Nhìn lại vụ 23 máy bay B-24 của Mỹ trút nhầm 60 tấn bom xuống quốc gia trung lập
Người dân ở thị trấn Schaffhausen (Thụy Sĩ) lẽ ra đã có thể tránh khỏi tai họa nếu các phi công Mỹ không buộc phải tuân theo một mệnh lệnh có phần thiếu trách nhiệm từ cấp trên trong Thế chiến II.
Một phi đội máy bay ném bom B-24 của Mỹ trong Thế chiến II (ảnh: Imgur)
Ngày 1/4/1944, hơn 60 tấn bom Mỹ đã trút xuống thị trấn Schaffhausen khi người dân thờ ơ với báo động không kích.
Sáng ngày 1/4/1944, 438 oanh tạc cơ B-17 và B-24 thuộc Quân đoàn máy bay số 8 của Mỹ cất cánh từ Anh. Mục tiêu của họ là thành phố Ludwigshafen, nơi Đức đặt nhiều nhà máy hóa chất. Số oanh tạc cơ này được hỗ trợ bởi 475 máy bay chiến đấu P-51 và P-47, cho thấy đây là một cuộc tấn công quy mô lớn, được lên kế hoạch cẩn thận.
Trong đội hình máy bay tấn công của Mỹ có 23 chiếc oanh tạc cơ B-24 được một máy bay Pathfinder trang bị radar không đối đất của Anh dẫn đường. Trong Thế chiến II, oanh tạc cơ Mỹ thường phải dựa vào những chiếc máy bay dẫn đường Pathfinder để định vị mục tiêu Đức và nhận tín hiệu thả bom.
Sẽ chẳng có sự cố đáng tiếc nào xảy ra nếu nhóm 23 chiếc B-24 của Mỹ không bị tách khỏi đội hình khi bay vào một đám mây khổng lồ, cao gần 6.100 mét. Trong tình huống này, máy bay Pathfinder có nhiệm vụ dẫn đội B-24 tiếp cận mục tiêu chính xác.
Vào một ngày đen đủi, chiếc Pathfinder dẫn đường của nhóm oanh tạc cơ B-24 bị hỏng mất radar. Thay vì cố gắng xử lý sự cố, hoa tiêu trên máy bay Pathfinder quyết định xác định mục tiêu tấn công bằng mắt thường và ước lượng tốc độ gió. Cách làm này vốn có độ chính xác thấp và chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, cảm giác của hoa tiêu, theo Warhistory.
“Không có tài liệu tham khảo trực quan về địa hình, hoa tiêu chỉ dựa vào tính toán về tốc độ gió và kinh nghiệm cá nhân để điều hướng phi đội. Tất nhiên, gió ở trên cao thay đổi từng giờ và máy bay cũng có thể đi chệch dần khỏi lộ trình khi ở trên không. Hoa tiêu đã bất lực trong việc tính toán chính xác khi nào cần thả bom”, một phi công trong phi đội B-24 kể lại.
Máy bay B-24, niềm tự hào của không quân Mỹ (ảnh: CNN)
Kết quả là phi đội 23 chiếc oanh tạc cơ B-24 đã trút hơn 60 tấn bom xuống thị trấn Schaffhausen (Thụy Sĩ), nơi cách thành phố Ludwigshafen của Đức 193 km về phía nam. Thị trấn Schaffhausen bị phá hủy gần như hoàn toàn sau vụ việc, 40 dân thường thiệt mạng và 270 người khác bị thương.
Theo 19fortyfive, sự cố thương tâm có lẽ đã không xảy ra nếu Mỹ khi đó không quy định bắt buộc oanh tạc cơ phải ném bom một thành phố bất kỳ của Đức nếu không phát hiện mục tiêu chính. Mỹ cho rằng việc các máy bay xuất kích mà không tấn công lãnh thổ địch là hành động gây lãng phí nhiên nhiên liệu và nhân lực. Sĩ quan hoa tiêu của phi đội B-24 đã phải chịu sức ép khi quyết định cho thả bom thay vì dẫn ngay các máy bay về lại căn cứ.
