Nhiệm kỳ chủ tịch EU của Hungary ảnh hưởng thế nào tới châu Âu

Nhiều người lo ngại Hungary có thể tác động tới quyết sách của EU trong 6 tháng nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên, song thực tế có thể ngược lại.

Hungary ngày 1/7 đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu (EU), giữ vai trò định hình chương trình nghị sự của khối trong 6 tháng tới, trước khi chuyển giao cho Ba Lan vào ngày 1/1/2025.

Chức chủ tịch Hội đồng EU được các nước thành viên luân phiên nắm giữ, nhưng động thái lần này gây chú ý bởi Hungary dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Viktor Orban trong những năm qua có xu hướng đi ngược lại dòng chảy chung của EU, thậm chí là cản trở các quyết sách lớn của khối.

Điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại kịch bản Hungary có thể tận dụng tối đa 6 tháng nhiệm kỳ chủ tịch EU để gây thêm khó khăn cho các chương trình nghị sự của liên minh.

Thủ tướng Orban trở thành tâm điểm chú ý vào thời điểm các đảng cực hữu ở châu Âu đang trỗi dậy trong những cuộc bầu cử gần đây ở châu lục. Bên kia bờ Đại Tây Dương, khả năng cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, người theo chủ nghĩa dân túy, trở lại Nhà Trắng cũng đang lớn dần.

Giới quan sát cho rằng Thủ tướng Hungary có mối gắn kết mạnh mẽ với phong trào chính trị của Trump và dường như đang tận dụng thời điểm này để gửi thông điệp tới những người cánh hữu ở cả hai bờ Đại Tây Dương: chúng ta đang chung thuyền và đang thắng thế.

"Lực lượng bảo thủ quốc gia, theo đuổi chủ nghĩa chủ quyền và Kito giáo đang trỗi dậy trên khắp châu Âu. Chúng tôi là cơn ác mộng tồi tệ với bộ máy quan liêu của Brussels", ông Orban viết trên mạng xã hội X hồi đầu năm. "Làm cho châu Âu vĩ đại trở lại (MEGA) là một phiên bản của Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại (MAGA - khẩu hiệu tranh cử nổi tiếng của ông Trump), chỉ khác là không có những chiếc mũ đỏ".

Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Brussels, Bỉ, hôm 14/12/2023. Ảnh: AFP

Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Brussels, Bỉ, hôm 14/12/2023. Ảnh: AFP

Ông Orban và EU nhiều năm qua có mối quan hệ "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt", nhưng ông đặc biệt khiến các lãnh đạo liên minh ở Brussels thấy khó chịu khi sử dụng quyền phủ quyết viện trợ tài chính cho Ukraine làm đòn bẩy để ép EU phải giải ngân hàng tỷ USD hỗ trợ Hungary.

Daniel Freund, nghị sĩ người Đức tại Nghị viện châu Âu và là tiếng nói chỉ trích gay gắt Thủ tướng Orban, gần đây viết thư kêu gọi đình chỉ vai trò chủ tịch luân phiên của Hungary vì những lý do này.

"Đã đến lúc EU đứng lên chống lại một thành viên luôn đi ngược nguyên tắc và giá trị cơ bản nhất của châu Âu chúng ta", ông viết. "Hungary hiện tại không đáp ứng các tiêu chí thành viên EU, do đó họ không được phép đại diện cho liên minh".

Từ khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine cuối tháng 2/2022, EU bắt đầu coi Hungary là một "đồng minh nhiều rắc rối", khi thể hiện quan điểm thân thiện với Moskva và phản đối nỗ lực hỗ trợ quân sự cho Kiev, cũng như không tuân thủ các tiêu chuẩn về pháp quyền của khối. Tòa Công lý châu Âu hồi giữa tháng 6 quyết định phạt Hungary 200 triệu euro vì không thực thi luật tị nạn của EU, động thái Budapest chỉ trích là "không thể chấp nhận được".

Thủ tướng Orban nhiều lần chỉ trích EU "lạm quyền" và tìm cách xây dựng một "Hợp chúng quốc châu Âu", khiến khoảng cách về văn hóa ngày càng gia tăng giữa Tây Âu và Đông Âu. Tuy nhiên, ông bác bỏ khả năng rút khỏi liên minh, lập luận rằng Hungary có lợi ích khi là thành viên EU.

Theo các nhà phân tích, khi nắm ghế chủ tịch EU, Hungary nhiều khả năng sẽ không thay đổi lập trường của mình, nhưng sẽ phải tìm ra cách để cân bằng giữa việc chỉ trích EU với tận dụng vị thế chủ tịch để thúc đẩy lợi ích của mình.

Trong cuộc họp báo về nhiệm kỳ chủ tịch của Hungary, Zoltan Kovacks, phát ngôn viên của ông Orban, cho biết mục tiêu của họ là "tạo thay đổi ở Brussels". Tuy nhiên, các nhà quan sát hoài nghi việc Hungary có thể tạo ra thay đổi thực sự với châu Âu, bởi quyền lực hạn chế của ghế chủ tịch EU cũng như bản chất tình hình chính trị hiện nay.

