Nhiều nước châu Á muốn ông Trump tái đắc cử?

Đồng minh, đối tác của Mỹ ở châu Á đánh giá ứng viên Joe Biden có thể sẽ có lập trường thân thiện hơn với Bắc Kinh, gây suy yếu ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này.

Trong một bài viết mới đây cho tạp chí Foreign Policy, PGS James Crabtree thuộc ĐH Quốc gia Singapore nhận định so với Tổng thống Mỹ Donald Trump, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đang gặp phải một số vấn đề nhất định trong vạch ra đối sách về Trung Quốc (TQ) cho nhiệm kỳ của ông nếu đắc cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Điều này khiến một số đồng minh và đối tác châu Á của Washington lo ngại một chiến thắng của ông Biden sẽ là hồi kết cho lập trường cứng rắn với Bắc Kinh mà ông Trump đang theo đuổi, nhường chỗ cho một nước Mỹ mới mềm yếu hơn.

Trung Quốc không phải là ưu tiên của ông Biden?

Trong diễn văn tiếp nhận đề cử tại kỳ đại hội toàn quốc đảng Dân chủ hồi tháng 8, ông Biden cho biết một số ưu tiên hàng đầu khi trở thành tổng thống là giải quyết dứt điểm đại dịch COVID-19, hòa giải mâu thuẫn sắc tộc và đảo ngược các chính sách kinh tế được cho là làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong xã hội Mỹ của ông Trump. Có thể thấy ông không đả động gì tới các vấn đề TQ cũng như đường lối đối ngoại về tổng thể của ông sẽ ra sao. Không có thông tin chính thức, các nước châu Á buộc phải sử dụng những dữ liệu sẵn có để dự đoán một kịch bản khả dĩ nhất và hầu hết các dự đoán này đều vẽ ra một bức tranh khá tiêu cực.

Đơn cử, theo cựu quan chức ngoại giao Singapore Bilahari Kausikan, hiện ứng viên hàng đầu cho vị trí ngoại trưởng hoặc bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền ông Joe Biden là cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc dưới thời Tổng thống Barack Obama - bà Susan Rice. Trước đó, ông Biden cũng từng có ý định chọn bà làm liên danh tranh cử nhưng sau đó lại đổi sang thượng nghị sĩ Kamala Harris - nhiều khả năng là do muốn tranh thủ năng lực giải quyết các vấn đề đối nội của nhân vật này.

Nhận xét về bà Rice, ông Kausikan thẳng thừng đánh giá bà là “một thảm họa” cho chính sách của Mỹ về TQ vì có lập trường quá “nhu nhược”. “Bà Susan Rice là một trong những quan chức ở Washington kêu gọi Mỹ nên từ bỏ cạnh tranh ở TQ để giải quyết những việc cấp bách hơn như biến đổi khí hậu. Quan điểm này quả thực cho thấy bà thiếu hiểu biết trầm trọng về bản chất của trật tự quốc tế hiện này. Ông Biden mà chiến thắng thì chúng ta sẽ lại quay sang nuối tiếc tầm nhìn của ông Donald Trump mất thôi” - ông Bilahari Kausikan tuyên bố.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) tiếp đón cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) trong chuyến thăm Bắc Kinh của ông hồi tháng 8-2018. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) tiếp đón cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) trong chuyến thăm Bắc Kinh của ông hồi tháng 8-2018. Ảnh: Reuters

Nhiều nước châu Á không tin tưởng ông Biden

Ngoài Singapore, đồng minh Đông Á chiến lược của Mỹ là Nhật cũng hết sức quan ngại về sách lược TQ vẫn còn quá mơ hồ của ứng viên Joe Biden, trong khi ngày bầu cử chỉ còn hơn một tháng nữa. Trong một bài viết trên tạp chí The National Interest hồi tháng 4 với tiêu đề “The Virtues of a Confrontational China Strategy” (tạm dịch: Những ưu điểm của chiến lược đối đầu với Trung Quốc), một quan chức Tokyo giấu tên cho rằng chính sách với TQ dưới thời Tổng thống Obama luôn ưu tiên bắt tay thỏa hiệp với TQ hơn là cạnh tranh để đảm bảo lợi ích quốc gia. Trong khi đó, chính sách của Tổng thống Trump dù không hoàn hảo nhưng hướng tiếp cận cứng rắn của ông với Bắc Kinh lại tốt hơn cho môi trường chính trị quốc tế về dài hạn cũng như được sự ủng hộ của các nước khác.

Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiếp tục cứng rắn với TQ và cách hiệu quả nhất vẫn là xây dựng một liên minh thống nhất gồm đối tác, đồng minh của Mỹ để chống lại các hành vi phạm pháp của Bắc Kinh.

Cựu thứ trưởng Ngoại giao Mỹ ANTONY BLINKEN 

“Liệu chúng ta có muốn quay lại thời điểm trước khi ông Trump là tổng thống hay không? Với Tokyo thì câu trả lời có lẽ là không bởi chiến lược về cơ bản là đúng đắn nhưng chưa được thực hiện hiệu quả, dưới thời Tổng thống Trump lại tốt hơn so với chính sách mơ hồ nhưng được thực hiện rầm rộ dưới thời Tổng thống Obama” - bài viết nêu rõ.

PGS James Crabtree cho rằng trên thực tế thì tác giả giấu tên của bài báo trên cũng chỉ đại diện cho một luồng ý kiến trong giới lãnh đạo Tokyo. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là việc công khai được một bài viết như vậy gần như chắc chắn phải nhận được sự ủng hộ từ phía Bộ Ngoại giao Nhật cùng nhiều quan chức cấp cao khác.

Một cường quốc châu Á khác cũng ít nhiều đánh giá cao cách chính quyền Tổng thống Donald Trump xử lý hiệu quả vấn đề TQ là Ấn Độ. Phát biểu hồi tháng 11-2019, Ngoại trưởng nước này Subrahmanyam Jaishankar khẳng định giới truyền thông “vì có hiềm khích với ông Trump” nên mới liên tục công kích chính sách đối ngoại của nhà lãnh đạo này. Tuy nhiên, nhìn lại tổng thể thì Mỹ trong nhiều năm gần đây mới xuất hiện một tổng thống đưa ra được các động thái “quyết đoán và mạnh mẽ như vậy”.

Mặt khác, trong bối cảnh quan hệ Ấn - Trung ngày càng xuống cấp do các tranh chấp lãnh thổ ở biên giới, New Delhi càng lo ngại việc ông Biden trở thành tổng thống sẽ làm phức tạp vị thế chiến lược của Ấn Độ. Do cựu phó tổng thống Mỹ không muốn đối đầu TQ nhưng lại có thể đảo ngược lập trường hòa hoãn với Nga của ông Trump vì cho rằng Nga đang lợi dụng việc Mỹ quá tập trung vào TQ để gây sức ép với các đồng minh của nước này ở châu Âu. Moscow lâu nay có vai trò tích cực trong thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa Ấn Độ và TQ cũng như nhiều lần tỏ ý muốn nâng tầm quan hệ và hỗ trợ New Delhi thành đối trọng của Bắc Kinh ở Nam Á.

“Căng thẳng mới trong quan hệ Nga - Mỹ kết hợp với lập trường thân thiện với Bắc Kinh dưới thời ông Biden sẽ khiến việc cân bằng quan hệ với các nước lớn của Ấn Độ trở nên phức tạp hơn” - chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại Raja Mohan bình luận.

Trung Quốc cảnh báo Mỹ ngừng can thiệp nội bộ nước khác

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 11-9 (giờ địa phương) với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại thủ đô Moscow, Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị cho biết nước này yêu cầu Mỹ dừng ngay mọi hành vi can thiệp vào nội bộ nước khác, đặc biệt là TQ.

“Quốc hội Mỹ thường xuyên ban bố nhiều dự luật khác nhau liên quan đến vấn đề nội bộ của TQ trong khi Quốc hội chúng tôi không bao giờ hành xử như vậy. Nước Mỹ đã đi quá trớn và vung tay quá cao. Họ nên giải quyết vấn đề nội bộ trước, tuân thủ các quy tắc trong quan hệ quốc tế và ngừng can thiệp vào chuyện của nước khác” - tờ South China Morning Post dẫn lời ông Vương Nghị khẳng định.

Đáng chú ý, tuyên bố trên của ông Vương Nghị đưa ra chỉ một ngày sau khi Tập đoàn Microsoft (Mỹ) cáo buộc tin tặc TQ, Nga và Iran tấn công mạng nhằm vào những cá nhân liên quan đến chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng viên Joe Biden. 

Cháu trùm khủng bố Osama bin Laden nói điều bất ngờ về ông Trump và bầu cử Mỹ 2020

Cháu trùm khủng bố Osama bin Laden bất ngờ bày tỏ sự ủng hộ và mong ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ 2020, nếu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Bầu cử Tổng thống Mỹ 11/2020 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN