Nhìn lại thảm kịch hậu bầu cử khiến hơn 1.400 người chết ở “cái nôi của nhân loại”
Khi cuộc bầu cử kết thúc, không ai ngờ rằng quốc gia này lại nhanh chóng rơi vào vòng xoáy bạo lực kinh hoàng, khiến hơn 1.400 người chịu cái chết bi thảm. Chuyện gì đã xảy ra?
Thị trấn Naivasha, Kenya. Ảnh: Digitalnomadsinafrica
Trong lịch sử hiện đại, bầu cử không chỉ là biểu tượng của dân chủ mà còn là thời điểm nhạy cảm, dễ dẫn đến xung đột và bạo loạn. Trên thế giới, nhiều cuộc bạo loạn hậu bầu cử đã để lại dấu ấn đau thương, biến giấc mơ về tự do và hòa bình thành cơn ác mộng đầy máu và nước mắt. Loạt bài lần này sẽ đưa bạn đọc trở lại với những thảm kịch đẫm máu hậu bầu cử đó, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa và tác động khủng khiếp mà chúng gây ra. |
Naivasha là một thị trấn nhỏ nằm bên bờ hồ Naivasha, ở thung lũng Rift, phần thuộc Kenya – nơi được xem là “cái nôi của nhân loại” vì có nhiều địa điểm khảo cổ và cổ sinh vật học cung cấp bằng chứng quan trọng về quá trình tiến hóa ban đầu của loài người.
Thị trấn Naivasha nổi tiếng với vườn quốc gia Hell’s Gate, nơi khỉ đầu chó nô đùa khi đám báo săn và báo hoa mai nằm dài trên cây hướng mắt theo.
Nhưng không phải lúc nào khu vực này cũng yên bình như vậy.
"Tối 24/1/2008, tôi thấy một nhóm rất đông những người thuộc bộ tộc Kikuyu đi đến khu tôi sống", một nông dân trồng hoa kể lại với tổ chức Ân xá Quốc tế. Bộ tộc Kikuyu là một trong những nhóm dân tộc chính ở Kenya.
"Tôi nhìn thấy họ khi nhóm 8 người chúng tôi ở gần nhà của người đứng đầu thị trấn. Trong quá trình đi tìm nơi ẩn náu, chúng tôi thấy nhiều người bị chém bằng dao rựa", người nông dân kể. "Những người thuộc bộ tộc Kikuyu đã hành quyết một trong số đó, đồng thời đứng nói chuyện với cảnh sát. Điều đó diễn ra công khai và cách chỗ chúng tôi khoảng 100m. Tôi nhìn thấy 3 giáo viên tiểu học liên quan đến vụ hành quyết".
"Đám đông người Kikuyu cũng thiêu sống 3 người trong một căn nhà. Chúng tôi ở gần đó và chứng kiến tất cả. Không ai chạy thoát được khỏi ngôi nhà đang cháy. Những người thuộc bộ tộc Kikuyu phá cửa, đổ xăng, châm lửa đốt rồi đứng canh bên ngoài cho tới khi căn nhà cháy rụi và sập xuống", người nông dân kể lại.
Cuộc bầu cử gây tranh cãi
Tháng 10/2007, khoảng 50.000 người đã tập trung tại công viên Uhuru ở thủ đô Nairobi của Kenya. Họ hò hét và cầu nguyện khi lãnh đạo phe đối lập lúc đó là ông Raila Odinga phát động chiến dịch bầu cử của mình.
Thời điểm đó, phần lớn các cuộc thăm dò và khảo sát dư luận cho thấy ông Odinga dẫn trước Tổng thống Kenya đương nhiệm Mwai Kibaki.
Sau ngày bỏ phiếu cuối cùng hôm 27/12/2007, quá trình kiểm phiếu diễn ra. Kết quả ban đầu cho thấy ông Odinga dẫn đầu. Hai ngày sau, đảng Phong trào Dân chủ Cam (Orange Democratic Movement) của ông tuyên bố giành chiến thắng dù quá trình kiểm phiếu chưa hoàn thành.
