Nhìn lại 8 sự kiện quốc tế nổi bật nhất trong năm 2021

Cùng nhìn lại các sự kiện nổi bật trong năm 2021 - năm được xem mang tính lịch sử với thế giới.

Hãng thông tấn Kyodo News ngày 26-12 đã bình chọn các sự kiện quốc tế nổi bật trong năm 2021, trong đó đứng đầu danh sách là lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

(1) Ông Joe Biden nhậm chức tổng thống thứ 46 của Mỹ

Ông Joe Biden nhậm chức tổng thống thứ 46 của Mỹ. Ảnh: UPI/KYODO

Ông Joe Biden nhậm chức tổng thống thứ 46 của Mỹ. Ảnh: UPI/KYODO

Ngày 20-1, ông Joe Biden - thành viên đảng Dân chủ - tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 46 của Mỹ và bà Kamala Harris tuyên nhậm chức phó tổng thống - nữ phó tổng thống Mỹ gốc Á đầu tiên. 

Tuyên bố rằng nền dân chủ đã chiếm ưu thế, ông Biden đã ký 17 văn bản để khôi phục các chính sách gây tranh cãi dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump, bao gồm một văn bản tái gia nhập Hiệp định Khí hậu Paris hồi tháng 2.

(2) Quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan, Taliban giành quyền kiểm soát

Quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan, Taliban giành quyền kiểm soát. Ảnh: KYODO

Quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan, Taliban giành quyền kiểm soát. Ảnh: KYODO

Ngày 30-8, Mỹ đã hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan, chấm dứt 20 năm chiến tranh nổ ra từ ngày 11-9-2001, ngày xảy ra các cuộc tấn công khủng bố trên đất Mỹ. 

Taliban đã giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul vào ngày 15-8, khi Tổng thống Afghanistan – ông Ashraf Ghani chạy trốn khỏi đất nước trước khi phía Mỹ rút quân hoàn toàn. 

Căng thẳng càng về sau càng gia tăng khi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan (ISIS-K), nhánh của IS ở Afghanistan, tiến hành đánh bom liều chết gần sân bay Kabul, khiến nhiều người Afghanistan và 13 quân nhân Mỹ thiệt mạng.

(3) Số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu vượt qua con số 5 triệu

Số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu vượt qua con số 5 triệu. Ảnh: AP

Số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu vượt qua con số 5 triệu. Ảnh: AP

Năm 2021 là năm thứ hai cả thế giới chiến đấu chống lại đại dịch COVID-19. Sự xuất hiện của các biến thể nguy hiểm của virus SARS-COV-2 – biến thể Delta, Omicron – đã khiến COVID-19 trở thành một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử.

Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ), ngày 1-11, số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu đã vượt qua con số 5 triệu ca. Ngày 8-11, thế giới đã ghi nhận gần 250 triệu ca nhiễm COVID-19. 

Trong bối cảnh tiến trình tiêm chủng được đẩy mạnh tại các nước phát triển, số ca nhiễm COVID-19 đã giảm mạnh từ cuối tháng 8, song bắt đầu tăng trở lại vào giữa tháng 10. Nhiều lời kêu gọi cải thiện đối với việc phân phối vaccine đến châu Phi và các khu vực khác, nơi tiến trình tiêm chủng còn trì hoãn, đã được đưa ra.

 (4) Chính biến tại Myanmar

Chính biến tại Myanmar. Ảnh: KYODO

Chính biến tại Myanmar. Ảnh: KYODO

Myanmar rơi vào bất ổn kể từ cuộc chính biến ngày 1-2 khi chính quyền quân sự nắm chính quyền và tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm, đưa ra cáo buộc gian lận trên diện rộng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020. 

Một loạt lãnh đạo dân sự Myanmar, trong đó có Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, đã bị bắt giữ và đối mặt các tội danh tham nhũng. Thống tướng Min Aung Hlaing nắm quyền kiểm soát đất nước. 

Theo số liệu từ các tổ chức theo dõi tình hình Myanmar, hơn 1.300 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự kể từ chính biến. 

