Nhìn lại lần ông Trump áp thuế với nhôm và thép nước ngoài trong nhiệm kỳ đầu
Trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế với nhôm và thép nhập từ nước ngoài để thúc đẩy sản xuất trong nước, khiến nhiều quốc gia đáp trả bằng các biện pháp thuế quan.
Ngày 10-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế 25% đối với các mặt hàng nhôm và thép từ tất cả các nước nhập khẩu vào Mỹ. Đây không phải lần đầu tiên ông Trump thực hiện biện pháp này.
Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã triển khai chính sách tương tự, khiến lượng nhập khẩu giảm mạnh và nhiều quốc gia đáp trả bằng các biện pháp thuế quan riêng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP
Vì sao ông Trump muốn áp thuế với nhôm, thép lần nữa?
Ông Trump công bố kế hoạch áp mức thuế 25% đối với các mặt hàng thép và nhôm khi trao đổi với báo giới trên đường đến TP New Orleans (bang Louisiana, Mỹ) để theo dõi trận Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ.
“Bất kỳ sản phẩm thép nào nhập vào Mỹ sẽ chịu mức thuế 25%. Nhôm cũng vậy” - ông Trump nói với các phóng viên trên chuyên cơ Air Force One.
Không lâu sau phát ngôn của ông Trump, một quan chức Nhà Trắng cho biết tổng thống Mỹ đã ký hai tuyên bố chính thức sẽ áp thuế 25% đối với nhôm và thép từ tất cả quốc gia trên toàn cầu nhập vào Mỹ và sẽ không có ngoại lệ.
Theo quan chức này, ông Trump đang chỉ đạo phía hải quan tăng cường việc giám sát các mặt hàng nhập khẩu này.
“Chưa có lãnh đạo Mỹ nào bảo vệ người lao động trong ngành thép và nhôm của Mỹ như Tổng thống Trump. Thuế thép và nhôm 2.0 sẽ chấm dứt tình trạng bán phá giá của nước ngoài, thúc đẩy sản xuất trong nước và bảo vệ ngành công nghiệp thép và nhôm của chúng ta như là xương sống và trụ cột của nền kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ” - ông Peter Navarro, cố vấn cấp cao của Nhà Trắng về thương mại, khẳng định.
Từ khi vận động tranh cử, ông Trump đã cam kết khôi phục ngành thép Mỹ.
“Các nhà máy thép xưa cũ, rộng lớn nhưng bỏ hoang đang xuống cấp. Chúng ta sẽ đưa các công ty trở lại. Chúng ta sẽ giảm thuế cho những doanh nghiệp sản xuất tại Mỹ và bảo vệ họ bằng các mức thuế mạnh” - ông Trump nói hồi tháng 10-2024.
Theo dữ liệu từ Cục Quản lý Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ, trung bình mỗi tháng Mỹ nhập hơn 2 triệu tấn thép thành phẩm. Tuy nhiên, nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 25% tổng lượng thép tiêu thụ trong nước, và tỉ lệ này đã giảm dần qua từng năm.
Trong khi đó, Mỹ nhập khẩu khoảng 50% lượng nhôm tiêu thụ, chủ yếu từ Canada. Theo Cục Quản lý Thương mại Quốc tế, nhập khẩu nhôm vào Mỹ đã tăng 25% từ năm 2015 đến 2022.
Theo đài CNBC, động thái của ông Trump tiếp tục là cú giáng vào Canada và Mexico – hai nguồn cung thép lớn nhất của Mỹ. Ngoài ra, các quốc gia xuất khẩu nhôm nhiều vào Mỹ gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Brazil, Hàn Quốc và Đức cũng chịu tác động lớn.
Chuyên gia phân tích James Campbell nhận định với CNBC rằng tác động của chính sách thuế này có thể cần thời gian để bộc lộ rõ.
“Ban đầu, điều này có thể khiến nhu cầu giảm sút. Nhưng về lâu dài, chúng ta có thể chứng kiến sự gia tăng đầu tư” - ông Campbell nói.
Từ năm 2018, khi ông Trump áp thuế tương tự trong nhiệm kỳ đầu, đầu tư vào ngành thép và nhôm của Mỹ đã có dấu hiệu tăng trưởng.
Nhìn lại lần ông Trump áp thuế với nhôm, thép năm 2018
Các bó thép của Tập đoàn Nucor (Mỹ) tại bang California. Ảnh: GETTY IMAGES
Vào tháng 5-2018, ông Trump áp mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ hầu hết các nước với lý do an ninh quốc gia, theo Financial Times.
Một tháng sau, nhà lãnh đạo Mỹ mở rộng chính sách này sang Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico. Kết quả là lượng nhập khẩu thép và nhôm giảm ngay lập tức.
Tuy nhiên, quyết định này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. EU đã đáp trả bằng việc áp thuế lên 2,8 tỉ USD hàng hóa Mỹ, nhắm vào thép, nông sản và các sản phẩm biểu tượng như rượu bourbon và xe mô tô Harley-Davidson. Xuất khẩu rượu whiskey của Mỹ sang EU giảm một phần ba, tương đương khoảng 256 triệu USD. Trước áp lực này, ông Trump sau đó miễn trừ thuế quan cho một số nước, trong đó có Canada và Mexico.
Trong khi đó, các hãng sản xuất ô tô Mỹ chịu ảnh hưởng khi các công ty thép trong nước tận dụng chính sách thuế để tăng giá. Các doanh nghiệp sản xuất đinh, giỏ sắt và các mặt hàng từ thép, nhôm cũng gặp bất lợi, bởi thuế chỉ áp lên nguyên liệu thô chứ không áp lên sản phẩm hoàn thiện, theo đài NPR.
Ông Mark McClelland, chủ một công ty nhôm tại bang Texas (Mỹ), nói rằng chính sách thuế này đã khiến chi phí nguyên liệu đầu vào của ông tăng 10%, dù nhập khẩu hay mua trong nước.
Năm 2021, Tổng thống Joe Biden đạt thỏa thuận tạm thời với EU và Nhật để nới lỏng thuế quan. EU cũng đình chỉ các biện pháp trả đũa, nhưng thỏa thuận này dự kiến hết hạn vào tháng 3 tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 4/3. Chính sách này sẽ tác động lớn đến...
Nguồn: [Link nguồn]
-11/02/2025 08:28 AM (GMT+7)