Nhiễm, nhập viện, chết báo động: Mỹ tính lại chiến lược chống dịch
Mỹ đang tính lại chiến lược chống dịch cho phù hợp với thực tế biến thể Omicron chiếm hơn 98% ca nhiễm trong làn sóng dịch khủng khiếp hiện tại.
Đài CNN ngày 12-1 dẫn số liệu ĐH Johns Hopkins (Mỹ) cho biết kể từ đầu tháng 1 đến nay Mỹ ghi nhận số ca nhiễm trung bình một ngày lên tới hơn 750.000, với hôm 10-1 ghi nhận mức kỷ lục 1,35 triệu, vượt qua kỷ lục trước đó là 1 triệu ca nhiễm trong ngày 1-1. 98,3% số ca nhiễm này là do biến thể Omicron gây ra. Số ca nhiễm trung bình hiện nay ở Mỹ cao gấp ba lần mức đỉnh của đợt dịch hồi tháng 1 năm ngoái (khoảng 252.000 vào ngày 11-1) và gấp 4,5 lần mức đỉnh của làn sóng biến thể Delta hồi giữa năm 2021 (khoảng 166.000 ca vào ngày 1-9).
Một nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân ở phòng chăm sóc tích cực ở thành phố Worcester, bang Massachusetts, Mỹ. Ảnh: Getty
Y tế, giáo dục, giao thông, vệ sinh… căng thẳng
Về số ca nhập viện, ĐH John Hopkins cho biết trong ngày 12-1 có gần 146.000 ca - cao hơn mức đỉnh của tháng 1 năm ngoái là hơn 142.000 ca/ngày.
Số ca tử vong cũng báo động với trung bình hơn 1.600 ca/ngày được ghi nhận trong tuần qua, tăng 33% so với tuần trước đó, tuy nhiên chỉ bằng khoảng một nửa số ca tử vong/ngày thời điểm này năm ngoái.
Nhiễm, nhập viện quá nhiều khiến Mỹ gặp khó nhiều mặt: bệnh viện, trường học, giao thông, cơ quan, công ty… chủ yếu không có người làm do quá nhiều nhân viên nhiễm phải cách ly.
Nhiều lãnh đạo bệnh viện than thở họ đứng trước tình hình nan giải là nhân viên y tế bị nhiễm COVID-19 phải nghỉ cách ly ở nhà quá nhiều khiến không còn người làm việc. Ông Anand Swaminathan, một bác sĩ cấp cứu ở bang New Jersey, chia sẻ rằng bệnh viện ông “mất 20%-25% số nhân lực do họ bị nhiễm COVID-19, phải ở nhà cách ly”.
Hầu hết bệnh viện đều quá tải. Một bệnh viện ở TP Fort Lauderdale thuộc bang Florida buộc phải đóng khoa phụ sản do thiếu nhân sự, tờ The Hill cho biết. Còn ở TP Atlanta thuộc bang Georgia, sáu hệ thống bệnh viện lớn ghi nhận số ca COVID-19 nhập viện tăng 100%-200%. Trung tâm y tế thuộc ĐH Maryland ngày 9-1 cho biết phải kích hoạt quy trình khẩn cấp do sự gia tăng mạnh số ca nhiễm làm quá tải các khoa cấp cứu trong khi nhân lực tại chỗ bị kéo căng quá sức, theo CNN. Số liệu từ Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ còn cho biết tỉ lệ trưng dụng số giường chăm sóc đặc biệt (ICU) ở Mỹ vào cuối tuần trước là 78%.
Các trường học gặp khó vì bên cạnh giáo viên bị nhiễm phải nghỉ thì có một lượng lớn học sinh cũng không thể đi học do bị nhiễm. Hiện chỉ 1/6 trẻ 5-11 tuổi được tiêm đủ hai mũi vaccine, dù Mỹ đã cho phép tiêm.
Mảng vệ sinh công ích cũng nan giải vì thiếu nhân viên đi thu gom rác. Ở mảng giao thông, hệ thống giao thông công cộng nhiều bang phải thu hẹp hoạt động vì thiếu người. Ngành hàng không bị khủng hoảng nặng, hàng ngàn chuyến bay phải hủy cuối tuần rồi một phần do bão tuyết, một phần do nhân viên các hãng bị nhiễm phải cách ly.
Cần thay đổi về mặt chiến lược chống dịch
Về tình trạng của những người nhập viện, những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 thì thường bị viêm phổi nặng và cần được đặt nội khí quản; trong khi những người tiêm đủ hai liều hoặc thậm chí mới tiêm thì chỉ bị triệu chứng nhẹ giống cúm, hầu hết được xuất viện chỉ sau vài ngày.
Với thực tế Omicron lây lan mạnh khiến nhiều người nhiễm và nhập viện nhưng con số tử vong không nhiều như đợt dịch năm ngoái, nhiều bang ở Mỹ đã tính lại chiến lược chống dịch cho phù hợp với tình hình mới.
Để giải quyết tình trạng nhân viên y tế phải cách ly vì COVID-19, cơ quan y tế một số nơi tại Mỹ cho phép nhân viên y tế nhiễm bệnh vẫn được đi làm nếu không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Họ được yêu cầu mang khẩu trang N95 và được khuyến cáo điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 khác.
Nhiều bang đã cho tuyển thêm số lượng lớn nhân viên y tế để bù vào số nghỉ vì nhiễm bệnh. Chẳng hạn, bang Texas tuyển thêm 2.700 nhân viên, theo CNN. Bang Kentucky huy động vệ binh quốc gia hỗ trợ các bệnh viện.
Nhiều bang khôi phục quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín, đông người.
Một chiến lược mà các bang rất chú trọng là tăng tuyên truyền để người dân đi tiêm vaccine (chỉ mới 62% dân số được tiêm hai mũi, còn hơn 20% dân số không chịu đi tiêm). Một trong những cách tuyên truyền, như Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đưa dữ liệu nếu so với người đã tiêm chủng thì nguy cơ nhập viện của người chưa tiêm chủng cao hơn 17%.
Từ đầu tháng 1, Mỹ thực hiện quy định yêu cầu tất cả cơ sở sản xuất hay doanh nghiệp có ít nhất 100 nhân viên phải tiêm vaccine cho nhân viên và những ai không muốn tiêm vaccine phải đưa ra kết quả xét nghiệm hằng tuần.
Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm Mỹ - TS Anthony Fauci mới đây đã khẳng định dù số ca nhiễm và nhập viện do Omicron gây ra tăng cao kỷ lục, Mỹ đang tiến gần đến ngưỡng chuyển sang sống chung với đại dịch và có thể bắt đầu xem đây là một dịch bệnh có thể kiểm soát được. Theo hãng tin AP Nghiên cứu mới so sánh người nhiễm Omicron và người nhiễm Delta Đài CNBC ngày 12-1 đưa tin một nghiên cứu sơ bộ thực hiện trên gần 70.000 người nhiễm COVID-19 ở Mỹ cho thấy nguy cơ nhập viện và tử vong do Omicron giảm đáng kể so với người nhiễm biến thể khác như Delta. Cụ thể, nghiên cứu được một nhóm chuyên gia thuộc ĐH California (Mỹ), Công ty bảo hiểm y tế Kaiser Permanente (Mỹ) và CDC Mỹ thực hiện dựa trên dữ liệu từ hệ thống BV Kaiser Permanente ở bang California. Theo đó, người nhiễm Omicron giảm một nửa khả năng phải nhập viện, ít hơn khoảng 75% khả năng cần chăm sóc đặc biệt và ít hơn khoảng 90% khả năng tử vong so với những người nhiễm biến thể Delta. Trong khoảng 52.000 người bị nhiễm Omicron trong nghiên cứu, không ai phải thở máy, so với 11 người phải thở máy trong 17.000 người nhiễm Delta. Thời gian nằm viện trung bình của người nhiễm Omicron là 1,5 ngày trong khi người nhiễm Delta là năm ngày. 90% bệnh nhân Omicron được xuất viện sau ba ngày hoặc ít hơn. |
Giám đốc Trung tâm Phòng thí nghiệm lâm sàng Kingmed Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, vừa bị cảnh sát địa phương...
Nguồn: [Link nguồn]