Nhìn lại 1 năm thế giới gồng mình trước đại dịch COVID-19: Từ 1 đến hơn 100 triệu người nhiễm bệnh
2020 là một năm không ai muốn nhớ nhưng lại chẳng thể quên vì những thiệt hại nặng nề gây ra bởi đại dịch COVID-19.
Nhân viên y tế đưa thi thể bệnh nhân COVID ra khỏi Trung tâm y tế Wyckoff Heights tại thành phố New York, Mỹ. Ảnh: Reuters
Theo dữ liệu từ chính phủ Trung Quốc, ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trên thế giới được ghi nhận vào ngày 17/11/2019, được gọi là "bệnh nhân số 0", là một cư dân 55 tuổi ở tỉnh Hồ Bắc. Tuy nhiên, đến ngày 8/12 cùng năm, chính phủ nước này mới xác định ca dương tính đầu tiên với virus SARS-CoV-2.
Ngày 11/1/2020, Trung Quốc ghi nhận ca tử vong đầu tiên do virus SARS-CoV-2. Dịch bệnh bắt đầu bùng phát mạnh mẽ, Trung Quốc buộc phải phong tỏa toàn bộ thành phố Vũ Hán trong tình trạng nghiêm ngặt "nội bất xuất - ngoại bất nhập" vào ngày 23/1/2020, hàng nghìn y bác sĩ được huy động đến thành phố 11 triệu dân để hỗ trợ.
Trong khoảng thời gian này, dịch bệnh bắt đầu xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới. Mỹ ngày 20/1/2020 ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên là một người đàn ông 35 tuổi trở về từ Vũ Hán. Ngày 24/1/2020, ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở châu Âu được ghi nhận tại Pháp.
Ngày 30/1/2020, Tổ chức Y tế Thế giới WHO buộc phải công bố tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế.
Ngày 26/2/2020, trong khi Trung Quốc dần có những bước thành công đầu tiên trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh thì bên ngoài nước này, số ca nhiễm gia tăng chóng mặt với tâm dịch ở Italy và Iran.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Ảnh: Reuters
Ngày 11/3/2020, trong bối cảnh thế giới ghi nhận hơn 120 nghìn ca nhiễm tại hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm hơn 4.000 người tử vong, WHO chính thức tuyên bố COVID-19 là "đại dịch toàn cầu".
Ngày 13/3/2020, ông Donald Trump, khi đó vẫn còn là người đứng đầu nước Mỹ, chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia với dịch COVID-19.
Ngày 24/3/2020, Nhật Bản lần đầu tiên tuyên bố hoãn tổ chức Olympic Tokyo 2020 do ảnh hưởng COVID-19 và cho đến năm 2021, Thế vận hội vẫn chưa thể chắc chắn thời điểm diễn ra sự kiện.
Người dân vũ Hán đổ xuống đường chứng kiến khoảnh khắc chính thức dỡ bỏ phong tỏa sau 76 ngày. Ảnh: China News
Đúng 0h ngày 8/4/2020, thành phố Vũ Hán chính thức gỡ bỏ lệnh phong tỏa, đánh dấu cột mốc quan trọng trong chiến dịch phòng chống đại dịch COVID-19 tại Trung Quốc.
Ngày 28/6/2020, thế giới chạm mốc 10 triệu ca nhiễm và 500.000 ca tử vong do COVID-19.
Một người dân Nga tiếp nhận tiêm chủng vaccine Sputnik V. Ảnh: Getty
Ngày 11/8/2020, Tổng thống Vladimir Putin thông báo Nga trở thành quốc gia đầu tiên đăng ký vaccine ngừa COVID-19, có tên Sputnik-V.
Ngày 2/10/2020, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump dương tính với virus SARS-CoV-2. Cũng trong tháng này, Mỹ bước vào làn sóng bùng phát COVID-19 thứ 3.
Hình ảnh cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump lên trực thăng đến bệnh viện để điều trị COVID-19. Ảnh: AP
Ngày 8/11/2020, số ca nhiễm COVID-19 toàn cầu vượt mốc 50 triệu người.
Ngày 2/12/2020, Anh trở thành quốc gia đầu tiên lưu hành vaccine COVID-19 do Pfizer-BioNTech sản xuất.
Ngày 19/12/2020, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã phải phong tỏa Thủ đô London ngay trước thềm Giáng sinh do biến thể mới của virus SARS-CoV-2, được cho là có khả năng lây lan cao hơn các biến thể trước đó 70%.
2020 là một năm đầy biến động với thế giới do đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa
Ngày 26/1/2021, số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới vượt mốc 100 triệu người, trong đó có hơn 2,1 triệu trường hợp tử vong.
Cơ quan Tình báo Israel (Mossad) đã đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến đối phó với dịch Covid-19 ở nước...
Nguồn: [Link nguồn]