Hội đồng EU là một trong ba tổ chức chủ chốt của liên minh và thường nhóm họp các bộ trưởng của 27 quốc gia thành viên để phê duyệt dự luật mà Ủy ban châu Âu đề xuất.

Chủ tịch Hội đồng có thể phác thảo chương trình nghị sự trong 6 tháng nhiệm kỳ, đồng thời chủ trì hầu hết các cuộc họp cấp bộ trưởng, thúc đẩy thông qua các dự luật và đại diện cho cơ quan này trong các cuộc thảo luận với Nghị viện châu Âu và Ủy ban châu Âu.

Hiệp ước Lisbon năm 2009 đã tước bỏ nhiều vai trò của vị trí chủ tịch luân phiên Hội đồng EU. Vai trò chủ trì và điều hành Hội đồng EU được giao cho Chủ tịch Hội đồng có nhiệm kỳ 2,5 năm, hiện do ông Charles Michel nắm giữ. EU năm 2009 cũng bổ nhiệm vị trí Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại, đại diện cho EU về các hoạt động ngoài khối và chủ trì các cuộc họp với ngoại trưởng các nước thành viên.

Do vậy, ghế chủ tịch luân phiên không thực sự nắm giữ quyền lực mang tính quyết định trong khối. Dorka Takacsy, thành viên trung tâm Hội nhập và Dân chủ châu Âu - Đại Tây Dương cũng như Quỹ German Marshall, cho rằng chủ tịch luân phiên chỉ là "vai trò trên lý thuyết" mà một quốc gia thường sử dụng để "quảng bá bản thân".

Giới quan sát cũng cho rằng Hungary không nhất thiết phải tìm cách gây rắc rối cho nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của họ. Các nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết giới chức Hungary đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho vai trò này.

Trước khi đảm nhận nhiệm kỳ, các nhà ngoại giao Hungary ở Brussels đã đưa ra chương trình nghị sự có vẻ tương đối chính thống, gồm kiềm chế nhập cư, cải thiện khả năng cạnh tranh và củng cố năng lực quốc phòng của liên minh.

Thủ tướng Orban và Tổng thống Zelensky trong cuộc họp báo chung tại Kiev hôm 2/7. Ảnh: AFP

Thủ tướng Orban và Tổng thống Zelensky trong cuộc họp báo chung tại Kiev hôm 2/7. Ảnh: AFP

Ukraine cũng có thể không cần quá lo lắng với nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Hungary, bởi Bỉ trước đó đã cố gắng hoàn tất mọi thứ để đảm bảo sự hỗ trợ cho Kiev tiếp tục được duy trì trong thời gian tới. EU đã chính thức khởi động đàm phán gia nhập với Ukraine và Moldova ngày 25/6, thông qua gói trừng phạt thứ 14 với Nga một ngày trước đó. Ukraine và EU cũng đã cố gắng hoàn tất thỏa thuận an ninh song phương trong tháng 6, trước khi Hungary tiếp quản ghế chủ tịch.

Phát biểu trước công chúng Ukraine khi lần đầu thăm Kiev kể từ khi chiến sự bùng phát, Thủ tướng Orban cũng cam kết hỗ trợ Ukraine "mọi thứ có thể" trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của EU.

Chuyên gia Takacsy cảnh báo Budapest vẫn có thể đưa ra lập trường đối đầu liên quan tới vấn đề Ukraine như trước, song họ khó có thể thực hiện những hành động "gây thiệt hại không thể cứu vãn" với tư cách chủ tịch luân phiên Hội đồng EU.

Ngoài ra, giới quan sát cho rằng Hungary tiếp quản vị trí chủ tịch luân phiên vài tuần sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, điều đó đồng nghĩa bất kỳ công việc nào về lập pháp cũng sẽ phải chờ đợi tới sau khi thành lập xong Ủy ban châu Âu mới. Tuy nhiên, nước chủ tịch luân phiên thường không có tiếng nói trong các cuộc đàm phán thành phần ủy ban.

Cơ quan hành pháp của EU, cũng là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm về các sáng kiến lập pháp, có thể mất nhiều tháng để thành lập, theo đó làm giảm khả năng Hungary có thể can thiệp vào quá trình lập pháp của khối.

"Ngay cả khi Hungary muốn ngăn chặn mọi thứ hoặc định hướng các cuộc thảo luận theo cách này hay cách khác, họ sẽ không có nhiều không gian để can thiệp vào quá trình lập pháp của EU", Eric Maurice, nhà phân tích chính sách tại tổ chức Trung tâm Chính sách châu Âu ở Brussels, nói.

Thủ tướng Hungary – ông Viktor Orban – lần đầu tới thăm Kiev kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Lâm (Washington Post, Kiyv Independent, Spectator) ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN