Nhìn lại 69 năm quan hệ đầy căng thẳng giữa Mỹ và Iran trước trận World Cup quyết định
2 giờ sáng ngày 30/11 (giờ Việt Nam), đội tuyển Mỹ sẽ gặp đội tuyển Iran trong trận đấu có ý nghĩa quyết định xem đội nào sẽ lọt vào vòng trong tại World Cup 2022 ở Qatar.
Các cầu thủ Mỹ và Iran chụp ảnh chung trước trận đấu.
Bóng đá luôn hướng đến mục tiêu phi chính trị. Nhưng gần như không thể loại bỏ chính trị ra khỏi bóng đá trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Mỹ và ĐT Iran, theo theo đài Al Jazeera của Qatar
Với việc hai đội đều có khả năng lọt vào vòng loại trực tiếp, người hâm mộ và ban tổ chức đang kỳ vọng vào một trận đấu hữu nghị trên sân Al Thumama, thể hiện lối chơi đẹp mắt và sức mạnh đoàn kết.
Vài ngày trước khi trận đấu diễn ra, căng thẳng đã bùng lên bên ngoài sân cỏ khi liên đoàn bóng đá Iran nộp đơn kiện, đòi FIFA loại ĐT Mỹ vì có hành động thiếu tôn trọng với quốc kỳ Iran. Ban lãnh đạo đội tuyển Mỹ sau đó đã thừa nhận sai sót, xóa bài đăng gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Trong bài viết đăng trước giờ bóng lăn 12 tiếng, đài Al Jazeera của Qatar đã điểm lại toàn cảnh 69 năm căng thẳng trong mối quan hệ thù địch giữa Mỹ và Iran.
Cuộc đảo chính năm 1953
Cuộc đảo chính ở Iran năm 1953.
Theo các chuyên gia, nguồn gốc của mối quan hệ căng thẳng Mỹ - Iran xuất phát từ cuộc đảo chính năm 1953 nhằm lật đổ ông Mohammad Mossadegh, Thủ tướng Iran được bầu hợp pháp.
Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) lên kế hoạch hậu thuẫn đảo chính ở Iran vì ông Mossadegh muốn quốc hữu hóa ngành dầu mỏ mà các công ty Mỹ đã đổ tiền vào Iran.
Năm 2013, CIA xác nhận vai trò trong cuộc đảo chính, hậu thuẫn nhà độc tài Iran thân Mỹ Mohammad Reza Pahlavi - đối thủ của ông Mossadegh. Ông Pahlavi là quốc vương Iran từ năm 1941. Sau cuộc đảo chính, quyền lực được thâu tóm về tay nhà vua.
“Cuộc đảo chính là sự khởi đầu của một chuỗi bi kịch khiến Mỹ và các đồng minh ở Trung Đông ngày nay phải gánh chịu", cựu nhân viên CIA, Robert B Baer từng nói.
Trong hai thập kỷ sau đó, Mỹ và phương Tây duy trì quan hệ gần gũi và coi Iran như đồng minh. Nhưng sự phẫn nộ đối với chính quyền Iran thân Mỹ vẫn âm thầm sục sôi và dẫn đến đỉnh điểm là cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, Baer nói.
Cách mạng Hồi giáo năm 1979
Cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 đã làm thay đổi hoàn toàn Iran cũng như tình hình khu vực Trung Đông.
Cuộc Cách mạng Hồi giáo nổ ra năm 197 9 đã làm thay đổi hoàn toàn Iran và cả khu vực Trung Đông. Chính quyền Pahlavi thân Mỹ bị lật đổ, thay bằng chính phủ thần quyền.
Ông Pahlavi bỏ trốn sang Ai Cập rồi sau đó được đưa sang Mỹ chữa bệnh ung thư. Washington nêu lý do tiếp nhận cựu quốc vương Iran là vì "mục đích nhân đạo", nhưng sự xuất hiện của Pahlavi ở Mỹ đã tạo nên một làn sóng chống Mỹ mạnh mẽ tại Iran.
Cuối năm 1979, các sinh viên Iran tràn vào đại sứ quán Mỹ ở Tehran, bắt giữ 52 nhà ngoại giao và công dân Mỹ trong 444 ngày.
Tháng 4/1980, Tổng thống Mỹ khi đó là Jimmy Carter tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Iran do cuộc khủng hoảng con tin. Quan hệ giữa hai nước đến nay vẫn chưa được khôi phục.
Năm 1980, chiến tranh Iran - Iraq bùng nổ. Mỹ âm thầm hỗ trợ Iraq với mục tiêu bằng mọi giá không để Iran giành chiến thắng. Cuộc chiến tranh kéo dài 8 năm và khiến hàng trăm ngàn người chết.
Các cuộc đụng độ gián tiếp
Kể từ năm 1980, Mỹ và Iran duy trì trạng thái đối đầu gián tiếp. Năm 1983, hơn 243 binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong một vụ tấn công tự sát nhằm vào căn cứ Mỹ ở Beirut, Liban. Không có bất cứ tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm, nhưng Mỹ khi đó nghi ngờ nhóm dân quân Hồi giáo Hezbollah - đồng minh của Iran. Mỹ đưa Iran vào danh sách các quốc gia "tài trợ khủng bố" vào năm 1984.
4 năm sau, hải quân Mỹ bắn rơi một máy bay dân sự Iran khiến toàn bộ 290 người thiệt mạng. Phía Mỹ thừa nhận sai lầm và cho rằng đây là "thảm kịch tồi tệ".
Với việc chiến tranh Iran - Iraq kết thúc năm 1988 mà Iran không đạt được mục tiêu quân sự, quan hệ Mỹ - Iran tạm thời rơi vào giai đoạn đóng băng trong những năm 1990.
Trong giai đoạn này, Mỹ chuyển hướng tập trung đối phó Iran sang cuộc chiến vùng Vịnh và sau đó là kiềm chế sự trỗi dậy của Taliban ở Afghanistan (năm 1994 -2001).
Năm 1998, ĐT Mỹ thi đấu với ĐT Iran trong khuôn khổ World Cup diễn ra ở Pháp. Hai đội đã có những cử chỉ thân thiện nhưng đội Mỹ chủ động bắt tay đội Iran, còn các cầu thủ Iran tặng hoa cho cầu thủ Mỹ. Chiến thắng 2-1 của ĐT Iran năm đó đã tạo nên một cơn địa chấn ăn mừng ở Tehran.
"Trục ma quỷ" và chương trình hạt nhân
Mỹ đạt thỏa thuận hạt nhân với Iran dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Năm 2001, sau vụ tấn công khủng bố ở Mỹ do al-Qaeda thực hiện, Tổng thống Mỹ khi đó là George W Bush đã mở chiến dịch truy quét khủng bố ở Afghanistan và Iraq - hai quốc gia láng giềng Iran.
Ông Bush giai đoạn này đưa Iran vào danh sách các quốc gia nằm trong "trục ma quỷ", bên cạnh Triều Tiên và Iraq.
Đầu những năm 2000, Mỹ phát hiện Iran bí mật phát triển chương trình hạt nhân. Vấn đề hạt nhân Iran trở thành trọng tâm căng thẳng mới trong quan hệ giữa hai nước.
Iran khẳng định nước này phát triển công nghệ hạt nhân nhằm mục đích hòa bình, nhưng Mỹ cho rằng Iran làm giàu uranium đến mức có thể chế tạo vũ khí hạt nhân.
Các lệnh trừng phạt Mỹ nhằm vào Iran vẫn được duy trì trong giai đoạn Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền năm 2009. Năm 2013, tân Tổng thống Iran Hassan Rouhani đắc cử. Ông Rouhani là người có đường lối trung hòa, thúc đấy việc ký kết thỏa thuận hạt nhân với Mỹ vào năm 2015. Theo thỏa thuận, Iran đồng ý cắt giảm chương trình hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ dỡ bỏ một phần cấm vận.
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền năm 2017, ông Trump cho rằng Mỹ gặp bất lợi khi ký thỏa thuận với Iran, vì Tehran vẫn được tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân.
Ông Trump sau đó rút Mỹ khỏi thỏa thuận ký với Iran và căng thẳng trong khu vực tiếp tục leo thang. Đầu năm 2020, Mỹ hạ sát tướng Iran Qassem Soleimani sau những căng thẳng liên quan đến nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn ở Iraq.
Iran đáp trả bằng cách phóng loạt tên lửa đạn đạo nhằm vào căn cứ có binh sĩ Mỹ đồn trú. Trong năm đó, một hệ thống phòng không ở thủ đô Tehran đã bắn nhầm một máy bay chở khách, khiến 176 người chết.
Mối quan hệ rơi vào bế tắc
Trận đấu giữa ĐT Mỹ và ĐT Iran sẽ diễn ra trên sân Al Thumama.
Sau khi lên nắm quyền năm 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định lập trường hồi sinh thỏa thuận hạt nhân với Iran. Tuy nhiên, sau nhiều vòng đàm phán, Mỹ và Iran vẫn còn tồn tại những bất đồng. Các vòng đàm phán đã tạm thời bị dừng lại vào đầu năm 2022.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và làn sóng biểu tình kéo dài trong nhiều tháng ở Iran đang làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Washington và Tehran.
Với bối cảnh như vậy, khó có khả năng trận đấu giữa ĐT Mỹ và Iran dễn ra vào rạng sáng ngày 30/11 sẽ làm thay đổi mối quan hệ phức tạp giữa hai quốc gia.
Nhưng một chiến thắng là điều không chỉ người hâm mộ, mà còn cả Iran và Mỹ đều rất mong đợi, theo đài Al Jazeera.
Trước trận đấu quan trọng diễn ra giữa đội tuyển Mỹ và đội tuyển Iran tại bảng B World Cup 2022, truyền thông phương Tây đã điểm lại những trận đấu mang đậm dấu ấn chính...
Nguồn: [Link nguồn]