Nhiều dự án "Vành đai Con đường" của Trung Quốc đang "gặp hạn"
Khoảng 15 dự án thuộc sáng kiến "Vành đai Con đường" (BRI) của Trung Quốc trị giá hơn 2,4 tỷ USD đã gặp rắc rối trong năm 2020, theo báo cáo của một nhóm nghiên cứu.
Đập Kunzvi ở Zimbabwe là một trong số 15 dự án thuộc sáng kiến "Vành đai Con đường" của Trung Quốc gặp khó khăn trong năm 2020. Ảnh: Handout
Viện Phát triển Nước ngoài (ODI), có trụ sở tại London, Anh, cho biết, tổng số dự án bị ảnh hưởng thuộc BRI có thể còn cao hơn, và một số trong đó vẫn chưa xác định được thiệt hại cụ thể. Nhưng không phải tất cả dự án bị chậm tiến độ của BRI đều do đại dịch Covid-19 gây ra.
Theo báo cáo của ODI, Tập đoàn Bảo hiểm tín dụng & Xuất khẩu Trung Quốc (Sinosure) và Tập đoàn xây dựng & kỹ thuật thủy điện (Sinohydro) cùng liên doanh đầu tư vào dự án đập Kunzvi ở Zimbabwe. Tuy nhiên, Sinosure tỏ ra rất "thất vọng" với việc Zimbabwe không thanh toán khoản phí cam kết 10 triệu USD cho dự án đập Kunzvi, theo đúng điều khoản hợp đồng đã ký với Sinohydro. Ngoài ra, báo cáo của ODI còn cho thấy, Zimbabwe vẫn nợ Sinosure một khoản tiền đáng kể.
Trong quá trình theo dõi các dự án thuộc BRI trong giai đoạn tháng 1 tới tháng 11 năm ngoái, ODI phát hiện một số dự án "bị chậm tiến độ do đại dịch Covid-19. Các nước như Myanmar hay Nigeria đóng cửa biên giới để kiểm soát dịch bệnh.
Ngoài ra, một số dự án khác cũng "gặp hạn" vì không thể huy động được vốn và hỗ trợ cần thiết. Dự án "gặp hạn" là dự án bị hủy bỏ, trì hoãn, bị chặn, tạm dừng hoặc bị thu hồi.
Rebecca Nadin, giám đốc phụ trách rủi ro toàn cầu và khả năng phục hồi của ODI, cho biết, một số dự án cấp cao thuộc BRI ở Tanzania và Nigeria đã bị đình trệ hoặc hủy bỏ vì những lý do truyền thống gây ra rủi ro chính trị như tham nhũng hay bất ổn, hơn là vì đại dịch Covid-19.
"Các rủi ro chính trị liên quan đến các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn cũng là rủi ro cho các nhà đầu tư Trung Quốc", Rebecca nói.
Báo cáo của ODI cũng phát hiện một số dự án thuộc BRI bị chặn vì liên quan tới an ninh quốc gia hoặc vấn đề địa chính trị ở một số nước có quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh như Ấn Độ, Úc, Romania...
Công ty tàu biển China Merchants Port mua lại các bến tàu ở Ấn Độ thông qua liên doanh với công ty vận tải biển CMA CGM của Pháp nhưng bị giới chức New Delhi ngăn cản.
"Nhiều người cho rằng, lý do của việc này là do sự chậm chạp của bộ máy hành chính địa phương trong bối cảnh đại dịch, nhưng động thái này cũng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở biên giới hai nước", ODI nhận định.
Một số dự án thuộc BRI bị tạm dừng, không gia hạn hoặc chấm dứt hoạt động do không đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường như đã thỏa thuận trong hợp đồng. Một dự án bị hủy bỏ do các cuộc biểu tình của người dân ở Kyrgyzstan, nơi có quan niệm tiêu cực về Trung Quốc và các khoản đầu tư tới từ Bắc Kinh, theo ODI.
Tại Úc, Ủy ban Đánh giá Đầu tư nước ngoài đã chặn một khoản đầu tư từ công ty con ở Úc của Tập đoàn Gang thép Baotou (Trung Quốc) - động thái được cho là để "bảo vệ lợi ích quốc gia".
Về việc liệu các dự án bị đình trệ có tiếp tục hoạt động hay không, Yue Cao, nhà nghiên cứu về rủi ro toàn cầu và phục hồi, thuộc ODI, nhận định, đại dịch sẽ làm tăng chi phí cho các dự án vì các hạn chế đi lại và tiến độ bị trì hoãn.
Ông Yue còn cho biết, Bộ Thương mại Trung Quốc cùng Ngân hàng phát triển nước này, đã có các chính sách đặc biệt để hỗ trợ các dự án thuộc BRI cũng như các công ty Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài. "Căn cứ vào những điều này, chúng tôi nghĩ, các dự án bị đình trệ sẽ tiếp tục hoạt động", nhà nghiên cứu của ODI nói.
Tuy nhiên, ông Yue cho rằng đại dịch Covid-19 sẽ gián tiếp làm tăng rủi ro cho các dự án thuộc BRI trong giai đoạn phát triển ban đầu, do điều kiện kinh tế vĩ mô ở các nước nhận đầu tư đang xấu đi.
"Nếu xét theo kịch bản này, các dự án bị đình trệ có thể sẽ không tiếp tục", ông Yue nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Trung Quốc vẫn muốn tiếp tục những dự án thuộc Vành đai Con đường bất chấp dịch Covid-19 đang hoành hành. Tuy nhiên, các...