Trước khi sự cố ở Schaffhausen xảy ra, Thụy Sĩ đã tổ chức diễn tập cảnh báo không kích cho người dân ở thị trấn này do lo ngại máy bay Mỹ và Anh có thể ném bom nhầm. Tuy nhiên, cảnh báo đã vang lên nhiều lần ở Schaffhausen mà không có bất cứ vụ tấn công nào xảy ra nên người dân cảm thấy khá an toàn.
Khi còi báo động không kích vang lên vào ngày 1/4/1944, nhiều người dân ở Schaffhausen đã “phớt lờ” và không tìm nơi trú ẩn. Trùng hợp thay, đây cũng là ngày “Cá tháng Tư” (ngày nhiều dân ở phương Tây có thể trêu đùa nhau bằng những lời nói dối mà không sợ bị giận).
Thị trấn Schaffhausen của Thụy Sĩ bị ném bom (ảnh: National Interes)
Vào thời điểm phi đội B-24 hạ cánh ở căn cứ sau 8 tiếng bay liên tục, tin tức về vụ thả bom nhầm đã lan rộng.
“Sau khi xem xét lại nhật ký hành trình, hoa tiêu và phi công đã xác nhận thời điểm thị trấn Schaffhausen bị ném bom trùng với thời điểm bom được thả. Mục tiêu đã bị xác định nhầm”, một chỉ huy của không quân Mỹ thừa nhận.
Theo 19fortyfive, B-24 không phải loại máy bay ném bom “tầm thường”. Với 4 động cơ, B-24 là máy bay ném bom hạng nặng được Mỹ sản xuất nhiều hơn bất kỳ máy bay quân sự nào khác trong Thế chiến II.
B-24 có 2 ưu điểm nổi bật là tầm bay xa và chứa được nhiều bom. Một chiếc B-24 có thể chở theo 3,6 tấn bom, nhiều nhất trong số máy bay của phe Đồng minh.
B-24 có thể đạt tốc độ tối đa 488 km/giờ, nhanh nhất trong số các máy bay ném bom của Mỹ thời đó. Tầm hoạt động của loại máy bay này là gần 5.000 km với tối đa nhiên liệu. Trong suốt Thế chiến II, 18.482 chiếc B-24 đã được Mỹ sản xuất.
Mỹ nhiều lần ném bom nhầm vào đất Thụy Sĩ trong Thế chiến II (ảnh: Cont)
Cả chính phủ Mỹ và Thụy Sĩ đều cố gắng tìm cách tháo gỡ căng thẳng sau sự cố nghiêm trọng nói trên. Trong Thế chiến II, Thụy Sĩ đã cố gắng tỏ thái độ trung lập và không muốn bị kéo vào cuộc chiến.
Mỹ đưa ra lời xin lỗi và thanh toán cho Thụy Sĩ 4 triệu USD bồi thường thiệt hại sau vụ việc thị trấn Schaffhausen bị ném bom. Sau khi Thế chiến II kết thúc, Mỹ tiếp tục trả cho Thụy Sĩ 14,4 triệu USD để bồi thường cho tất cả các vụ ném bom nhầm.
Hoa tiêu trong vụ ném bom nhầm bị kỷ luật và bị cấm làm hoa tiêu vĩnh viễn. Không ai phải ra tòa án quân đội vì sự cố trên, theo Warhistory.
Theo National Interes, một số ý kiến ở Thụy Sĩ bày tỏ nghi ngờ rằng vụ ném bom nhầm vào thị trấn Schaffhausen là hành động có chủ đích của Mỹ, nhằm gây áp lực buộc Thụy Sĩ phải cắt đứt quan hệ với Đức. Trong Thế chiến II, Thụy Sĩ từng duy trì quan hệ đối tác kinh tế với Đức và “đóng băng” tài sản của nhiều người Do Thái bị Đức truy nã.
Nguồn: [Link nguồn]
Các nhà hoạch định quân sự Mỹ từng có kế hoạch ném bom hạt nhân Trung Quốc đại lục vào năm 1958 để bảo vệ đảo Đài Loan.