Nhiều nước rục rịch lo viễn cảnh ông Trump quay lại Nhà Trắng
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đến tháng 11 mới diễn ra nhưng lúc này nhiều nước đã có động thái ứng phó viễn cảnh ông Trump quay lại Nhà Trắng.
Viễn cảnh cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế, và nhiều nước đang gấp rút chuẩn bị ứng phó khả năng này.
Nước nào thích, không thích ông Trump quay lại?
Một nguồn tin thân cận với Điện Kremlin tiết lộ với hãng tin Bloomberg rằng trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine ngày càng leo thang, kết quả bầu cử tổng thống Mỹ là sự kiện vô cùng quan trọng đối với Nga.
Theo nguồn tin, Moscow kỳ vọng ông Trump sẽ tái đắc cử tổng thống Mỹ, vì họ tin rằng ông Trump có thể giúp chấm dứt xung đột Nga-Ukraine, cũng như đưa quan hệ Nga-Mỹ khởi sắc.
Tại Israel, theo kết quả khảo sát của tờ Times of Israel công bố vào cuối năm 2023, 40% người dân Israel ủng hộ cựu Tổng thống Trump tái đắc cử, trong khi đó chỉ có 26,6% ủng hộ đương kim Tổng thống Joe Biden.
Cuộc xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) đang thu hút sự chú ý của dư luận Mỹ. Đảng Cộng hòa và các ứng viên tổng thống của đảng này đều tuyên bố ủng hộ Israel, trong khi đó đảng Dân chủ có vẻ bị chia rẽ trong vấn đề này. Theo đài CNBC, chính quyền Tổng thống Biden đang tìm cách dung hòa giữa hai lập trường vừa ủng hộ Israel, vừa gây áp lực buộc Tel Aviv đảm bảo an toàn cho dân thường ở Gaza.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn tại TP Montreal (tỉnh Quebec, Canada) hồi đầu tháng 1, Thủ tướng Canada - ông Justin Trudeau cho biết nếu ông Trump quay lại Nhà Trắng, khả năng cao đây sẽ là một bước thụt lùi cho quan hệ Canada-Mỹ, vì lập trường cứng rắn của ông Trump sẽ khiến việc hợp tác giữa 2 nước thêm khó khăn, theo Bloomberg.
“Cựu Tổng thống Trump đã có chiến thắng lần đầu tiên vào năm 2016 trong một cuộc đua gay cấn. Cá nhân tôi cũng có những quan điểm không đồng tình với ông Trump về khí hậu, thương mại và nhập cư. Ví dụ, ông Trump đã không làm gì để đầu tư vào môi trường trong suốt 4 năm đương nhiệm, thậm chí còn rút Mỹ khỏi một số hiệp ước bảo vệ môi trường của thế giới” - ông Trudeau nói.
Ông Donald Trump (bên trái) - khi ấy là Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong một cuộc gặp hồi cuối năm 2018. Ảnh: AP
Tại châu Âu, một quan chức Liên minh châu Âu (EU) giấu tên nói với đài CNN rằng: “Khả năng ông Trump quay lại Nhà Trắng là nỗi trăn trở đối với các nước châu Âu”.
Quan chức này chỉ ra rằng trong nhiệm kỳ tổng thống của mình ông Trump đã thực hiện nhiều chính sách ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu. Trong số này bao gồm khởi xướng xung đột thương mại với EU trong việc xuất khẩu thép, nhôm, thẳng thắn chỉ trích các nước châu Âu vì không đóng góp đủ cho ngân sách chung cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
"Chúng tôi nhận ra rằng không phải lúc nào ông Trump cũng hành động vì lợi ích của các đối tác truyền thống, đặc biệt nếu điều đó đi ngược lại lợi ích của Mỹ” - quan chức EU nhận định.
Mới đây, Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ - nghiên cứu về kinh tế Mỹ và quốc tế) - ông Adam Posen đánh giá rằng với lập trường cứng rắn trong quan hệ thương mại với Trung Quốc (TQ), ông Trump dường như nhận được rất ít sự ủng hộ từ quốc gia này.
Theo ông Posen, ông Trump đã phát động “cuộc chiến thương mại”, áp các biện pháp trừng phạt và giữ quan điểm cứng rắn đối với TQ trong 4 năm đương nhiệm. Điều này khiến Bắc Kinh không muốn ông Trump quay lại Nhà Trắng.
Các nước chuẩn bị gì?
Theo Bloomberg, các nhà ngoại giao nước ngoài ở Mỹ đang tích cực tìm gặp các cựu quan chức và những người thân cận với ông Trump để tìm hiểu chủ trương đối ngoại của ông. Một số nước còn rục rịch chuẩn bị cho khả năng ông Trump quay lại Nhà Trắng.
Các nước châu Âu thường bị ông Trump phàn nàn vì ít chi tiêu cho quốc phòng. Theo đó, để chuẩn bị cho khả năng ông Trump quay lại Nhà Trắng, đầu tháng 12-2023, Thụy Điển, Phần Lan và Đan Mạch đồng loạt ký thoả thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ.
Đức cũng chi nhiều hơn cho quốc phòng, gồm tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, triển khai binh sĩ tới vùng Baltic và chủ động thiết lập quan hệ đối tác với các nước chuyên sản xuất khí tài quân sự.
Hai nước láng giềng của Mỹ là Canada và Mexico xem thỏa thuận thương mại giữa ba nước - Hiệp định Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) - là vấn đề đặc biệt quan trọng. Điều này là vì cộng đồng doanh nghiệp ở Mexico và Canada xem NAFTA là một thỏa thuận mang tính sống còn với thương mại của họ. Theo Bloomberg, thỏa thuận này sẽ được các bên rà soát lại vào năm 2026.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử ở bang New Hampshire (Mỹ) hôm 22-1. Ảnh: CNN
Các nguồn tin của Bloomberg cho biết trong thời gian qua, các quan chức và lãnh đạo 2 nước trên đã tích cực tăng cường quan hệ với ông Trump và những người thân cận của ông để chắc chắn rằng nếu cựu tổng thống quay lại Nhà Trắng, NAFTA vẫn được duy trì.
Giới quan sát cho rằng ông Trump có quan hệ nồng ấm với các nước vùng Vịnh như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), nên các nước này hầu như không cần lo lắng hay chuẩn bị gì trước khả năng ông Trump tái đắc cử.
Đối với TQ, dù ông Trump tái đắc cử hay không cũng không tạo ra nhiều thay đổi cho quan hệ Mỹ-Trung, vì chính sách của Washington đối với Bắc Kinh trong nhiều năm qua vẫn như cũ.
Ông Vương Nghi Vỹ - Giám đốc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế tại ĐH Nhân dân TQ cho rằng thuế quan của Mỹ đối với TQ vẫn chưa được dỡ bỏ. Ông Vương cũng nhận định mặc dù quan hệ Mỹ-Trung có những tiến triển sau cuộc gặp giữa Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và Tổng thống Biden vào cuối năm ngoái tại TP San Francisco (Mỹ), nhưng đến vẫn chưa có nhiều thay đổi.
Chuẩn bị cho cuộc bầu cử Mỹ 2024, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống đương nhiệm Joe Biden có chiến lược rõ ràng, hành động cụ thể cho màn tái đấu.
Nguồn: [Link nguồn]