Nhiễm COVID-19 sau khi tiêm chủng không có nghĩa vaccine không hiệu quả
Các loại vaccine hiện tại có thể không loại trừ hoàn toàn nguy cơ bị lây nhiễm, nhưng có hiệu quả rất cao trong việc ngừa bệnh tiến triển nặng phải nhập viện hay tử vong.
Ngày 17-8, GS Leo Yee Sin - Giám đốc điều hành Trung tâm Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm (NCID) của Singapore - cho biết việc bị nhiễm COVID-19 sau khi tiêm chủng không có nghĩa là vaccine không hiệu quả, kênh Channel News Asia đưa tin.
GS Leo đưa ra nhận định trên sau khi phát hiện một số người ở Singapore đã được tiêm chủng đầy đủ nhưng lại nhiễm COVID-19.
Vaccine giúp ngăn bệnh trở nặng và giảm khả năng lây lan của virus
Trong một cuộc phỏng vấn với Channel News Asia, GS Leo cho biết rằng hơn 75% dân số Singapore (hơn 4 triệu người) đã được tiêm chủng đầy đủ. Trong đó, chỉ có hơn 1.000 trường hợp nhiễm COVID-19 sau khi tiêm chủng - chiếm tỉ lệ rất nhỏ.
Theo GS Leo, những quan điểm cho rằng vaccine ngừa COVID-19 không còn hiệu quả trong việc bảo vệ chúng ta khỏi virus SARS-CoV-2 là “hoàn toàn không đúng”, kể cả đối với biến thể Delta. Theo đó, bà cho biết vaccine có hiệu quả “rất tốt trong việc ngăn ngừa bệnh trở nặng".
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược Sinipharm (Trung Quốc) - một trong số những vaccine được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp. Ảnh: YICAI GLOBAL
Bà cho biết thêm rằng trong số các trường hợp nhiễm COVID-19 sau tiêm chủng, phần lớn các trường hợp chỉ có một vài triệu chứng nhẹ do bệnh không tiến triển thêm.
GS cho biết vaccine cũng có thể ngăn ngừa việc nhiễm COVID-19 ở một mức độ nhất định, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng một số nghiên cứu trong phạm vi hộ gia đình cho thấy hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh lên đến khoảng 60%.
“Nói cách khác, ngay cả sau khi tiêm chủng, một người vẫn có thể bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, khả năng bệnh tình của họ trở nặng sẽ giảm đáng kể vì được vaccine bảo vệ" - GS Leo nhận định.
Theo GS Leo, bằng một cách nào đó, vaccine cũng làm giảm khả năng lây lan của virus SARS-CoV-2.
Bà trích dẫn cách các nghiên cứu địa phương chỉ ra rằng những người nhiễm bệnh, dù được tiêm chủng hay không, đều tiết ra “một lượng lớn virus trong dịch tiết thông qua đường hô hấp trong giai đoạn đầu nhiễm bệnh”.
Tuy nhiên, bà cho biết, những người được tiêm chủng có khả năng kiểm soát virus tốt hơn nhiều, do đó có thể hạn chế được sự lây lan của virus.
Bà kêu gọi mọi người nên tiêm vaccine ngừa COVID-19, vì đó là “cách tốt nhất để chúng ta bảo vệ mọi người trong cộng đồng, cũng như để bảo vệ người già và những người dễ bị tổn thương”.
Không hiệu quả 100%, nhưng là nhân tố đặc biệt quan trọng
Theo GS Leo, “không có vaccine nào hiệu quả 100%” cả, nhưng chúng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ mỗi cá nhân, bảo vệ người thân, những người xung quanh chúng ta và bảo vệ toàn bộ cộng đồng.
Tuy nhiên, bà nói rằng vaccine cũng không phải là biện pháp duy nhất trong cuộc chiến chống COVID-19. Bà lưu ý rằng dù đã tiêm vaccine, chúng ta vẫn nên tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp chống dịch để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và đảm bảo tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội.
Khi được hỏi liệu có cần phải tiêm mũi vaccine tăng cường lúc này để duy trì hiệu quả của vaccine trong việc bảo vệ con người khỏi virus hay không, GS Leo cho biết vẫn “không có câu trả lời chắc chắn vào thời điểm này”.
Theo bà, sự cần thiết của việc triển khai tiêm liều tăng cường vẫn còn nhiều yếu tố phải được nghiên cứu thêm, chẳng hạn như “độ bền” của vaccine và liệu mũi tiêm thứ ba có giúp tăng cường khả năng bảo vệ khỏi virus hay không.
Gần đây, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã cấp phép tiêm liều tăng cường cho những người suy giảm miễn dịch, như những bệnh nhân ghép tạng hay những bệnh nhân ung thư. Theo CDC, những người này chỉ chiếm 3% dân số Mỹ nhưng lại chiếm tới 44% số ca nhập viện vì COVID-19 dù đã tiêm đủ 2 liều vaccine.
Các quốc gia như Đức và Pháp cho biết sẽ triển khai tiêm mũi thứ ba cho người cao tuổi và nhóm dễ bị tổn thương vào đầu tháng 9. Tháng trước, Israel cũng đã triển khai tiêm liều tăng cường cho người bị suy giảm miễn dịch.
Nguồn: [Link nguồn]
Ông lão 70 tuổi đã chuyển vào sống trong hang động được 20 năm. Trong một lần xuống núi, ông biết thế giới đang bị...