Khi cuộc kiểm phiếu tiếp tục, kết quả bắt đầu chuyển hướng có lợi cho Tổng thống đương nhiệm Kibaki. Khoảng cách giữa 2 ứng viên ngày càng thu hẹp. Đêm 30/12/2007, chủ tịch Ủy ban bầu cử Kenya tuyên bố, ông Kibaki là người chiến thắng với 230.000 phiếu bầu, dù sau đó vài ngày chính chủ tịch Ủy ban bầu cử Kenya thừa nhận "không biết" ai là người chiến thắng.
Người dân Kenya đốt đồ đạc và cướp phá cửa hàng sau khi có kết quả bầu cử năm 2007. Ảnh: Nation News
Vài phút sau tuyên bố ông Kibaki giành chiến thắng, các cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp các đường phố ở Nairobi. Những người biểu tình cáo buộc ông Kibaki "đánh cắp" cuộc bầu cử. Hoạt động biểu tình nhanh chóng chuyển thành bạo lực. Giới chức Kenya ra lệnh cấm biểu tình và điều động cảnh sát tới dập tắt tình trạng bất ổn.
Sau đó, bạo lực nhanh chóng lan rộng trong các bộ tộc.
Ông Kibaki (thuộc bộ tộc Kikuyu) và ông Odinga (thuộc bộ tộc Luo) đều cho rằng người còn lại phải chịu trách nhiệm về các cuộc "tắm máu" hậu bầu cử.
Có cáo buộc cho rằng những người ủng hộ Tổng thống Kibaki đã ra lệnh cho một băng nhóm vũ trang có tên là Mungiki tấn công các cộng đồng thuộc bộ tộc Luo.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Kenya lúc ấy là bà Martha Karua cáo buộc, ông Odinga đã lên kế hoạch "thanh lọc sắc tộc". Ông Odinga bác bỏ cáo buộc này, gọi đây là tuyên bố "thái quá".
Theo Al Jazeera, hơn 1.400 người đã chết và hơn 600.000 người khác phải rời bỏ nhà cửa trong chưa đầy 2 tháng do tình trạng bạo lực hậu bầu cử ở Kenya.
Năm 2007, tỷ lệ sở hữu súng ở Kenya vẫn ở mức thấp. Hầu hết trường hợp tử vong kể trên xảy ra do nạn nhân bị chém bằng dao rựa.
Những thành phần còn trẻ, quá khích lang thang qua nhiều khu ổ chuột ở Kenya, đốt nhà, trong bối cảnh bạo loạn lan rộng trên cả nước. Truyền thông địa phương đưa tin, cảnh sát Kenya đã bắn chết những người biểu tình không vũ trang trong bối cảnh hỗn loạn.
Một thanh niên biểu tình ở thủ đô Nairobi, Kenya, sau cuộc bầu cử năm 2007. Ảnh: Nation News
Cảnh sát chống bạo động làm việc ở thủ đô Nairobi. Ảnh: Nation News
Ngày 1/1/2008, một nhà thờ ở quận Eldoret (phía bắc Kenya) bị thiêu rụi. Bên trong nhà thờ, có nhiều phụ nữ và trẻ em, chủ yếu thuộc bộ tộc Kikuyu. Họ vừa chạy trốn tới đó sau khi ngôi làng họ ở bị tấn công vào đêm hôm trước.
"Theo các báo cáo, bao gồm cả lời khai của nhân chứng, những kẻ quá khích đã đốt chăn và nệm rồi ném vào nhà thờ. Khi cố chạy ra ngoài, phụ nữ và trẻ em bị đẩy trở lại", Ủy ban Waki - được thành lập để điều tra về bạo lực hậu bầu cử ở Kenya vào năm 2007, 2008 - cho hay.
"Những người đàn ông Kikuyu cố bảo vệ nhà thờ và những người bên trong nhưng bị tấn công đến chết bằng dao rựa và cung tên. Số thương vong trong vụ việc này là hơn 80 người, trong đó có 28 người chết", Ủy ban Waki cho biết thêm.
Ủy ban này cũng lưu ý, có nhiều thông tin liên quan đến bạo lực tình dục cả đối với phụ nữ lẫn đàn ông trong bối cảnh xung đột sắc tộc và bạo loạn.
Ngày 28/2/2008, ông Kibaki và ông Odinga đồng ý ký vào một thỏa thuận do cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan làm trung gian. Theo thỏa thuận này, ông Kibaki tiếp tục nắm quyền và bổ nhiệm ông Odinga vào trị trí Thủ tướng của nội các mới thành lập.
Vì sao bạo lực xảy ra?
Hai đứa trẻ đứng cạnh nhau khi mưa lớn trút xuống nơi ở tạm thời cho hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa do bạo lực hậu bầu cử ở Kenya vào tháng 2/2008. Ảnh: Reuters
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực hậu bầu cử ở Kenya (2007-2008). Việc đổ lỗi cho tình trạng bạo lực do chủ nghĩa bộ lạc là chưa đủ.
Theo Al Jazeera, sự phân chia kinh tế và xã hội giữa các nhóm dân tộc ở Kenya góp phần gây ra tình trạng bạo lực. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự thất vọng và vỡ mộng trong thời gian dài với giới lãnh đạo chính trị cũng góp phần vào tình trạng bạo lực đó.
Từ khi giành độc lập vào thập niên 60 của thế kỷ 20 cho đến cuộc bầu cử năm 2007, hiến pháp Kenya đã được sửa đổi 30 lần. Mỗi lần như vậy đều củng cố quyền lực cho tổng thống và gây bất lợi cho các nhánh tư pháp, lập pháp của chính phủ. Và cuối cùng là gây bất lợi cho người dân Kenya.
Giữa những năm 2000, lực lượng cảnh sát quốc gia Kenya bị cho là dính dáng đến tham nhũng, có hành vi bạo lực, lạm quyền mà không bị trừng phạt. Các phóng viên thường xuyên bị quấy rối. Các cuộc biểu tình của phe đối lập bị cấm hoàn toàn. Để đối phó với nhóm vũ trang Mungiki khét tiếng, chính quyền Kenya được cho là đã sử dụng các biện pháp cực đoan, bao gồm cả giết người không qua xét xử.
Giới lãnh đạo Kenya thời điểm đó dường như không sẵn lòng hoặc không thể giải quyết tình trạng tham nhũng. Nhiều trong số họ làm giàu cho bản thân, trong khi các khu ổ chuột ở thủ đô Nairobi tràn ngập người nghèo.
"Khi đó, người dân tỏ ra bất bình và không hài lòng về việc chính quyền lãnh đạo họ có nhiều người dính đến tham nhũng", Kiama Kaara - nhà phân tích chính trị ở Kenya - nói. "Mọi người nhận ra rằng, giới lãnh đạo từ nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác không có quá nhiều sự khác biệt. Nhiều người trong số họ muốn nắm các nguồn tài nguyên quốc gia để làm giàu cho bản thân. Điều này khiến người dân ngày càng thất vọng".
--------------------------------
Bạo lực hậu bầu cử đã biến quốc gia được mệnh danh là "Paris của châu Phi" thành một bãi chiến trường đẫm máu, nơi hơn 3.000 người đã thiệt mạng. Điều gì dẫn đến thảm kịch này? Mời độc giả đón đọc bài kỳ tới đăng lúc 10h ngày 14/7 để cùng chúng tôi tìm hiểu.
Nguồn: [Link nguồn]
Đối mặt cuộc bầu cử bạo lực nhất trong lịch sử, nhiều ứng cử viên Mexico đã tự ngẫm lại rằng liệu có đáng đánh đổi mạng sống để tranh cử hay không.