Nhiều nước hành động khẩn để tránh các công ty "rơi vào tay" Trung Quốc
Từ Mỹ, Ấn Độ, châu Âu đến Úc, chính phủ nhiều nước đang cố gắng dựng rào cản để bảo vệ các doanh nghiệp hoạt động ở những lĩnh vực quan trọng không bị Trung Quốc thâu tóm với “giá bèo”, trong bối ảnh dịch Covid-19 lây lan khiến nhiều công ty rơi vào nợ nần.
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, dịch bệnh sẽ khiến thế giới thiệt hại khoảng 2.000 tỷ USD do suy thoái kinh tế.
Hàng nghìn tỷ USD là giá trị của các công ty trên khắp thế giới đã bị “xóa sổ”. Tại Mỹ, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm 18%.
Boeing và Airbus, 2 gã khổng lồ sản xuất máy bay của Mỹ và châu Âu, đã mất gần 60% giá trị kể từ giữa tháng 2. Cổ phiếu công ty khai thác dầu khí ENI của Italy và công ty khai khoáng lớn nhất Australia - BHP Group, cũng giảm 40% hoặc hơn, kể từ tháng 1.
Khi giá trị của các công ty hàng không vũ trụ hoặc năng lượng sụt giảm như hiện nay, chính phủ nhiều nước lo lắng rằng, điều này sẽ tạo ra cơ hội cho Trung Quốc mua lại. Nhiều biện pháp bảo vệ như siết chặt vốn đầu tư nước ngoài, cân nhắc mua lại cổ phần của những công ty quan trọng đã được đưa ra.
Bà Margrethe Vestager, Cao ủy phụ trách cạnh tranh của Liên minh Châu Âu EU (ảnh: SCMP)
Margrethe Vestager – Cao ủy phụ trách lĩnh vực cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU), cho rằng, đã đến lúc các nước EU nên cân nhắc việc mua lại cổ phần của một số công ty quan trọng để ngăn chặn mối đe dọa thâu tóm của Trung Quốc.
“Chúng tôi không có vấn đề gì về việc các quốc gia “nhúng tay” vào thị trường khi muốn ngăn chặn nguy cơ nhiều công ty bị thâu tóm”, bà Margrethe Vestager phát biểu.
Rod Hunter – luật sư của công ty chuyên tư vấn đầu tư nước ngoài Baker McKenzie (Mỹ), cho rằng, chính phủ các nước không muốn đối thủ lợi dụng cơ hội trong bối cảnh thị trường biến động để chiếm quyền kiểm soát các công ty thiết yếu.
“Tác động của dịch bệnh đang làm lộ ra những khu vực dễ bị tổn thương khi kinh tế thế giới suy thoái. Việc nhận ra điểm yếu giúp các chính phủ đánh giá lại mảng đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc”, ông Rod Hunter nhận xét.
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng thể hiện tham vọng về lĩnh vực quân sự và công nghệ, việc tiếp nhận vốn đầu tư của Bắc Kinh vào những lĩnh vực quan trọng đã trở thành vấn đề nhạy cảm với các nước phương Tây.
Dịch Covid-19 là “lời cảnh tỉnh” đối với một số nước khi họ nhận ra đất nước của mình đã phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều đến mức nào, từ những vật tư y tế nhỏ nhưng thiết yếu như khẩu trang, thuốc men đến những khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD.
Dịch Covid-19 khiến nhiều nước nhận ra tác động tiêu cực của việc quá phụ thuộc vào Trung Quốc (ảnh: Reuters)
Các nhà hoạch định chính sách châu Âu cho rằng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong bối cảnh Covid-19 lây lan đã khẳng định tầm quan trọng của việc thiết lập một nền sản xuất mạnh mẽ trong nước.
Hôm 25.3, Ủy ban châu Âu đã ban hành hướng dẫn đánh giá đầu tư nước ngoài mới cho các nước thành viên một cách chặt chẽ hơn. Quy định mới yêu cầu một số nước như Hy Lạp, Bỉ, trước đây vốn không có quy trình đánh giá đầu tư, giờ phải siết chặt hơn cơ chế sàng lọc.
“Những công ty chiến lược rất quan trọng đối với an ninh châu Âu và là xương sống đối với nền kinh tế cũng như khả năng phục hồi sau đại dịch”, Ủy ban châu Âu cho hay.
Úc cũng học hỏi châu Âu bằng cách quy định việc đầu tư hoặc mua lại các công ty bằng vốn nước ngoài phải trải qua quy trình đánh giá.
“Khả năng cao là sẽ có nhiều giao dịch mua bán hoặc đầu tư thêm vốn trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh nợ nần. Nếu không có thêm những quy định, nhiều công ty lẽ ra có thể trụ được tại Úc sẽ bị bán cho nước ngoài mà không có sự giám sát”, chính phủ Úc cho biết.
Châu Âu đang nâng cao cảnh giác trước nguy cơ một số công ty quan trọng bị mua lại bởi đối thủ (ảnh: SCMP)
Ấn Độ hôm 17.4 cũng sửa đổi quy định siết chặt việc nhận vốn đầu tư nước ngoài. Đáng nói, quy định này chỉ áp dụng với những quốc gia có chung đường biên giới đất liền với Ấn Độ.
“Động thái này rõ ràng nhắm vào Trung Quốc. Cách tiếp cận của Bắc Kinh đang khiến Ấn Độ cảm thấy không yên tâm về chiến lược phát triển kinh tế. Sau cuộc khủng hoảng Covid-19, nhu cầu phát triển và đa dạng hóa nền sản xuất trong nước của Ấn Độ sẽ càng được đẩy mạnh”, nhóm nghiên cứu kinh tế tại Viện Brookings (Mỹ), nhận định.
Phát ngôn viên của đại sứ quán Trung Quốc tại New Delhi (Ấn Độ) đã bày tỏ sự không hài lòng đối với quy định nói trên của Ấn Độ. Phía Trung Quốc cho rằng, Ấn Độ không bảo đảm bảo tự do công bằng trong đầu tư kinh doanh và vi phạm nguyên tắc chống phân biệt đối xử của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
“Tác động do quy định của Ấn Độ gây ra đối với các nhà đầu tư Trung Quốc là rất rõ”, phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc tại New Delhi tuyên bố.
Mỹ đang chịu ảnh hưởng nặng về kinh tế do tác động của dịch Covid-19 (ảnh: NY Times)
Một số chuyên gia cho rằng, mặc dù đã chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19, nhưng những biện pháp kiểm soát dịch bệnh có phần hà khắc sẽ giúp kinh tế Trung Quốc hồi phục nhanh hơn phương Tây. Điều này mang đến cơ hội thâu tóm những doanh nghiệp mang tính chiến lược cho Bắc Kinh.
“Trung Quốc có thể là một trong những nước hồi phục kinh tế nhanh nhất. Tình hình tài chính của họ đang dần ổn định lại”, John Lash, chuyên gia tại công ty tư vấn đầu tư Control Risks (Mỹ), nhận xét.
Tham vọng thống trị lĩnh vực công nghệ thông tin của Trung Quốc là không hề thay đổi. Reuters cho biết, Trung Quốc đang chuẩn bị một kế hoạch phân phối các thiết bị công nghệ, viễn thông, trí tuệ nhân tạo của nước này ra toàn cầu.
“Trong cuộc khủng hoảng này, việc một số doanh nghiệp công nghệ quốc phòng có thể bị tổn thương do các đối thủ nước ngoài là rất đáng lưu tâm”, Ellen Lord, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách giám sát các khoản đầu tư nước ngoài, phát biểu hồi đầu tháng 3.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần khoe rằng, mình được thừa hưởng trí thông minh từ người cha thành đạt và...
Nguồn: [Link nguồn]