Ngày 6-12, bà Suu Kyi, 76 tuổi, bị kết án bốn năm tù vì tội kích động, sau đó giảm thời hạn xuống còn hai năm. Tuy nhiên, bà hiện vẫn phải đối mặt hơn 10 tội danh khác.

(5) Nhật báo Apple Daily của Hong Kong ngừng hoạt động sau 26 năm

Nhật báo Apple Daily của Hong Kong ngừng hoạt động sau 26 năm. Ảnh: FELIX WONG

Nhật báo Apple Daily của Hong Kong ngừng hoạt động sau 26 năm. Ảnh: FELIX WONG

Apple Daily - tờ báo với nhiều bài viết có quan điểm ngược lại với chính quyền đặc khu - ngày 23-6 đã thông báo đóng cửa sau 26 năm hoạt động, đồng thời cho biết ngày 24-6 sẽ là ngày xuất bản cuối cùng.

Được thành lập vào năm 1995, Apple Daily được coi là tờ báo đầu tiên của Hong Kong buộc phải dừng hoạt động kể từ khi Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia tại Hong Kong hồi tháng 6-2020.

(6) Vụ bạo loạn tại Điện Capitol

Điện Capitol. Ảnh: Getty

Điện Capitol. Ảnh: Getty

Ngày 6-1, tòa nhà Quốc hội Mỹ (Điện Capitol) đã rơi vào tình trạng hỗn loạn trong quá trình đang xác nhận chiến thắng của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống 2020.

Hàng trăm người tham gia cuộc mít-tinh ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xông vào Điện Capitol gây hỗn loạn.

Những người biểu tình quá khích đã phá cửa vào trong, buộc các nhà lập pháp Thượng viện và Hạ viện phải sơ tán và việc kiểm phiếu đại cử tri đã bị tạm dừng trong nhiều giờ do hỗn loạn. Vụ việc khiến một cảnh sát và bốn người khác thiệt mạng. 

Sáng 7-1 (giờ địa phương), Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, với cương vị Chủ tịch Thượng viện, chính thức xác nhận ông Biden, với 306 phiếu đại cử tri nhận được, đã vượt qua ngưỡng 270 phiếu đại cử tri cần thiết để đắc cử tổng thống Mỹ. Theo đó, ông Biden sẽ bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống Mỹ sau khi nhậm chức vào ngày 20-1.

(7) Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra nghị quyết lịch sử, Chủ tịch Tập tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba

Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra nghị quyết lịch sử. Ảnh: NIKKEI 

Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra nghị quyết lịch sử. Ảnh: NIKKEI 

Ngày 11-11, Hội nghị thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX đã thông qua Nghị quyết "Về những thành tựu quan trọng và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm phấn đấu của Đảng", còn gọi là "Nghị quyết lịch sử thứ ba".

Nghị quyết làm rõ những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử của đảng Cộng sản Trung Quốc trong suốt 100 năm lịch sử, đánh giá cao các chính sách của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với Đài Loan và Hong Kong.

Nghị quyết được thông qua trong bối cảnh đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức đại hội đại biểu toàn quốc năm 2022, quyết định liệu ông Tập có tiếp tục giữ chức chủ tịch Trung Quốc.

(8) Nhóm G7 đề cập Đài Loan trong tuyên bố chung, "đổ thêm dầu" vào căng thẳng Mỹ-Trung

Nhóm G7 đề cập Đài Loan trong tuyên bố chung. Ảnh: KYODO

Nhóm G7 đề cập Đài Loan trong tuyên bố chung. Ảnh: KYODO

Khép lại cuộc họp kéo dài ba ngày, lãnh đạo Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) - Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật – ngày 13-6 đã ra thông cáo chung với lời kêu gọi hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan. 

Động thái trên đã làm tăng thêm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là lãnh thổ của mình và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thống nhất.

Nguồn: [Link nguồn]

2021 trở thành dấu mốc đầu tiên của những sự kiện nào?

Trong năm 2021, thế giới đã chứng kiến nhiều sự kiện lần đầu tiên xảy ra mang ý nghĩa và mức độ ảnh hưởng rất lớn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HÒA ĐẶNG ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN