Nhiều diễn biến lạc quan trong tình hình COVID-19 toàn cầu
Hãng tin AP ngày 22-9 dẫn báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận trên toàn cầu trong tuần qua (từ ngày 13 đến 19-9) khoảng 3,6 triệu ca, thấp hơn 400.000 ca so với mốc 4 triệu ca ghi nhận vào tuần trước đó (từ ngày 6 đến 12-9).
Mức giảm này đánh dấu lần đầu tiên số ca nhiễm giảm đáng kể trong hai tháng qua.
Đà giảm diễn ra ở toàn bộ các khu vực trên thế giới. Báo cáo ghi nhận hai khu vực giảm mạnh tuần trước là Trung Đông (giảm 22%) và Đông Nam Á (giảm 16%). Phần lớn ca nhiễm mới trong tuần qua xảy ra nhiều nhất ở Mỹ, Ấn Độ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Philippines. Biến thể Delta đã xuất hiện trên 185 nước và vùng lãnh thổ.
Người dân Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh kiểm tra mã sức khỏe trước khi lên tàu điện hồi tháng 8. Ảnh: AP
Về số ca tử vong, thế giới tuần qua ghi nhận dưới 60.000 ca, giảm 7% so với tuần trước đó. Tính riêng trong khu vực Đông Nam Á thì mức giảm là 30%, trong khi khu vực Tây Thái Bình Dương số ca tử vong tăng 7%.
Trong bối cảnh này, lãnh đạo hai nước Mỹ và Trung Quốc (TQ) đã đồng loạt cam kết sẽ tăng viện trợ vaccine cho các nước đang phát triển.
Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 21-9, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ vừa chi 15 tỉ USD để mua và viện trợ 160 triệu liều vaccine cho hơn 100 nước. Washington trong thời gian tới sẽ mua thêm 500 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech để viện trợ cho các nước thông qua cơ chế COVAX của WHO.
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình khi phát biểu trước Đại hội đồng LHQ cùng ngày đã cam kết sẽ hoàn thành mục tiêu cung cấp cho thế giới 2 tỉ liều vaccine trong năm 2021. Theo tờ South China Morning Post, hiện TQ đã viện trợ cho quốc tế 1 tỉ liều và còn khoảng ba tháng để viện trợ nốt 1 tỉ liều còn lại.
Liên quan đến vấn đề vaccine, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa cho biết nước này sẽ nối lại hoạt động sản xuất và xuất khẩu vaccine trên toàn cầu sau nhiều tháng đình trệ vì dịch bùng phát nghiêm trọng, theo tờ The Nikkei. Đây là một dấu hiệu tích cực bởi Ấn Độ là nước sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Trước khi ngừng xuất khẩu, nước này đã cung cấp khoảng 66,4 triệu liều vaccine, chủ yếu là Covishield (một phiên bản của vaccine AstraZeneca) và Covaxin, cho hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Giáo sư Dame Sarah Gilbert, "mẹ đẻ" của vắc xin AstraZeneca, cho rằng, virus SARS-CoV-2 sẽ dần suy yếu theo thời gian và...
Nguồn: [Link nguồn]