nhà thờ yêu cầu Youtube gỡ bỏ video này và chính đây là nguyên nhân châm ngòi cho sự giận dữ của Anonymous. Nhóm hacker tuyên chiến và kêu gọi biểu tình chống lại Scientology. Sau chiến dịch Project Chanology do Anonymous phát động, hàng loạt trang web của giáo phái Scientology bị tấn công từ chối dịch vụ trong khi nhà thờ cũng liên tục bị quá tải trước các cuộc gọi giả mạo.
"Chúng tôi là Anonymous. Chúng tôi không tha thứ. Chúng tôi không quên đâu. Hãy đợi đấy", nhóm tuyên bố. Tiếp theo đó, 7.000 người đeo mặt nạ Guy Fawkes đứng biểu tình bên ngoài các trung tâm của Scientology ở nhiều nước.
Gregg Housh, một lập trình viên web cho biết: “Nếu nhóm đã quyết định được mục tiêu tấn công và thời gian tiến hành, chắc chắn cuộc tấn công sẽ thành công. Ngược lại, nếu mọi người bỏ phiếu phủ quyết thì cuộc tấn công sẽ không được thực thi”.
Thời gian qua, Anonymous thường dùng tấn công theo dạng DDOS (tấn công từ chối dịch vụ). Mục tiêu của tấn công từ chối dịch vụ có thể khác nhau, nhưng nói chung nó làm cho một trang, hay hệ thống mạng không thể sử dụng, làm gián đoạn, hoặc làm cho hệ thống đó chậm đi một cách đáng kể với người dùng bình thường, bằng cách làm quá tải tài nguyên của hệ thống.
Hình thức DDOS khiến Anonymous trở nên rất nổi tiếng trong năm 2010 khi tấn công các trang như Master Card, Visa Card và Paypal. Anonymous tuyên bố DDOS các trang thanh toán điện tử này vì họ từ chối hợp tác với WikiLeaks.
Năm 2010, WikiLeaks đã đăng tải hàng ngàn trang tài liệu mật về chiến tranh ở Iraq và Afghanistan. Sáng lập viên WikiLeaks Julian Assange khẳng định không liên quan tới Anonymous và không biết gì về vụ tấn công mạng.
Anonymous cũng đánh sập các trang về lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến, các cơ quan bảo vệ tác quyền, Hiệp hội Phim ảnh, Hiệp hội Công nghiệp thu âm của Mỹ, tập đoàn Sony. Thậm chí, nhóm đã trộm hàng nghìn thẻ tín dụng của Apple, Lực lượng không quân Mỹ... rồi chuyển tiền cho các tổ chức từ thiện với mục tiêu tặng 1 triệu USD nhân dịp Giáng sinh và năm mới cho người nghèo.
Kể từ đó Anonymous đã nổi danh toàn cầu, hoặc ít nhất thu hút sự chú ý của các hacker toàn thế giới. Năm 2012, nhóm này lọt vào top 100 nhân vật có sức ảnh hưởng nhất toàn cầu do tạp chí Time danh tiếng công bố.
“Anonymous chính là các bạn", nhóm này kêu gọi.
Chiến dịch chống IS
“Không ai có thể cho bạn tự do. Không ai có thể cho bạn công lý. Nếu bạn là đàn ông, hãy giành lấy nó”
Trong số các cuộc tấn công của Anonymous, chiến dịch chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) không phải lớn nhất nhưng nhận được sự ủng hộ lớn nhất. Đầu năm nay, Anonymous tuyên bố trả thù cho tạp chí biếm họa Charlie Hebdo của Pháp sau khi các tay súng tự xưng là thành viên Al-Qeada xả súng khiến 12 người thiệt mạng và 9 người khác bị thương.
Nhóm này đã tấn công hàng trăm website, tài khoản Twitter được cho là có liên quan đến "Hồi giáo cực đoan" và khủng bố. Website Ansar-allaqq tuyên truyền thánh chiến tại Pháp đã bị thay đổi trang chủ.
Ngày 16.11.2015, Anonymous đăng video tuyên bố chống lại IS sau khi nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm thực hiện hàng loạt vụ khủng bố tại Paris khiến ít nhất 129 người chết cuối tuần qua. Chỉ sau đó một ngày, 5.500 tài khoản Twitter dính líu IS đã bị phá sập.
Những cuộc tấn công của Anonymous luôn gây nhiều tranh cãi. Tùy tính chất của từng vụ, trong một số trường hợp, họ được ví như Robin Hood của thời đại số. Nhưng cũng có lúc họ bị coi như kẻ khủng bố, phá hoại. Tuy nhiên không thể phủ nhận, rất nhiều vụ việc tai tiếng nhờ Anonymous vào cuộc mà được lôi ra ngoài ánh sáng.
__________________
Xem tiếp kỳ 2 về những chiến dịch tấn công lớn của Anonymous vào 0h5p ngày 21.11.2015